Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

Ý da, ăn Tết

Ý da, ăn Tết
Hoàng Thị Đáo Tiệp ( 23.01.2014): Phải lúc tôi đang trong tiệm nhưng lại…ngắm trời hiu quạnh chờ cô khách hẹn đến cho mình phục vụ để kiếm tí tiền còm trong cái ngày ế ẩm tang thương: thì mừng được chị bạn ghé thăm. Chị ném cái túi xách tay ra góc ghế, buộc miệng than:
-Í da! Chẳng biết làm món gì để sẽ ăn Tết đây nữa?!
Tôi buồn cười ngó chị bạn mình! “Chẳng biết làm món gì” tức là chị biết có nhiều món ngon lắm để sẽ làm ăn Tết! Nhưng, chị cũng có luôn cái “bất ổn” là sợ ăn vào thì bị bệnh nên mới phải đắn đo nghĩ ngợi đến… khổ lòng! Mà chị cũng… thiệt tình là khéo lo xa! Chị “ăn ở không cà nhỏng” nên mới có hôm nay- còn phải hơn cả tháng nữa mới Tết- mà đã vội lo tính đến chuyện ăn Tết!

Còn tôi việc tiệm, việc nhà và đủ thứ việc không tên cứ xoay mình như cái vụ thành thử phải đến cận ngày Tết cơ, tôi mới sẽ xem coi nấu nướng những món gì ăn Tết. Nhưng, tôi cũng cám ơn chị lắm! Nhờ chị khéo lo xa nên năm nào tôi cũng được chị biếu cho mấy hộp dưa chua ăn Tết… Và để ủi an cho nỗi lo nghĩ của chị bạn mình, tôi đáp:

-Thì má nó vừa mới nói là món “ý da”rồi đó! Má nó tính hay đấy nhen! Làm chỉ nội cái món “ý da” thôi, thì sẽ tha hồ mà ăn cái Tết linh đình, ngon đã đời và vui tưng bừng nữa! Và như vậy thì chữ “í” nếu mà viết:phải là “ý” y-cà-rét nhé!

- Ừ! Cà-rét, cà run, cà rụt, cà rùng, cà tưng, cà tửng… gì cũng ok hết! Bà khùng! Xúi quẩy vớ vẩn không! Đây làm gì có tính như vậy?! Bà nghĩ ở đâu ra cái món “ý da” để khéo vẽ chuyện thế?!

Tôi cười:

- Chẳng vẽ chuyện, cũng chẳng có phải nghĩ ở đâu ra hết, mà nghĩ ở trong chính cái câu má nó vừa mới thốt ra đấy thôi! Má nó quên rằng tui là thành viên trong ban “nấu bếp” của tòa báo Mẹ rồi sao?! Tháng tháng tui có bổn phận trình làng món ăn mình cùng với quý bạn đọc: mà “chất liệu” để nấu thì quý linh mục Chủ Nhiệm Chủ Bút thường chỉ có ban cho ngắn gọn mấy chữ thôi. Cho nên cái câu má nó nói vì còn phải tả oán nữa nên mới như vậy. Mà với cái nhìn của tui là người nấu bếp thì chỉ có cần đặt trọng tâm vào bốn chữ “ý da ăn Tết” . Vì cũng như má nó vẫn thường nói “bánh chưng ăn Tết”, “thịt kho ăn Tết”, “mứt gừng ăn Tết”, “dưa chua ăn Tết”, “ dưa món ăn Tết”…vậy thôi. Do đó má nó muốn ăn Tết với món “ý da” thì nếu cần “đặt hàng”:tui sẽ nấu nướng đúng yêu cầu! Còn nếu như má nó không đặt hàng mà do tin tưởng tui có nghề nấu bếp, thèm ăn Tết với món “ý da” muốn vấn ý tui để nấu thì tui sẵn sàng.

Chị bạn tôi cười lăn, mà vẻ không tin:

-Được rồi! Coi như mình muốn làm món “ý da” ăn Tết nên vấn ý bà đấy! Vậy thì chất liệu, cách làm: mau bày cho biết đi nào? Bà mà “ú ớ” thì đừng hòng Tết năm nay được ăn dưa chua của mình!

-Còn nếu tui bày được cho má nó làm cách ngon lành thì sao?

-Thì mình mỗi năm mỗi có lễ Tết cho bà món dưa chua!

-Rằng thì là tui tốn nước bọt với toi công mà mèo vẫn hoàn mèo?! Nhưng được, tui cũng sẵn sàng luôn!

Và tôi lo bày cho chị bạn vì thấy cũng sắp tới giờ cô khách hẹn mình đến:

- Đây nhé, chất liệu để làm món “ý da” ăn Tết là đã sẵn trong cái ngữ “ý da” mà má nó đã buộc miệng thốt lên đấy! Tức gồm có “ý” với có “da”. “Ý” là má nó muốn ăn Tết theo ý của ai vì ý của chính bản thân thì má nó phân vân lưỡng lự không biết sẽ làm món nào để ăn Tết! Nên má nó cần phải nghĩ xem là ăn tết theo ý của chồng, của con, hay của ông bà mình ? Nếu theo ý của ông bà mình thì má nó hãy làm các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét, thịt kho, dưa giá, khổ qua hầm…Còn theo ý của chồng con thì hãy hỏi chồng con xem ai muốn ăn món nào là làm cho món đó. Chẳng hạn như ý của chồng muốn ăn tiết canh, nem nướng… Ý của đàn con thì cháu nầy muốn ăn cari, chả giò; cháu nọ muốn ăn bánh xèo, phở; cháu kia muốn ăn lẩu đồ biển, bò nhúng giấm cuốn rau thơm bánh tráng chấm mắm nêm…. Đấy, thấy nhẹ nhàng và dễ dàng không? Má nó đâu có phải nhọc tâm để mà nghĩ ngợi là sẽ làm món gì! Má nó chỉ cần làm ngần ấy các món ăn theo ý của từng người trong gia đình: thì bàn tiệc Tết sẽ linh đình phải biết! Còn “da” thì đã sẵn các món có da họ bán như cá chiên, bê thui, vịt quay, heo quay, gà quay, chim cút quay, bánh da lợn đậu xanh….. Má nó chỉ có việc phóng xe cái vèo ra chợ: rước thêm về là bàn tiệc Tết của gia đình sẽ vô cùng phong phú các món cho mà ăn mệt nghỉ!

-Ăn cho chóng xuống huyệt thì có, chớ được mệt nghỉ thôi đã tốt!

Chị bạn phán như thế rồi cười dễ dãi:

- Kể ra thì cái món “ý da” cũng hay đấy nhé và không ngờ chính mình lại là tác giả mà mình không biết! Mình ngỡ rằng bà phịa ra món vớ vẩn nào đâu: không phải gió thì cũng cà chớn cà chua gì đấy ăn sao được!

Rồi chị hỏi tôi:

-Thế bà có ăn Tết với món “ý da” của mình chứ?

Coi đó chị nhận là món của chị! Tôi nói:

- Dĩ nhiên là có! Mà tui năm nào cũng ăn Tết với món “ý da”vừa theo truyền thống của ông bà và vừa kết hợp với ý của tui luôn!

Chị bạn bảo tôi kể chị nghe cụ thể cách thức kết hợp nên tôi cũng mau mắn kể luôn…

…. Kể rằng thường năm, cứ Tết đến tôi hay gói bánh tét nhân đậu xanh thịt: mà thịt thì phải có da có mỡ. Tôi làm nồi thịt kho trứng: mà thịt dĩ nhiên cũng phải có da có mỡ. Tôi hầm nồi khổ qua và có khi còn “đèo bồng”cho thêm vào trong đó mấy cái móng giò heo mình đã luộc mềm sẵn đâu đấy, để cũng được ăn có da có mỡ mà với vị đắng đắng nhẩn nhẩn của khổ qua: như thề là mình thèm được nuốt trôi qua hết mọi đắng cay của trọn một năm mới cách ngon lành, trơn tuột vậy…

Chị bạn tròn đôi con mắt và lắc đầu: ăn thế có mà chết sớm! Tôi xin chị đừng có hoảng, hãy để tôi giải thích tại sao tôi cứ muốn ăn thịt là phải có da có mỡ?! Vì ý của tôi: đấy mới là mình …ăn Tết! Ăn Tết thì phải đặc biệt hơn ăn ngày thường, nên hễ ăn thịt là phải thịt “có da có mỡ”. Chớ ngày Tết mình ăn thịt cũng vẫn cứ loại thịt nạc “khổ hạnh” chẳng dám dính béng tí da tí mỡ như các ngày thường: thì đâu có phải là mình …ăn Tết!

Chung quy cũng do tôi bị cái bệnh cao mỡ trong máu( high cholesterol)nên ăn uống phải kiêng khem! Quanh năm suốt tháng, các loại hải sản như tôm, sò, cua, mực, lobster, scallop…tôi được khuyến cáo là chớ có dại mà rước vô bao tử! Còn thịt thì chỉ nên ăn thịt trắng như thịt gà mà phải ăn toàn thịt nạc thôi! Thịt đỏ như thịt bò, thịt heo ăn càng ít càng tốt và nếu có ăn thì chỉ ăn miếng thịt nạc “trần trụi” không dính béng chút mỡ chút da nào!

Và vì cứ phải kiêng khem mãi nên tôi cũng hay bị thèm ăn các thứ đó lắm! Thèm mà chẳng mấy khi tự mình dám mua về ăn vì biết nó độc hại nên không dại! Nhưng, có ai nấu sẵn biếu cho, hay mời đến nhà dùng bữa, hoặc trong những dịp tiệc tùng, cưới hỏi có đãi những món đó…là tôi tự cho phép mình ăn uống thoải mái chớ chẳng kiêng cử chi hết: vì… ai sao mình vậy mới là không dại! 

Rồi đặc biệt mỗi năm mỗi dịpTết về, tôi “gan trời”sao mà dám dại dột bỏ qua những món ăn vui xuân đón Tết đã có trong truyền thống của dân tộc mình, nhất là hễ sành ăn thì ăn thịt phải là thịt có mỡ như câu thơ xưa lưu lại: “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ…”. Bởi thịt mỡ thì ăn mới ngon chớ thịt nạc ăn khô khốc, xảm xì chán lắm! Hơn nữa tôi nghĩ biết đâu ông bà mình ăn thịt mỡ dịp đầu năm ắt quý cụ cũng có cái ý tự nhắc nhở mình và cũng nhân đấy truyền lại cho con cháu hãy nên sống cuộc sống mở lòng, mở trí, mở rộng vòng tay… trong suốt cả năm. Chớ ănthịt nạc thì không khéo lại thích bắt nạt người ta…

Chị bạn quặp ra cười và chỉ chỏ ngón tay trỏ vô mặt tôi để muốn…khen sao đó nhưng vẫn bị cái cười áp đảo, làm chị cứ phải ôm bụng mà cười! Cười té cả ho và té gì nữa không biết nên thấy chị bỏ chạy vô trong!Cô khách hẹn của tôi đến, tôi lo phục vụ. Một thoáng sau, chị đi ra và ngang qua chỗ tôi, tôi nghe chị khe khẻ rủa mình:

-Mắc dịch bà! Chọc người ta cười đau cái bụng!

Và chị quơ lấy túi xách tay, vừa bước ra cửa vừa nói với vào:

-Người ta cũng không có dại nữa! Đi chợ đây! Sẽ nấu bún bò Huế có cả móng giò heo, mai đem đến cho bà ăn Tết sớm!

Tôi hiểu là chị đang bị thèm ăn thịt có da có mỡ! Thì cũng như tôi và như mọi người có tuổi khác: chị phải cái bệnh có mỡ trong máu chớ đâu được ngoại lệ! Nhưng, bao năm nay chị cứ dứt khoát cử kiêng triệt để chớ không như tôi!

Tôi cũng nói với ra:

-Vậy mà giấu nhen! Má nó có cái món “ý da” của má nó muốn ănTết là bún bò Huế móng giò heo!

Và tôi xin phép cô khách cho mình được chạy ra với chị bạn một tí.Tôi muốn kíp báo chị “cặn kẽ” một tin vui thì mới mong thuyết phục được chị vì… e dũng chí “không dại” của chị có thể “bị xìu”, mình cũng bị hụt ăn món bún bò Huế chị nấu ngon lắm…

Tôi báo chị rằng tôi vừa mới thử máu xong, kết quả quá ư là tuyệt: “Your cholesterols are great. Keep up the good work”. ( trước đây tôi thử máu không bao giờ được kết quả là “great”, mà luôn bị “still high” hoặc “better”). Được kết quả quá tuyệt vậy, nhờ tôi có uống thêm nước trái lựu. Chớ trước đây tôi chỉ uống “trơ” mỗi một loại thuốc trị cao mỡ của bác sĩ cho thôi, nên dẫu ăn uống kiêng khem nhưng bệnh cũng cứ giẫm chân tại chỗ! Còn mới đây, tôi vừa đang có uống thêm nước trái lựu mà cũng vừa “liều mạng” ăn cả một hộp cua xào me của cô bạn làm, biếu cho! Vậy mà mấy hôm sau tôi đi thử máu: kết quả lại được quá tốt! 

Thật ra trước đây đã có cô bạn nhà trồng lựu và cứ mỗi dịp mùa đông thì lựu chín, cô hái cả một bọc to đem cho, bảo tôi ráng chịu khó ăn: vì trái lựu là thần dược chữa bệnh cao mỡ. Nễ cô, tôi nhận chớ không ăn, bởi nó toàn hột, ăn đã chẳng ngon còn làm văng bẩn như thể bị dính máu! Dịp tình cờ tôi ghé chị bạn, thấy chị được người giúp việc biết thuốc nam đang bổ cả thau trái lựu ra lấy hột. Sau đó cho vào máy xay sinh tố xay sơ qua, rồi lọc lấy nước cốt cho vào chai bảo rằng cất vô tủ lạnh dành đấy, sau mỗi bữa ăn cho chị uống vài muỗng và lâu dài sẽ chữa lành được bệnh cao mỡ của chị. Mà chị bạn tôi cả chồng với con trai đều là bác sĩ nên thuốc Tây thuốc Mỹ không thiếu. 

Thành thử chắc phải thế nào đấy, chồng con chị mới đồng ý cho chị uống nước trái lựu nên tôi tin, đi mua lựu về lọc lấy nước uống…Và trước kết quả thử máu hiển nhiên vậy, tôi nghĩ kể từ nay, cứ đến các tháng mùa Đông là mùa trái lựu, mình mua lựu về lọc lấy nước uống thì an tâm Tết nhất tha hồ ăn thoải mái các loại “của độc” chớ không tội chi kiêng cử mãi! Tôi lại còn được một anh bạn cho biết là ở chợ Cosco có bán nước lựu nên có thể mua uống quanh năm nếu như không có bệnh tiểu đường, vì nước lựu họ làm sẵn là luôn có pha đường. Tôi thì đâu có tiểu đường nên sẽ ung dung mà uống nước trái lựu quanh năm nếu cần.Và tôi “thúc” chị bạn mình thử uống nước trái lựu xem “có hạp” không, để có thể ăn các món bị thèm cho….mạnh miệng!

Tôi chờ chị bạn hôm sau rồi hôm sau nữa vẫn chẳng thấy, nên gọi để …động viên đừng hứa cuội mà tội nghiệp người chờ! Chị bảo hãy đợi tuần tới để xem uống nước lựu có hiệu quả không đã! Vì chị trót đã “nạp”cùng một lúc tới hai con cua vào bao tử! Mà cua thì tôi mới được thưởng thức rồi, chớ chị có cả ba năm nay chưa dám nếm đến! Nhất là xuống tới chợ, thấy cua hãy “sống nhăn” ngoe nguẩy trong hồ, thịt chắt nịt, giá bán lại chiều lòng người mua lắm, nên chị…đâu dám dại! Chị mua về, hấp lên, chấm muối tiêu chanh, ăn vã, ngon chưa từng!

Và chị tâm sự:

-Bởi vậy nghĩ mà thương cho biết bao người nghèo khổ bên quê nhà, ngày Tết thèm được ăn có chút chi món Tết theo ý họ thèm! Vì suốt tháng quanh năm vốn đã bị phải ăn khổ hạnh ngoài ý muốn rồi! Hy vọng bạn góp với mình để cùng an ủi họ, vì mình cũng đang kêu gọi các con…

Gì chớ việc nầy tôi có “lên chương trình” nên đã và đang tiến hành, dù là quá khiêm nhường! Được chị rủ nữa, tôi hoan hô cả hai tay:

-Vâng, cám ơn má nó cho dự phần! Nhưng, của ít lòng nhiều nhen!

Và rồi ngày Chuá nhật đến, tôi chọn đi Lễ ở nhà thờ Việt Nam để Lễ xong, tiện đường sẽ phóng đến chợ Á Đông mua vài con cua vì thấy bị …thèm cua hấp, chấm muối tiêu chanh ăn vã “ngon chưa từng” được chị bạn mình quảng cáo! Nhưng, tôi vừa bước vào hành lang nhà thờ thì được gặp cô bạn mà có cả bốn năm chưa gặp! Cô kém tôi chỉ mấy tuổi thôi, nhưng…ăn diện trẻ trung phong độ lắm!

Cô cười thật tươi, giới thiệu với tôi về người đàn ông đi bên cạnh cô:

- Ông xã em! Chúng em mới cưới nhau tháng trước! Coi như là năm nay em lấy chồng ăn Tết đó chị!

Tôi vui vẻ chào ông xã cô và mừng cho cô lắm! Cô kéo tôi đi xê ra khỏi ông xã tôi một tí và cô cũng thế, rồi cô nói khẽ vào tai tôi:

-Nhờ đi làm ăn xa một dạo nên em gặp ảnh đó chị! Vợ ảnh chết đã mười mấy năm mà ảnh vẫn ở vậy! Em lấy ảnh để vừa an ủi ảnh với vừa muốn mình phải dứt khoát trả chồng cho người ta kẻo tội lỗi lắm chị! Và chị ơi trong suốt hai mươi mấy năm bị rối của cuộc đời em, đây mới là năm đầu tiên em sẽ ăn cái Tết bình yên hạnh phúc: được giải thoát khỏi cảnh bị rối của đời mình!

Cô nói có bấy lời đấy thôi, tôi chưa kịp nói chi nhưng cả hai chúng tôi đều phải lo quay lại với ông xã mình để cùng hòa vào đoàn người đang tiến nhanh vào bên trong Thánh đường, vì đã đến giờ cử hành Thánh Lễ.

Lễ xong, tôi có ý tìm cô trong dòng người đông đảo tuôn ra về, mà cô vẫn “bóng chim tăm cá” chẳng thấy đâu!

Nhưng, phút gặp gỡ thoáng qua với cô gợi cho tôi nhiều suy nghĩ…Cảnh cô bị rối vì vợ chồng có đạo mà chồng chết sớm lúc chân ướt chân ráo mới vượt biển qua Mỹ nên cô bám vào một người đàn ông có vợ. Anh nầy giàu sụ, bao bọc cho ba mẹ con cô nào sắm cho nhà cao cửa rộng, nào cung phụng cho dồi dào tiền bạc ngồi không tiêu xài! Tuổi đời càng có thì cô cũng càng bị trăn trở, hồi tâm …nên lo học lấy một nghề để tự kiếm sống. Bước đầu thì cô không nhận đồng tiền của người chồng hờ nầy cấp dưởng cho nữa. Rồi sau đấy, khi tự mình tậu được gian nhà nho nhỏ để ba mẹ con có chỗ dung thân là cô kiên quyết trả lại ngôi nhà cao cửa rộng cho anh ấy. Dù vậy, cưới vợ gả chồng cho con đâu đấy mà chuyện tình cảm của cô và anh ấy vẫn chưa dứt được! Cô có cho tôi biết là cô định phải đi làmăn xa mới may ra! Và bẵng đi cũng có khoảng bốn năm không gặp, nay tôi được gặp lại cô…

Thú thật trước đây tôi vốn đã thấy nể cho dũng chí chừa sai sửa lỗi của cô lắm! Còn lúc nầy tôi không khỏi không cám ơn những lời cô khẽ nói với mình trong phút hội ngộ thoáng qua ấy! Vâng, đấy cũng là một ý thật hay về ăn Tết đáng cho mình nên học hỏi! Vì còn phải lo cho mình được tâm sạch lòng trong nữa: mới là ăn cái Tết an vui hạnh phúc trọn vẹn! Chớ lo nấu nướng món ăn ngon bằng thích cho mình và người thân, với dẫu có lòng hướng đến an ủi những người nghèo khổ …thì cũng vẫn chưa có phải là ăn cái Tết thật ý nghĩa lắm…

Hai hôm sau chi bạn ghé thăm, đem cho tôi tô bún bò Huế thơm phức vừa có thịt bò, thịt giò heo và nhất là có mấy cái móng giò heo. Vừa nhâm nhi thưởng thức tôi vừa kể chị nghe về chuyện của cô bạn nầy và kết luận:

-Má nó xem đấy! Người ta cũng “bà già” như chúng mình mà đáng nể như thế đó! Vì phải lo “tẩy độc” trong tâm tư lòng trí mới là ăn cái Tết an bình, hạnh phúc. Chúng mình thì đã dung túng cho đủ thứ rằng “quen mất nết đi rồi”đã ăn sâu trong trí trong tim, lại còn rủ nhau “nạp” đủ thứ “của độc” vào trong máu huyết vốn đã bệnh hoạn và được khuyến cáo là phải tránh, phải chừa….

Nhưng, chị bạn phán cho một câu và tôi thấy cũng hữu lý nữa:

- Thì đấy cũng vẫn là cô ấy ăn Tết với món “ý da”của cô muốn! Vì cô cũng bị thiếu da nên mới thèm ăn Tết được có cái mền da ủấm ! Còn chúng mình bị ăn uống kiêng khem nên thèm được ăn Tết có da có mỡ! Chắc chi da nào tốt da nào xấu và da nào là tránh khỏi được việc không có rước “của độc” vào thân mà má nó khéo nghĩ ngợi cho mất vui cái việc ăn Tết …

Hoàng Thị Đáo Tiệp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét