Thứ Ba, 16 tháng 11, 2021

Tại sao đọc sách cũng... nguy hiểm?

Bài này khá hay, được đăng trên báo Công an nhân dân. Nội dung bài là phê phán những người đọc sách gì thì chỉ biết nấy và cứ coi đó là chân lý. Tác giả cho rằng "có lẽ tốt nhất là đọc trên tinh thần đối thoại chứ không phải trên tinh thần nhất nhất tuân theo. Mà trong đối thoại luôn có rất nhiều thao tác như lắng nghe, trao đổi, hoài nghi, phản biện... Đọc sách với một tinh thần như thế, sử dụng tất cả những thao tác như thế mới có thể giúp chúng ta trở thành “con người tự do” thay vì “con người bị áp đặt”. "Khi đọc A thì cũng nên đi tìm những tác phẩm phản biện A, đọc B cũng nên đi tìm những tác phẩm phản biện B". “Sống giữa những sự va chạm, phản biện của những tác giả lớn, rồi người đọc sẽ tự chắt lọc được những điều bổ ích nhất cho mình”. Tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả. Các Mác, ông tổ của chủ nghĩa cộng sản, cũng đã nói "châm ngôn tôi thích nhất là "hoài nghi tất cả"... Có điều thực tế lại không như thế. Nếu chúng ta đọc sách rồi phản biện lại chủ nghĩa Mác Lê Nin hay đường lối chính sách của Đảng cầm quyền thì hậu quả đôi khi rất tàn khốc.
Tại sao đọc sách cũng... nguy hiểm?
Bạn tôi là một người mê sách. Anh đọc nhiều về các lý thuyết kiến tạo xã hội, đặc biệt là của các triết gia phương Tây. Anh cũng là một phù thủy ngôn ngữ, nên biết cách biến những lý thuyết hàn lâm xa lạ thành những “món ăn” hết sức dễ chịu. Thành thử Facebook của anh thu hút một lượng không nhỏ những người yêu tri thức.
Không chịu đọc chắc chắn là rất nguy hiểm. Nhưng, đọc mà thiếu phương pháp và những chí hướng tích cực thì sự nguy hiểm còn đáng sợ hơn! Ảnh: S.t

Trước bất cứ vấn đề xã hội nào, từ tham ô, tham nhũng tới đấu thầu, từ thiện…, anh đều có những phân tích rất rành mạch, trên cơ sở những lý thuyết mà anh đọc và tin là đúng. Theo tôi, đây là một cách làm văn minh, bởi kiến giải các hiện tượng xã hội dựa trên nền tảng của các lý thuyết luôn sâu sắc hơn so với cách nhìn “chay”, mang đậm màu cảm tính. Sự khác biệt trong những bài viết của anh với các bài viết của phần đông dân mạng nằm ở chỗ này.

Nhưng, cũng chính ở chỗ này lại nảy ra một vấn đề: Anh bị tuyệt đối hóa các lý thuyết. Thành thử, ai không nghĩ theo hướng của anh (chính xác là hướng của các lý thuyết mà anh theo đuổi) đều bị bác bỏ. Thậm chí, là bác bỏ một cách quyết liệt. Quan sát điều này, một câu hỏi nhức nhối xuất hiện trong tôi: Vậy thì suy cho cùng đọc sách để làm gì? Để có tri thức, tri kiến, ai cũng sẽ trả lời như thế. 

Nhưng, liệu có nên tin hết, tin ngay, tin tuyệt đối vào những tri thức, tri kiến ở trong sách hay không? Tất cả những tư tưởng lớn được đúc rút đều có những ý nghĩa nhất định của nó. Tất cả những nhà tư tưởng đều có những suy ngẫm, những phát hiện vượt lên trên thời đại mình đang sống. Nhưng, theo một câu nói được cho là của Mạnh Tử thì “Đọc sách mà tin hết vào sách thì đừng đọc còn hơn”.

Câu nói này không phải để phản bác chuyện đọc sách, càng chẳng phải để hạ thấp chuyện đọc sách, mà quan trọng hơn là để nhắc nhở chúng ta về một phương pháp đọc. Có lẽ tốt nhất là đọc trên tinh thần đối thoại chứ không phải trên tinh thần nhất nhất tuân theo. Mà trong đối thoại luôn có rất nhiều thao tác như lắng nghe, trao đổi, hoài nghi, phản biện... Đọc sách với một tinh thần như thế, sử dụng tất cả những thao tác như thế mới có thể giúp chúng ta trở thành “con người tự do” thay vì “con người bị áp đặt”.

Nhưng, để thực hiện cái tinh thần và những thao tác quan trọng đó thì người đọc bắt buộc phải có một nội lực vạm vỡ. Mà cái này thì không thể ngày một ngày hai có được ngay. Tôi may mắn được hầu chuyện nhiều cao nhân trong chuyện đọc và được nghe kể lại từng giai đoạn đọc sách hết sức lý thú của họ. Phần lớn đều nói rằng ở thuở đầu đọc sách họ đều bị cuốn vào sách, cho nên đọc ai cũng thấy hay, đọc ai cũng tin, cũng nghe, cũng răm rắp làm theo. Nhưng, đến khi đọc nhiều, đọc sâu, đọc kỹ thì họ chợt thấy có thể cùng một vấn đề lớn nhưng mỗi nhà tư tưởng lại theo đuổi một góc nhìn khác nhau.

Thế mới có chuyện chỉ là hai đường thẳng song song thôi, cái chuyện tưởng đơn giản, tất yếu đến “bất khả tư nghị”, thế mà lại nảy sinh những cách nhìn rất lạ. Cách nhìn thông thường nhất: Hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau. Đúng quá rồi còn gì. Ấy thế mà lại xuất hiện một cách nhìn thứ hai: Hai đường thẳng song song có thể gặp nhau ở... dương vô cực. Dương vô cực ở đâu, không ai biết. Nhưng, cách phát biểu thứ hai rõ ràng đã chuyển trạng thái từ chỗ “không bao giờ gặp nhau”, sang “có thể gặp nhau”, mà trong toán học cũng như trong cuộc đời “có thể gặp nhau” vẫn thú vị hơn là “không bao giờ gặp nhau” thì phải. Viết tới đây lại chợt nhớ đến câu chuyện kinh điển trong Phật giáo, khi đức Phật đi qua bộ lạc Kalaman và các thanh niên của bộ lạc chạy ra hỏi:

- Bạch đức Thế Tôn, vị đạo sĩ nào qua đây cũng nói tôn giáo của mình là nhất? Vậy đâu mới là nhất?

Câu trả lời của đức Phật:

- Cứ nghe tất cả, rồi chiêm nghiệm, ứng dụng nó vào đời sống của mình. Nếu thấy cái nào hợp nhất với mình thì tin theo.

Câu trả lời ấy cũng là một chỉ dẫn về cách học, cách đọc trong cuộc đời này. Nếu chỉ đọc A và tin A, đọc B và tin B thì rõ ràng là chúng ta đã bỏ sót nhiều vùng trời khác cần khám phá. Một cao nhân trong chuyện đọc có lần tâm sự với tôi: Dẫu có đọc nhiều đến bao nhiêu, tích lũy dày dặn đến thế nào cũng không bao giờ biết được hết mọi thứ. Cho nên, vấn đề cốt lõi nằm ở phương pháp đọc, ví dụ khi đọc A thì cũng nên đi tìm những tác phẩm phản biện A, đọc B cũng nên đi tìm những tác phẩm phản biện B. “Sống giữa những sự va chạm, phản biện của những tác giả lớn, rồi người đọc sẽ tự chắt lọc được những điều bổ ích nhất cho mình”, cao nhân này kết luận.

Một vấn đề nguy hiểm khác của việc đọc, đó là mục đích đọc. Bên cạnh những người đọc sách để mở rộng tri thức, đối thoại với các không - thời gian khác nhau lại có một bộ phận nho nhỏ nào đó những người đọc sách để “mài dao hại người” (thôi thì cứ tin chỉ là một lượng người nho nhỏ). Bạn có thể gặp những người này trên nhiều diễn đàn mạng xã hội. Họ thường dùng kính lúp, soi mói một hoặc một vài cuốn sách nào đó để tìm ra những lỗi sai nhỏ nhất. Và việc làm tiếp theo của họ không phải là góp ý, phản biện trên tinh thần học thuật, mà để vu cái sai ấy lên, thậm chí lấy cái sai chữ nghĩa để đả kích, phê phán, thóa mạ cá nhân.

“Chuyện này thời nào cũng có và nó dường như là một cái thú của không ít kẻ tầm chương” - một cao nhân nhận xét. Không đến mức soi mói như vậy, có những người đọc sách cẩn thận hơn và chuyên nghiệp hơn. Họ đọc để nắm được tất cả những lý luận căn bản trong lĩnh vực của mình và sau đó mài giũa những lý luận ấy giống như một viên đồ tể mài giũa con dao hành nghề. Sau đó họ dùng con dao được mài giũa sắc lẹm qua thời gian đi thi thố cùng thiên hạ. Với những người này, mỗi lần vung được một nhát dao là một lần khoái cảm. Phê bình học thuật hay phản biện học thuật không phải là mục đích chính của họ, cho dù ngoài miệng họ luôn nói ra như vậy. Mục đích của họ là thể hiện cái tôi cá nhân, hả hê với những ăn thua cá nhân và khiến cho những người yếu bóng vía thấy mình mà... khiếp sợ (?).

Người đọc sách thấy mình lớn lên hay nhỏ đi? Nếu ở giai đoạn chập chững vào đời, chập chững thả mình vào sách, người ta có xu thế thấy mình lớn lên. Bởi đơn giản những gì có ở trong sách là mới mẻ, dày dặn với mình. Nhưng, khi đọc nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn người đọc sẽ có xu thế đứng trước một cảm giác: đời mình bé nhỏ quá, mà chân trời kiến thức, sách vở mênh mông quá. Chính cảm giác bé nhỏ này sẽ khiến người đọc xác lập một trạng thái khiêm cung. Nhờ sự khiêm cung ấy mà người ta sẽ không nói hoặc viết một “văng miệng”.

Nhờ sự khiêm cung ấy mà người ta luôn nghĩ trước nghĩ sau trước khi đưa ra một phát ngôn. Và, cũng chính nhờ sự khiêm cung ấy mà trong suốt quá trình phản biện học thuật (giả dụ nó diễn ra) người ta còn tính toán đến việc làm sao vừa có thể phản biện một cách thuyết phục lại vừa không khiến người bị phản biện sống trong cảm giác tổn thương. Sự thắng - thua, hơn - kém cá nhân trở nên vô nghĩa. Những thỏa mãn tri thức trong hệ quy chiếu của sự khiêm cung mới là kết quả tìm kiếm sau cùng.

Quá trình đọc cũng chính là quá trình sống. Có những người càng sống càng phát triển ở phương diện thể chất. Nhưng, không chắc phát triển về thế giới tinh thần. Cũng như vậy, có những người càng đọc càng tích lũy, càng dày dặn. Nhưng, sự dày dặn đó có hướng đến những ý nghĩa tích cực hay không lại là điều hậu xét.

Không chịu đọc chắc chắn là rất nguy hiểm.

Nhưng, đọc mà thiếu phương pháp và những chí hướng tích cực thì sự nguy hiểm còn đáng sợ hơn!

Vương Trọng Tín
https://antgct.cand.com.vn/Khoa-hoc-Van-Minh/tai-sao-doc-sach-cung-nguy-hiem--i634554/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét