LỜI TƯỞNG NIỆM
GS Tương Lai - Hôm nay đúng 99 năm ngày sinh của người mà chúng ta yêu mến. Nhìn lên di ảnh của người ấy, lòng ngậm ngùi tưởng nhớ đến một nhân vật lịch sử đương đại đã rứt áo ra đi. Và đi mãi không trở về với chúng ta, những người đang khắc khoải về vận nước trước hoạ ngoại xâm của kẻ thù phương Bắc mà ông cha chúng là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc ta. Chúng xưng là thiên triều, ở trung tâm thiên hạ, còn dân tộc ta bị liệt vào chư hầu Man, Di Nhung, Địch phải thần phục chúng.
Hậu duệ của những “thiên triều” mà điển hình là họ Tập đang nuôi ý đồ khôi phục lại đế chế từng chiếm giữ ngôi bá chủ, đã không từ một thủ đoạn bỉ ổi nào. Mặc dù thế, dân tộc ta chưa từng bị khuất phục. Lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều, quân dân ta đã từng đánh cho bọn xâm lược tan tác “Ra đến biển chưa thôi trống ngực…về đến Tàu còn toát mồ hôi”.
Võ Văn Kiệt là một trong những người người hiểu rõ kẻ thù, biết phòng vệ từ xa, thấy rõ hiểm hoạ Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống thời hiện đại rất sớm. Chính từ giữa Đại hội 10, cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông đã cảnh báo những kẻ cam phận chư hầu. Để giữ cái ghế quyền lực cho mình và kẻ kế nhiệm theo sự xếp đặt của Bắc Kinh đang khoác tấm áo bịp bợm “người đồng chí cùng chung ý thức hệ XHCN” để dễ bề thao túng và lũng đoạn, họ vẫn ngoan cố vì biết đang được Bắc Kinh hậu thuẫn.
Nhắc lại vài dòng mở đầu cho Lời Tưởng Niệm để càng thấy sự trống vắng của nhân vật lịch sử đương đại Võ Văn Kiệt, khi mà chiến hạm của Trung Quốc đang uy hiếp nhiều vùng lãnh thổ và lãnh hải thuộc chủ quyển của ta càng thấm thía với câu thơ Việt Phương 13 năm trước:
“Người có biết đời yêu người đến thế.
Đời cần người lúc này bao xiết kể.
Người đừng đi đừng đi đừng đi”
Nhân vật lịch sử ấy không là của lịch sử Việt Nam mà của thế giới. Giáo sư Carl Thayer, một người am hiểu sâu sắc về Việt Nam vì ông từng có hơn ba thập kỷ nghiên cứu về Việt Nam. Nếu tôi nhớ không nhầm thì từ những năm 90 của thế kỷ trước, lúc đang làm việc tại Học Viện Quốc phòng Australia, ông đã nghiên cứu và xuất bản những tác phẩm viết về chính trị Việt Nam và Đông Nam Á. Ấn tượng đậm nét trong tôi là : trong tủ sách riêng đặt tại phòng làm việc ở Học Viện Quốc Phòng Autralia mà ông giới thiệu khi tôi đến Canbera dự một Hội thảo, có đủ tất cả báo chí chính trị từ báo Cứu Quốc năm 1946 cho đến Báo Nhân Dân hầu như không thiếu một số nào!
Ông đã ghi nhận về nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt như sau : “Việt Nam đã mất đi một kiến trúc sư của Đổi mới, một người liên tục thúc đẩy Chính phủ hiện nay tiếp tục con đường cải cách mà ông đã đề ra”. Để làm nổi bật hình ảnh của Võ Văn Kiệt, ông thẳng thắn nhận định về Nguyễn Phú Trọng : “Trong giai đoạn cầm quyền của ông Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã lùi bước ba lần khi đối mặt với các mối đe dọa và áp lực của Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông. Vào tháng 7 năm 2017 và tháng 3 năm 2018, Việt Nam đã ngừng dự án thăm dò dầu khí Repsol của Tây Ban Nha tại khu vực Bãi Tư Chính. Vào năm 2019, sau cuộc đối đầu kéo dài 4 tháng tại cùng khu vực cũng như tại Lô phong lan đỏ do Tập đoàn dầu khí của Nga Rosneft điều hành, Việt Nam đã hủy hợp đồng với Tập đoàn Noble về dịch vụ của một tàu khảo sát. Tiền lệ này khiến Việt Nam rất khó tiếp tục thăm dò dầu khí ở khu vực này “.
Nhằm giải thích tình hình Việt Nam, Carl Thayer đưa ra phân tích : “Yếu tố cơ cấu có thể được so sánh với chứng xơ cứng động mạch, nơi mà con đường lựa chọn lãnh đạo ngày càng bị hạn chế. Giải pháp là thay đổi cách quản lý cứng nhắc của đảng với quá trình chuyển đổi thế hệ hoặc để con người thay đổi lối sống khi về già”.
C.Thayer đã có nhận định rất sâu sắc: “Họ tìm cách bảo tồn chế độ độc đảng và định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ hạn chế các lĩnh vực sẵn sàng hợp tác với chính quyền Biden nếu chính quyền này nhắc lại mối quan tâm của Hoa Kỳ về nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam”.*
Không chỉ mình Carl Thayer, vị Đại sứ Thuỵ Sĩ đến thăm tôi đã nhận định “Dân số Thuỵ sĩ ít hơn dân số Việt Nam đến mấy mươi lần. Do vị thế địa-chính trị gắn với lịc sử của Liên Bang Thuỵ sĩ, nước chúng tôi “có vai trò trung gian” mà chúng tôi tự hào về nó trong một thế giới dữ dằn và đầy biến động. Và tôi hiểu lịch sử hình thành dân tộc các bạn lại hết sức độc đáo, truyền thống quật cường đã làm cho dân tộc tồn tại và phát triển suốt mấy ngàn năm lịch sử trước kẻ thù lớn hơn mình gấp nhiều lần. Vị Thủ Tướng đương nhiệm Võ Văn Kiệt của các bạn đã có tầm mắt nhìn xa trông rộng, gắn kết với các nước Đông Nam Á và khu vực Châu Á Thái Bình dương. Rõ ràng với vị trí địa chính trị đặc biệt, khó có nước nào trong ASEAN thuận lợi hơn”.
Tôi chỉ đưa ra hai trường hợp người nước ngoài nhận định về Võ Văn Kiệt mà tôi biết rõ vì đã được gặp. Làm sao mà kể hết những nguyên thủ quốc gia, những chính khách có tên tuổi, những nhà báo nổi tiếng từng đến phỏng vấn như tôi như Bruno Philip của tờ Le Monde, Thomas Fuller của tờ New York Times, Kobuhiro Okuma, Truỏng Đại diện của Kyodo News, Kyrstin Oanh Hà, Truỏng Văn phòng Blooberg và các Đại sứ , như đại sứ Anh, ông Giles Lever, đại sứ Mỹ, ông Ted Osius, Đại sứ Hungari, ông Csaba ory… Các Tổng Lãnh sự tai Tp HCM như Bà Tổng Lãnh sự Mỹ MaryTarnowka, Tổng Lãnh sự Pháp Emmanuel Ly- Batallan…đều biểu tỏ sự ngưỡng mộ đối với Võ Văn Kiệt, về “bản lĩnh đưa ra quyết sách và theo đuổi đến cùng sự nghiệp Đổi Mới ngay cả khi ông rời khỏi cương vị Thủ tướng ông vẫn quyết liệt thúc đẩy mở rộng quan hệ với nhiều nước trên thế giới đang vận hành kinh tế thị trường để tìm bài học kinh nghiệm”.
Có thể nói ở nước ta, hiếm có vị Thủ tướng tự khai trong lý lịch về trình độ học vấn “biết đọc, biết viết”, lại có được mối quan hệ quốc tế rộng và nhiều bạn bè thân tình đến thế! Cho nên, giáo sư Cao Huy Thuần ở Paris lý giải:”Tại sao ông Sáu Dân để lại nhiều tình tình cảm đặc biệt nơi người trí thức? Chỉ đứng trên lĩnh vực trí thức mà thôi, câu trả lời là: “Tại vì, ở cương vị quyền hành, ông đã nhìn và nhận người trí thức như vậy. Và tại vì, ở cuối đời, khi chỉ còn cây bút và hai bàn tay không, ông đã làm nhiệm vụ của một người trí thức như thế… không đánh mất khả năng tự phê phán, để tự mình khai phóng, tự mình đổi mới, tự mình phát triển, tự mình mở cửa cho tiến bộ…”
Phải chăng bình sinh ông vốn là người chân tình cởi mở, cách ứng xử của ông luôn thấu tình đạt lý. Hãy chỉ kể một chuyện “Có một ông già nông dân Nam Bô sau khi nghe ông Kiệt nói trên tivi nhân Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, đã gọi điện thoại ra Văn phòng Chính phủ muốn nói chuyện với Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Văn phòng đã ghi lại số điện thoại của ổng. Ngay đầu giờ chiều Thủ tướng đã gọi điện thoại nói chuyện với ổng”!
Tôi may mắn có mấy năm cuối kể từ 1998 được giúp việc ông Sáu Dân, tôi hiểu rằng ông có cách ứng xử đó vì ông có trọn vẹn chữ “tâm”. Chuyện ông Sáu Dân vào trại giam thăm và gắn“huy hiệu Đường giây 500kv” cho Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải thì nhiều người đã biết, ông thấu hiểu và chăm chút đến thân phận con người trong vòng xoáy số phận giữa những bất tường của cuộc đời.
Tôi muốn nói thêm về “một ấn tượng Sáu Dân” trong chuyến đi từ Đà Nẵng đến Quy Nhơn. Đến nơi thì đã quá trưa, lại biết là ông không được khoẻ nên có ý bàn lùi để đến buổi chiều hãy đi thăm Cầu Thi Nại (còn gọi là Cầu Nhơn Trạch), chiếc cầu vắt qua eo biển dài nhất Đông Nam Á. Ông gat đi, lại cũng gạt nốt chiếc ô vừa giương lên che cho ông, vui vẻ bước lên đầu cầu, ngắm biển, ngắm cầu. B
ỗng ông hỏi Bí thư Tỉnh uỷ : “hình như khi thiết kế người ta quên dành ra một khoảng “vòng eo” để bọn trẻ ra đây hóng mát, chụp ảnh… thì phải. Cây cầu Tràng Tiền bắc qua Sông Hương do người Pháp xây từ thế kỷ XIX mà đã chú ý đến chuyện này”. Ông chỉ vào tôi cười : “Cứ hỏi ông gốc Huế này thì biết rõ việc ấy”.Tôi chỉ biết cười trừ.
Còn biết bao “những ấn tượng Sáu Dân” như vậy trong chúng ta. Xin dẫn ra đây ý kiến của ông Huỳnh Bửu Sơn, môt thành viên trong “Nhóm Thứ Sáu”, người luôn có mặt trong những Lễ Tưởng Niệm ở nhà tôi nhân ngày sinh hoặc nhân ngày Giỗ ông Sáu Dân. Với ông Sơn, “Ông Sáu Dân có một sức thu hút đặc biệt. Không những ông có thể khiến cho mọi người cảm thấy gần gũi và tin tưởng, mà còn khiến cho mọi người tự nguyện xắn tay áo, đem hết tâm huyết ra góp sức thực hiện những công việc vì lợi ích chung do ông đề ra”.
Một nhân vật đáng kính trọng như cụ Linh mục Huỳnh Công Minh, người nhiều lần được Thủ tướng Võ Văn Kiệt tiếp kiến và trao đổi về đời sống và hoạt động của bà con giáo dân trong địa phận Sài Gòn. Với nụ cười đôn hậu, cụ luôn có mặt trong những ngày Tưởng niệm. Có lần vị linh mục yêu nước này đang đứng ở hè đường phía sau Nhà Thờ Lớn, thấy đoàn biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược đang đi, cụ đã bước xuống đường nắm tay tôi cùng đi dọc đường Hai Bà Trưng đến trước Lãnh Sự quán Trung Quốc.
Ông Sáu Dân có mối quan hệ gần gũi với các vị chức sắc và bà con Phật tử. Thiền sư, giáo sư, tiến sĩ Lê Mạnh Thát, vị học giả uyên bác có mối quan hệ mật thiết và thân tình với Thủ Tướng Võ Văn Kiệt . Vị Thiền sư viết “Tôi có ấn tượng rất đặc biệt khi tiếp xúc với cụ. Đó là một nhân cách lớn, hết sức giản dị, chân tình, hòa ái và đã nói là nói lời chân tình xuất phát từ đáy lòng. Cách ứng xử của cụ đối với quần chúng nhân dân vừa thể hiện sự gần gũi, bộc lộ sự chân thật giữa người với người vừa tạo cảm giác rất dễ chịu cho người nghe. Một nhân cách Võ Văn Kiệt. Với Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2008 tại Việt Nam, nếu không có sự quan tâm đặc biệt và tận tình giúp đỡ của ông Sáu Dân thì khó có sự thành công vang dội trên bình diện quốc tế như vậy.
Chị Vũ Kim Hạnh, nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ vốn tính bộc trực. Trong một lần Tưởng Niệm nhân ngày sinh ông Sáu Dân, tôi trình bày Lời Tưởng Niệm, trong đó có câu : “Giá lúc này có ông Sáu Dân”, nhà báo Kim Hạnh đã biểu tỏ quan niệm của mình đại ý như sau : “Tại sao chúng ta lại bắt một ông già đã quá tuổi “xưa nay hiếm” phải đặt trên vai mình thay chúng ta gánh nặng của đất nước? Ông ra đi, chúng ta đau xót tiếc thương, nhưng phải triển hết gân sức để thay ông làm tiếp phần việc mà ông để lại cho dù là nhỏ bé”. Tôi chép không đúng nguyên văn, nhưng suy ngẫm kỹ thì thấy chị Kim Hạnh nói chí lý.
Nhưng dù có thế, chúng ta vẫn không thể lấp được khoảng trống vắng trong chốn sâu thẳm tâm hồn mình khi người mà ta tin tưởng và yêu thương. Sự trống vắng ấy càng day dứt trái tim ta khi mà vận nước đang quá nghiệt ngã với những tấm lòng yêu nước thương nòi, ưu tư về thế sự.
Trong nỗi day dứt ấy không hiểu sao tôi nhớ đến tứ thơ của Trần Tử Ngang, một tài năng hiếm có của thời Sơ Đường bên Trung Quốc. Bài “Đăng U Châu đài ca” (Bài ca lúc lên đài U Châu). Phải chăng là tôi thấy tiếc cho đất nước vốn có một nền văn hoá lâu đời lại đang dưới nanh vuốt của những hậu duệ như Tập Cận Bình với mộng làm bá chủ thế giới đang trở thành kẻ thù của dân tộc ta mà mở đầu Lời Tưởng Niệm tôi đã nói đến bản lĩnh và khí phách của Võ Văn Kiệt kiên quyết đấu tranh chống lại âm mưu tàn độc của Bắc Kinh? E có lẽ như vậy! Một liên tưởng biểu tỏ một tâm trạng.
Người trước chẳng thấy ai
Người sau thì chưa thấy
Ngẫm trời đất thật vô cùng
Riêng lòng đau mà lệ chảy.
(Tương Như dịch thơ )
https://www.viet-studies.com/kinhte/TuongLai_MenhMongTheSu122.pdf
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét