Làm rõ tái cơ cấu đầu tư
Tính đến tháng 9/2011, vốn khu vực nhà nước chiếm 35,9%, của khu vực ngoài nhà nước tăng lên là 38,8%, của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn 25,3%
Tái cơ cấu đầu tư là tiền đề để tái cơ cấu kinh tế. Nội dung chính của tái cơ cấu đầu tư bao gồm: giảm tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GDP, chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn và nâng cao hiệu quả đầu tư.Thứ nhất, vốn đầu tư xã hội/GDP: tỷ lệ vốn đầu tư xã hội/GDP của Việt Nam đã tăng lên khá nhanh và hiện ở mức khá cao. Nếu trước năm 2004, tỷ lệ này còn ở dưới mức 40% GDP, thì từ năm 2004 đến nay, đã liên tục ở mức trên 40%, năm đỉnh cao nhất là 2007 (46,5%) - thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Vốn đầu tư đã góp phần làm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thuộc loại cao, tăng liên tục và tăng trong thời gian dài (tính đến nay đã đạt 32 năm).
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, tỷ lệ vốn đầu tư xã hội/GDP cao cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Trước hết và rõ nhất là tăng trưởng kinh tế đã dựa chủ yếu vào yếu tố tăng vốn đầu tư. Yếu tố này hiện đóng góp khoảng 55% tổng tốc độ tăng GDP, cao hơn cả sự đóng góp của 2 yếu tố khác (tăng số lượng lao động và tăng năng suất tổng hợp). Đây chính là đặc trưng của tăng trưởng chủ yếu theo số lượng, phát triển theo chiều rộng.
Sau nữa, yếu tố vốn đầu tư đã tới hạn, khó có thể đẩy thêm. Nguồn tiết kiệm ở trong nước/GDP thấp hơn nhiều so với vốn đầu tư/GDP (năm 2006 là 36,3% so với 41,5%, năm 2009 là 29,2% so với 42,7%, năm 2010 là 28,5% so với 41,9%).
Tiếp đến, để đầu tư, phải đi vay trong nước và nước ngoài, khiến tỷ lệ nợ công/GDP tăng (năm 2007 là 33,8%, năm 2008 là 36,2%, năm 2009 là 41,9%, năm 2010 là 56,7%, khả năng năm 2010 là 58,7%). Tỷ lệ nợ nước ngoài đã tăng nhanh và hiện ở mức cao; số tiền ngân sách phải trả nợ hiện đã lên đến 15% và số vay mới có một phần lớn để trả nợ cũ, trong khi các khoản vay mới không còn được ưu đãi dành cho nước có thu nhập thấp như trước.
Cuối cùng là, đầu tư tăng đồng nghĩa với bội chi ngân sách, tăng tín dụng, tăng cung tiền, nếu hiệu quả thấp và giảm, thì đó là yếu tố sâu xa và tiềm ẩn của lạm phát.
Thứ hai, chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn: cơ cấu nguồn vốn đầu tư xã hội đã có sự chuyển dịch theo hướng tỷ trọng nguồn vốn khu vực nhà nước giảm, trong khi tỷ trọng nguồn vốn ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài tăng.
Tính đến tháng 9/2011, vốn khu vực nhà nước chiếm 35,9%, của khu vực ngoài nhà nước tăng lên là 38,8%, của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn 25,3%. Đó là sự chuyển dịch theo hướng tích cực.
Tuy nhiên, cần tiếp tục tái cơ cấu nguồn vốn trong thời gian tới theo hướng: giảm mạnh hơn nữa tỷ trọng vốn đầu tư khu vực nhà nước; mở rộng các giải pháp huy động vốn của khu vực ngoài nhà nước; mở rộng nguồn vốn đầu tư nước ngoài, gồm đầu tư trực tiếp (FDI), đầu tư gián tiếp (FII), hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Thứ ba, chuyển dịch cơ cấu ngành, lĩnh vực đầu tư: cơ cấu ngành, lĩnh vực đầu tư có một số điểm đáng lưu ý. Tỷ trọng vốn đầu tư cho nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản đã liên tục giảm xuống, từ 14,1% năm 1999 xuống còn 6,3% năm 2009, thấp xa so với tỷ trọng của nhóm ngành này về lao động (48,1%) và về GDP (trên 20%); tỷ trọng của nguồn vốn đầu tư FDI vào nhóm ngành này còn thấp hơn nữa.
Công cuộc xây dựng nông thôn mới sẽ tạo nhu cầu cho các nguồn vốn đầu tư vào nông thôn, vào nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản. Ngoài ra, cần tăng đầu tư vào chăn nuôi để bảo đảm cân đối cung - cầu thực phẩm, bao gồm cả việc sản xuất thức ăn, sản xuất thuốc phòng chống dịch bệnh gia súc; đầu tư nâng cấp sản xuất muối; đầu tư sản xuất mía đường; đầu tư cho những nông sản thực phẩm phải nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu…
Tỷ trọng vốn đầu tư vào nhóm ngành công nghiệp - xây dựng đã tăng từ dưới 40% (giai đoạn từ năm 2000 trở về trước) lên trên 40% (từ năm 2000 đến nay), song có một số điểm cần lưu ý. Cần chuyển dịch cơ cấu thị trường nhập khẩu để đổi mới thiết bị - công nghệ để có được công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến. Cần ưu tiên đầu tư cho phát triển công nghiệp hỗ trợ để giảm tính gia công, giảm nhập siêu, giảm lệ thuộc vào nước ngoài…
Tỷ trọng vốn đầu tư vào nhóm ngành dịch vụ đã tăng lên, từ năm 2006 đến nay đã vượt mốc 50% (2 năm 2008, 2009 đạt trên 53%), cao nhất trong 3 nhóm ngành và cao hơn tỷ trọng 38,3% về GDP. Tuy nhiên, trong tổng vốn đầu tư xã hội vào nhóm ngành này, một lượng vốn không nhỏ đã được đầu tư vào thị trường bất động sản. Tỷ lệ tín dụng vào thị trường này hiện chiếm 10,8% trong tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng. Đó là một tỷ lệ cao, góp phần làm tăng nợ xấu của ngân hàng.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả đầu tư: ICOR (hệ số sử dụng vốn hay còn gọi là hệ số đầu tư tăng trưởng) của Việt Nam thuộc loại cao so với các nước, chủ yếu do hiệu quả đầu tư còn rất thấp, xét cả về đầu tư và sản xuất - kinh doanh sau đầu tư.
ICOR của Việt Nam ở mức khá cao vào năm 2008 và đạt đỉnh vào năm 2009. Nguyên nhân chủ yếu là do hiệu quả đầu tư vốn thấp, lại gặp phải tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Xét theo loại hình kinh tế, ICOR của khu vực kinh tế nhà nước cao gấp đôi của khu vực kinh tế ngoài nhà nước và cao gấp rưỡi ICOR chung của toàn bộ nền kinh tế. Ngoài nguyên nhân chính là vốn của khu vực này được đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, những vùng có tỷ suất lợi nhuận thấp, mà các nguồn vốn khác không muốn đầu tư, còn có nguyên nhân từ đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí…
ICOR của khu vực kinh tế ngoài nhà nước thấp nhất, chủ yếu do nguồn vốn tự đầu tư, thường được tính toán rất kỹ khi lựa chọn kênh đầu tư, quản lý khá chặt chẽ quá trình thi công và đưa nhanh vào sử dụng để phát huy hiệu quả… Tuy nhiên, so với một số nước, ICOR của khu vực này vẫn còn cao. Nguyên nhân chủ yếu do có một lượng vốn không nhỏ của khu vực này chạy lòng vòng qua các kênh đầu tư có hệ số rủi ro lớn.
Hiệu quả đầu tư thấp vừa tác động đến yếu tố chi phí đẩy, vừa tác động đến yếu tố cầu kép và đi theo nó là các yếu tố tiền tệ - những yếu tố trực tiếp tác động đến lạm phát. Đối với các yếu tố trực tiếp, việc khắc phục thường nhanh hơn, tương đối dễ hơn, nhưng để khắc phục hiệu quả đầu tư thấp thường chậm và khó hơn nhiều. Điểm lại, từ năm 2004 đến nay, lạm phát luôn ở mức cao và lặp đi lặp lại, cũng trùng với thời kỳ mà ICOR của Việt Nam ở mức khá cao.Minh Nhung , Báo Đầu Tư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét