Khâm phục cụ Nguyễn Đình Tư
102 tuổi, cụ Nguyễn Đình Tư vẫn cần mẫn làm việc ngày 8 tiếng đồng hồ bên máy tính nhờ duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt, luyện tập như... thanh niên. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư sinh sống ở TPHCM. Mới đây, con cháu tổ chức lễ mừng đại thọ 102 tuổi cụ tại quê nhà Nghệ An. Ở tuổi bách niên, cụ vẫn hết sức khỏe mạnh và mẫn tiệp. Thời gian dường như chỉ tác động lên hình dáng và bồi đắp thêm trí tuệ của cụ.12 tuổi, cậu bé Nguyễn Đình Tư (SN 1920, quê tổng Võ Liệt, nay thuộc xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương, Nghệ An) nằng nặc xin cha bán ruộng để đi học chữ. Cha cụ - một cai tổng được cân nhắc vì nhiều chữ hơn người khác, nhưng lại không chịu làm theo sự sai bảo của chính quyền tay sai, đàn áp hay bóc lột dân nghèo, thành ra chỉ gọi là đủ ăn hơn người khác. Sự học "đứt gánh" giữa đường vì cái nghèo, cậu bé về phụ cha chăn trâu, đi cày.
"Hôm ấy đang cày ruộng thì tôi thấy một bạn cùng xóm đi học ở trường huyện về, đầu đội mũ, tay cầm cặp, mặc bộ áo dài trắng. Trời ơi, hình ảnh đó đẹp quá. Tôi nhìn xuống mình, thấy tủi thân lắm. Tôi mà không học, sau này cũng chỉ đi xách dép, rót nước cho cậu ấy thôi", ông cụ 102 tuổi kể.
Hành trình đến với con chữ gập ghềnh, gian khổ nhưng cậu bé Tư ngày ấy luôn đứng nhất lớp. Cái sự học của người nghèo trong bối cảnh thời ấy khiến nhiều thầy cô cảm động, nên khi cậu buộc phải xin nghỉ học vì không có tiền, thầy hiệu trưởng đã đứng ra vận động 8 thầy giáo góp tiền nuôi trò để cậu tiếp tục được đến trường.
Vừa học, vừa làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt ở thị xã Vinh, năm 1943, cậu học trò Nguyễn Đình Tư bắt đầu viết văn. Cuốn truyện dài "Nguyễn Xí" viết xong, gửi cho nhà xuất bản, Tư không nghĩ được đăng, cho đến khi tình cờ thấy sách mình bán ngoài tiệm. Khỏi phải nói là cậu sung sướng cỡ nào. Tiếp đó là cuốn truyện "Dì ghẻ con chồng", "Thù chồng nợ nước" được trình làng, gây tiếng vang trong giới văn đàn.
Cách mạng Tháng 8/1945 nổ ra, với tấm bằng tương đương cao đẳng tiểu học, Nguyễn Đình Tư tham gia vào Đảng Dân chủ và có thời gian làm cộng tác viên cho báo Độc Lập.
Cải cách ruộng đất, là thành phần "con cai tổng", ông được tổ chức "trả về". Sau nỗi buồn tủi là nỗi lo cho mấy miệng ăn của hai vợ chồng "dài lưng tốn vải" và mấy đứa con nhỏ. Ông xin đi đắp đê ngăn lụt để có gạo nấu cháo qua ngày.
Sau nhiều đêm đắn đo, suy nghĩ, ông quyết định tìm cách đưa cả nhà vào Nam lập nghiệp. Thời gian dài công tác trong lĩnh vực điền địa cho chính quyền cũ, ông biên soạn và xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị về lịch sử, địa chí các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận... Đất nước thống nhất, thuộc diện "có tuổi" nên ông được chính quyền mới "cho nghỉ việc".
Cuộc sống khó khăn, có những lúc ông phải mưu sinh bằng nghề vá xe đạp nhưng đam mê viết sách không bỏ được. Giữa những lúc vắng khách, bộ tiểu thuyết lịch sử "Loạn 12 sứ quân" ra đời và được công chúng đón nhận. Rồi các bộ sách "Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc" (1859-1954), "Đường phố nội thành TPHCM", "Nam Kỳ địa hạt tổng thôn danh hiệu mục lục", "Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ" (1859-1954) tiếp tục được "trình làng".
Cơ duyên viết cuốn sách về tên đường của TPHCM cũng đến với ông khá tình cờ. Sau giải phóng, nhiều con đường của chính quyền cũ đã được đổi tên nhưng tên đường mới không phổ biến với đại đa số người dân lao động lúc đó. Người dân ít có thông tin về sự thay đổi cụ thể của từng con đường.
"Tác động mạnh nhất của việc đổi tên đường là mấy ông xích lô, ba gác chở khách, khách kêu nhưng không biết đường nào mà chạy. Tôi nghĩ cần phải có quyển sách viết về các tên đường của TPHCM để phục vụ dân chúng. Lúc này các con tôi cũng học xong đại học, đi làm cả rồi, gánh nặng kinh tế cũng không còn nữa, tôi nghỉ nghề vá xe. Tôi đạp xe rong ruổi khắp thành phố, nghiên cứu từng tên đường, xem trước tên gì, nay tên gì, từ đâu đến đâu, dài khoảng bao nhiêu, hai bên đường có những gì, cơ quan nào...", nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nhớ lại.
Cuốn sách "Đường phố nội thành TPHCM" xuất bản, ông được UBND thành phố mời làm thành viên hội đồng đặt tên đường. Ít ai biết rằng, ông chính là người đầu tiên đề xuất đặt 2 tên đường Trường Sa, Hoàng Sa cho đường phố ở thành phố mang tên Bác.
"Vui là ý tưởng đặt 2 tên đường Hoàng Sa, Trường Sa ở thành phố của tôi nhận được sự nhất trí tuyệt đối của các thành viên hội đồng đặt tên đường", cụ Nguyễn Đình Tư nói.
Bộ sách "Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ" là tác phẩm ông mất 10 năm "đơm cơm" lên thư viện thành phố nghiên cứu, tìm kiếm tư liệu và thêm 2 năm để hệ thống lại cũng như hoàn thành tác phẩm. Lợi thế thông thạo tiếng Pháp và lòng kiên trì hiếm có đã giúp ông tiếp cận nhiều tài liệu gốc có giá trị. Đây là bộ sách đầu tiên nghiên cứu một cách hệ thống về chế độ cai trị của thực dân Pháp ở Nam Kỳ trong gần 100 năm, đã được trao giải A Giải thưởng sách Quốc gia năm 2018.
Đầu năm nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho ra mắt cuốn sách "Gia Định - Sài Gòn - TPHCM dặm dài lịch sử" (1698 - 2020) (quyển 1).
102 tuổi, chứng kiến những mốc son lịch sử của dân tộc, trải qua bao nhiêu thăng trầm, điều nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư hạnh phúc nhất là thấy đất nước ngày càng đổi mới, phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên về mọi mặt. Ông tin tưởng rằng đất nước sẽ tiến dài, tiến xa hơn nữa.
Với tư cách là một nhà "chép sử", một nhà nghiên cứu, ông vui vì góp phần ghi lại một cách trung thực, khách quan từng chặng đường phát triển của những vùng đất ông đã đi qua, đã và đang sống.
Hiện quyển 2 "Gia Định - Sài Gòn - TPHCM dặm dài lịch sử" đã được gửi đến nhà xuất bản để in. Ông tiếp tục bắt tay vào thực hiện cuốn "Từ điển địa danh hành chánh Trung bộ".
Sau khi "lời hứa với Bí thư Thành ủy" hoàn thành, ông sẽ bắt tay viết một cuốn sách về bản thân với tên gọi "Một kiếp người". Đó sẽ là trang viết ghi lại những bước đường của ông gắn với kỷ niệm về gia đình, quê hương xứ Nghệ, nơi ông sinh ra và lớn lên, cũng như những mảnh đất ông đã đi qua và dừng chân đến bây giờ.
Bước qua tuổi 100, mỗi ngày ông vẫn duy trì làm việc 8 tiếng đồng hồ, tự đánh máy vi tính để hoàn thiện tác phẩm của mình. Lịch trình sinh hoạt của ông khiến nhiều bạn trẻ cũng khó lòng theo kịp. 6h thức dậy, vệ sinh cá nhân, 6h30 tập thể dục 45 phút, sau khi ăn sáng thì ngồi vào bàn làm việc đến 11h30 nghỉ. Ăn cơm trưa, nghỉ ngơi, đến 14h, ông tiếp tục ngồi vào bàn đọc, viết đến 17h30 mới nghỉ, đi bộ thể dục...
Hiện ông sống cùng gia đình người con trai thứ 3. "Mọi sinh hoạt cụ đều tự lo, không phiền đến ai. Việc duy nhất cụ cần con cháu hỗ trợ là gửi bản thảo sau khi đánh máy đến nhà xuất bản", ông Nguyễn Việt Hùng - con trai của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết.
102 tuổi nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chỉ trải qua một trận ốm thập tử nhất sinh thủa nhỏ, sau một biến cố của gia đình, còn lại chưa từng phải "cầu viện" đến cơ sở y tế.
"Ngày tôi ngồi làm việc 8 tiếng nhưng không thấy đau lưng, mỏi xương gì. Bí quyết thì không có gì đặc biệt, tôi duy trì việc ngủ đúng giờ, ăn uống, tập thể dục điều độ, không nghiện thuốc lá, không nghiện cà phê, không nghiện rượu.
Ở chỗ tôi đường chật, không ra đường đi bộ được nên tôi tập thể dục bằng cách leo cầu thang. Hai tầng và một lầu trệt, tổng cộng 36 bậc thang. Trước đây, mỗi ngày tôi lên xuống đúng 20 vòng cầu thang 3 tầng nhà. Giờ yếu rồi, ngày đi 10 vòng xuống, 10 vòng lên. Mỗi bữa tôi ăn lưng bát cơm, ngon cũng không ăn hơn mà dở cũng không ăn ít đi, bữa trưa uống một lon bia, bữa tối uống một ly rượu thuốc", nhà nghiên cứu 102 tuổi chia sẻ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư là tác giả của hơn 60 đầu sách. Cuốn sách "Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ" (1859-1954) của ông đạt giải A Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ nhất, năm 2018. Năm 2017, ông được Hội sử học Việt Nam trao kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp sử học Việt Nam".
Nội dung: Hoàng Lam
Thiết kế: Thủy Tiên
18/08/2022
https://dantri.com.vn/an-sinh/cu-ong-102-tuoi-ngay-lam-viec-8-tieng-leo-10-vong-cau-thang-20220816211610766.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét