Con đò nhân ái
Những tháng ngày không bao giờ quên
Chị dâu tôi có một người bạn học rất thân từ thời nhỏ ở Trường Thánh Mẫu, gần Chợ Bà Chiểu. Năm 1982, một hôm tôi ghé thăm anh tôi và trong lúc trò chuyện thì chị dâu tôi bỗng hỏi:
– Em nhớ chị Trang không?
– Dạ, nhớ. Sao chị?
Thế là chị kể cho tôi nghe nhà chị này đã vượt biên “lọt” hết ra nước ngoài, chỉ còn lại cô em út và bà mẹ già. Nghe vậy tôi ngỏ ý nhờ chị nói giúp họ giới thiệu cho tôi một chỗ. Ít lâu sau, chị đưa hai cha con tôi đến gặp má chị Trang vào một buổi tối tại khu chung cư trên đường Võ Di Nguy cũ, gần ngã tư Phú Nhuận. Bà Hai, má chị Trang, có dáng người thấp, mập mạp, miệng lúc nào cũng đỏ chót vì nhai trầu nhưng có tướng mệnh sang trọng. Khi gặp, bà lấy hình gia đình con cháu bên Mỹ ra khoe, xem đó như là bằng chứng về việc bà có một đường dây đưa người đi vượt biên tốt. Cuối cùng bà Hai hứa giới thiệu giúp tôi nếu “chủ” còn tiếp tục “đánh!” (từ lóng ám chỉ một lần ra đi của người tổ chức vượt biên).
Vài hôm sau, Hương, em út chị Trang, nhắn chúng tôi đến. Lần này bà Hai cho biết điều kiện để người ta đưa đi là mỗi đầu người phải “chung” bốn cây vàng, đặt cọc trước “một cây” (một lượng vàng) giữ chỗ. Số tiền này bên bãi dùng lo chi phí công việc, mua xăng dầu lương thực cho chuyến đi. Khi đến nơi, gia đình sẽ giao tiếp phần còn lại lúc được điện tín.
Tìm đường vượt biên là chuyện đấu trí, cân não, đau đầu mệt óc, ăn thua thật giả khó phân, mất ăn mất ngủ, bỏ cả công việc làm ăn; trong khi đó, phần thua vẫn nghiêng về người muốn đi nhiều hơn. Ba tôi sau cùng cũng bấm bụng làm liều đưa bà Hai “một cây”. Từ đó tôi thấp thỏm lo âu, mong ngóng tin bà Hai. Nhiều bữa chờ lâu quá không thấy gọi, tôi chạy lên nhà bà Hai dò tin thì được bà nói yên tâm đợi, sắp sửa có chuyến “đánh” rồi…
Mùa mưa bắt đầu, tôi và ba tôi lo lắng hơn, vì đi vào mùa giông bão, biển động rất nguy hiểm. Tuy vậy, bà Hai lập luận rằng “đánh” vào mùa mưa thì hiểm họa bị bắt giảm nhiều, miễn là mình có ghe to, tốt. Thấm thoát đã hơn năm tháng tính từ lúc chúng tôi đưa tiền cho bà, ngày kia, Hương tạt ngang, báo sắp có chuyến. Chiều hôm đó, cha con tôi tới nhà bà Hai để gặp “đề lô” (người dẫn đường). Ngồi cạnh bà Hai là một ông già tuổi ngoài năm mươi, ốm cao, mặt thon dài, xương xẩu, nước da ngăm, đeo cặp kính cận gọng vàng, thoạt nhìn rất khó có cảm tình, được má Hương giới thiệu là ông Hai, người sẽ dẫn tôi xuống Cần Thơ ngày mốt. Sau khi bà dặn dò nhiều thứ, cuối cùng ông lên tiếng, giọng Bắc, lạnh như tiền:
– Hai ngày nữa chúng ta sẽ khởi hành lúc năm giờ sáng từ Xa Cảng Miền Tây. Cháu cứ theo tôi nhưng đừng bám sát và dĩ nhiên phải xem như chẳng quen biết gì nhau, vậy thôi!
– Mình ra cửa biển nào hả chú? Tôi thăm dò.
Ông Hai nhún vai:
– Chuyện đó của bên A, dĩ nhiên họ giữ kín, mình không thể biết được. Vấn đề là tôi sẽ cố gắng đưa quý vị tới bãi “ém quân” đúng hẹn và an toàn. Phần còn lại quý vị phải nghe theo sự sắp xếp của họ. Trên đường đi, cháu đừng để bị nghi, bị bắt bớ gì cả nhé. Không mang theo thuốc say sóng hay lương khô, nếu mang theo thì giấu kỹ, đừng để công an khám thấy. Đó là chứng cứ để bị ghép tội vượt biên. Quý vị về chuẩn bị đi. Mốt gặp!
Chúng tôi từ giã xuống lầu không quên cảm ơn và chào má con Hương. Bà Hai miệng nhai trầu bỏm bẻm chúc vói theo “thượng lộ bình an!”.
Sáng hôm sau, tôi vội vã sang nhà người chị họ; làm thư ký ở phường, nhờ làm giúp cho cái “giấy đi đường”. Dĩ nhiên trước đó tôi đã chạy ra tiệm vàng Trần Hậu ngoài chợ Bà Chiểu, mua tấm lắc năm phân vàng mười tám carat (18K) tặng cho đứa con gái mới một tuổi của chị. Thời buổi ấy, ngoài tình họ hàng thân thích, thì mọi việc nhờ vả đều phải “biết điều”.
Chạng vạng, tôi đến nhà chị. Chị đưa tôi tấm giấy có xác nhận của phường, không quên đùa:
– Cậu “quy mã” (nói lái “qua Mỹ”) được, đừng quên cháu nghe!
Sáng sớm hôm sau, tôi vào phòng thờ đốt nhang cho bà Nội với chú Sáu, không quên khấn nguyện phù hộ cho tôi ra đi bình an, rồi vác cái ba lô nhỏ. Ba tôi chở tôi đi bằng xe đạp khi trời còn tối. Chúng tôi đến Xa Cảng khi gần tới giờ hẹn, đi loanh quanh một lúc thì gặp ông Hai đứng ở khoảng trống dễ thấy nhất. Ông tằng hắng rồi đi lại phòng bán vé xe đò. Tôi cũng mua vé rồi bước lên theo, ngồi cách sau ông hai băng ghế. Trời càng gần sáng thì người càng đông. Tiếng kêu la, réo gọi, kẻ tới, người lui nhốn nháo khắp nơi. Chiếc xe đò “Desoto” cũ kỹ chật cứng.
Con ngựa sắt già chạy cà rịch cà tang, gồng mình chở một đống người và hàng hóa nặng nề. Trong xe hành khách ngủ gà ngủ gật. Tới trạm kiểm soát kinh tế nào thì dừng lại trạm ấy cho công an, nhân viên thuế vụ xét. Thường thì bận đi chuyện khám xét hàng hóa đỡ gắt gao hơn bận về. Chúng tôi tới Bắc Cần Thơ vào xế chiều. Khi xe xuống phà, nhiều trẻ em bu bên ngoài cửa sổ với thúng mủng, nào là mía ghim, bịch nước ngọt, nước cam, trà đá mời gọi inh ỏi. Các phụ nữ lớn tuổi hơn thì cầm chôm chôm, quít, cam sành đi dọc theo xe mời mọc. Mấy ông già thì tay bưng rổ đựng thuốc lá, kẹo cao su (chewing-gum), cốm bịch…
Lên khỏi Bắc, xe vô bãi. Tôi theo ông Hai đi lững thững phía trước, miệng phì phà thuốc lá. Sau cùng ông dừng lại, ngồi xuống chiếc ghế đá trong công viên Bến Ninh Kiều. Tôi tiếp tục rảo bước quanh một vòng như nhàn tản, đồng thời xem có bị ai theo dõi không. Ngoài kia, hàng dương rủ bóng trên bờ sông. Gió hiu hiu, sóng sông Hậu vỗ lăn tăn gợi chút hữu tình. Tôi tìm một băng ghế đá xa xa, lấy gói thuốc lá Aspara rút một điếu, vừa lúc có hai vợ chồng trung niên dẫn hai con gái nhỏ mà tôi gặp ngoài bến xe Xa Cảng bước vào. Đằng kia, một thanh niên mặc sơmi đỏ dài tay đang mồi nhờ thuốc ông Hai xong bỏ đi. Nán lại giây lát, ông ta rời ghế, đi ngang nói nhỏ mà không ngó tôi:
– Theo người thanh niên áo đỏ ấy nha!
Nhận được “mật khẩu” của ông, tôi vờ cúi xuống xếp đồ đạc trong ba lô rồi tà tà ra khỏi bến. Bên ngoài, người thanh niên đứng dưới bóng cây ngó mông lung và thong thả đi về hướng chợ Cần Thơ. Anh ta tiến tới một chiếc xe khách đi Phụng Hiệp. Khi tôi đến gần, anh ta nói trỏng như ra lệnh:
– Lên đi!
Tôi lẳng lặng lên xe. Một đỗi sau, hai vợ chồng trung niên và hai cô con gái nhỏ cũng lên. Người thanh niên áo đỏ bước lên sau cùng. Xe chuyển bánh. Tiếng hát Chế Linh rên rỉ từ chiếc máy cassette “Mai lỡ mình xa nhau”…
Những ân tình mãi mãi ghi tạc
Tại Phụng Hiệp, tôi lẽo đẽo theo anh ta lên một chiếc xe đạp lôi cùng với cặp vợ chồng và hai đứa con mọn. Người đàn ông đen đúa mặc chiếc áo lính ngày trước đưa cặp chân khẳng khiu đạp xe trên con đường đất nhỏ. Nhìn ông cố gắng nhón người lấy thêm sức đạp xe qua những chỗ đất lởm chởm mới đắp khiến chiếc nón vải dù nhô lên hụp xuống như muốn rơi thấy tội làm sao!
Đi được khá, người thanh niên ra dấu bảo ông ta dừng lại tại một lũy tre. Thấp thoáng phía sau có một mái nhà lá. Chúng tôi vào căn nhà nền đất tương đối lớn. Tiếp chúng tôi là một trung niên vui tính, miệng cười toe toét. Chúng tôi được giới thiệu là anh Năm “cà nhỏng”. Tối hôm đó tôi mới biết anh là trung sĩ quân đội VNCH, bị thương ở chân trong một trận đánh dữ dội ở Chương Thiện. Anh Năm dẫn chúng tôi vào buồng trong. Người thanh niên áo đỏ nói trước khi bỏ đi:
– Bà con nghỉ ngơi ở đây và cố gắng im lặng đừng để bị lộ. Khoảng chín, mười giờ đêm sẽ có người tới dẫn quý vị ra ghe lớn. Chúng ta khởi hành đêm nay.
Chúng tôi lặng lẽ ngồi yên nhắm mắt dưỡng thần. Đầu kia hai đứa nhỏ nằm trên tấm chiếu mà anh Năm cho mượn đang ngáy khò. Không biết đến bao lâu khi Mặt trời ngả về hướng Tây, ánh nắng chiều đổ dài trên mặt sân trước nhà, thì bóng anh Năm xuất hiện nơi ngưỡng cửa gian nhà chính, hai tay chống lên đố cửa, ngó ra sân gọi to:
– Chim, Cò, Két, Cưỡng ơi, về ăn cơm!
Bất ngờ nghe tiếng kêu ngộ nghĩnh của anh, tôi không nín được cười, làm chị vợ của người trung niên hoảng hốt cau mày nhắc:
– Suỵt! Trời ơi, đi trốn mà anh còn cười lớn nữa.
Tối hôm đó, anh cho chúng tôi ăn cơm trắng nóng hổi với cá bống kho tiêu và rau muống luộc, ngon đến nỗi tôi còn nhớ đến tận hôm nay. Khi đã no nê, tôi chợt nhớ ra một điều nên ngó anh Năm thắc mắc:
– Ủa, hồi nãy anh gọi Chim, Cò, Két, Cưỡng là ai vậy anh?
– Mấy đứa con tui.
– Sao không thấy mấy cháu về ăn cơm?
Tôi ngơ ngác hỏi. Anh cười cười:
– Tui gửi tụi nó sang nhà ngoại nó hôm qua rồi. Hồi nãy gọi là “đóng phim” thôi. Để tụi nó ở đây mà gặp bà con đông đúc thế này thì chỉ có chết!
– À, ra là vậy!
Đến sáng hôm sau cũng chẳng thấy ai đến đưa đi. Chúng tôi chờ suốt hai ngày thì người thanh niên áo đỏ xuất hiện, bảo chuyến đi bị hoãn mà không nói lý do. Bây giờ thì mọi người lần lượt “giải tán”. Tôi được bảo đi trước.
Tại Bắc Cần Thơ, khi chiếc phà nổ máy đùng đùng, chậm chạp đưa người sang sông, tôi đứng trong một góc, lơ đãng nhìn từng dề lục bình trôi lặng lờ theo dòng nước đục phù sa mà chán chường cám cảnh cho “đời vượt biên” của mình. Khi phà cập bến, tôi vừa bước ra thì bất ngờ từ đầu sông ở hướng ngược lại, có một chiếc ghe gắn cờ đỏ sao vàng và vài ba công an với súng hườm sẵn rẽ nước chạy nhanh tới, miệng hò hét om sòm. Tôi giật mình hốt hoảng, nghi là có thể bị “bể” ở đâu rồi nên lẹ làng lủi vào trong chợ. Không chần chừ thêm giây phút nào, tôi vội đi vòng ra phía sau và thấy có một bến xe. “Phải rời khỏi nơi đây ngay trước khi công an báo chính quyền địa phương vây bắt, bằng không thì nguy to” – nghĩ là làm, tôi rảo bước.
Đột nhiên sau lưng tôi, giọng một người con gái thỏ thẻ vang lên lúc tôi còn đang dớn dác:
– Mua chôm chôm hông anh? Chôm chôm tróc ngon lắm. Nếu anh mua của ai thì mua giùm em đi nha anh.
Tôi xoay người lại, trước mặt là một cô gái đôi mươi, đội nón lá che nghiêng với làn nước da trắng ngần, đang ngồi chồm hổm giữa đống giỏ và cần xé. Nàng giơ chùm chôm chôm vàng ánh xen lẫn đỏ lự, chen trong chùm lá xanh tươi rói, và nói tiếp khi tôi còn đang ngẩn người:
– Anh mau bỏ đồ của anh vào cái giỏ này lẹ đi. Công an tới kìa! Xắn quần lên cao một chút đi anh!
Miệng nói mà tay nàng thoăn thoắt hốt mớ cành lá chôm chôm bỏ vào cái giỏ đưa tôi để đậy cái ba lô lại, rồi quăng cho tôi chiếc nón cũ rách rộng vành, miệng đon đả chỉ ra bờ sông ngoài xa:
– Ông xã ơi, làm ơn mang giỏ rác này tới kia đổ giùm em đi ông xã!
Người con gái nhỏ ấy liếc tôi bằng chiếc đuôi mắt dài, mặt bẽn lẽn, hai má hây hây hồng thật dễ thương. Đoạn cô cong đôi môi đỏ mọng cất tiếng hát một bản tình ca quê hương, qua giai điệu bolero mùi mẫn: “Nhớ mùa chôm chôm trước, mùa chôm chôm kỷ niệm biết bao nhiêu nồng thắm. Có một chàng thiếu niên, nơi đô thành tìm xuống Vĩnh Long thăm bạn hiền… Cô em cười tươi thắm, mời anh mua chôm chôm… Thế rồi mùa mưa tới, mùa chôm chôm chín đỏ, thắm như hoa hàm tiếu, má hồng không phấn son… Tình đẹp mùa chôm chôm!”
Tôi mau mắn làm theo lời nàng, không kịp nghĩ ngợi, xắn quần lên, ống cao ống thấp, quơ vội cái nón đội lên đầu, rồi vác chiếc cần xé lên vai tiến ra bãi rác gần bờ sông. Lúc đó, đám công an cũng vừa trờ đến. Tôi cố bình thản, bước tự nhiên, tai vẫn nghe văng vẳng giọng ca ngọt ngào của cô bé vọng lại. Đổ rác xong, tôi lấy chiếc ba lô của mình và lẹ làng nhảy lên một chiếc xe sắp chuyển bánh, không quên ngoảnh lại nhìn cô gái như cám ơn. Tôi thấy nàng tháo chiếc nón lá ra quạt nhưng kỳ thực là vẫy chào. Tôi bần thần suốt quãng đường về…
Tôi không tiếp tục theo chỗ bà Hai nữa. Tiền thì chẳng đòi được. Bà đổ lỗi là do tôi chớ không phải bà! Bấy giờ tôi quá chán nản cuộc đời nên bắt đầu bê tha. Ngày tối say sưa li bì, cà phê thuốc lá triền miên. Chỉ có điều duy nhất là tôi chưa hề có ý niệm tìm bạn gái. Lúc đó, lòng tôi vẫn còn xao xuyến mỗi khi nhớ tới cô bé bán chôm chôm…
Hôm nay, kỷ niệm xa xưa đã phủ mờ bụi thời gian nhưng phàm là người chịu ơn, tôi chẳng bao giờ quên những ân nghĩa mà tôi đã thọ ngày xưa… Tôi vẫn còn nhớ như in ánh mắt của cô bé bán chôm chôm, nhớ như in giọng hát của nàng, “cô em cười tươi thắm, mời anh mua chôm chôm”…
Ohio, mùa Lễ Tạ Ơn 202
https://saigonnhonews.com/muon-neo-duong-doi/con-do-nhan-ai/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét