Xâm chiếm Ukraina, Nga thất bại về mọi mặt
Theo như phó chủ tịch Viện Nghiên Cứu Chính Sách Công thuộc Tham Chính Quốc Vụ Viện Hồ Vĩ (Hu Wei) đã đưa ra những khuyến cáo nói trên trong một bài viết hôm 05/03/2022 rằng, « Vladimir Putin có thể không đạt được mục tiêu mong muốn tại Ukraina », « Tình hình chính trị tại Nga có khả năng thay đổi ». Đề phòng kịch bản đó, Trung Quốc nên « giữ khoảng cách với Matxcơva ».Ba ngày trước khi ra lệnh tấn công Ukraina, tổng thống Poutin họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia tại điện Kremlin. Ảnh chụp hôm 21/02/2022. © SPUTNIK/REUTERS
Bài viết này đã được dịch sang tiếng Anh tựa đề "Possible Outcomes of the Russo-Ukrainian War and China’s Choice" và được đăng trên trang mạng của USCNPM chuyên về quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. USCNPM do trung tâm nghiên cứu mang tên cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter tài trợ.
RFI xin giới thiệu bài viết của chuyên gia Trung Quốc Hồ Vĩ.
Theo tác giả bài viết, chiến tranh Ukraina là “cuộc xung đột nghiêm trọng nhất từ sau đệ nhị thế chiến và kèm theo đó là những hậu quả đối với thế giới còn quan trọng hơn cả loạt khủng bố 11/09/2001”.
Chiến tranh Ukraina, thất bại của Nga về mọi mặt
Trong phần đánh giá về cuộc chiến Ukraina, ông Hồ Vĩ nêu lên những điểm nổi bật như sau:
Trước hết, Vladimir Putin có thể không đạt được những mục tiêu đã đề ra. Kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của Matxcơva thất bại. Nga không đủ sức chi phí cho một cuộc chiến kéo dài với những phí tổn to lớn. Sử dụng vũ khí hạt nhân càng khiến Nga phải chống chọi với phần còn lại của thế giới. Ngay cả trong kịch bản quân đội chiếm được Kiev, dựng nên một chính quyền bù nhìn, đấy cũng sẽ không phải là “chiến thắng trọn vẹn”. Theo ông Hồ Vĩ, giải pháp tốt nhất hiện tại đối với Putin là “chấm dứt chiến tranh, mở hòa đàm. Trong mọi trường hợp, can thiệp quân sự là một sai lầm tai hại”.
Trong kịch bản thứ nhì : chiến sự gia tăng cường độ và không loại trừ khả năng phương Tây can thiệp. Có nhiều khả năng Putin “không dễ dàng bỏ cuộc”. Chiến tranh không còn chỉ khoanh vùng ở Ukraina. Nga sẽ dùng đến vũ khí nguyên tử. Trong trường hợp này, Mỹ và châu Âu phải nhập cuộc. Cả thế giới lao vào chiến tranh. Kết quả không tránh khỏi là một tai họa đối với nhân loại và một cuộc đối đầu Mỹ -Nga. Sức mạnh quân sự của Nga không thể chọi lại với của NATO.
Ở điểm thứ ba, theo tác giả Hồ Vĩ, cho dù Nga có kiểm soát được Ukraina, về mặt chính trị, đó cũng là một “cục than hồng”: Ukraina sẽ lập một chính phủ lưu vong để lại đương đầu với nước Nga. Matxcơva trên đe dưới búa : vừa phải đối mặt với lệnh trừng phạt quốc tế, vừa phải đương đầu với “phe nổi dậy” Ukraina. Kinh tế Nga không đủ sức cầm cự lâu dài.
Điểm thứ tư, theo đánh giá của chuyên gia Trung Quốc này về hồ sơ Ukraina, là “tình hình chính trị Nga có thể thay đổi hay nổ tung”. Tác giả Hồ Vĩ không loại trừ kịch bản “một cuộc đảo chính” hay những bất ổn xã hội, một khi mà phương Tây chinh phục được những người Nga chống chiến tranh và chống Putin.
Hậu quả nào với thế giới và Trung Quốc ?
Trong phần thứ nhì bài viết, tác giả phân tích về hậu quả chiến tranh Ukraina trên bàn cờ quốc tế. Theo ông, Mỹ sẽ giành lại vị thế đầu tàu của thế giới phương Tây và khối này sẽ đoàn kết hơn. Ngay cả những nước châu Âu như Pháp, Đức muốn giảm thiểu mức độ lệ thuộc vào Hoa Kỳ, sau cuộc chiến Ukraina, sẽ càng gắn kết châu lục này với nước Mỹ.
Một “bức màn sắt” sẽ được khôi phục lại, nhưng không để phân chia hai khối “tự do” và “cộng sản”, mà đó sẽ là một bức tường phân chia phe do phương Tây đứng đầu với những đối thủ của khối này.
Sẽ có một lằn ranh giữa các nền dân chủ và những Nhà nước toàn trị. “Không có một sự khoan nhượng nào cho các chế độ đi ngược lại với mô hình dân chủ của phương Tây”.
Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ khi đó “càng được vững chắc hơn” và những quốc gia khác, như Nhật Bản, lại càng xích lại gần với Hoa Kỳ. Sức mạnh của phương Tây sẽ tăng thêm đáng kể.
NATO tiếp tục mở rộng tương tự như ảnh hưởng của Mỹ. Sau chiến tranh Ukraina, trong mọi trường hợp, “Nga sẽ làm suy yếu tất cả những lực lượng chống lại các nền dân chủ phương Tây trên thế giới”.
Vẫn tác giả bài viết so sánh cuộc biến động mà thế giới sẽ trải qua tương tự như điều đã diễn ra hồi 1991 khi Liên Xô sụp đổ. Phương Tây lại lên ngôi, “quyền lực cứng cũng như mềm của khối này rồi lại chót vót trên đỉnh cao”.
Trong bối cảnh đó, ông Hồ Vĩ kết luận : "Trung Quốc sẽ lại càng bị cô lập". Nếu như không phản ứng kịp thời, Trung Quốc sẽ bị lôi kéo vào vòng xoáy. Một khi Putin bị truất phế, về mặt chiến lược “Mỹ chỉ còn có một đối thủ là Trung Quốc”. Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc xa dần Trung Quốc. Đài Loan sẽ gia nhập câu lạc bộ chống Trung Quốc. Phần còn lại của thế giới sẽ phải chọn đứng về phía Bắc Kinh hay Washington.
Về mặt quân sự Trung Quốc khi đó sẽ bị từ Hoa Kỳ đến NATO, QUAD và AUKUS bao vây. Những giá trị của mô hình Trung Quốc cũng sẽ bị phương Tây thách thức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét