Thứ Ba, 29 tháng 3, 2022

Tâm tư của người Việt tại Nga

Tâm tư của người Việt tại Nga
Thu Hằng - Bất định là tâm trạng chung của nhiều người Việt tại Nga khi quốc gia này ngày càng hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt kinh tế. Nhiều người tính phương án trở về Việt Nam.

Gia đình anh Vũ Ngọc Tùng đã sống tại Nga hơn 7 năm. Ảnh: NVCC.
Lẽ ra, ngày 25/3, vợ anh Vũ Ngọc Tùng sẽ từ Việt Nam trở về Nga sau khi đưa 3 đứa con về nước lánh nạn tạm thời. Thế nhưng, 3 ngày trước đó, Vietnam Airlines tuyên bố tạm dừng khai thác đường bay Việt Nam - Nga từ 25/3. Đây là hãng bay duy nhất khai thác đường bay thẳng này. Vậy là vợ anh Tùng kẹt lại Việt Nam.

Tuy không phải đối mặt với hiểm nguy từ bom rơi đạn lạc, người Việt tại Nga đang phải đối mặt với những mối lo khác. Đồng RUB lao dốc khiến thu nhập giảm sâu, các chính sách cấm vận kinh tế khiến cuộc sống, công việc ngày càng bất tiện. Đường bay từ Nga đi các nước cũng bị giới hạn khiến cơ hội đi khỏi Nga ngày càng thu hẹp.

Từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt (chiến dịch) của Nga tại Ukraine bắt đầu, một làn sóng người Việt đã tìm đường về quê hương. Tuy nhiên, vẫn có những người chọn ở lại vì những lý do khác nhau. Họ đã lên kế hoạch cho tương lai, nhưng tương lai đó lại phụ thuộc rất nhiều vào chiến dịch chưa có hồi kết.
Ngủ qua một đêm thấy mất một đống tiền

Một tuần sau khi chiến dịch của Nga bắt đầu, anh Vũ Ngọc Tùng (thương nhân, 41 tuổi, TP Khimki) quyết định đặt vé cho vợ và 3 con về Hà Nội ở với ông bà ngoại, coi như lánh nạn một thời gian. Chờ chiến sự qua đi, gia đình anh sẽ đón các con về lại.

Ngoài đứa lớn đã học đại học, 2 con nhỏ của anh chưa có khái niệm gì về những gì đang diễn ra, chúng đơn giản nghĩ rằng mình phải tạm xa cha mẹ cho một chuyến về quê chơi như bao lần khác.

“Tụi nhỏ còn bắt tôi mua thêm đồ bơi, kính bơi mang về, vì về Việt Nam mới được bơi”, anh Tùng kể lại ngày tiễn các con về Việt Nam.

Lập nghiệp tại Nga hơn 7 năm, cuộc sống, công việc của gia đình anh đã tương đối ổn định, không dễ nói đi là đi.

Theo kế hoạch, vợ anh đưa các con về rồi sẽ trở lại Nga vào 25/3 để tiếp tục đi làm. Tuy nhiên, vì đường bay thẳng đã bị cắt nên dự định đầu tháng 4, vợ anh sẽ bay đường vòng qua Dubai hoặc Thổ Nhĩ Kỳ để đến Nga.

Những ngày qua, dù chưa phải chịu bất kỳ hạn chế do chiến sự, anh Tùng và người dân tại Nga lại bị tác động không nhỏ từ các đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ và các nước châu Âu.

“Đêm trước khi ông Putin tuyên bố chiến dịch đặc biệt, tôi chuyển khá nhiều tiền từ Việt Nam sang. Đâu ai ngờ đến chiến dịch này thật. Vừa đổi được tiền thì hôm sau đồng RUB mất giá. Ngủ qua một đêm thấy mất một đống tiền”, anh nói.


Các thương hiệu lớn tại trung tâm thương mại đóng cửa khiến khung cảnh vắng vẻ, đìu hiu. Ảnh: Vũ Tùng.


Các thương hiệu lớn tại trung tâm thương mại đóng cửa khiến khung cảnh vắng vẻ, đìu hiu. Ảnh: Vũ Tùng.

Đến cuối tháng 3, nhà anh may mắn vẫn còn tích trữ nhiều gạo, mì từ đợt dịch Covid-19 nên chưa phải mua sắm nhiều, chủ yếu mua thực phẩm tươi sống như rau, thịt… Do đó, chi phí sinh hoạt hiện chưa thay đổi nhiều.

Anh Tùng chỉ thật sự nhìn thấy tác động từ chiến sự khi đến trung tâm thương mại. Cửa hàng của các thương hiệu thời trang lớn như Zara, Uniqlo, Prada, Nike… đồng loạt đóng cửa. Khu mua sắm vắng tanh.

“Tôi bị sốc”, anh Tùng nói và cho biết có lẽ anh sẽ không quay lại đây nữa bởi vào cũng chẳng biết mua gì.

Việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu) từ 26/2 cũng gây không ít khó khăn cho các giao dịch quốc tế. Nhiều phương thức thanh toán phải thay đổi khi phương Tây ngừng giao dịch với Nga. Ví dụ, trước đây đi siêu thị chỉ cần mang điện thoại vì có thể thanh toán bằng Apple Pay trên iPhone, còn giờ phải mang theo thẻ hoặc tiền mặt mới có thể thanh toán được.

Bên cạnh đó, sự lao dốc của đồng RUB khiến sức mua sắm của người Việt giảm thấy rõ. Anh đánh giá từ khi chiến dịch nổ ra, doanh thu của anh giảm khoảng 40%. Nếu mức giảm quá sâu khiến việc kinh doanh khó khăn, anh Tùng tính toán đến phương án về Việt Nam.

Giới IT “tháo chạy” khỏi Nga

“Người dân Nga và Ukraine đều không bao giờ nghĩ chiến dịch này thật sự xảy ra”, anh Nguyễn Duy Linh (lập trình viên, 29 tuổi, Moscow) đánh giá. Anh không quên cảm giác bất ngờ vào buổi sáng đầu tiên nghe tin.

Sinh ra và lớn lên tại Nga, anh Linh và gia đình đã quen dần với những “thăng trầm” trong chính trị của Nga. Hai tuần trước khi chiến sự nổ ra, phương Tây đã bắt đầu có tin tình báo về “chiến dịch đặc biệt” của Nga, nhưng khi đó, cả người dân Nga và Ukraine đều bán tín bán nghi, nhưng nghi nhiều hơn tin.

“Kể từ ngày 24/2, mọi người đều có tâm lý chênh vênh khi tất cả dự định cho tương lai dần dần tan vỡ và không biết chuyện gì sẽ xảy ra, chiến dịch bao giờ sẽ kết thúc”, anh Linh nói.

Các tập đoàn lớn trong các hoạt động kinh doanh, dịch vụ nổi tiếng như McDonald's, Coca-Cola, Starbucks và Heineken… đều rút khỏi Nga. Giá cả leo thang, nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng giá đến 30-50%.

Nguyên nhân là các nước phương Tây ngừng giao dịch như một đòn trừng phạt với Nga. Trong khi đó, nhiều mặt hàng nội địa của Nga vẫn phải sử dụng công nghệ hoặc nguyên liệu, phụ kiện của nước ngoài dẫn đến hệ lụy hầu hết tăng giá. Một số loại hàng hóa hoàn toàn không nhập được hàng mới. Nhiều nhà sản xuất ôtô đã ngừng hoạt động tại Nga, trong khi hãng xe nội địa Lada cũng buộc phải tạm ngừng sản xuất vào đầu tháng 2 vì thiếu ​​linh kiện cần thiết từ nước ngoài.


Anh Nguyễn Duy Linh, Việt kiều tại Nga. Ảnh: NVCC.

Một thiệt hại khác được lập trình viên này nhấn mạnh là sự chảy máu chất xám trong ngành công nghệ thông tin (IT). Do được trả lương bằng RUB, việc đồng RUB mất giá sẽ ảnh hưởng lớn đến mức thu nhập của các lập trình viên. Ví dụ trước đây, 1 USD tương đương 120 RUB thì nay chỉ còn 90 RUB.

Lương thấp đi cùng nhiều hạn chế trong thanh toán quốc tế và tình hình chiến sự phức tạp khiến giới IT tại Nga bắt đầu tháo chạy sang các nước châu Âu, châu Á để có thu nhập ổn định hơn. Theo thống kê từ Hiệp hội Truyền thông Điện tử Nga, khoảng 50.000 đến 70.000 chuyên gia IT Nga đã rời đi trong những tuần gần đây.

Tuy vậy, anh Linh chưa có ý định rời Nga vào lúc này. Một phần vì công việc vẫn ổn định, một phần bởi anh cho rằng chiến dịch sẽ khó tới trung tâm Moscow - nơi anh đang sống.

Theo lập trình viên này, Nhà nước Nga đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ của Nga trong xây dựng nền tảng mạng xã hội và các lĩnh vực kinh tế như phần mềm quản trị kinh doanh, thay thế cho các phần mềm của Mỹ, châu Âu. Đây trở thành cơ hội cho những công ty công nghệ của Nga như nơi anh Linh đang làm việc.

Để “giữ chân” nhóm IT, Chính phủ Nga đang lên kế hoạch cho những ưu đãi đặc biệt cho người làm IT. Cụ thể như soạn thảo luật mới quy định người làm IT không phải nộp thuế thu nhập cá nhân (13%), được miễn nhập ngũ. Công ty IT ở Nga sẽ được miễn nộp thuế thu nhập và thanh tra…

Điều khiến anh Linh bất an nhất hiện nay là sự bất ổn của nền kinh tế Nga khi đồng RUB ngày càng mất giá. Cùng với đó, các chuyến bay giữa Nga và các nước trên thế giới ngày càng bị hạn chế. Nếu hàng không Nga đóng cửa hoàn toàn với thế giới, con đường về Việt Nam sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Dù chưa có ý định đi khỏi Nga, anh Linh chia sẻ sẽ tính toán phương án về Việt Nam một thời gian nếu chiến sự phức tạp.

“Bố tôi đã về Việt Nam trước Tết Dương lịch. Ngay khi chiến sự xảy ra, tôi cũng thu xếp cho mẹ về nước. Việt Nam hiện vẫn là đất nước bình yên và đầy tiềm năng bởi tôi cảm nhận trong tương lai, các nguồn tài chính và phát triển sẽ hướng về châu Á khi tình hình tại châu Âu còn bất ổn kéo dài”, anh nhận định.

https://zingnews.vn/tam-tu-cua-nguoi-viet-tai-nga-post1305159.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét