Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

(3) Москва không tin vào những giọt nước mắt: Vượt biên

Москва không tin vào những giọt nước mắt 
Bài 3: Vượt biên

Thời Liên Xô và khối XHCN Đông Âu còn tồn tại thì việc đi lại giữa các nước với nhau, thậm chí trong một nước cũng khá khó khăn vì “bức tường sắt” và chế độ Visa rất ngặt nghèo. Chỉ sau khi bức tường Berlin sụp đổ cộng với sự hỗn loạn trong thời điểm “gió đổi chiều”, việc giao lưu mới được nới lỏng và dân Việt từ Liên Xô đã lợi dụng cơ hội này để đi sang Đông Âu buôn bán và chạy qua Tây Âu tị nạn.

Hồi đó khoảng những năm 90 - 91 chỉ cần dùng Hộ chiếu Việt Nam đóng thêm 1 dấu có chữ “AB” vào là thoải mái đi qua Ba Lan không cần thêm Visa, và từ Ba Lan muốn đi đâu tiếp thì đi. Mà dấu AB đó thì đóng dấu “củ khoai” cũng được, chả ai kiểm soát xem thật hay giả.

Sau khi việc phân chia lãnh thổ đã trở nên rõ ràng tại Liên Xô cũ và bên Đông Âu cũng gia nhập liên minh với Tây Âu thì mọi việc di chuyển giữa các nước trở nên khó khăn và ngặt nghèo như hoặc thậm chí hơn cả thời còn Liên Xô và khối XHCN Đông Âu. Nhưng điều đó không làm các tổ chức đưa người “vượt biên” từ Việt Nam sang Tây Âu nản chí.


Thay vì trước đây dân Việt bỏ nước ra đi “tị nạn” bằng thuyền trên biển thì những năm 90 và đầu thế kỷ 21 dân “vượt biên” chủ yếu bằng máy bay. Đó là các chuyến bay từ Việt Nam đưa người qua Trung quốc, Kazakstan, Uzbekistan... rồi từ đó tập kết tại Nga làm điểm transit để tìm cách đi tiếp qua châu Âu.

* * *

Bà chị kết nghĩa của nó ở Moscow có một con bé đàn em, hồi xưa cũng đi lao động xuất khẩu, ở chung một nhà máy. Con bé đó hình thức chẳng có gì nổi bật, được cái chăm chỉ, lễ phép.

Bẵng đi một thời gian, nó chợt nhớ ra hỏi bà chị: “Chị ơi, cái N. đâu rồi mà lâu nay em không thấy nó?” Chị trả lời: “Chị cũng chẳng biết nó sống chết ra sao nữa, vượt biên 2 năm nay rồi không tin tức!” Nó ớ người ra: “Vượt biên là sao hả chị?” “Thì ở đây có đường dây đưa người qua Ba Lan rồi từ đó đi qua châu Âu mà.” “Nó lấy đâu tiền mà đi hả chị? Mất bao nhiêu?” Bà chị nhún vai: “Chị có biết gì đâu. Tiền thì nó dành dụm bao năm ở Nga mà rồi nó còn mượn chị mấy ngàn đô nữa. Nếu nó tèo là chị cũng mất số tiền đó!”.

Rồi một lần chị hồ hởi báo tin “Cái N. nó liên lạc với chị rồi, nó đang ở Đức, có con rồi!” “Ôi, nó lấy được chồng rồi hả chị? Sướng nhỉ!” Bà chị lắc đầu: “Sướng gì mà sướng, đang ở trong trại tị nạn ấy, đứa nào là cha đứa con mình cũng không biết.”

Rồi chị lục ngăn kéo tìm ra lá thư đưa cho nó đọc. Qua những lời chị thuật lại những cuộc nói chuyện qua phone với N. và lá thư của N. gửi cho chị thì bức tranh tổng thể về cuộc “vượt biên” của N. vắn tắt như sau:

Từ Moscow N. được đưa bằng tàu lửa đến Bratsk, một thành phố của Belarus sát với biên giới Ba Lan. Ở đó những người vượt biên được tập hợp lại trốn chui, trốn nhủi dưới những căn hầm trong rừng. Họ không có khái niệm không gian, thời gian, địa điểm. Chỉ biết khi nào được lệnh thì chạy băng qua những khoảng rừng rậm rạp cây cối, lội qua những con suối, chạy ngã dúi ngã dụi mà không được đứng lại để thở. Chạy như vậy cho đến một điểm tập kết khác rồi lại chui xuống hầm chờ.

Khoảng thời gian chờ không thể xác định được bao lâu, cứ ngồi thu lu trong hầm nghe tiếng chó sủa thì co rúm lại vì sợ cảnh sát biên phòng tuần tra. Lương thực chủ yếu là mì gói và đồ hộp, đôi khi đói quá thì cứ vơ được lá hay rễ cây thì cứ thế mà nhai nuốt, có lúc say nước dãi trào ra rồi nôn mửa tùm lum. Người bị phù thũng vì thiếu rau tươi và ánh sáng mặt trời cộng với ghẻ lở, hôi hám vì rất ít khi có điều kiện vệ sinh thân thể. Rồi phải chui rúc trong một đường hầm sâu hun hút, qua được bên cuối đường hầm là lãnh thổ Ba Lan.

Có lần sang được đến Ba Lan rồi thì bị bắt và tống trả lại Belarus. Bọn dẫn đường hối lộ gì đó nên cảnh sát biên phòng Belarus thả cho đi và lại tiếp tục chuỗi ngày chui rúc đó.

Trong thời gian ở hầm, N. bị một số đàn ông đè ra hiếp. Thực ra lúc đầu N. có dãy giụa nhưng sau thì kệ. Trong hầm không gian chật hẹp, không ánh sáng, chẳng biết ai là ai, cứ quan hệ như theo bản năng súc vật và quán tính. Chả riêng gì N. mà 2 cô đi cùng trong đám cũng chung số phận. Đôi khi có gặp những thằng bảo kê người Chechnia hoặc dân Kavkaz tới nhưng chắc chúng nó chê hôi nên không đụng đến đám đàn bà, chỉ đòi vặt thêm tiền thôi.


Description: http://184.73.233.170/images/022011/trainrussia.jpg
Xe lửa Russia
Nguồn: hdgmvietnam.org
Cuối cùng thì cũng thoát qua được Ba Lan rồi từ đó đi tàu và xe hơi qua Đức, tuy vẫn phải trốn nhưng dễ thở hơn nhiều thời trốn trong rừng.

Đến Đức lang thang ngoài bến ga, công viên... vì không ai thân thích rồi cuối cùng bị cảnh sát Đức bắt. Vì N. đang mang thai ở những tháng cuối cùng nên họ cho vào trại tị nạn. Giờ N. vẫn tạm thời sống ở đó với đứa con đỏ hỏn trên tay, không biết bố nó là ai, không biết cả tương lai của hai mẹ con sẽ thế nào, điều gì sẽ chờ ở phía trước. Không tiền bạc, không hộ chiếu, không biết tiếng, không có gì cả ...

Nó chép miệng “Sao cái N. nó chạy qua đó làm gì hả chị?” “Thì nó biết làm gì ở xứ Nga này? Cứ đi liều biết đâu có gì hơn, còn hơn là ở đây thì biết chắc là chả có gì tốt đẹp cả!” Hỏi chị tiếp: “Thế bọn nào đưa cái N. đi hả chị?” “Thì nhóm thằng C. đó!”. “C. nào?” Bà chị trề môi: “Thì thằng C. trước làm Phó đại diện cơ quan em chứ ai nữa!” Nó mắt chữ A, mồm chữ O: “Ôi trời ơi, thằng C. nhà mình ấy hả?”

Tất nhiên thằng C. thì chả xa lạ gì với nó. Hồi nó mới lên Moscow làm việc, nếu theo cấp bậc thì thằng C. là sếp phó của nó. Tuy chức vụ kêu to thế thôi chứ mọi người đối xử với nhau rất thân thiện và bình đẳng. Về mặt cơ cấu tổ chức thì thằng C. hơn, nó tuy không chức vụ gì cụ thể nhưng lại là người phụ trách chính mảng kinh tế của cơ quan, thế nên 2 bên dựa vào nhau mà tồn tại.

Thằng C. còn trẻ lắm, chưa tới 30 mà lại làm nghiên cứu sinh, tiếng Nga ú ớ nhưng vẫn bảo vệ được luận án để có cái bằng. C. rất giàu và chắc đồng tiền đóng vai trò quyết định trong việc học hành của C. Rồi lại phấn đấu được vào Đảng tại Moscow nữa chứ. Hôm kết nạp xong C tổ chức một bữa tiệc ê hề với bao nhiêu là quan khách.

Nó rất thắc mắc nên tâm sự với một thằng cùng đơn vị “Này, tao không hiểu là thằng C. nó vào Đảng để làm gì? Nó giàu thế, dính líu gì vào Đảng điếc cho rách việc ra!” Thằng kia lắc đầu: “Tư duy của ông anh kém quá, giới trẻ bây giờ nó nghĩ khác cơ anh ơi. Anh tính xem buôn gì cho bằng buôn quan? Này nhá, thằng C. nó có tiền, có bằng cấp, giờ nó Đảng viên rồi nên con đường hoạn lộ của nó đang mở thênh thang. Nó làm ở cơ quan mình chỉ là một bước đệm để đi lên thôi chứ cái chức Phó của nó thì xơ múi được gì? Nhưng để được chức Phó đó nó đã tốn bao nhiêu tiền để lobby và xây dựng các mối quan hệ. Cơ quan mình là trực thuộc Bộ, mà Bộ mình thì anh biết rồi đấy!” Nó ú a, ú ớ cứ lặp đi, lặp lại “Thế á, thế á...?” Thằng đối thoại cười “Ông anh đổi mới tư duy đi, làm tiền cò con như anh biết bao giờ nên người? Bộ anh tưởng em vào cơ quan mình vì tiền chắc?”

Nói thêm là cu cậu này cũng thuộc dạng “đại gia” ở Moscow đấy, nó cũng chả rõ cu cậu đâm đầu vào cơ quan nó để phải hầu hạ các sếp lớn mỗi khi sang Nga công tác để làm gì.

Quay trở lại thằng C. thì nó chẳng có gì có thể phàn nàn vì thằng C. đối xử với nó rất chu đáo. Khi nó mới chân ướt chân ráo đến Moscow, thằng C. bảo cứ về chỗ nó ở tạm. Khi đến ký túc xá thì thấy thằng C. chiếm trọn gần như một nửa tầng gồm nhiều căn phòng. Nó không hiểu sao Nghiên cứu sinh mà được ở rộng thế thì C. bảo mua Kamedan (người quản lý) hết rồi.

Ngoài thằng C. ra thì còn một số thằng đàn em sinh viên ở cùng, suốt ngày chơi game điện tử và nhậu nhẹt. Đặc biệt là luôn luôn có một số người cả nam lẫn nữ mà qua cách giao tiếp thì có vẻ không phải là dân du học ở cùng với đám thằng C.

Nó tìm được nhà trọ cách Ký túc xá không xa nên tuần nào cũng ghé chỗ C. chơi hoặc nhậu nhẹt. Nó để ý có một người đàn bà Việt Nam nhỏ con lưng gù hay lầm lũi lụi cụi nấu ăn dọn dẹp mỗi khi nhậu nhẹt là ở lâu tại phòng thằng C, còn những người không phải sinh viên khác thì luôn có những khuôn mặt lạ.

Thấy có mấy cô gái hay ngồi vạ vật bám vai, bám cổ mấy thằng đàn em sinh viên của C. nó đoán là bồ bịch. Nhưng sau đó thi thoảng thấy những cô cũ biến mất và xuất hiện những cô mới nên nó nửa đùa, nửa thật “Chúng mày thay bồ như thay áo ấy, chả bù cho anh!” C. cười khoát tay: “Anh máu không, mang một hai em về nuôi nhá?” Nó cũng cười “Lấy đếch đâu ra tiền và sức mà nuôi mấy em nó?”

Thằng C. ghé vào tai nó thì thầm tuy xung quanh chả có ai cả “Em nói nghiêm túc đó, thích thì chọn một em về ở cho vui, không phải nuôi lâu đâu, lâu nhất là một tháng rồi nếu thích tiếp thì em điều em khác cho!” Nó ớ người ra “Thằng em đừng trêu anh chứ!” “Không, thật đấy. Anh em mình cùng cơ quan cả mà, vả lại em cũng quý anh nên mới đề nghị vậy.” Nói chung câu chuyện cũng chả đi đến đâu, và cuộc sống cứ vậy mà trôi qua.

Rồi một hôm anh Giám đốc chi nhánh kéo nó vô phòng làm việc hỏi có vẻ căng thẳng: “Em nhận xét sao về thằng C.?” Nó thật lòng nói những gì nó nghĩ: C trẻ, có học, biết phấn đấu, tốt bụng... Anh trưởng nói “Mấy sếp ở nhà quyết định thu hồi quyết định bổ nhiệm thằng C. làm Phó chi nhánh rồi!” Nó ngạc nhiên “Sao vậy hả anh?” “Bên Bộ Công an và Interpol báo là thằng C. điều hành đường dây đưa người trái phép từ Viêt Nam ra nước ngoài. Mà anh là người giới thiệu thằng C. vô cơ quan và trực tiếp chịu trách nhiệm ở bên này, găng quá!”

Rồi anh ngồi vẽ ra viễn cảnh tương lai của thằng C. nếu nó tiếp tục làm tại cơ quan mình: với tấm bằng master, trẻ, Đảng viên thì nó sẽ được cất nhắc lên chức cao hơn, phong quân hàm... rồi vân vân và vân vân ... Nói chung anh Giám đốc trước đây từng là tùy viên tham tán quân sự nên bệnh “nghề nghiệp”, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù.

Thằng C. bị mất chức và ra khỏi cơ quan sau đó ít lâu. Nó thì vẫn giữ quan hệ tốt với thằng C. và nghĩ thế có khi còn hay hơn cho C. Sau này phải di chuyển tùm lum nên nó cũng bặt tin thằng C. Chỉ đến khi nói chuyện với bà chị về số phận con bé N. nên mới nhắc đến thằng C. Hỏi chị thế thằng C giờ đâu thì chị bảo nghe nói về Việt Nam lấy một con bé nào và sang Mỹ rồi.

Lan man chuyện thằng C. xong nó cầm tấm ảnh bé N. bế một đứa bé đứng cạnh một hàng rào sắt cao hơn đầu người lên ngắm. Cả hai mẹ con đều cười nhưng chỉ nụ cười của đứa bé là có thật. Chợt trong đầu nó lởn vởn mấy vần thơ của Lermontov mà nó học thuộc lòng từ hồi dự bị tiếng Nga:

Белеет парус одинокий
В тумане моря голубом ....
Что ищет он в стране дапекой ?
Что кинул он в краю родном ?

Một cánh buồm cô đơn đang dần trắng
Trong màn sương của nước biển ngời xanh
Buồm đi tìm chi ở nơi xa vắng?
Và tại vì sao từ giã quê mình?…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét