Trung Quốc phản ứng quyết liệt chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi
Như chúng ta đã biết, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã đặt chân tới Đài Loan lúc 22:43 tối hôm 02/08 nhằm thể hiện sự ủng hộ nền dân chủ của hòn đảo. Đáp lại, Trung Quốc đã bắt đầu cuộc tập trận quân sự chưa từng có kéo dài 6 ngày xung quanh Đài Loan. Những diễn biến trên khiến các nhà phân tích không khỏi lo ngại về việc lặp lại khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ 3. Dưới đây là tổng hợp tin tức trên các báo hôm nay.Ảnh bản đồ của 6 khu vực tập trận đã được truyền thông Trung Quốc đăng tải. Theo đó, sẽ có những cuộc tập trận diễn ra cách bờ biển Đài Loan (Trung Quốc) dưới 15km.
Khi Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận quân sự kéo dài 6 ngày chưa từng có xung quanh Đài Loan, các nhà phân tích an ninh lên tiếng cảnh báo về nguy cơ leo thang ngay cả khi Bắc Kinh tìm cách tránh những phản đối về chuyến thăm của bà Nancy Pelosi để không làm bùng phát xung đột.
1) Xung đột leo thang?
Trung Quốc đã công bố các cuộc tập trận ở sáu địa điểm xung quanh Đài Loan ngay sau khi Chủ tịch Hạ viện Pelosi - một nhà phê bình Trung Quốc kỳ cựu và là chính trị gia cấp cao thứ ba của Mỹ - hạ cánh ở Đài Bắc vào hôm 02/08.
Các quan chức Đài Loan cho biết các cuộc tập trận bắn đạn thật của Bắc Kinh vi phạm các quy tắc của Liên Hợp Quốc, xâm phạm không gian lãnh thổ của Đài Loan và là thách thức trực tiếp đối với tự do hàng hải và hàng không.
Bộ Tư lệnh phía Đông của Trung Quốc cho biết một cuộc tập trận tập hợp nhiều lực lượng tham gia: Hải quân, Không quân, Lực lượng Tên lửa, Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược và Lực lượng Hỗ trợ Hậu cần chung, đã diễn ra trên không và trên biển ở phía bắc, tây nam và đông nam của Đài Loan hôm thứ Tư (03/8).
Theo Reuters, các nhà phân tích cho biết vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc sẽ bắn tên lửa hành trình hay tên lửa đạn đạo trực tiếp lên hòn đảo. Cũng có thể nước này sẽ tiến hành phong tỏa hòn đảo.
Ông Song Zhongping, một nhà bình luận quân sự có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết có vẻ như Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc muốn 'thực hành' phong tỏa hòn đảo để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh sau này.
"Nói trắng ra, mục tiêu của các cuộc tập trận này là để chuẩn bị cho cuộc chiến quân sự với Đài Loan".
Điều bất thường là các cuộc tập trận được hãng thông tấn Tân Hoa Xã công bố cùng một bản đồ định vị.
Theo hãng tin Bloomberg, cơ quan quản lý không lưu của Trung Quốc cũng đã gửi thông báo đến các hãng hàng không hoạt động ở châu Á để thông báo cho họ về một cuộc tập trận quân sự diễn ra xung quanh đảo Đài Loan (Trung Quốc).
Máy bay của các hãng hàng không này được khuyến cáo nên tránh xa 6 khu vực xung quanh hòn đảo – nơi quân đội Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật.
Bản đồ của các cuộc tập trận đã được truyền thông Trung Quốc đăng tải. Theo đó, sẽ có những cuộc tập trận diễn ra cách bờ biển Đài Loan (Trung Quốc) dưới 15km.
"Chúng ta có thể thấy rõ tham vọng của Trung Quốc: biến eo biển Đài Loan trở thành vùng biển phi quốc tế, cũng như biến toàn bộ khu vực phía tây của chuỗi đảo đầu tiên ở tây Thái Bình Dương trở thành phạm vi ảnh hưởng của nó", một quan chức cấp cao của Đài Loan cho biết.
Quan chức này cho hay, nếu Trung Quốc đạt được những điều họ muốn, nó sẽ gây ảnh hưởng đến "an ninh và kinh tế của các quốc gia trong khu vực".
Học giả an ninh Collin Koh có trụ sở tại Singapore cho biết chuyến thăm của bà Pelosi đã khiến Trung Quốc mắc kẹt giữa việc phải thể hiện một phản ứng kiên quyết và sâu rộng trong khi vẫn phải tránh một cuộc xung đột toàn diện.
Ông Koh, thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, cho biết: “Ngay cả khi Trung Quốc muốn tránh kết quả đó, vẫn có khả năng đáng kể về sự leo thang của xung đột".
Bản đồ về các cuộc tập trận do Trung Quốc đưa ra cho thấy chúng vượt xa các vụ phóng tên lửa vào eo biển năm 1996, khi Bắc Kinh phản đối cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên của hòn đảo. Đây cũng là cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ ba.
Đáng chú ý là ở phía bắc, đông và nam, các khu vực tập trận đã chia đôi vùng lãnh hải mà Đài Loan tuyên bố chủ quyền. Các quan chức Đài Loan cho rằng đây chính là thách thức trật tự quốc tế sẽ dẫn đến việc phong tỏa vùng biển và không phận của nước này.
Một quan chức Hải quân Hoa Kỳ xác nhận với Reuters hôm 02/8 rằng Hạm đội 7 đã triển khai tàu sân bay USS Ronald Reagan và bốn tàu chiến khác, bao gồm một tàu tuần dương tên lửa dẫn đường ở Biển Philippines phía đông Đài Loan như một phần của "hoạt động triển khai định kỳ".
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở Hawaii đã không trả lời ngay lập tức các câu hỏi của Reuters về cuộc tập trận của Trung Quốc hôm thứ 03/8.
Ông Koh cho biết các máy bay trinh sát tiên tiến của Mỹ và Đài Loan sẽ coi cuộc tập trận là cơ hội để thăm dò các hệ thống quân sự và thông tin liên lạc của Trung Quốc, có thể gây thêm rủi ro nếu máy bay Trung Quốc đáp trả.
2) 'Chuyến thăm của bà Pelosi là hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc'
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lên án chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Ngày 3/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ra thông báo lên án chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi là hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, vi phạm nguyên tắc một Trung Quốc, theo tờ Global Times.
Ông Vương kêu gọi Mỹ ngừng ảo tưởng về việc can thiệp vào quá trình thống nhất của Trung Quốc, phá hoại sự phát triển của Trung Quốc, thao túng tình hình địa chính trị. Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh Đài Loan là một phần của Trung Quốc và việc thống nhất với đại lục là chuyện sớm muộn.
“Mỹ đã đưa Đài Loan vào chiến lược khu vực và kích động đối đầu - những hành vi đi ngược lại xu hướng phát triển trong khu vực và kỳ vọng của người dân trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ông Vương nói, nhấn mạnh đây là hành vi rất nguy hiểm.
Theo Ngoại trưởng Trung Quốc, nguyên tắc "Một Trung Quốc" đã trở thành tiêu chuẩn cơ bản trong quan hệ quốc tế và tạo thành một phần trong trật tự quốc tế sau Thế chiến II. Điều Mỹ cần làm là ngừng vi phạm các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, ngừng “chơi quân bài Đài Loan” và gây căng thẳng tại châu Á - Thái Bình Dương.
3) Liệu có lặp lại khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ 3?
Đảo Quemoy (Kim Môn) và đảo Matsu (Mã Tổ) là các nhóm đảo nằm ngay ngoài khơi bờ biển của Trung Quốc đại lục, nhưng lại nằm dưới sự quản lý của Đài Loan
Đài Loan từng là vấn đề nổi bật trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 1960 giữa ứng viên đảng Dân chủ là John F. Kennedy và ứng viên đảng Cộng hòa Richard M. Nixon.
Trong Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai năm 1958, ĐCSTQ đã nã pháo vào các đảo Kim Môn và Quần đảo Mã Tổ nhằm chiếm giữ những vùng lãnh thổ này từ Đài Loan, và cũng là để thăm dò mức độ bảo vệ của Mỹ đối với hòn đảo này.
Lúc đó, chính quyền tổng thống Dwight Eisenhower đã tăng viện cho các đơn vị hải quân Mỹ, và điều các tàu chiến đến hỗ trợ chính quyền Quốc Dân Đảng nhằm bảo vệ tuyến tiếp vận đến đảo Kim Môn theo đúng nghĩa vụ đã được ký kết trong Hiệp ước Phòng thủ Mỹ-Đài Loan 1954.
Mỹ đã gửi 12 lựu pháo tầm xa 203mm M115 Howitzer và các khẩu 155mm đến đảo Kim Môn để Đài Loan xoay chuyển tình thế trong cuộc đọ pháo ở đây.
Kết quả, cả hai bên tiếp tục bắn phá bên kia và rải truyền đơn. Tình trạng này cứ tiếp diễn cho đến khi Hoa Kỳ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ năm 1979.
Trong bối cảnh căng thẳng như hiện nay, các nhà phân tích và giới quan sát không khỏi lo ngại về việc lịch sử này sẽ lặp lại.
4) Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc bị triệu tập ngay trong đêm
Tờ Sputniknews đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong (Xie Feng) đã triệu tập khẩn cấp Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns ngay trong đêm ngày 02/8 để “phản đối mạnh mẽ” chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới đảo Đài Loan vào tối cùng ngày.
Ông Tạ nói rằng Hoa Kỳ “sẽ phải trả giá cho những sai lầm của chính mình” và kêu gọi Washington “ngay lập tức giải quyết các hành vi sai trái của mình, thực hiện các biện pháp thiết thực để xóa bỏ những tác động tiêu cực do chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi”, Tân Hoa xã đưa tin.
Quân đội Trung Quốc cho biết họ đang ở trong tình trạng “cảnh giác cao độ” và sẽ khởi động một loạt các hành động quân sự có mục tiêu để đáp trả chuyến thăm. PLA đã công bố kế hoạch cho một loạt các cuộc tập trận quân sự ở các vùng biển xung quanh hòn đảo, bắt đầu vào thứ Tư ngay sau chuyến thăm của bà Pelosi.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết hơn 21 máy bay quân sự của Trung Quốc đã bay vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo hôm thứ Ba, và rằng quân đội Đài Loan cũng đang tăng cường cảnh giác về mọi diễn biến xuyên eo biển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét