Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

Bệnh nhân đập đầu y tá vì tưởng là… hổ

Ở nơi bệnh nhân đập đầu y tá vì tưởng là… hổ
Trong số các bệnh nhân tâm thần, “ngáo đá” được xem là một dạng tâm thần mới xuất hiện trong khoảng 2 năm trở lại đây. Đó là những bệnh nhân hoang tưởng, khi lên cơn có thể có những hành vi tấn công dữ dội người khác trong ảo giác. Có bệnh nhân tưởng y tá là một con hổ đang tấn công mình nên đã dùng gạch đập vào đầu y tá.
Giờ ra sân chơi của các bệnh nhân tại Bệnh viện 
Tâm thần Trung ương. Ảnh: Phượng Hoàng
Khoa Cai nghiện, Bệnh viện Tâm thần Trung ương là nơi tập trung những bệnh nhân có sử dụng các chất gây nghiện, đa số họ có liên quan đến ma túy. TS Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng khoa Cai nghiện cho biết, khoảng 2 năm trở lại, khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân sử dụng ma túy đá. Gần đây, tuần nào Khoa Cai nghiện cũng có 5 -7 bệnh nhân “ngáo đá” nhập viện.

Theo BS Hùng, những người sử dụng ma túy đá dẫn đến nghiện giống như một loại tâm thần phân liệt nặng. 100% các bệnh nhân vào đây đều khăng khăng cho rằng “mình không mắc bệnh tâm thần” (?!). Các bệnh nhân này thường có trạng thái ảo tưởng luôn nghĩ mình giỏi hơn người, mình đại diện cho một thế lực siêu nhiên hoặc cảm giác đang bị đe dọa, tấn công. Họ cũng có những ảo giác rất kỳ cục như tưởng người khác là yêu tinh, là thú dữ...(?!).

Biểu hiện của bệnh cũng vô cùng đa dạng. Có trường hợp đập phá, có trường hợp lại lầm lì hoặc có trường hợp luôn tìm cách tự vẫn. Họ có thể lo âu, sợ hãi vô cớ. Nguy hiểm nhất là họ luôn tưởng người khác đang có âm mưu hãm hại, tấn công mình. Hành vi của họ thường rất bất ngờ, nguy hiểm. Tại Khoa Cai nghiện mới xảy ra một vụ bệnh nhân “ngáo đá” tấn công y tá. Bệnh nhân bất ngờ cậy được một viên gạch dưới sân, đập tới tấp vào đầu một nữ y tá khi chị đang vào khu điều trị. Rất may nữ y tá đã được các đồng nghiệp lao vào giải cứu. Còn bệnh nhân được cách ly và khai rằng, anh ta tưởng y tá là một con hổ đang tấn công mình nên đã phòng vệ lại.

Những “quản giáo” bất đắc dĩ

BS Bùi Thị Luyến – Phó Khoa điều trị bắt buộc (Bệnh viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương) cho biết, ám ảnh nhất đối với chị và các nhân viên y tế là khi hàng ngày phải tiếp xúc với những bệnh nhân từng giết người man rợ. Chính vì sự rất nguy hiểm của họ, nên các thầy thuốc luôn phải trong tư thế phòng thủ. Việc tăng cường kiểm tra, hạn chế tối đa các vật dụng có thể gây án cũng chỉ đỡ phần nào vì với những bệnh nhân không kiểm soát được hành vi của bản thân thì không ai dám nói trước điều gì!

Điều dưỡng viên Nguyễn Hồng Quang – Khoa Cai nghiện cho biết, anh đã làm việc tại đây gần 10 năm. Công việc của điều dưỡng là phải trực tiếp chăm sóc cho các bệnh nhân từ cắt móng tay, cạo râu, thay quần áo… Chính vì thường xuyên phải tiếp xúc với bệnh nhân nên công việc của các điều dưỡng luôn đối mặt với nguy hiểm. Bản thân anh Quang cũng đã từng bị bệnh nhân lên cơn cầm ghế rượt đuổi. Rất may lần đó anh chạy thoát và được ứng cứu kịp thời.

Theo anh Quang, chuyện các nhân viên ở đây bị đuổi đánh không có gì lạ. Các bệnh nhân sử dụng ma túy cũng có những mối quan hệ rất phức tạp. Chính vì thế các y, bác sỹ không những phải canh phòng mà còn phải kiểm soát việc thăm nuôi bệnh nhân một cách cẩn mật như tại các Trung tâm cai nghiện vì việc thăm nuôi hoàn toàn có thể là nguồn đưa ma túy vào đây. Tại Khoa Cai nghiện, tỷ lệ bệnh nhân nhiễm HIV rất cao (lên đến 30-40%). Bệnh nhân cũng rất ma mãnh, họ có thể câu kết với nhau để gây áp lực cho nhân viên y tế và luôn tìm cách trốn khỏi viện. BS Hùng cho biết, chính vì sự căng thẳng, phức tạp nên không ít nhân viên ở Khoa đã xin chuyển đi vì không chịu nổi áp lực.

Nỗi ám ảnh khi phải bên cạnh những kẻ giết người không ghê tay

Khác với Bệnh viện Tâm thần Trung ương, Bệnh viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương tập trung toàn bộ các bệnh nhân là tội phạm của những vụ án khủng khiếp. Các bác sỹ ở đây thực sự là những người có tinh thần “thép”. Chúng tôi đã có một ngày chứng kiến nhiều cung bậc cảm xúc ở nơi này. Khác với những tên tội phạm thông thường, loại tội phạm tâm thần thường có những hành vi không tính toán, bất ngờ và độ man rợ ở những cấp độ cao nhất.

Bệnh nhân Đỗ Văn V. (Hà Đông, Hà Nội) là bệnh nhân khá “nổi tiếng” ở đây. V. từng giết chết bố đẻ và đã được đưa đi điều trị nhiều lần. Trong một lần được đưa lên Ba Vì điều trị, V. đã giết chết một nữ nhân viên y tế trong trung tâm này, sau đó V. được đưa đến Bệnh viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương. Hiện V. đang được điều trị bắt buộc, tuy vậy, V. vẫn luôn trong trạng thái rất dễ bị kích động. Có lần lên cơn, V. cầm chổi đuổi đánh nhân viên y tế, 7 người khỏe mạnh xông vào mới khống chế được. Khi bị nhốt, V. bẻ cong các chấn song sắt trước con mắt kinh hãi của các nhân viên y tế.

Còn bệnh nhân Lê Văn Đ. cũng từng khiến dư luận khiếp đảm. Trong cơn ảo giác, Đ. nghĩ “mẹ mình là quỷ” nên Đ. đã cầm dao chém bà một cách tàn bạo. Đ. được đưa đi điều trị tại một trung tâm nhưng lại lên cơn và ra tay giết chết một bà cụ. Hiện các bác sỹ tại Bệnh viện Giám định pháp y tâm thần không dám cho những đối tượng như V., Đ. ra viện vì chỉ lo những bệnh nhân này lại tiếp tục gây án .V. hay Đ. chỉ là một trong số nhiều bệnh nhân phạm tội giết người đang được điều trị tại Bệnh viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương...

(Còn nữa)
Theo Hoàng Phương (Gia đình & Xã hội)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét