Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2022

Nước nào cũng sợ đụng với Nga

Nước nào cũng sợ đụng với Nga
Do không thể đưa quân vào Ukraina để hỗ trợ Kiev chống trả cuộc xâm lăng của Nga, phương Tây chỉ có thể cung cấp thiết bị quân sự, trong đó có các chiến đấu cơ, để tăng cường khả năng của quân đội Ukraina. Nhưng do nước nào cũng ngán ngại đụng chạm với Nga, cho nên việc giao các chiến đấu cơ Mig-29 của Ba Lan cho Ukraina nay đang gặp bế tắc.

Máy bay tiêm kích Mig-29, cũng như Sukhoi-27 và Sukhoi-25 là những chiến đấu cơ duy nhất mà các phi công Ukraina có thể sử dụng ngay, không cần được huấn luyện. Như vậy, các nước cung cấp các phi cơ này không cần gởi người đến tận nơi để huấn luyện các phi công Ukraina. 

Hiện giờ chỉ có một vài nước Đông Âu thuộc khối Hiệp ước Vacxava trước đây còn giữ các chiến đấu cơ Mig-29 có từ thời Liên Xô, phi cơ có khả năng phòng không phù hợp nhất với nhu cầu của không quân Ukraina để chống lại máy bay tiêm kích của Nga. 

Riêng Ba Lan hiện đang có khoảng 30 chiếc Mig-29, nhưng theo báo chí nước này, chỉ có 23 chiếc là còn tham gia tác chiến được.

Hôm qua, 08/03/2022, Ba Lan đã đề nghị sẵn sàng chuyển ngay lập tức toàn bộ các chiến đấu cơ Mig-29 của nước này đến căn cứ Ramstein, Đức, để Hoa Kỳ toàn quyền sử dụng và sau đó giao các chiến đấu cơ này cho Ukraina.

Đề nghị của Ba Lan đã khiến Hoa Kỳ bị bất ngờ và hôm qua, trong một thông cáo, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc John Kirby cho biết Hoa Kỳ đã bác bỏ đề nghị mà họ cho là sẽ “gây quan ngại nghiêm trọng cho toàn bộ khối NATO”. Ông Kirby cho biết Washington sẽ tiếp tục thảo luận với Vacxava về vấn đề này.

Kể từ khi tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina, các nước châu Âu cũng như Hoa Kỳ tuy kịch liệt lên án cuộc xâm lược này, nhưng vẫn liên tục nhấn mạnh không đưa quân sang Ukraina và không phải là một bên tham chiến trong cuộc xung đột với Nga.

Chính vì sợ bị Nga xem là một bên tham chiến mà Ba Lan, quốc gia có biên giới chung với Ukraina, không dám một mình giao chiến đấu cơ cho Ukraina, mà phải “núp bóng” NATO. 

Theo hãng tin AFP, trong cuộc họp báo tại Oslo tối qua, thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã tuyên bố: “Mọi quyết định giao vũ khí phải do toàn bộ khối NATO đưa ra. Cho nên chúng tôi sẵn sàng giao cho Ukraina toàn bộ phi đội máy bay tiêm kích, nhưng chúng tôi không sẵn sàng làm điều đó một mình, bởi vì, như tôi đã nói, chúng tôi không tham gia vào cuộc chiến này.” 

Nhưng đối với chính phủ Mỹ, “quyết định chuyển giao hay không các phi cơ Ba Lan cho Ukraina là thuộc về chính phủ Ba Lan.”

Nói chung Hoa Kỳ rất lo ngại về khả năng nổ ra xung đột giữa khối NATO với lực lượng Nga, nếu tổng thống Putin xem việc giao chiến đấu cơ cho Ukraina là một sự can dự trực tiếp vào cuộc chiến tranh Ukraina. Nhưng như vậy thì làm cách nào để giao chiến đấu cơ cho Ukraina? 

Nếu như các thiết bị quân sự khác có thể được vận chuyển qua đường bộ, thì phi cơ chỉ có thể được chuyển trên không. Nhưng nếu phi công Ba Lan hay phi công một nước khác lái các chiếc Mig-29 sang Ukraina để giao cho nước láng giềng thì Vacxava hay nước khác có thể bị xem là tham gia “tích cực” vào cuộc xung đột. Như vậy không biết là Ba Lan và Hoa Kỳ sẽ tìm ra giải pháp nào cho bế tắc hiện nay.

Cũng chính là theo cái logic “ngăn chận cuộc chiến tranh, nhưng tránh trở thành bên tham chiến”, theo lời tổng thống Pháp Emmanuel Macron, mà khối NATO đã từ chối làm theo yêu cầu của Kiev thiết lập một vùng cấm bay trên không phận Ukraina. Lý do rất đơn giản: để bảo đảm việc tôn trọng vùng cấm bay, NATO buộc phải đưa máy bay vào Ukraina và như thế thì sẽ bị Nga xem là can thiệp vào cuộc xung đột này. 

Tổng thống Nga từ thứ Bảy tuần trước cũng đã cảnh cáo là bất cứ quốc gia nào tìm cách áp đặt lệnh cấm bay ở Ukraina đều sẽ bị xem là một bên tham chiến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét