Gian nan chinh phục cực Tây của Tổ quốc
Trong bốn cực của lãnh thổ Việt Nam, cực Tây A Pa Chải nằm trong địa phận tỉnh Điện Biên được xem là điểm khó chinh phục nhất. Để đến được vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc phải đi xe máy quãng đường dài hơn 500 km rồi leo tiếp 10 km nữa mới đến nơi. Vất vả là thế, nhưng đến được cột mốc A Pa Chải là niềm tự hào vô cùng.
Đường lên A Pa Chải xuyên đồi xuyên núi,
nếu không có người dẫn đường, bạn sẽ bị lạc.
Hầu như ai đến đây cũng xin ngủ nhờ lại tại Sín Thầu hoặc đồn biên phòng. Chúng tôi ngủ lại nhà người trưởng bản Sín Thầu trong thiếu thốn, cánh con trai nằm dưới đất còn ba cô con gái xoay ngang trên một chiếc giường đơn. Hôm nay, không hẹn mà gặp, có 3 nhóm cũng đã lên đến Sín Thầu, chờ ngày mai chinh phục cột mốc như lũ chúng tôi.Từ Sín Thầu đến Tà Miếu, bản gần chân cột mốc nhất còn vài km, tuy không dài nhưng cũng vất vả vì đường rất nhỏ hẹp, chạy qua nhiều đoạn chênh vênh vực núi và dốc cao dựng đứng. Chúng tôi để gọn những chiếc xe trong hiên nhà trưởng bản Mã Gio Tư, xốc lại đống đồ mang theo gồm đồ ăn và nước uống, hùng dũng lên đường dưới sự chỉ dẫn của hai anh lính đồn biên phòng A Pa Chải.
Con đường đi bộ dài quãng hơn 10 km cứ dài mãi và dốc lên. Có những đoạn đi hoàn toàn trong những bụi cỏ um tùm, lần theo vết đường mòn mà bước. Vượt qua 3 quả đồi, nguồn nước mang theo đã bắt đầu cạn dần và hơi thở gấp gáp. Thi thoảng trên đường bắt gặt những vạt hoa ngũ sắc và dương xỉ rậm rạp.
Hãy mang theo nhiều nước uống khi chinh phục cực Tây.
Khi chúng tôi đã thấm mệt thì đoạn đường đột ngột chuyển từ những cánh đồng với ánh nắng chan hòa trên đầu thành đường mòn đi xuyên qua những cánh rừng. Cây cối đan cành vào nhau, những chiếc lá ải mục ngập dưới chân và nắng không xuyên qua được khiến khu rừng u tối và sẫm màu. Một bữa ăn trưa nhanh gọn được diễn ra giữa rừng già, những chiếc bình đã đựng đầy nước suối, quãng hành trình lại tiếp tục. Mất thêm gần 2 tiếng nữa trong quãng đường rừng ngoằn ngoèo.
Chúng tôi chạm mốc 0 khi đã mệt nhoài nhưng niềm vui hoan hỉ và tự hào trên từng nét mặt. Vậy là sau 3 ngày đi đường, vượt qua hàng trăm km đường và 5 tiếng leo núi, chuyến chinh phục Cực Tây – điểm cực khó khăn nhất của Tổ quốc đã được hoàn thành.
Cơn gió mát từ đất nước bạn Lào xoá tan đi những mệt nhọc. Phía đất bạn không có đường lên cột mốc, phía Trung Quốc xây bậc cầu thang đẹp đẽ, đường từ đất Việt sang là con đường mòn nhỏ. Không chỉ tự hào vì đã đặt chân được đến với cực, tôi còn thấy vui hơn gấp bội vì đã biết đến thêm một vùng đất xa xôi mà rất ít có cơ hội đến được.
Những cái tên Mường Tè, Chà Cang, Mường Nhé, Sín Thầu… vốn từ lâu chỉ biết đến trên bản đồ giờ đã được chúng tôi đặt chân đến tận nơi, tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân ở vùng núi xa xôi hẻo lánh này.
Cột mốc A Pa Chải được khẳng định vào năm 2005 và là điểm cực đặc biệt vì nằm giữa ngã ba biên giới Việt - Lào – Trung (ngã ba còn lại là ngã ba Đông Dương thuộc địa phận huyện Pleikan (Ngọc Hồi), thị xã Kon Tum). Cột mốc huyền thoại này được giới trẻ ưa thích khám phá chọn là điểm để chinh phục trong 2 năm gần đây và là niềm tự hào của tất cả những ai từng đến.
Bài và ảnh: Lam Linh
Tin liên quan
Nơi một con gà gáy 3 nước cùng nghe (23/11)
Phiên chợ nguyên sơ ở vùng cao Bắc Hà (14/1)
Độc đáo ngày Tết của các dân tộc vùng cao (1/2)
Mũi Sa Vĩ, cực Đông miền Bắc (21/12)
Cột đá Totem Pole, thử thách của các nhà leo núi (14/1)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét