Thứ Tư, 2 tháng 3, 2022

Chuyên gia Việt Nam nói về lãi suất lên tới 20% của Nga

TS Bảy trong bài này phân tích đúng: chi phí chiến tranh bao giờ cũng rất cao. Mỗi quả tên lửa bắn đi là Nga mất hàng chục triệu đô la. Mọi chi phí chiến tranh đều do người dân gánh vác, nhưng vì chính phủ không thể tăng thuế và cắt giảm tiền lương nên buộc phải dùng các giải pháp thay thế là thuế lạm phát và tăng lãi suất. Lạm phát là thuế vô hình đánh vào người dân. Nó được gọi là vô hình vì ai cũng phải đóng nhưng lại không nhận được hóa đơn thuế của nhà nước.
Chuyên gia Việt Nam nói về lãi suất lên tới 20% của Nga
01/03/2022 TTO - Ngân hàng Trung ương Nga tăng hơn gấp đôi lãi suất cơ bản, từ 9,5% lên 20%. Các chuyên gia Việt Nam phân tích hàm ý chính sách này của Nga và các biện pháp trừng phạt của phương Tây gây khó cho Nga đến mức nào...
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nga ở 
thủ đô Matxcơva - Ảnh: GETTY IMAGES
Ngân hàng Trung ương Nga giải thích thẳng thắn rằng việc tăng lãi suất lên tới 20% nhằm bù đắp rủi ro mất giá đồng rúp (rouble) và lạm phát. Hiện nay (1-3) giá đồng rúp vẫn đang bị trượt xuống giá thấp kỷ lục so với đồng USD. Cụ thể tạm giảm xuống còn 105,51 rúp đổi 1 USD, âm gần 42% so với mức đóng cửa vào cuối tuần trước (25-2).

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Nghiêm Văn Bảy (trưởng bộ môn ngân hàng, khoa ngân hàng - bảo hiểm, Học viện Tài chính) nhận định kinh tế Nga đang bị bao vây, có thông tin người dân ồ ạt đi rút tiền về. Việc Ngân hàng Trung ương Nga tăng vọt lãi suất chủ chốt lên 20% sẽ tác động đến lãi suất tiền gửi và cả lãi suất cho vay.

Tiền chi cho chiến tranh vô cùng lớn, một quả tên lửa lên đến hàng chục triệu đô. Nhằm bù đắp cho các thiếu hụt, tăng thêm nguồn lực dự trữ tài chính quốc gia, từ đó duy trì mục tiêu chính trị, Chính phủ Nga không thể bắt người dân nộp tiền vào mà phải dùng công cụ gián tiếp là tăng lãi suất - nguyên lý chung trong điều hành tiền tệ các quốc gia. Khi đó thị trường sẽ được điều tiết theo hai hướng là giảm cung tiền ra nền kinh tế và tăng dự trữ tiền vào hệ thống ngân hàng - cũng là dự trữ cho Chính phủ. TS Nghiêm Văn Bảy (trưởng bộ môn ngân hàng, khoa ngân hàng - bảo hiểm, Học viện Tài chính)

Cụ thể, khi lãi suất tiền gửi còn cao hơn cả lợi nhuận có thể kiếm được từ sản xuất kinh doanh thì người dân, doanh nghiệp sẽ chọn gửi tiền vào ngân hàng, từ đó Chính phủ đạt được mục tiêu tăng dự trữ vốn ở các ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, vì ngân hàng thương mại sẽ áp mức lãi cho vay cao (do lãi suất tăng cao), nên người dân khó tiếp cận vốn vay, khiến tiền bị tồn đọng, buộc ngân hàng thương mại phải gửi về Ngân hàng Trung ương. Như vậy Nhà nước có thể vay tiền này để phục vụ các mục đích của mình.

Mặt trái là khi tăng lãi suất cho vay lên cao thì có khả năng phải hy sinh mục tiêu phát triển kinh tế. Đa phần doanh nghiệp đều bị tác động tiêu cực, trừ những doanh nghiệp cá biệt có lợi nhuận cao ngất ngưởng, hoặc thuộc ngành thiết yếu có chính sách hỗ trợ riêng.

Vì khi lãi vay cao buộc doanh nghiệp phải thắt chặt chi tiêu, hoạt động sản xuất kinh doanh không dễ, gây rủi ro sa sút hoặc phá sản. Về dài hạn, cả việc tăng lãi suất và tổn hao do chiến tranh cũng gây nên rủi ro nền kinh tế bị suy thoái.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào tổng thể GPD của các quốc gia trong năm 2021, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì Mỹ mới là nước đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế toàn cầu với GDP hơn 22.900 tỉ USD (25%), tiếp đến là Trung Quốc (16.900 tỉ USD, xấp xỉ 18%), Nhật Bản (5.100 tỉ USD, 5,4%)… Trong khi Nga xếp hạng 11 (1,7%).

Như vậy, trong trường hợp kinh tế Nga bị suy thoái thì sẽ khó dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu mà khả năng cao sẽ chao đảo cục bộ và các đối tác liên quan.

Khác trường hợp Việt Nam từng tăng lãi suất cơ bản lên 20%

Về việc nhiều người so sánh Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất lên 20% cũng giống như Việt Nam áp dụng vào thời kỳ năm 2011, một số chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng không giống nhau.

Giai đoạn năm 2011, Việt Nam vừa trải qua cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu (2007 - 2008), các ngân hàng muốn phục hồi hoạt động, doanh nghiệp cũng muốn tăng vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng muốn có tiền cho vay phải tăng huy động vốn. Cầu vượt cung, tăng trưởng nóng nên lãi suất tăng. Trong khi đó, lúc này Nga lại dùng biện pháp tăng lãi suất trong bối cảnh bị các nước cấm vận do thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine.

https://tuoitre.vn/chuyen-gia-viet-nam-noi-ve-lai-suat-len-toi-20-cua-nga-20220301160659371.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét