Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2022

5 lý do nên trekking ở vườn quốc gia Ba Vì

Tôi dự định sẽ leo núi Ba Vì đúng ngày Quốc khánh 2/9 năm nay. Sẽ xuất phát từ nhà lúc 5h, đi xe bus 33 ra bến xe Mỹ Đình, rồi đi xe 20A, 74 hay 157 lên Sơn Tây, sau đó đi xe 110 lên chân núi Ba Vì, tới nơi là 8h30'. Sau đó leo 13-15 km lên đỉnh núi (1295m) mất 4h (theo đường rừng chứ không theo đường ô tô như lần trước), trở xuống mất 3h. Do đó 15h30-14h sẽ có mặt ở bến bus tại cổng vườn quốc gia Ba Vì để trở về trung tâm Hà Nội. Không có nhiều du khách biết tới các tuyến trek trong rừng ở Ba Vì vì họ chủ yếu đi ô tô và xe máy lên cao độ 1100m. Đi bộ trekking trong rừng vắng, chỉ có tiếng chân đạp lên thảm lá mục, tiếng chim hót, và tiếng lá xào xạc trên đầu khiến ai cũng cảm thấy khoan khoái. Đặc biệt chúng ta có thể thỏa sức khám phá mà không sợ cảnh đông đúc, vướng víu.
5 lý do "không nên" trekking ở vườn quốc gia Ba Vì
Có người bạn rủ mình đi phượt Ba Vì, trekking ở vườn quốc gia. Mình hỏi thì nó bảo trekking là đi bộ đường dài, trên nhiều địa hình khác nhau. Nghe đã thấy thật phí công! Mình từ chối thì nó mè nheo rồi quay ra hờn dỗi. Đã thế, mình làm một bài nói rõ ngọn ngành cho nó hiểu việc nó muốn trekking ở Ba Vì là sai! Sai hoàn toàn!

SAI 1: Lạc vào chốn rừng núi hoang sơ
Đang ở chốn thành thị đông đúc, mò mẫm lặn lội đi 60 km đường lên vùng “rừng rú” để làm gì? Đường đường là thủ đô của một nước, cứ tới giờ cao điểm là anh chị em gia tăng tình thương mến, đổ hết ra phố để bấm còi, rồ ga chào hỏi nhau. Giờ lên trên núi có ba mống người, lại còn đi bộ thì lấy đâu ra tiếng rì rầm nổ máy để thực hiện “nghi thức” mỗi ngày?


Hoang sơ như vậy thật không quen chút nào!

Làm người, quan trọng nhất là phép lịch sự. Các cụ có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Đang sống ở thành phố, gặp người thì chào hỏi tiếng người. Chứ lên vùng sơn cước ấy chỉ gặp chim, gặp bướm, chúng nó hót líu lo bên tai, nhưng mình lại chẳng biết tiếng chim thế nào để mà đối đáp lại. Không lẽ cứ lắng tai nghe rồi vui vẻ một mình? Ngại lắm!

Chim ríu rít hót ca chào ta ư?


Nấm này đúng là chỉ “rừng rú” như Ba Vì mới có.

Lâu nay người dân thành phố đã quen hễ ra ngoài là phải chống nắng, bịt kín mít từ đầu tới chân. Cả một hội nhóm Ninja cũng từ đó mà hình thành. Làm sao có thể thấy hình ảnh thân thương ấy ở Ba Vì khi mà bóng mát cây nhiệt đới che phủ khắp nơi? Ngay cả cơ hội đeo kính râm còn không có!

Cây cối xanh mướt, um tùm như vậy thì mua kính mát, áo chống nắng có ích gì?

Đường bê tông láng oóng trải khắp nẻo, cứ khi nhiệt độ lên cao là xông hơi không cần trả phí. Hà cớ gì lên núi đi trên đất nâu rêu mát rượi, không khí lại còn trong lành. Sạch như vậy thì cần gì tới điều hòa để lọc nữa? Mát như thế thì quạt biết bán cho ai?

SAI 2: Phải vận động nhiều hơn

“Tích mỡ” là thói quen cơ thể đã nỗ lực trong một thời gian dài. Để có thể nuôi góp được lượng mỡ thừa tại các bộ phận, phải cần đến bao nhiêu ngày ngồi yên một chỗ, cần biết bao cốc trà sữa, bao nhiêu bịch bắp rang bơ. Nhưng nhỏ bạn mình lại đang “rắp tâm” tiêu diệt chúng. Đi bộ đã đành, lại còn leo trèo bao địa hình như thế, chẳng phải định đốt hết mỡ trong người hay sao? Đúng là “kiếm củi 3 năm tiêu 1 giờ” mà!


Đi bộ như vậy, lỡ tiêu bớt mỡ thì sao?

Thôi chẳng thích dẻo dai đâu, về già khỏe quá không ai chăm mình!

SAI 3: Không được giải trí xàm xí với bạn bè

Ngày nghỉ là phải cà phê sang chảnh, buôn chuyện, tán gẫu chứ! Trekking như thế thì chỉ có thở hồng hộc thôi. Hơi sức đâu mà kể chuyện con mèo nhà này đau răng, với cún con nhà kia hắt xì để giải trí cho được? Lúc ấy chỉ hỏi “Mày có mệt không?” rồi than “Tao oải lắm rồi!” có khi cũng đủ khoác vai nhau nhăn nhở vì bộ dạng đứa nào cũng thất thểu, rõ là tức cười.


Góc này hơn café sang chảnh ở cái view thôi!

Mình cũng sợ tình bạn sau chuyến phượt Ba Vì sẽ không còn “chất” như trước nữa. Bởi vì nhỏ bạn sẽ quên béng những lần mình mua nem chua, khoai lắc đãi nó, mà chỉ nhớ khi mình đưa cánh tay giúp nó qua mỏm đá cao trên vườn quốc gia Ba Vì. Dở như bắt gặp con sâu nhiều chân thì nó nhất định trêu mình hét toáng lên cho mất hết vẻ cool ngầu mình dày công tạo dựng.

Có con sâu bướm vắt vẻo đằng kia kìa má ơii!!!

Kỷ niệm vì thế mà cũng bớt lung linh hơn. Không chỉ là những tấm ảnh deep ảo, ăn mặc bánh bèo tạo dáng cả tiếng đồng hồ, rồi kiểm duyệt khi tất cả đều xinh mới đăng hình chờ like. Thêm vào đó sẽ là đống ảnh lưu lại từng khoảnh khắc mà đứa nào cũng muốn giấu nhẹm. Lâu lâu chúng nó lại lôi số hình đó trêu ngươi rồi cười ngặt nghẽo cho xem!

SAI 4: Dễ bị shock “trụy tim”

Lên Vườn Quốc gia Ba Vì nhớ uống thuốc “trợ tim” nghe hông?

Theo thuyết tâm lý học, con người chúng ta rất dễ bị shock, thậm chí mất kiểm soát khi gặp điều gì đó bất ngờ. Huống hồ nước Việt Nam lại có rừng vàng biển bạc. Tìm lên vườn quốc gia Ba Vì ngắm rừng chẳng phải đang “chiêu đãi vàng” cho tầm mắt hay sao? Thường ngày chỉ đặt chậu cây nho nhỏ cạnh máy tính cho mặt khỏi sạm chì, giờ “đập vào mặt” bạt ngàn những vàng như thế, không choáng mới lạ!

Chu choa cơ man là “vàng” thế này, ngộp quá!!

Dễ shock hơn cả là khi chúng ta lên đỉnh. Sức ép của không khí lên lồng ngực, sức ép của vẻ đẹp vào đôi mắt, sức ép của tiếng gió reo bên tai, sức ép của hơi sương lên mái tóc, của tia nắng chiếu lên da và của không gian bao la lên vóc dáng con người nhỏ bé. Nếu không “thủ sẵn” một liều thuốc trợ tim, mình e là nguy to!


Có cảm giác vạn vật đang “gây sức ép” lên mình.

SAI 5: Đi ngược lại với Trekking truyền thống

Thông thường, người tham gia trekking (còn gọi là Trekker) sẽ đi bộ đường dài hoặc đi bộ leo núi trong nhiều ngày. Vì vậy, cần phải rèn luyện thể lực cực kỳ nghiêm ngặt do tuyến trek gồ ghề và chặng nghỉ chân cách xa nhau. Thế mà Trekking tại Vườn quốc gia Ba Vì lại đi ngược lại với truyền thống đó.

Tại sao chỉ trong một ngày đã có thể trải nghiệm đầy đủ các trải nghiệm đất phẳng, địa hình lởm chởm, trơn trượt, đi qua đủ cả rừng cây ôn đới lẫn nhiệt đới luôn. Như vậy, ngay cả người mới “tập tọe” làm trekker, chưa đủ sức đi những chặng dài cũng “mạnh dạn” tham gia tuyến trek được.


Ngay cả Beginner cũng “mạnh dạn” tham gia được sao?

Thêm nữa, những người chuyên nghiệp, đã quen chinh phục nhiều cung đường khó, lẽ ra phải thấy nhàm chán khi tới tuyến trek ở Ba Vì. Sai bét! Cả dễ, cả nâng cao đều có, lại chẳng phải đi quá xa nội thành. Rõ ràng là đang thách thức với hình thức Trekking truyền thống rồi!


Tuyến Trek khó – dễ đều có cho người tham gia.

Dành cả ngày phân tích cho nhỏ bạn hiểu 5 lý do không nên Trekking ở Vườn quốc gia Ba Vì, nhưng có vẻ càng nói nó càng không hiểu, càng nằng nặc muốn đi. Nhưng để gìn giữ tình bạn đẹp, cuối cùng mình vẫn xuôi lòng để “pack” đồ đi Trek. 

Tác giả: Traveloka Intern Nguyễn Tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét