Thứ Tư, 24 tháng 8, 2022

Liên Xô hai lần định tấn công hạt nhân vào Trung Quốc

Liên Xô hai lần định tấn công hạt nhân vào Trung Quốc
Đảng Cộng sản Trung Quốc là do một tay Đảng Cộng sản Liên Xô nhào nặn ra, từ một Chi bộ Viễn Đông cỏn con, rồi trở thành một chế độ độc tài ký sinh ở Trung Quốc. Nhưng một núi không thể có hai hổ, về sau hai bên xảy ra nhiều tranh chấp, đỉnh điểm là khi Liên Xô lên kế hoạch tấn công hạt nhân vào Trung Quốc.

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) soán quyền, nó đã áp dụng chính sách đối ngoại "nghiêng về một bên" với Liên Xô. Nhưng hai bên chỉ có một thời gian trăng mật ngắn ngủi. Đến năm 1969, hai bên hoàn toàn trở mặt và giao chiến trên đảo Trân Bảo.

Liên Xô nảy ra ý định tấn công hạt nhân sau thất bại trên đảo Trân Bảo

Sông Ussuri nằm ở tỉnh Hắc Long Giang, là con sông ranh giới giữa Trung Quốc và Nga. Trên tuyến đường thủy chính của con sông, có một hòn đảo nhỏ nằm bên phía Trung Quốc, gọi là đảo Trân Bảo, còn Liên Xô gọi là đảo Damansky. Sau Thế chiến II, hòn đảo này bị quân đội Liên Xô chiếm đóng.

Vào ngày mùng 2, 15 và 17 tháng 3 năm 1969, Trung Quốc và Liên Xô đã xảy ra ba cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn trên đảo Trân Bảo, được lịch sử gọi là "Trận chiến đảo Trân Bảo".

Tại sao lại nổ ra cuộc chiến này? Là do mâu thuẫn tích tụ lâu ngày.

Vị trí đảo Trân Bảo. (Zhuwq / Wikimedia Commons / CC BY-SA 3.0)

Năm 1953, nhà độc tài Liên Xô Stalin qua đời, Nikita Khrushchev trở thành Bí thư thứ nhất của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Năm 1956, tại Đại hội Đảng 20, ông Khrushchev đã đưa ra một báo cáo bí mật chỉ trích Stalin. Sau đó, ĐCSTQ và Liên Xô bắt đầu xuất hiện một loạt rạn nứt do những khác biệt nghiêm trọng về thái độ đối với Stalin và các vấn đề lớn khác, cuối cùng phát triển thành một cuộc đối đầu nghiêm trọng.

Ngày 16 tháng 7 năm 1960, Liên Xô thông báo cho ĐCSTQ rằng, họ sẽ rút tất cả các chuyên gia Liên Xô khỏi Trung Quốc. Sau đó, xung đột biên giới giữa hai nước xảy ra không ngừng, đến tháng 10 năm 1964 đã có hơn 1.000 cuộc tranh chấp biên giới. Nhưng từ tháng 10 năm 1964 đến tháng 3 năm 1969, tranh chấp biên giới đã tăng lên 4.189 cuộc.

Cuối cùng, hai bên giao chiến trên đảo Trân Bảo. Do có sự chuẩn bị trước nên ĐCSTQ đã thắng trận và giành quyền kiểm soát đảo Trân Bảo.

Ông Nikita Khrushchev (trái) trong chuyến thăm Bắc Kinh năm 1958, bên phải là ông Mao Trạch Đông. (AFP via Getty Images)

Kết quả này vượt xa dự liệu của Liên Xô, các lãnh đạo cao nhất của Liên Xô đã phản ứng rất mạnh mẽ. Những người theo đường lối quân sự cứng rắn, đứng đầu là Bộ trưởng Quốc phòng, Nguyên soái Andrey Grechko, đã ủng hộ việc sử dụng tên lửa tầm trung ở Viễn Đông, thực hiện một “cuộc tấn công hạt nhân kiểu phẫu thuật” vào các mục tiêu chính trị và quân sự quan trọng của ĐCSTQ.

"Tấn công phẫu thuật" (surgical strike) là cụm từ chỉ những cuộc tấn công quân sự nhằm gây sát thương cho một mục tiêu quân sự "chính đáng", đồng thời cố gắng không gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại tối thiểu cho các công trình, cơ sở hạ tầng xung quanh, kể cả nhân mạng.

Cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên bị ngăn chặn

Khi đó, Hoa Kỳ và Liên Xô là hai cường quốc hạt nhân lớn nhất trên thế giới. Liên Xô lo ngại rằng một cuộc tấn công hạt nhân nhắm vào ĐCSTQ sẽ kích hoạt sự can thiệp của Hoa Kỳ.

Ngày 20 tháng 8 năm 1969, Đại sứ Liên Xô tại Hoa Kỳ Anatoly Dobrynin nhận được chỉ thị, khẩn cấp hẹn gặp ông Henry Kissinger, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Hoa Kỳ, để thông báo về ý định tấn công Trung Quốc bằng vũ khí hạt nhân và xem phản ứng của Mỹ.

Ngày hôm sau, Kissinger báo cáo tình hình với Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Ông lấy ra hơn chục tờ giấy đầy chữ đặt lên bàn và nói: "Ngài xem đi, Liên Xô muốn dùng vũ khí hạt nhân để chống lại Trung Quốc. Đêm qua, ông Dobrynin đã nói chuyện sâu sắc với tôi suốt đêm. Một số người ở Điện Kremlin quyết định loại bỏ mối đe dọa từ Trung Quốc một lần và mãi mãi bằng tên lửa hạt nhân, và bây giờ họ đang hỏi ý kiến ​​của chúng ta".

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger (ngoài cùng bên phải) trong một buổi báo cáo về Trung Quốc với Tổng thống Richard Nixon (giữa). (Pictorial Parade/Hulton Archive/Getty Images)

Vào thời điểm đó, mặc dù quan hệ giữa Hoa Kỳ và Liên Xô đã được cải thiện, nhưng Chiến tranh Lạnh giữa hai nước vẫn chưa dừng lại. Sau các cuộc bàn bạc khẩn cấp, Tổng thống Nixon và các quan chức cấp cao của ông cho rằng mối đe dọa lớn nhất đối với Hoa Kỳ đến từ Liên Xô. Việc lợi dụng Trung Quốc để kiềm chế Liên Xô phù hợp với lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ.

Hơn nữa, phía Mỹ cũng nhận định rằng cuộc tấn công hạt nhân của Liên Xô nhằm vào Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến Viễn Đông chìm trong mây đen của chiến tranh hạt nhân, ô nhiễm hạt nhân sẽ đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của 250.000 lính Mỹ đóng tại Châu Á. Đặc biệt là, một khi Liên Xô được phép mở Hộp Pandora để tấn công hạt nhân, phản ứng dây chuyền sau đó có thể sẽ gây đe dọa đến an ninh của Hoa Kỳ và thậm chí là toàn bộ hành tinh.

Sau các cuộc tham vấn, các quan chức cấp cao của Mỹ đã đạt được nhất trí về hai điểm: Thứ nhất, chỉ cần Mỹ phản đối, Liên Xô sẽ không dám tùy tiện sử dụng vũ khí hạt nhân; Thứ hai, nên nghĩ cách để mau chóng thông báo ý đồ của Liên Xô cho Trung Quốc.

Khi đó, Trung Quốc và Hoa Kỳ không thiết lập quan hệ ngoại giao, hơn nữa còn oán thù sâu sắc. Vậy phải làm sao để thông báo? Cuối cùng, phía Hoa Kỳ quyết định: để một tờ báo Mỹ đăng tin này.

Ngày 28 tháng 8 năm 1969, tờ The Washington Star đăng bài báo ở vị trí nổi bật với tiêu đề "Liên Xô muốn tấn công hạt nhân kiểu phẫu thuật vào Trung Quốc". Bài báo cho biết: “Theo thông tin đáng tin cậy, Liên Xô dự định sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung, mang theo đầu đạn hạt nhân với đương lượng vài triệu tấn, để thực hiện các cuộc tấn công phẫu thuật vào các căn cứ quân sự quan trọng của Trung Quốc, như căn cứ phóng Tây Xương, căn cứ phóng Tửu Tuyền, căn cứ thử hạt nhân Lop Nur, cũng như các thành phố công nghiệp quan trọng gồm Bắc Kinh, Trường Xuân, An Sơn, v.v.”.

Ngay khi tin này xuất hiện, cả thế giới đã bị sốc. Còn ông Leonid Brezhnev, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, thì nổi trận lôi đình. Về phía ĐCSTQ, Mao Trạch Đông ngay lập tức chỉ thị “chuẩn bị chiến tranh” và đề xuất thực hiện chiến dịch “đào hố sâu, tích lũy lương thực, không xưng bá”. Chẳng bao lâu, toàn bộ Trung Quốc rơi vào tình trạng lâm chiến, các thành phố lớn như Bắc Kinh đều đào các công sự ngầm.

Ông Leonid Brezhnev, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, nổi trận lôi đình sau khi ý định tấn công hạt nhân vào Trung Quốc bị báo Mỹ đăng tải. (AFP via Getty Images)

Đến lúc này, các nhà lãnh đạo của Liên Xô mới cân nhắc rằng, đối thủ chiến lược toàn cầu của Liên Xô vẫn là Hoa Kỳ, và trọng tâm chiến lược vẫn là ở Châu Âu. Một năm trước, 500.000 quân Liên Xô tiến vào Cộng hòa Séc, âm thanh phản đối của quốc tế vẫn chưa lắng xuống, nếu ở phía đông lại vướng vào một cuộc chiến với ĐCSTQ, vậy sẽ rất khó để cân bằng hai mặt trận.

Sau khi ý đồ tấn công hạt nhân của Liên Xô bị bại lộ, Liên Xô quyết định thực hiện các biện pháp để xoa dịu ĐCSTQ. Đầu tháng 9 năm 1969, Thủ tướng Liên Xô Aleksey Kosygin đã gặp phái đoàn ĐCSTQ khi sang thăm Việt Nam, nhân cơ hội này ông đã bày tỏ mong muốn được gặp Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tại Bắc Kinh khi trên đường về nước.

Ngày 11 tháng 9 năm 1969, thủ tướng hai nước đã có buổi hội đàm dài ba tiếng rưỡi tại sân bay Bắc Kinh, mùi thuốc súng cũng nhẹ hơn chút.

Thủ tướng Liên Xô Aleksey Kosygin (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai. (Trái: André Cros/Wikimedia Commons/CC-BY 4.0; Phải: -/AFP via Getty Images)
Cuộc tấn công hạt nhân thứ hai lại bị ngăn chặn

Tuy nhiên, sau khi ông Kosygin trở về nước, Liên Xô lại thay đổi thái độ và trở nên cứng rắn hơn.

Ngày 16 tháng 9 năm 1969, tờ Saturday's Post của London đã đăng một bài viết của nhà báo tự do Liên Xô Victor Louis, ông này cũng là phát ngôn viên của Liên Xô. Bài báo viết, "Liên Xô có thể sẽ phát động một cuộc tấn công trên không vào căn cứ Lop Nur ở Tân Cương, Trung Quốc". Lúc này, đám mây đen lại một lần nữa bao trùm Trung Quốc.

Theo ghi chép trong bài "Đầu đuôi cuộc khủng hoảng hạt nhân Trung - Xô năm 1969", sau khi cân nhắc lợi ích chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ, và hậu quả mà một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô lớn mang lại, Tổng thống Mỹ Nixon đã triệu tập khẩn cấp một hội nghị quốc phòng.

Tham dự cuộc họp có Phó tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Ngoại trưởng, và Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger. Ông Nixon nói: “Tất nhiên chúng ta nên ngăn chặn cuộc chiến trước mắt giữa Trung Quốc và Liên Xô”. Vì vậy, Mỹ quyết định:

Thứ nhất, nối lại cuộc đàm phán cấp đại sứ Trung - Mỹ ở Vác-xa-va (thủ đô của Ba Lan) để hai nước có kênh liên lạc trực tiếp;

Thứ hai, tận dụng mối quan hệ thân thiết của Tổng thống Romania Nicolae Ceausescu với ĐCSTQ và nhờ họ chuyển lời cho ĐCSTQ;

Thứ ba, để gây hiệu ứng tức thì, Hoa Kỳ đã bày ra một con át chủ bài mà họ giữ lại trong Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 – dùng mật mã đã được Liên Xô phá giải để phát đi chỉ lệnh: Một khi Liên Xô tấn công hạt nhân vào Trung Quốc, Mỹ sẽ tấn công hạt nhân vào 134 thành phố, cứ điểm quân sự quan trọng, đầu mối giao thông then chốt và cơ sở công nghiệp nặng của Liên Xô.

Ảnh chụp thành phố Nova Kakhovka thuộc Liên Xô năm 1961. (Archive Photos/Getty Images)

Ngày 15 tháng 10 năm 1969, Thủ tướng Liên Xô Kosygin báo cáo với Tổng Bí thư Leonid Brezhnev: "Ủy ban An ninh Quốc gia báo cáo hai tin:

Một là các căn cứ tên lửa của Trung Quốc đã vào tình trạng lâm chiến, tất cả các trạm dẫn mặt đất đã được mở ra, chúng ta đã xác nhận điều này qua các tín hiệu và ảnh chụp được từ vệ tinh;

Hai là Hoa Kỳ đã tuyên bố rõ ràng rằng lợi ích của Trung Quốc có liên quan đến họ, hơn nữa họ còn vạch ra các kế hoạch cụ thể để tiến hành chiến tranh hạt nhân với chúng ta.

Do tình hình vô cùng cấp bách, ủy ban chỉ báo tin trước, báo cáo chính thức sẽ được gửi đến sau".

Tổng Bí thư Brezhnev không tin rằng Hoa Kỳ lại đứng về phía Trung Quốc, ông yêu cầu gọi ngay cho Đại sứ Liên Xô tại Hoa Kỳ. Vài phút sau, Đại sứ Liên Xô tại Mỹ báo cáo: "Tình hình đúng là như vậy. Tôi đã gặp Kissinger hai giờ trước, ông ấy nói rõ rằng, Tổng thống Nixon cho rằng lợi ích của Trung Quốc có liên quan mật thiết đến lợi ích của Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ sẽ không ngồi yên. Nếu Trung Quốc bị tấn công hạt nhân, họ sẽ cho rằng đó là thời điểm bắt đầu Thế chiến III";

"Ngay khi chúng ta có một tên lửa tầm trung rời bệ phóng, kế hoạch phản kích của họ cũng sẽ bắt đầu”.

Sau đó, Thủ tướng Kosygin nói chuyện với ông Brezhnev về tình hình của ĐCSTQ. Ông nói: "Mặc dù Trung Quốc không có nhiều đầu đạn hạt nhân, nhưng chúng ta không thể loại trừ khả năng phản công của Trung Quốc một khi bắt đầu chiến tranh. Hơn nữa, 4 năm trước Trung Quốc đã thử nghiệm một vụ nổ tên lửa mang đầu đạn hạt nhân và bắn trúng mục tiêu chính xác. Vả lại họ đã có phòng bị, hiện giờ gần như cả nước đã được huy động để đào hố, chúng ta nên đàm phán với Trung Quốc".

Ảnh minh họa một vụ thử hạt nhân. ( -/AFP via Getty Images)

Vụ thử hạt nhân 4 năm trước mà ông Kosygin đề cập diễn ra vào ngày 27 tháng 10 năm 1966. Tên lửa Dongfeng-2A đầu tiên mang đầu đạn hạt nhân của ĐCSTQ được phóng từ căn cứ phóng Tửu Tuyền ở Cam Túc. Sau khi bay 9 phút 14 giây, đầu đạn hạt nhân phát nổ ở trên không của căn cứ thử hạt nhân Lop Nur, Tân Cương, cách đó 894 km.

Trong hai ngày 23 và 29 tháng 9 năm 1969, ĐCSTQ đã liên tiếp thử nghiệm nổ phân hạch bom nguyên tử dưới lòng đất, với sức công phá từ 20.000 đến 25.000 tấn, và thực hiện vụ nổ nhiệt hạch bom khinh khí có đương lượng khoảng 3 triệu tấn do máy bay ném bom thả xuống. Trạm Quan trắc Động đất của Hoa Kỳ, Trung tâm Quan trắc Động đất của Liên Xô và vệ tinh của hai nước này gần như cùng lúc nhận được tín hiệu về một vụ nổ lớn.

Trước sự phản đối mạnh mẽ của Hoa Kỳ, đồng thời cân nhắc đến việc ĐCSTQ đã có chuẩn bị cho chiến tranh, Liên Xô một lần nữa từ bỏ ý định phát động tấn công hạt nhân vào Trung Quốc.

Tại sao Hoa Kỳ lại một mực ngăn chặn Liên Xô?

Bởi vì ĐCSTQ và Liên Xô đã đi từ chia rẽ đến tách rời, kế đến là chiến tranh biên giới, và thậm chí đến mức có thể xảy ra chiến tranh hạt nhân. Do đó, một số chính trị gia Mỹ cho rằng, họ có thể bắt tay với ĐCSTQ để chống lại Liên Xô. Đây là lý do quan trọng khiến Mỹ hai lần cưỡng chế ngăn cản Liên Xô tấn công hạt nhân vào Trung Quốc.

Nam Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét