Thứ Năm, 4 tháng 11, 2021

Xây dựng thể chế, cải cách thể chế để nâng cao giá trị nội

Tôi đồng tình với bài này của TS Chu. Bài viết rất hay về cách chi tiền của người giầu. Tôi cũng rất ngạc nhiên khi thấy trẻ em và các nhà khoa học, các trường học và các viện nghiên cứu... ở VN chúng ta còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng không hiểu sao các doanh nghiệp của VN lại chăm chăm mang tiền sang tài trợ cho trẻ em và các nhà khoa học ở các nước tư bản giàu có gấp chúng ta hàng chục lần. Thật không thể hiểu nổi, nên ban nãy tôi mới phải dịch qua google bài "Tại sao trường cao đẳng Oxford đổi tên thành người phụ nữ giàu nhất Việt Nam" đăng trên tạp chí NIKKEI CHÂU Á 3-11-21 về chuyện nhà sáng lập Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo tặng trường cao đẳng Linacre của Anh món quà trị giá tới 211 triệu USD, để mong có ai đó bình luận, giải thích. Đáng tiếc là rất ít người quan tâm đến chuyện này. Đáng nói thêm là theo nhiều thông tin, Vietjet đang làm ăn thua lỗ; hồi tháng 3/2021 vừa qua đã phải xin nhà nước cho vay ưu đãi hàng nghìn tỷ đồng. Tôi cho rằng những người Việt từ bỏ những "giá trị nội” để sống theo những "giá trị ngoại" là những người sống và làm việc phi đạo lý ! 
Có thể là hình ảnh về 1 người và văn bản
Xây dựng thể chế, cải cách thể chế để nâng cao giá trị nội
FB Nguyễn Ngọc Chu 4-11-2021 - “Xây dựng thể chế là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu”. “Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh quan điểm này với các cơ quan từ Trung ương đến địa phương trong phát biểu bế mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tổ chức sáng 3/11”.
Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'BÁOĐIÊNTÜCHNPHỦ BAOCHINHPHU.VN TRANG CHỦ» CHÍNH TRỊ >> THỜI SỰ Thứ tư 03/11/2021 15:00 A Chủ tịch Quốc hội: Xây dựng thể chế là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu (Chinhphu.vn) Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh quan điểm này vớ›i các cơ quan từ Trung ương đến địa phương trong phát biểu bế mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về định hư°á»›ng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tổ chức sáng 3/11.'
Thêm một lần, lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nói về sự cấp thiết của xây dựng thể chế. Trước Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc đều nhiều lần nói về cải cách thể chế.

1. KIẾM TIỀN TỪ ĐÂU, TÀI TRỢ Ở ĐÓ

Các hãng lớn đến đầu tư sản phẩm ở thị trường nào, kiếm tiền từ thị trường nào thì làm khuyến mại, tài trợ cho khách hàng tại thị trường đó. Đây là một nguyên tắc kinh điển ‘bất di dất dịch” của thương mại thế giới. Nó gần trùng hợp với câu tục ngữ nhiều đời của người Việt: “Ăn cây nào rào cây ấy”.

Ngay cả lúc tài trợ để quảng bá thương hiệu, với những khoản tiền khổng lồ, các hãng lớn cũng không rời xa nguyên tắc “Ăn cây nào rào cây ấy”.

Lấy thí dụ trong thể thao. Hãng xe hơi Mercedes Benz khi bắt đầu lắp ráp ở thị trường Việt Nam đã chọn môn thể thao golf để tài trợ. Mercedes Benz không thiếu tiền để tổ chức những giải golf với số tiền thưởng khổng lồ. Nhưng nếu số tiền thưởng lớn thì các golf thủ nhà nghề đẳng cấp cao sẽ đến tham dự và dành hết tiền thưởng. Các golf thủ nước chủ nhà không có cơ hội tham dự và càng không có cơ hội chiến thắng. Vì thế họ chỉ tài trợ với mức tiền vừa phải, dành cơ hội cho các vận động viên địa phương có thể thắng hay đi sâu vào các giai đoạn sau của giải. Giải Mercedes Benz Tour ra đời các năm 2008-2011 là dành cho thị trường của Mercedes Benz ở Việt Nam và Asean.

Các hãng xe hơi khác, thí dụ như Toyota, vào thời gian đầu chưa tài trợ cho thể thao golf Việt Nam là vì phong trào golf ở Việt Nam còn mới, Việt nam chưa có các golf thủ chuyên nghiệp nhà nghề giỏi, nếu tổ chức giải lớn thì không đến phần các vận động viên nước chủ nhà. Nay thì phong trào thể thao golf từng bước phát triển, Toyota đã từng bước tham gia tài trợ cho golf, nhất là qua dòng xe hạng sang Lexus. Tỷ lệ tài trợ tăng theo trình độ của vận động viên nước chủ nhà.

Tương tự như vậy là Heineken cho Tennis. Nguyên tắc “Kiếm tiền từ đâu, tài trợ ở đó”, hay “Ăn cây nào rào cây đấy” đều được các hãng lớn trên thế giới không rời xa.

2. BÒN NƠI KHÓ, CHI NƠI GIÀU

Nhiều người không tránh khỏi hoàn cảnh “Bòn nơi khó, chi nơi giàu”. Nhất là ở các nước tụt hậu. Chẳng hạn như ở bao vùng quê nghèo khó, bố mẹ ngày kiếm không nổi 50.000 – 100.000 đồng, hàng tháng dành dụm được 1-2 triệu đồng gửi cho con đi học ở thành phố. Thế mà bước vào vũ trường, chỉ vài giờ đồng hồ, người con tiêu hết cả tháng lương lao động khó nhọc của bố mẹ. Đó chỉ là một hoàn cảnh của câu tục ngữ “Bòn nơi khố rách, đãi nơi quần hồng”.

Những người từng đã đi công tác và du lịch nước ngoài cũng không tránh khỏi sự đối mặt với hoàn cảnh “Bòn nơi khó, chi nơi giàu”. Khi mà lương trung bình của nước ta chỉ ở mức 200-300 đôla/tháng, thì số tiền dành dụm cả năm không đủ để chi phí cho một tuần du lịch ở các nước phát triển. Kiếm tiền ở nơi khó mà chi cho nơi giàu sang là nỗi kinh hoàng của những nước nghèo.

3. KHÔNG BÀN VỀ CÁCH TIÊU TIỀN CỦA NGƯỜI GIÀU

Có nhiều nguyên nhân giúp cho người ta giàu. Trong số đó có nguyên nhân là bởi người giàu biết tiêu tiền. Mỗi đồng tiền của người giàu chi ra đều phải sinh lời. Người giàu không bao giờ tiêu tiền vô ích. Không biết tiêu tiền thì không thể giàu. Vì thế ở đây không bàn về cách tiêu tiền của người giàu. Chỉ nhớ về cách tiêu tiền của người giàu.

Nhớ lại chuyện đọc từ bé. Đó là trường hợp anh đầy tớ chăn lợn tên Gớơc của hiệp sĩ Aivanho và ông già Do Thái Isắc Ióoc – bố của nàng Rêbécca xinh đẹp. Gớơc được hiệp sĩ Aivanho giao cho một túi tiền vàng dếchchin để trả cho ông già Do Thái Isắc Ióoc vì đã mua áo giáp và cho mượn ngựa để quyết đấu trong đấu trường Atsbai lịch sử. Ông già Isắc Ióoc đếm từng đồng tiền vàng dếchchin một, cho đến đồng thứ 80:

“Bảy mươi mốt, bảy mươi hai… chủ bác tốt bụng lắm… bảy mươi ba… người đâu mà thật quý hoá… bảy mươi tư… cái đồng này bị nứt một tý rồi…bảy mươi nhăm… đồng này dễ thường hơi nhẹ… bảy mươi sáu… khi nào chủ bác cần tiền, cứ tìm đến Isắc Ióoc này nhé…bảy mươi bảy… nghĩa là lời lãi phải chăng thôi… Đến đây lão ngừng lại một lúc lâu. Gớơc đã hy vọng ba đồng tiền cuối cùng may ra không phải chịu cùng số phận của nó, nhưng lão Do Thái lại tiếp tục đếm:

– Bảy mươi tám… bác thật là người biết điều… bảy mươi chín… bác cũng xứng đáng một chút gì…

Lão Do Thái ngưng lại một chút, nhìn xuống đồng “dếchchin” cuối cùng, ý chừng muốn làm quà cho Gớơc thì phải, lão nâng đồng tiền trên ngón tay trỏ và ném xuống mặt bàn cho nó kêu lên. Giá nó hơi nhẹ một tý, hoặc giá nó kêu rè rè thì tính hào phóng thắng cuộc đấy. Song thật không may cho Gớơc, tiếng kêu nghe lại giòn tan, đồng tiền mới toanh đầy đặn, mà nghe như hơi nặng hơn tiền thường thì phải. Isắc không đành lòng từ giã nó, bèn làm ra vẻ lơ đãng đút tọt vào túi mà nói:

– Thế là đủ tám mươi đồng! Tôi chắc thế nào chủ bác cũng thưởng cho bác hậu hĩnh lắm đấy”(trích Aivanhô, trang 134).

Cách tiêu tiền của người giàu Isắc Ióoc đã không cho Gớơc một cơ hội nào kiếm chác. May mà nàng Rêbécca xinh đẹp vì tình yêu với hiệp sĩ Aivanhô, đã đưa cho Gớơc túi tiền 100 đồng dếchchin để trả lại, bao gồm 20 đồng dếchchin tiền thưởng cho Gớơc, nhiều gấp đôi 10 đồng dếchchin mà hiệp sĩ Aivanhô đã cho Gớơc trước đó.

4. KHÔNG THỂ MÃI NƯƠNG NHỜ GIÁ TRỊ NGOẠI

Cách tiêu tiền của người giàu Việt Nam với người giàu nước ngoài cũng có nhiều điểm khác biệt nguyên tắc.

Tháng 12/2020 Vingroup thông báo về giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu VinFutre với một giải chính và 3 giải đặc biệt có tổng giá trị 104,5 tỷ đồng (khoảng 4,5 triệu USD). Giải thưởng chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 70 tỷ đồng (khoảng 3 triệu USD), có thể nói là giải thưởng lớn nhất về khoa học – công nghệ, lớn hơn cả giải Nobel.

Các nhà khoa học Việt Nam, trong vòng 10 năm nữa, không có cơ hội để dành giải thưởng chính. Các nhà khoa học đến từ các nước chậm phát triển chỉ có cơ hội dành giải đặc biệt trị giá chỉ 500.000 USD (11,5 tỷ đồng).

Ngày 31/10/2021 lại được tin Sovico bỏ ra 155 triệu bảng Anh (khoảng 213 triệu USD) tài trợ cho Trường Linacre College (thuộc ĐH Oxford).

“Trong đó có việc đầu tư phát triển một trường thuộc hệ thống Viện ĐH Oxford và thành lập quỹ học bổng 7,5 triệu bảng Anh (hơn 233 tỉ đồng) dành cho sinh viên Việt Nam và các nước trong khu vực.

“Sau khi nhận khoản tài trợ đầu tiên trị giá 50 triệu bảng Anh, chúng tôi sẽ xin phép Hội đồng Cơ mật để có thể đổi tên từ Linacre College thành Thao College để ghi nhận món quà mang tính bước ngoặt này”, thông báo trên trang web của Linacre College nêu”.

Tính rộng ra, khoản “đầu tư phát triển một trường thuộc hệ thống Viện ĐH Oxford”, cộng với 7,5 triệu bảng anh quỹ học bổng, cộng với các nghiên cứu mà Oxford có trách nhiệm làm cho Sovico là 55 triệu bảng Anh, thì sự đổi tên của Linacre College có giá 100 triệu bảng Anh (khoảng 137 triệu đô la Mỹ).

Ở trên đã lưu ý, rằng người giàu rất biết tiêu tiền. Mọi đồng tiền của người giàu bỏ ra đều mang lại lợi ích. Nên như đã nói – không dám luận bàn đúng sai về cách tiêu tiền của người giàu.

Nhưng qua các thí dụ viện dẫn ra ở trên có thể thấy sự khác biệt giữa các hãng Việt so với các hãng nước ngoài. Các hãng nước ngoài tài trợ tuân thủ theo nhiều nguyên tắc, nhưng trong đó có nguyên tắc rất căn bản mà họ không rời xa là “kiếm tiền từ đâu, tài trợ ở đó”, tương tự như cách nói của tục ngữ Việt Nam “ăn cây nào rào cây ấy”.

Tại sao lại có sự khác biệt nêu trên? Ấy là vì nhiều người Việt Nam chi tiền để “nương nhờ giá trị ngoại”. Đến mức có vị ĐBQH phải bỏ nhiều triệu USD để có được hộ chiếu nước ngoài, thì người giàu Việt Nam bỏ nhiều triệu USD để có danh ở nước ngoài không có gì phải lạ. “Nương nhờ giá trị ngoại” không phải lúc nào cũng bị phản đối, vì còn phụ thuộc vào cách “nương nhờ”. “Nhưng nương nhờ giá trị nội” có tốt hơn không?

Quá cấp thiết phải xây dựng thể chế, cải cách thế chế – để nâng cao giá trị của cả trăm triệu người Việt. Để người Việt không phải bỏ nhiều vạn, triệu đôla cho sở hữu hộ chiếu nước ngoài. Để dòng tiền làm ra nơi đất Việt không bị dấu giếm chuyển ra nước ngoài. Để người Việt không cần chi hàng chục hàng trăm triệu đôla mong nương nhờ giá trị ngoại. Để hàng vạn người Việt không còn ra đi bất hợp pháp. Để không nước nào chèn ép được Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét