Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2021

Người Việt chỉ khỏe mạnh đến tuổi 64, dù sống 73 năm

Báo Tuổi Trẻ xỏ lá thật. Hầu hết các nhà lãnh đạo nước ta đều đã quá 64 tuổi, có cụ đã 77, vậy mà báo dám đăng bài với cái tít tế nhị thế này; lại còn nói thẳng người già thì suy giảm nhận thức, lú lẫn, trầm cảm, suy giảm trí nhớ..., thậm chí cần phải có thêm trợ giúp trong sinh hoạt như ăn uống, mặc quần áo... Thế thì họ lãnh đạo đất nước làm sao mà tốt được. Lý do người Việt chóng yếu chóng già chủ yếu là do ít vận động; từ thành thị tới nông thôn, ở đâu ra khỏi nhà vài trăm mét cũng đi ô tô xe máy, trong khi người dân ở nước ngoài mỗi ngày đi bộ vài cây số là bình thường. Nguyên nhân quan trọng thứ hai là chúng ta tiêu dùng thực phẩm và không khí ô nhiễm nghiêm trọng... Hiện nay đã có rất nhiều căn bệnh mạn tính và nguy hiểm ngày càng được trẻ hóa. Nhiều người mới đến tuổi 35-40 đã bắt đầu sinh ra nhiều bệnh khó chữa. Kinh tế càng ngày càng khó khăn nên chế độ đãi ngộ cho người lao động quá thấp; vì không có các công đoàn độc lập nên chẳng có mấy cơ quan đơn vị, tổ chức nào thực sự quan tâm, chăm lo đời sống và sức khỏe cho người lao động.
Người Việt chỉ khỏe mạnh đến tuổi 64, dù tuổi thọ trung bình hơn 73
18/11/2021 TTO - Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo thống kê chung, hiện tuổi thọ trung bình của người Việt ở mức cao, trên 73 tuổi, nhưng số năm khỏe mạnh chỉ được 64.
Người Việt chỉ khỏe mạnh đến tuổi 64, dù tuổi thọ trung bình hơn 73
Theo thông tin từ Hội nghị lão khoa quốc gia lần 2 hội - do Hội Lão khoa Việt Nam tổ chức tại Hà Nội - hiện có trên 12 triệu người Việt từ 65 tuổi trở lên, đến năm 2036 con số này ước tính là trên 14 triệu, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn dân số già.

Tuy nhiên các chuyên gia đánh giá sức khỏe người cao tuổi Việt Nam còn nhiều hạn chế. Tuổi thọ trung bình cao (trên 73 tuổi) nhưng thời gian sống khỏe mạnh chỉ khoảng 64 năm. 96% người mang gánh nặng bệnh tật kép, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây.

Trung bình một người từ 65 tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh, khảo sát nhóm trên 80 tuổi trung bình mỗi cụ mắc 6,9 bệnh. Hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của người già.

TS Nguyễn Trung Anh - giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương - cho hay các bệnh người cao tuổi hay gặp gồm bệnh mạch vành, tăng huyết áp, tiểu đường, thoái hóa khớp, ung thư..., ngoài ra còn các hội chứng đặc trưng ở người già như suy giảm nhận thức, lú lẫn, trầm cảm, suy giảm trí nhớ...

"Chi phí y tế cho người già gấp 7-10 lần người trẻ, người cao tuổi sử dụng 50% lượng thuốc, tuy nhiên chi phí y tế sẽ không cao quá mức nếu có cách tiếp cận hợp lý" - ông Trung Anh lý giải.

Hiện nay Việt Nam đang thiếu bác sĩ chuyên lão khoa, điều dưỡng có kinh nghiệm, hệ thống viện dưỡng lão có hoặc không có chăm sóc y tế còn ít. Nguồn nhân lực chăm sóc người già chủ yếu dựa vào người nhà và ngày càng giảm.

Qua khảo sát 610 cụ từ 80 tuổi sống tại ngoại thành Hà Nội, một tỉ lệ đáng kể các cụ sống một mình, gần 28% cần trợ giúp trong sinh hoạt như ăn uống, mặc quần áo...

Tại hội thảo này, các chuyên gia cũng đề xuất để chăm sóc toàn diện cho người già và tiến tới đáp ứng nhu cầu khi tỉ lệ người cao tuổi tăng lên, các bệnh viện đều cần thành lập khoa lão để tiếp nhận điều trị cho người cao tuổi.

Trường ĐH Y thành lập khoa lão khoa, bên cạnh đó, cần thành lập thêm hệ thống viện dưỡng lão có chăm sóc y tế, trung tâm chăm sóc ban ngày cung cấp dịch vụ cho người cao tuổi, chung cư cho người già...

Bên cạnh đó cần thêm nhiều dịch vụ cho người già như dọn nhà, giặt giũ, đi chợ, trợ giúp bữa ăn, dịch vụ vui chơi giải trí cho người già... Các chuyên gia đánh giá người già sẽ khỏe hơn nếu giữ được ở cộng đồng càng lâu càng tốt.

https://tuoitre.vn/nguoi-viet-chi-khoe-manh-den-tuoi-64-du-tuoi-tho-trung-binh-hon-73-20211118182921622.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét