Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

Dưới luật

Dưới luật
Tất cả các “đỉnh cao trí tuệ” của đất nước họp lại để làm thế nào ra cho được cái “văn bản dưới luật” phù hợp lệnh Vua. Có những cái Hiến pháp quy định rồi nhưng chưa thực hiện được vì phải chờ Luật. Có những cái Luật quy định rồi, nhưng chưa thực hiện được, vì phải chờ văn bản “dưới luật”. Có những cái văn bản dưới luật quy định rồi, nhưng chưa thực hiện được, vì nó trái luật. Hoặc không thể thực hiện vì trái thực tiễn.
Nhưng khốn khổ nhất vẫn là cái anh “thực tiễn”: cứ phải ngồi chờ cái anh “dưới luật”, chẳng biết khi nào nó ló ra. Có người bảo đó là “đặc sản” Việt Nam, nơi có cả rừng luật. Chắc không phải. So với thế giới thì ta vẫn còn ít luật lắm, quá ít là đằng khác. Đã thành “rừng” thế nào được.

Cũng không phải chỉ ở “ta” mới phải có “dưới luật”. Cũng không phải chỉ ở ta mới khó làm văn bản “dưới luật” sao cho nó đừng trái luật. Cũng không phải chỉ đến bây giờ mới phải chờ anh “dưới luật”.

Ở đâu cũng có. Ngày xửa ngày xưa đã có. Xin kể chuyện này.

Một ông vua nọ lên ngôi, tuyên bố đại xá thiên hạ: bất kể anh tù nhân nào cũng được giảm một nửa thời hạn tù. Lệnh Vua ban rồi, các nhà tù lúng túng nhất với những cái án chung thân. Biết họ sống đến khi nào để cho ra tù trước “nửa thời hạn”? Mà lời Vua “nhất ngôn cửu đỉnh”, Vua không nói chơi, cũng không nói lại. Phải nghĩ cách thực hiện cho đúng.

Có vị đưa ra sáng kiến nên Xây dựng một Đề án cấp Nhà nước với mục tiêu kiểm tra sức khỏe, xác định và cấp giấy chứng nhận tuổi thọ cho từng anh, rồi theo đó mà bắt ở tù một nửa thời gian. Ý kiến này bị các bậc danh y phản đối dữ dội, vì khoa học hiện thời chưa có khả năng làm chuyện đó.

Một vị Hàn lâm đại học sĩ đưa ra ý tưởng rất hay: cứ cho anh ta ở ngoài một ngày, lại vào tù một ngày, cho đến khi chết! Nhưng có người phản bác lại: nếu ngày cuối cùng anh ta chết mà hai phần “ngoài tù, trong tù” không ngang nhau, thì hóa ra trái lệnh Vua ư? Ai dám mang tội khi quân?

Một cách mà thoạt tiên ai cũng thấy hợp lý: thiết kế cho anh ta cái xà lim sao cho nửa người trong tù, nửa người tự do! Lại nảy sinh vấn đề: nửa nào tự do đây? Nửa trái hay nửa phải, nửa trên hay nửa dưới? Cả Hội đồng Trí tuệ cãi nhau mãi, không sao quyết định được.

Trong khi Hội đồng đang bàn cãi thì mấy anh tù, trong trường hợp này chính là đại diện cho “thực tiễn”, đều hết sức thất vọng. Hóa ra họ chẳng được gì. Nếu nửa trên mà bị cầm tù thì nửa dưới có “tự do” được không? Mà nửa dưới đã ở trong tù thì “nửa trên” cũng nghĩ được gì khác?

Mấy nhà lý luận cao siêu hơn thì phân tích: mỗi người đều có hai phần, phần hồn và phần xác. Hay ta cứ cầm tù một phần của nó: hoặc cho phần xác tự do, nhưng cầm tù phần hồn; hoặc bắt nó ngồi tù, nhưng phần hồn thì… mặc kệ. Mỗi anh tù phải tự ý chọn thôi!

Cách này quả thật cao siêu, nhưng áp dụng vào thực tiễn cũng khó. Cầm tù phần xác thì dễ, chứ kiểm tra được cái phần hồn của nó đang ở đâu, khó lắm!

Nghe nói Hội đồng cân nhắc, cãi nhau mãi mà không có cái văn bản dưới luật nào ra được cả. Thành ra nhiều anh tù chung thân chết trong tù mà không kịp chờ để nhận ơn Vua.

Tất nhiên là khi lệnh Vua ban, họ đã tung hô rồi: “Thảo dân xin lĩnh chỉ, tạ ơn!”

Hà Huy Khoái
http://hahuykhoai.wordpress.com/2013/05/24/duoi-luat/


Hà Huy Khoái (sinh ngày 24 tháng 11 năm 1946) là Giáo sưTiến sỹ Khoa học ngành toán học của Việt Nam, cựu Viện trưởng Viện Toán học Việt NamViện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học các nước thế giới thứ ba. Lĩnh vực ông nghiên cứu chủ yếu là Lý thuyết Nevanlinna (p-adic và phức), không gian Hyperbolicxấp xỉ Diophantine và các L-hàm.
Ông sinh làng Thịnh Xá, xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1963, ông tốt nghiệp Trường Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, thành phố VinhNghệ An. Năm 1967, ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội chuyên ngành toán học. Ông bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1978 và là tiến sĩ khoa học năm 1984 tại Viện Toán họcViện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.
Ông được phong chức danh Phó giáo sư năm 1984 và Giáo sư năm 1991. Từ năm 2001-2007 ông là Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam. Năm 2004, ông được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học thế giới thứ ba. Ông còn là Phó chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, Ủy viên Họi đồng chức danh giáo sư Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành Toán (2009-2015), ủy viên Hội đông khoa học ngành Toán của Quỹ Nafosted.
GS Hà Huy Khoái là một nhà sư phạm có tài. Ông đã đào tạo ra nhiều học trò giỏi. Một trong số những học trò thành danh của ông là PGS.TS. Tạ Thị Hoài An - nữ toán học trẻ tuổi, xuất sắc của Viện Toán học.
Vợ ông là Phó giáo sư, Tiến sĩ sử học Đinh Thị Thu Cúc. Trong gia đình ông còn có nhiều người theo nghiệp toán. Đó là Hà Huy Hân giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự; GS. TSKH Hà Huy Vui; GS. TSKH Hà Huy Bảng làm việc ở Viện Toán học Việt Nam; TS Hà Huy Tài (con thầy Hà Huy Hân) đã từng đoạt huy chương bạc tại kỳ thi Olympic toán học quốc tế dành cho học sinh phổ thông năm 1991, hiện đang dạy toán ở Mỹ, TS Hà Minh Lam (con gái GS Hà Huy Vui), TS Vũ Thế Khôi (con rể GS Hà Huy Hân), Hà Huy Minh, con trai ông, cũng từng đoạt huy chương đồng tại kỳ thi Olympic toán học quốc tế dành cho học sinh phổ thông năm 1989, Hà Huy Thái, con trai thứ hai của ông đang làm tiến sĩ về Toán ở Paris. Ngoài ra, trong số các người thân của ông còn có GS, TSKH cầu đường Hà Huy Cương nguyên giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Công trình tiêu biểu:
  1. (Cùng với Nguyễn Văn Khuê) Holomorphic mappings on Banach analytic manifolds. Func. Analyz i ego Priloz., T.4, N.4, 1973 (Tại Nga).
  2. On p-adic Interpolation. Mat. Zametki, t.26, 1, 1979 (Tại Nga).
  3. On p-adic L-functions associated to elliptic curves. Mat. Zametki, t.26, 2, 1979 (Tại Nga).
  4. On p-adic meromorphic function. Duke Math. J., Vol. 50, 1983.
  5. (Cùng với My Vinh Quang) p-adic Nevanlinna Theory. Lecture Notes in Math. 1351, 138-152.
  6. La hauteur des fonctions holomorphes p-adiques de plusieurs variables. C. R. A. Sc. Paris, 312, 1991, 751-754.
  7. La hauteur d'une suite de points dans $C_p^k$ et l'interpolation des fonctions holomorphes de plusieurs variables. C. R. A. Sc. Paris, 312, 1991, 903-905.
  8. Sur les series L associ\'ees aux formes modulaires. Bull. Soc. math. France, t. 120, 1992, 1-13.
  9. (Cùng với Nguyễn Văn Khuê) Finite codimensional subalgebras of Stein algebras and semiglobally Stein algebras. Trans. AMS, 1992, 503-509
  10. (Cùng với Mai Van Tu) p-adic Nevanlinna-Cartan Theorem, Internat. J. Math, Vol.6, N.5, 1995, 710-731.
  11. Hyperbolic surfaces in $P^3(C)$, Proc. Amer. Math. Soc., Vol. 125, 1997, pp. 3527–3532.
  12. (Cùng với Tạ Thị Hoài An) On uniqueness Polynomials and bi-URS for p-adic Meromorphic Functions. J. Number Theory, 87, 211-221 (2001).
Ngoài các công trình về toán học, Hà Huy Khoái viết nhiều bài về khoa học, giáo dục, văn hoá, chủ yếu đăng trên tạp chí Tia sáng. Ông còn thường xuyên tham gia ôn luyện cho đội tuyển thi Olympic toán học quốc tế dành cho học sinh phổ thông của Việt Nam. Đến nay, tuy ông đã không tham gia quản lý song ông vẫn rất tâm huyết với toán học Việt nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét