Nga rời bỏ chủ nghĩa toàn cầu, Trung Quốc gia tăng sức mạnh, phương Tây suy yếu
Trà Nguyễn • 17/03/22 Từ góc nhìn kinh tế, rõ ràng Nga đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, hưởng lợi từ đó nhưng Nga cũng sẵn sàng rời bỏ toàn cầu hoá. Thay vào đó, Nga và Trung Quốc đã thiết lập một sân chơi mới cạnh tranh với sân chơi toàn cầu hoá lãnh đạo bởi phương tây. Cuộc xâm lược Ukraine của Nga không chỉ đẩy lùi quá trình toàn cầu hoá, gia tăng sức mạnh cho Trung Quốc mà còn làm suy yếu Mỹ và Châu Âu....Cuộc xâm lược Ukraine đã mang lại các lệnh trừng phạt và sự cô lập về kinh tế lên Nga, ngăn chặn kỷ nguyên toàn cầu hóa mà người Nga được hưởng sau khi Liên Xô tan rã. Các quốc gia đã từ ít hội nhập với nền kinh tế toàn cầu trở nên hội nhập ngày một chặt chẽ. Tuy nhiên, đây có thể là lần đầu tiên cư dân của một quốc gia trải qua sự kết thúc đột ngột đối với toàn cầu hóa sau khi tận hưởng nó trong nhiều năm.
Nga tham gia sâu vào toàn cầu hoá, kinh tế suy yếu sau khi chiếm Crimea
Trong thời kỳ Xô Viết, nền kinh tế của đất nước nằm ở ngoại vi của nền kinh tế tư bản toàn cầu, mặc dù là một trong hai siêu cường. Kế hoạch tập trung kiểu Liên Xô khiến họ trở nên chuyên quyền, tự cung tự cấp về kinh tế; họ hầu như không tham gia vào các dòng tài chính và thương mại toàn cầu. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Liên Xô ra thế giới bên ngoài là tài nguyên thiên nhiên, và họ sử dụng số tiền thu được để mua thực phẩm và thiết bị công nghiệp. Một nền kinh tế duy ý chí dựa trên kế hoạch hoá cao độ đã nhanh chóng sụp đổ.
Sự sụp đổ của Liên Xô đánh dấu sự trở lại của Nga đối với nền kinh tế toàn cầu. Những nhà cải cách kinh tế Nga thời kỳ đầu hiểu rằng chỉ khi tham gia vào cạnh tranh và mở cửa thương mại quốc tế, Nga mới có thể chuyển đổi sang nền kinh tế tư bản hiện đại. Đối với những người Nga thuộc tầng lớp trung lưu trung bình, điều này có nghĩa là cơ hội mua các nhãn hiệu quần áo nước ngoài, đồ điện tử tiêu dùng, thực phẩm, v.v. Các công ty Nga đã hội nhập nhiều hơn vào thương mại quốc tế và thị trường vốn. Và hàng chục triệu người Nga có thể đi du lịch nước ngoài.Tăng trưởng GDP của Nga suy giảm mạnh trong một thập kỷ gần đây, bình quân dưới 0,5%/năm; mức sống của người dân Nga giảm 10% (Nguồn: Macro Trends)
Nền kinh tế của Nga đã bị đình trệ sau khi đạt mức tăng trưởng bình quân 6,5% trong giai đoạn 1999-2008; tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nga chậm lại đáng kể sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Từ năm 2014-2020, sau khi thành công sáp nhập Crimea vào Nga, tăng trưởng của nền kinh tế bắt đầu trì trệ, mức tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn này chỉ đạt dưới 0,5%; mức sống của người dân giảm 10%. Mọi sự khởi sắc vào quý 3/2021 khi tăng trưởng GDP Nga đạt 4,5% (so cùng kỳ), nhưng cuộc chiến với Ukraine chắc chắn khiến GDP Nga phải đổi chiều theo hướng tiêu cực nhất.
Giờ đây, do các lệnh trừng phạt áp đặt đối với cuộc chiến của Putin, nền kinh tế đang trì trệ của Nga còn phải đối mặt với lạm phát cao, sự sụp đổ của đồng RUB, hàng trăm doanh nghiệp phương Tây rời bỏ Nga, các ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT quốc tế... Mức sống sẽ giảm hơn nữa. Putin đã hoàn toàn làm suy yếu bất cứ điều gì còn lại trong hình ảnh của ông là người đàn ông đã mang lại sự thịnh vượng và ổn định tương đối cho nước Nga.
Chiến tranh Nga - Ukraine có kết thúc kỷ nguyên toàn cầu hoá?
Giống như Trung Quốc, nền kinh tế Nga chưa phải là nền kinh tế tự do hoàn toàn. Nền chính trị Nga chưa có nền dân chủ đúng nghĩa: các cuộc bầu cử nhiều nghi hoặc, các quyết định giam cầm, trừng phạt đối thủ chính trị nhiều tranh cãi, truyền thông được chính phủ thuần hoá... Và cũng giống như Trung Quốc (dù không phải là công xưởng sản xuất thế giới), Nga đã tham dự khá sâu vào toàn cầu hoá, hưởng cả lợi ích và tiêu cực của tiến trình này.Đại dịch viêm phổi Vũ Hán xuất hiện không chỉ tạo ra khủng hoảng tạm thời do đóng cửa các nền kinh tế và gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, mà nó còn thay đổi cách thức mà nền kinh tế - chính trị thế giới vận hành, làm đảo lộn các nguyên lý kinh tế học cũng như thiết lập ra luật chơi mới cho tăng trưởng và ổn định của mọi nền kinh tế... (Ảnh: Getty)
Toàn cầu hoá bản chất là sự phi công nghiệp hoá ở Mỹ và phương Tây, chuyển rời sản xuất công nghiệp sang các nước thứ ba. Điều này khiến nền công nghiệp, dòng chảy thương mại, tài chính toàn cầu ngày một phụ thuộc vào các chế độ chuyên chế, ví dụ như Trung Quốc và Nga.
Về cốt lõi, toàn cầu hóa có thể được tóm tắt là quan điểm rằng hàng hoá nên được lắp ráp ở bất kỳ nơi nào có giá lao động hợp lý nhất, bởi vì khoản tiết kiệm sẽ vượt xa chi phí vận chuyển chúng về nhà. Do đó, Hoa Kỳ và Châu Âu đã chứng kiến toàn bộ các lĩnh vực công nghiệp được chuyển sang Châu Á và các nơi khác. Cùng với việc tự do hóa thị trường tiền tệ và thương mại, nó được kỳ vọng sẽ mang lại một nền kinh tế toàn cầu hiệu quả, nơi các thành tựu tăng trưởng được chia sẻ cho tất cả. Những lo ngại rằng điều này sẽ khiến hàng loạt người ở phương Tây mất việc làm đã bị gạt sang một bên với những lời hứa đào tạo lại người lao động cho nền kinh tế tri thức, nơi được cho là mang lại giá trị gia tăng lớn hơn.
Không có gì phải bàn cãi khi điều này thực sự đã mang lại hiệu quả cho các ngành công nghiệp và góp phần giảm bớt đói nghèo trên toàn thế giới; các nước đang phát triển hiện chiếm hơn một nửa GDP toàn cầu. Nhưng cũng có những vấn đề.
Toàn cầu hóa làm dấy lên sự kiêu ngạo khi cho rằng các công việc thủ công có giá trị thấp hơn các công việc trong ngành tri thức. Toàn cầu hoá cũng bỏ qua những điều tồi tệ như lao động nô lệ, lao động trẻ em ở các nước đang phát triển. Cho đến giờ này, toàn cầu hoá dường như đã lạc quan quá mức về khả năng đào tạo lại lực lượng lao động ở các nền kinh tế phát triển.
Đại dịch Covid-19 đã phơi bày tất cà mặt trái của toàn cầu hoá. Khi một mắt xích sản xuất bị tê liệt, hàng hoá toàn cầu tê liệt. Sự phụ thuộc của nền sản xuất tại các quốc gia chuyên chế trở thành ván bài mặc cả trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu.
Lần này, toàn cầu hoá trở thành công cụ để trừng phạt Nga; loại bỏ Nga khỏi hệ thống này. Nhưng câu hỏi là liệu ông Putin có sẵn sàng cho điều này và liệu chiến tranh Nga - Ukraine có phải là điểm khởi đầu đảo ngược tiến trình toàn cầu hoá hay không?
Nga đang theo đuổi việc nhanh chóng tách khỏi vị trí quan trọng nhưng hạng hai của mình trong trật tự thế giới hiện tại. Tổng thống Putin chắc chắn biết rằng phương Tây đang khiếp sợ trước viễn cảnh chiến tranh. Họ sẽ sử dụng mọi biện pháp trừng phạt kinh tế trong sách để tránh xung đột; tất cả các biện pháp đó sẽ đảm bảo loại Nga khỏi toàn cầu hoá, ở mức càng nhiều càng tốt. Do đó, khi cuộc chiến ngày càng trở nên khốc liệt hơn, các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga ngày càng mở rộng. Như chúng ta thấy, Tổng thống Nga đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các khoản đầu tư của phương tây ở Nga rút lui ngay lập tức.
Chỉ trong vài tuần, Putin đã phá huỷ thành tựu toàn cầu hoá của Nga trong suốt 3 thập kỷ. Các công ty phương tây rời bỏ Nga vì vừa có áp lực từ các chính phủ vừa có sự chấp thuận nhanh chóng của chính quyền Putin. Một cuộc tháo chạy khỏi Nga khiến họ buộc phải bỏ lại những tài sản được bán rẻ mạt hoặc thậm chí bỏ rơi. Mọi tài sản này sẽ thuộc vào Nga, có thể Nga sẽ công bố quốc hữu hoá những gì phương tây để lại.
Chỉ trong hai năm ngắn ngủi, khi các doanh nghiệp phương Tây quyết tâm hơn trong việc đưa sản xuất quay trở về quê nhà do Covid-19, thì với cuộc chiến Nga - Ukraine, việc tháo chạy và mất mát tài sản sẽ khiến cho tiến trình toàn cầu hoá chậm lại, hoặc thậm chí bị đảo ngược. Bởi vì, vấn đề không chỉ nằm ở một mình Nga.
Thế giới bắt đầu tạo ra xung đột không thể dung hoà giữa đông - tây, giữa phe thân Trung và phe thân Mỹ, giữa tiến bộ và bảo thủ... Khi không thể dung hoà, tiến trình toàn cầu hoá trở thành rào cản, trở thành công cụ mặc cả. Bởi thế, như một tất yếu, tiến trình toàn cầu hoá hoặc là bị thu hẹp hoặc thậm chí có thể bị đảo ngược bởi một trật tự thế giới mới, những nguyên tắc quốc tế mới, các cực đối trọng mới đã hình thành.
Liên minh với Trung Quốc: chiến lược thay thế cho toàn cầu hoá của phương tây?
Nga không giấu giếm mối quan hệ liên kết với Trung Quốc trong giai đoạn tiền chiến tranh. Tại Thế vận hội Mùa đông, Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký một tuyên bố chung thể hiện mong muốn xây dựng một trật tự thế giới “đa cực” mới. Họ đồng ý hợp tác “không có giới hạn” để đạt được mục tiêu này là mở ra “quan hệ quốc tế kiểu mới”. Tổng thống Nga từ lâu đã lý tưởng hóa một liên minh Á-Âu sẽ tạo thành một khối thương mại và văn hóa duy nhất độc lập với phương Tây.Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi tài liệu trong một lễ ký kết sau các cuộc hội đàm tại Điện Kremlin ở Moscow hôm 05/06/2019. (Ảnh: Alexander Zemlianichenko/AFP/Getty Images)
Cuộc chiến ở Ukraine càng buộc Nga phải đoàn kết hơn với Trung Quốc, sơm thực tế hoá liên minh Á - Âu của họ. Trung Quốc là cường quốc duy nhất đủ lớn để chống lại áp lực trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Việc đốt cháy các cầu nối kinh tế với phương Tây khiến Trung Quốc trở thành quốc gia duy nhất có thể hấp thụ một lượng lớn nguyên liệu thô và ngũ cốc mà Nga sản xuất. Hai quốc gia kết hợp với nhau có thể làm xáo trộn trật tự kinh tế và chính trị thời hậu Chiến tranh Lạnh, đồng thời tạo ra những căng thẳng và thiếu hụt mới. Một số người suy đoán rằng cuộc hôn nhân 'vội vã', 'ép buộc' giữa Trung Quốc và Nga sẽ dẫn đến một hệ thống tài chính song song đồng nhân dân tệ trở thành ngoại tệ dự trữ chính.
Rõ ràng, một trật tự quốc tế mới mà Nga và Trung Quốc mong muốn đang hình thành. Trật tự này sẽ khiến phương Tây đang suy yếu phải chống lại phương Đông đang trở nên hùng cường hơn. Hai khối chính trị khác biệt đang hình thành, sẽ khiến thế giới buộc phải lựa chọn một trong hai con đường đi: nền dân chủ tự do đang sụp đổ hoặc chủ nghĩa xã hội dân tộc chuyên quyền.
Đáng tiếc, cả hai con đường đều không thấy ánh sáng.
Phương tây suy yếu hơn bởi chiến tranh Nga - Ukraine
Cuối cùng, cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, cú bắt tay với Trung Quốc của Nga đã diễn ra vào thời điểm phương Tây cực kỳ dễ bị tổn thương: chuỗi cung ứng tắc nghẽn, lạm phát cao, nền dân chủ suy đồi, chính phủ phình to vì nợ nần, bóng ma lạm phát, cuộc chiến cấp tiến và truyền thống đang tiến tới xung đột xã hội sâu sắc hơn...
Chiến tranh sẽ tàn phá phương Tây bằng cách tranh giành thêm các hệ thống sản xuất vốn đã căng thẳng. Hàng triệu người tị nạn tràn vào châu Âu tạo thêm gánh nặng cho các nước chủ nhà, chiếm dụng các nguồn lực đáng lẽ cần phải dành cho việc tăng cường khả năng phòng thủ ở phương Tây.
Trong kịch bản này, phương Đông nắm giữ lợi thế. Phương Đông và phương Tây hội nhập đến mức phương Tây sẽ không dễ dàng cai nghiện các sản phẩm phương Đông (đặc biệt là Trung Quốc) một cách nhanh chóng. Các đường ống dẫn khí đốt tự nhiên giống như những chiếc dây buộc quanh cổ các nước phương Tây phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu của Nga. Hàng hóa Trung Quốc chiếm ưu thế trên thị trường nên có rất ít lựa chọn thay thế. Cuộc chiến Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế cũng đặt phương Tây vào thế bấp bênh.
Các chế độ chuyên quyền của phương Đông ít bị ảnh hưởng tiêu cực từ các đòn trừng phạt ở phương tây hơn so với các xã hội phân tán của phương Tây. Phương Đông được nhiều và phương Tây mất nhiều do sự chia cắt này.
Trà Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét