Ông Nguyễn Tử Quảng: ‘Trí tuệ nhân tạo VN khả năng vươn lên số 1 thế giới’
Hà Bảo Thanh - 11/03/2022 - Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc Bkav, sau khi ông được Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) giao trọng trách giữ chức Chủ tịch Ủy ban phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).Ông Nguyễn Tử Quảng từng stress nặng khi bị gọi là Quảng 'Nổ''...
Xin chúc mừng ông Nguyễn Tử Quảng nhận chức Chủ tịch Ủy ban phát triển AI. Theo ông, vì sao ông được chọn?
Cá nhân tôi và Bkav là một trong những tập đoàn đầu tiên đầu tư mạnh cho AI trong thời gian qua. AI là một cơ hội lớn, mới của những nước như VN và đó là một trong những chiến lược của quốc gia. Chúng tôi thường làm những việc tiên phong, hứng thú và có năng lực làm những việc tiên phong như vậy. Tôi cho rằng từ những lý do đó, nên tôi được Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin VN giao trọng trách này.
Tôi muốn hỏi ông câu này, ông từng nói "Tôi từng stress nặng khi bị gọi là Quảng 'Nổ''. Vậy với vai trò mới, ông có áp lực của dư luận không?
Cũng nhờ đợt tôi stress như vậy mà tôi nhận ra được nhiều điều trong cuộc sống. Cụ thể ở đây là mình đặt ra những công việc lớn không chỉ cho mình, cho tập đoàn, mà còn cho xã hội thì mọi nơi trên thế giới đều gặp những phản ứng như vậy. Hay nói cách khác, đã là việc lớn thực sự, thì sẽ gặp phải sự phản ứng ban đầu. Khi tôi nhận ra điều đó thì tôi đón nhận sự phản ứng đó một cách bình tâm. Mình biết mình cần làm gì để tốt cho xã hội, thì mọi người sẽ hiểu thôi. Như slogan của công ty tôi: "Hãy làm việc hết mình những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn" nó cũng theo nguyên tắc như vậy.
... "Tôi đón nhận sự phản ứng đó một cách bình tâm"
Với vai trò là Chủ tịch Ủy ban phát triển AI, ông sẽ làm gì để đưa AI tại VN phát triển?
Tại VN, các công ty công nghệ, các bạn trẻ cũng rất hứng thú với lĩnh vực AI, nói đến rất nhiều, nhưng chưa có sự tập trung sức mạnh, thậm chí có phần phong trào. Vì vậy Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin VN cũng muốn tập hợp được lực lượng để nắm được cơ hội mới này.
Năm 2017 tại Trung Quốc, khi Ke Jie - người được cho là đứng số 1 thế giới trong bộ môn cờ vây đã liên tục thất bại trước AlphaGo - trí thông minh nhân tạo được phát triển bởi công ty con của Google, giới công nghệ Trung Quốc đã gọi đây là "khoảnh khắc sputnik". Khoảnh khắc đó được ví như khoảnh khắc tàu Sputnik của Nga bay vào vũ trụ. Nước Mỹ đã bắt được khoảnh khắc đó. Họ đã nhanh chóng bắt kịp công nghệ vũ trụ của Liên Xô lúc đó và dẫn tới sự bùng nổ công nghệ của nước Mỹ sau đó một thời gian.
Trung Quốc cũng bắt được khoảnh khắc này. Chỉ chưa đầy 10 năm sau đó, AI tại Trung Quốc đã phát triển vượt bậc, thậm chí số 1 thế giới. Trong lĩnh vực ứng dụng AI, có thể nói họ là số 1 thế giới. Tôi nói những câu chuyện đấy, để thấy nếu Việt Nam nắm được cơ hội đó, thì hoàn toàn có khả năng vươn lên số 1 thế giới, chẳng hạn về AI ứng dụng.
Để thực hiện chiến lược quốc gia nghiên cứu và phát triển AI, thì theo ông có thể gặp những khó khăn gì? Và ông đã tính toán cách tháo gỡ ra sao?
Như tôi đã nói, khó khăn nhất có thể là việc phát triển AI tại VN chưa thực sự tập trung. Việc cần thiết nhất ngay bây giờ là phải có chiến lược rõ ràng, phù hợp với đặc thù và nguồn lực của VN, để từ đó sẽ tập trung được lực lượng.
Cùng là AI, nhưng mỗi nước có thể có những chiến lược khác nhau. Vấn đề là phải tính được rõ chiến lược. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch cho việc này.
Ông nhận xét gì về hệ sinh thái AI tại Việt Nam hiện nay? Còn thiếu gì hay yếu gì?
Hiện nay AI ở VN mới chủ yếu là AI phổ quát. Tức là những bài toán cơ bản như nhận dạng tiếng nói, nhận dạng khuôn mặt. Trong khi AI còn một mảng nữa là AI internet, là khai thác các khối lượng lớn từ các ứng dụng có hàng chục triệu người dùng. Hiện đã có những nơi áp dụng dữ liệu này để phân tích thói quen của người dùng nhưng chưa nhiều...
Còn một loại AI nữa là AI ứng dụng trong từng ngóc ngách cuộc sống và chúng tôi gọi là AI ứng dụng. Ví dụ tại Bkav, chúng tôi phát triển những AI để áp dụng vào việc nuôi bò, chống cháy rừng, trong việc giám sát các công trình xây dựng. Như vậy trong mọi lĩnh vực đều có thể áp dụng AI. Hai mảng này ở VN hiện nay chưa được áp dụng nhiều.
Đã có những người trẻ nghiên cứu phát triển AI tại VN. Ông thấy tiềm năng của họ như thế nào?
Tiềm năng con người VN trong lĩnh vực AI là rất lớn và có rất nhiều chuyên gia giỏi về AI của VN đang làm việc trong những tập đoàn lớn trên thế giới. Vấn đề là làm thế nào có chiến lược rõ ràng để những người VN nước ngoài có thể về nước, những người trong nước phát triển cho đúng hướng để đạt hiệu quả cao hơn.
Cần định hướng rõ AI thay vì chỉ làm theo phong trào chung chung thì không có kết quả. Mọi việc đều có những chiến lược, mục đích rất rõ ràng, thì lúc đó mới có được sức mạnh.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của người trẻ trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia?
Dĩ nhiên lĩnh vực công nghệ lực lượng chủ yếu là người trẻ. Nhưng chúng ta thiếu những kiến trúc sư trưởng cho các chiến lược, các dự án về chuyển đổi số. Lực lực trẻ là lực lượng chủ chốt, nhưng cần có những người có kinh nghiệm và chúng ta cần phát triển những vị trí đó. Đó là điểm yếu của VN từ xưa đến nay. Nếu khắc phục được điểm đó thì chuyển đối số quốc gia là một cơ hội lớn, trong đó có cả AI. AI là một trong những công cụ để chuyển đổi số.
Khi ứng dụng AI được phủ sóng, sẽ thay đổi bộ mặt đất nước như thế nào, thưa ông?
Không phải ngẫu nhiên mà AI được cả thế giới nhắc đến và được coi là mũi nhọn của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Nó giúp nâng cao hiệu suất trong mọi lĩnh vực công việc khi được ứng dụng AI. Nó mang tính đột phá, thay đổi cách nghĩ, cách tiếp cận các công việc của xã hội. Nó làm đột phá về hiệu suất công việc và nâng cao chất lượng cuộc sống khi có ứng dụng AI.
Ví dụ, như AI ứng dụng trong lĩnh vực nuôi bò, có thể giúp phát hiện vấn đề của con bò như nó có ốm hay không, có ăn uống tốt hay không, có các biểu hiện bất thường nào hay không, camera AI cũng phát hiện bò tập trung khu vực nào, từ đó đưa ra chiến lược phun nước, bật quạt làm mát, tránh hiện tượng stress nhiệt cho bò... giúp tiết kiệm nước, điện, nâng cao sức khỏe, nâng cao chất lượng sữa của bò. Những việc đó, thông thường cần một người có kinh nghiệm hàng chục năm và hàng ngày phải theo dõi mới phát hiện ra được vấn đề. Nay hoàn toàn có thể thực hiện dễ dàng với AI.
Một ví dụ khác, là ứng dụng AI trong công trường xây dựng: Camera AI giúp quản lý nhân công (có mặc đầy đủ đồ bảo hộ hay không? Có làm việc đúng công việc được phân công hay không); quản lý các vấn đề an ninh, an toàn, trộm cắp nguyên vật liệu, tiến độ công việc… tại công trường một cách tự động, thay vì con người. Con người có thể lơ là, hoặc linh động bỏ qua lỗi, nhưng AI sẽ làm những việc đó một cách cần mẫn, chính xác.
Xin cảm ơn ông Nguyễn Tử Quảng về cuộc trò chuyện này
https://thanhnien.vn/ong-nguyen-tu-quang-tri-tue-nhan-tao-vn-kha-nang-vuon-len-so-1-the-gioi-post1437767.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét