Trung Quốc chỉ là một con hổ giấy (?)
Tác giả: Antonio Graceffo - Chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Pelosi tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với đảo quốc này và cho thấy Trung Quốc chỉ là một con hổ giấy.Trung Quốc đã đe dọa hành động quân sự nếu Chủ tịch Hạ viện Pelosi đến thăm Đài Loan, nhưng điều này đã không ngăn cản được bà. Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của Hoa Kỳ trong 25 năm qua.
Chính phủ cựu Tổng thống Trump đã đẩy nhanh việc bán vũ khí cho Đài Loan và triển khai lực lượng quân sự Hoa Kỳ đến hòn đảo này lần đầu tiên kể từ năm 1979. Ông Donald Trump cũng đã tân trang lại văn phòng đại diện của Hoa Kỳ tại Đài Loan với số tiền lên tới 256 triệu USD. Sau khi ông không còn tại vị, người ta phát hiện rằng ông Trump đã đồn trú các huấn luyện viên lực lượng đặc biệt của Hoa Kỳ ở Đài Loan. Kể từ khi lên nắm quyền, chính phủ ông Biden đã tiếp tục bán vũ khí và tăng số lượng binh sĩ Hoa Kỳ đóng tại đảo quốc này.
Ông Trump, và sau đó là Tổng thống Joe Biden, đã thuyết phục Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng nhiệm vụ chống lại Trung Quốc. Cả hai chính phủ cũng tăng cường các hiệp ước an ninh của Bộ Tứ (Quad), Ngũ Nhãn (Five Eyes), và Thoả thuận quốc phòng AUKUS nhắm vào Trung Quốc, tạo ra cam kết sâu sắc hơn từ Hoa Kỳ và các đồng minh: Anh, Úc, New Zealand, Nhật Bản, và Ấn Độ.
Đạo luật Quân hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act - TRA) buộc Hoa Kỳ cung cấp các vũ khí cho Đài Loan, song chúng ta không rõ liệu đạo luật này có yêu cầu Hoa Kỳ chiến đấu vì Đài Loan hay không. Trong khi mối quan hệ của Hoa Kỳ với Đài Loan luôn là một trong những 'sự mơ hồ chiến lược' dưới thời chính phủ Tổng thống Biden, song nhiều lần ông Biden công khai tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan. Sau đó, Nhà Trắng đã bác bỏ những tuyên bố này. Tuy nhiên, chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Bắc có vẻ gần như xác nhận rằng Hoa Kỳ hoàn toàn cam kết với Đài Loan.
Cố thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu gọi Hoa Kỳ phải chấm dứt sự mơ hồ chiến lược, và công khai tuyên bố liệu Hoa Kỳ có chiến đấu vì Đài Loan hay không. Yêu cầu của ông Abe được đưa ra khi Nhật Bản ngày càng nhận ra rằng mối đe dọa đối với Đài Loan cũng là mối đe dọa đối với an ninh của Nhật Bản. Một cuộc xâm lược của Trung Quốc vào Đài Loan sẽ đòi hỏi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) phải vi phạm vùng biển và không phận của Nhật Bản mà Nhật Bản cam kết bảo vệ.
Mặc dù các điều khoản của Đạo luật Quân hệ Đài Loan có thể mơ hồ về việc liệu Hoa Kỳ có chiến đấu vì Đài Loan hay không, nhưng Hoa Kỳ có ràng buộc hiệp ước để bảo vệ bất kỳ lãnh thổ nào do Nhật Bản kiểm soát.
Các quân cờ domino được xếp chồng lên nhau như thế này: Nếu PLA xâm lược Đài Loan, thì họ sẽ xâm phạm lãnh thổ Nhật Bản và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ tham chiến. Nếu Nhật Bản chiến đấu, thì Hoa Kỳ có nghĩa vụ phải chiến đấu. Vì vậy, nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan thì họ sẽ đối đầu với quân đội Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đài Loan. Một cuộc xâm lược yêu cầu hải quân PLA phải kiểm soát eo biển Đài Loan. Anh, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Indonesia, và thậm chí cả Hà Lan cũng đã tham gia vào các hoạt động hải quân của Hoa Kỳ trong khu vực, nên rất có thể những quốc gia này cũng sẽ tham chiến.
Với một nền kinh tế đang suy thoái và mối đe dọa đến từ các lệnh trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ, Trung Quốc khó có thể chống lại một cuộc leo thang nhanh chóng thành một trận thế chiến. Hiện tại, theo bảng xếp hạng hỏa lực thế giới, Hoa Kỳ là quốc gia hùng mạnh nhất, Nga đứng thứ hai và Trung Quốc đứng thứ ba. Cuộc chiến Ukraine đã cho thế giới thấy rằng một quốc gia nhỏ bé có thể chống lại một cường quốc thế giới nhờ có vũ khí và sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ, EU và NATO. Ngay cả khi không có sự tham gia của quân đội ngoại quốc, Ukraine cũng đã đạt được mục tiêu khó nhằn là cầm cự trong nhiều tháng trước Nga. Việc Điện Kremlin bẽ mặt ở Ukraine đã ngăn cản cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc. Thêm vào đó, khả năng thực sự phải đối đầu với các lực lượng phối hợp giữa phương Tây và Nhật Bản khiến cho cuộc xâm lược này ít có khả năng xảy ra hơn.
Tuy nhiên, Trung Quốc có nhiều lựa chọn khác. Họ có thể trả đũa bằng cách phong tỏa Đài Loan về căn bản khiến hòn đảo phải khuất phục. Tuy nhiên, điều này khó xảy ra dưới sự thống lĩnh của hải quân Hoa Kỳ trong khu vực. Lý do cho các cuộc tập trận về quyền tự do hàng hải của Hoa Kỳ là 48% lượng hàng hóa vận chuyển bằng container của thế giới đi qua Eo biển Đài Loan. Bằng cách phong tỏa Eo biển này, Trung Quốc sẽ làm tắc nghẽn các lô hàng trên toàn thế giới. Đây là điều mà cả Hoa Kỳ và các đồng minh của họ đều sẽ 'không khoan nhượng'.
Ngoài hành động quân sự, Trung Quốc có thể áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, việc cấm xuất cảng của Trung Quốc sang Hoa Kỳ sẽ gây tổn hại cho Trung Quốc nhiều hơn. Trên thực tế, việc chấm dứt xuất cảng sang Hoa Kỳ sẽ là một ân huệ cho những ai muốn Hoa Kỳ cắt giảm sự phụ thuộc chuỗi cung ứng vào Trung Quốc và tái phát triển hoạt động sản xuất của mình. Khoảng 20% GDP của Trung Quốc phụ thuộc vào xuất cảng với gần 17% lượng hàng xuất cảng sang Hoa Kỳ. Việc ngừng xuất cảng sang Hoa Kỳ sẽ gây thiệt hại trực tiếp khoảng 3,5% GDP của Trung Quốc trong khi tác động gây ảnh hưởng đến phần còn lại của nền kinh tế nước này sẽ còn lớn hơn.
Chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Pelosi gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ được xác định ở Washington chứ không phải Bắc Kinh. ĐCSTQ giờ đây không còn lựa chọn nào tốt hơn là đưa ra những lời lẽ phản đối mạnh mẽ và nhiều sự đe dọa 'vu vơ' hơn, biến họ từ một nước muốn trở thành cường quốc trên thế giới thành một chú chuột náo loạn om sòm.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA Trung Quốc của Đại học Giao thông Thượng Hải. Graceffo làm giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, viết cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách của ông về Trung Quốc bao gồm "Vượt ra ngoài vành đai và con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc" và "Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét