Tại sao chúng ta thích tích trữ mì gói ?
FB Uyên Đỗ - Mì ăn liền, mì gói, hay mì tôm ở một khía cạnh nào đó đều rất giống tôn giáo. Nó được lan truyền đến nhiều vùng đất, rồi biến hoá linh hoạt để phù hợp với văn hoá và con người nơi đó. Quan trọng là, nó mang lại cho ta sự cứu rỗi trong những thời khắc đen tối nhất.Đây là những suy nghĩ chợt xổ vào tâm trí của tôi khi đang ngồi xì xụp một bát mì. Thành phố lúc này đã bước vào tháng thứ ba giãn cách xã hội. Nhiều hộ dân chỉ được phép ra ngoài hai lần một tuần để mua thực phẩm. Mẹ tôi, người được gia đình tin tưởng giao cho nhiệm vụ này, thường hay quay về nhà với lời cảm thán: “Còn ít đồ ăn lắm. Mì gói cũng hết sạch.”
Trước đó một thời gian, tình hình dịch bệnh ở Sài Gòn bắt đầu phức tạp trở lại. Bồn chồn và bối rối, tôi và rất nhiều người đã tìm đến những cửa hàng thức ăn để chuẩn bị cho khoảng thời gian đáng lo phía trước. Như được kết nối bởi một sợi dây vô hình, những người có mặt trong cửa hàng cùng đứng tần ngần trong quầy mì ăn liền, chăm chú nhìn số lựa chọn đang ít đi theo từng giây, tính toán để có độ đa dạng lẫn mức giá tối ưu, rồi nhanh tay bỏ số gói mì vừa với sức ăn vào giỏ.
Đương nhiên trong hàng người tay xách nách mang đợi tính tiền hôm ấy, không ai là không trữ mì. Nào là Hảo Hảo, Omachi, Miliket,v.v. Ai cũng ôm lấy thật chặt mấy gói mì như sợ ai đó vô tình nhặt mất nếu mình chẳng may làm rơi.
Nếu đã trải qua cảnh tượng này, có lẽ bạn cũng đoán được rằng mức tiêu thụ mì gói của Việt Nam đã tăng đột biến trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát. Theo thống kê của Hiệp hội mì ăn liền thế giới, người Việt ăn đã hơn 7 tỷ gói mì trong năm 2020, tăng 67% so với mức tiêu thụ cùng kỳ của năm trước.
Xu hướng tương tự cũng có thể được thấy ở các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, nơi ngành mì ăn liền liên tiếp đạt kỷ lục về lợi nhuận, thậm chí vượt các tập đoàn công nghệ và xe hơi để dẫn đầu sàn chứng khoán.
Nhưng từ trước đại dịch, người Việt và người châu Á nói chung dường như đã có một tình yêu không thể lay chuyển với món mì gói. Ở Việt Nam, một tô mì ngon đã có thể được xem là bữa ăn sáng, trưa, xế hoặc tối hoàn thiện. Để thoả nỗi nhớ sợi mì, chúng ta kết hợp nó với những nguyên liệu khác để tạo nên những tuyệt phẩm như mì hến, mì ốc và mì xào bò. Các nước phương Tây tất nhiên cũng có sản xuất mặt hàng này, nhưng chỉ có ở một nền ẩm thực Á Đông, mì gói mới đóng vai trò quan trọng như vậy.
Xét từ góc độ khoa học, việc chúng ta thích ăn mì là điều không khó hiểu. Thành phần chính của gói mì là tinh bột, chất béo và muối monosodium glutamate — một sự kết hợp bài bản để kích thích cảm giác ngon miệng của con người. Việc gói mì thường được tích hợp ở khối lượng tịnh vừa... chưa đủ no càng khiến chúng ta muốn ngồi xuống làm thêm bát nữa.
Cũng có lẽ, chúng ta ăn mì gói vì đó là thói quen đã đi sâu vào nếp sống của người Việt. Thuở còn bé, món ăn mà mọi đứa trẻ đều săn đón là một gói mì khô ngũ sắc, nhỏ vừa bằng lòng bàn tay, có thể xé ra rồi đổ vào miệng nhai “rộp roạt.” Việc chia sẻ những mảnh mì vụn với nhau qua ngăn bàn là cách tình bằng hữu thời thơ ấu càng trở nên thắm thiết.
Lớn hơn một chút, chúng ta tìm đến mì gói như một chiếc phao cứu sinh trong những đêm miệt mài kinh sử, những ngày chạy deadline không hồi kết và những tối say xỉn quên lối về. Ở các cửa hàng tiện lợi, kệ hàng mì gói cùng máy nước nóng ưu tiên bày biện gần cửa ra vào, trở thành bến đỗ cấp tốc cho những chiếc bụng đói giữa phố phường bộn bề.
Nhưng trên tất cả, chúng ta ăn mì gói vì chúng ta cần phải thế. Với nhiều người, việc tiêu thụ mì không xuất phát từ tình yêu hương vị hay sự tiện lợi, mà là từ sự cấp thiết của cuộc sống. Trong một nền kinh tế mới như Việt Nam, một bộ phận lớn người lao động phải tìm kế sinh nhai bằng những công việc không chính thức, với nguồn thu nhập bấp bênh và ít ỏi. Trong khi đó, giá thành trung bình của một thùng mì dao động khoảng 100.000 VND, tương đương 1/30 mức lương tối thiểu vùng. Đối với họ, mì gói là một nguồn dinh dưỡng không mấy lý tưởng, nhưng là một sự lựa chọn rẻ tiền và vừa đủ để khỏa lấp cơn đói.
Trước đó vài thập kỷ, mì gói được phát minh ở Nhật Bản vào năm 1958, sau chiến tranh thế giới thứ hai. Lúc này, Nhật Bản vẫn đang trong quá trình phục hồi kinh tế và bị nạn đói hoành hành. Món ăn được người Nhật ưa chuộng lúc bấy giờ là mì sợi, nhưng lại không được sản xuất rộng rãi vì thiếu dây chuyền và cách lưu trữ. Nhận ra nhu cầu của đồng bào mình, một doanh nhân tên Momofuku Ando đã tìm cách sáng chế loại mì có thể bảo quản dài ngày và chế biến tức thời.
Trong tự truyện của mình, Momofuku viết: “Tôi tình cờ đi ngang qua khu vực này và thấy một hàng người dài 20-30 mét phía trước một cửa tiệm ramen thiếu ánh sáng, từ đó những đám mây hơi nước bốc lên đều đặn. Hàng người ấy ăn mặc tồi tàn và rùng mình vì lạnh. [...] Gương mặt họ bừng lên rạng rỡ khi ăn mì và uống nước dùng.”
Từ đấy, những gói mì ăn liền đầu tiên được bán ra với giá 35 Yen, mang theo khát vọng của nhà phát minh Momofuku là đem nguồn dinh dưỡng phải chăng đến nhân dân. Ông tuyên bố: “Thế giới sẽ được hoà bình khi mọi người được ăn uống đủ đầy.”
Quay trở lại năm 2021, thế giới của chúng ta vẫn đang chao đảo vì chiến tranh, thiên tai và bất bình đẳng xã hội. Hàng triệu người dân vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực ngày càng trầm trọng do đại dịch. Giữa bức tranh ảm đạm ấy, mì gói không phải là phép màu chữa lành mà Momofuku đã mong đợi. Nhưng mì gói vẫn xuất hiện như một chiếc phao cứu sinh — khi có sóng thần ở Nhật Bản, khi có động đất ở Đài Loan, hay khi có lũ lụt ở miền Trung nước ta.
Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi một đại dịch toàn cầu bùng phát, mì gói vẫn kiên nhẫn đợi chờ ta ở góc tủ. Chỉ cần cho mì vào bát, thêm gói gia vị, đổ ít nước sôi, để yên năm phút, là chúng ta đã có một bữa ăn thanh đạm. Tất nhiên, mì gói không thể sánh được với sự cầu kỳ của phở hay sự công phu của bún bò, nhưng khi sống giữa một cơn bão của sự tiêu cực, hương vị mì đậm mùi bột ngọt cũng là sự an ủi tinh thần cho chiếc bụng rỗng.
Nhưng hơn cả một giải pháp cho một nhu cầu cơ bản, mì gói đại diện cho rất nhiều giá trị chung mà người Việt và người châu Á cùng chia sẻ. Đó là sự bền bỉ vượt thương đau xuyên thế hệ, từ nạn đói sau chiến tranh đến đại dịch tàn khốc. Đó là sức sáng tạo ẩm thực từ những nguyên liệu tầm thường nhất, hiển hiện trong món mì phá lấu của Sài Gòn hay lẩu quân đội của Hàn Quốc. Quan trọng nhất, đó là cảm giác an toàn và quen thuộc như đang ở nhà, khi tâm hồn ta được lấp đầy bằng một bữa ăn nóng hổi.
Khi một người Hàn Quốc ăn Shin Ramyun, người Indonesia ăn Indomie và người Việt Nam ăn Hảo Hảo, chúng ta thưởng thức những hương vị khác nhau, nhưng cảm nhận cùng một sự ấm áp và dễ chịu mà tô mì mang lại. Và có lẽ đó chính là sợi dây liên kết vô hình đã đưa chúng ta đến kệ hàng mì gói vào những ngày bình thường, những ngày thất thường, và rất nhiều ngày sau đó nữa.
https://urbanistvietnam.com/vietnam-food-culture/16975-t%C3%ADch-tr%E1%BB%AF-m%C3%AC-g%C3%B3i-%C4%91%C3%A2u-ch%E1%BB%89-l%C3%A0-%C4%91%E1%BB%83-%E1%BA%A5m-b%E1%BB%A5ng-nh%E1%BB%AFng-ng%C3%A0y-gi%C3%A3n-c%C3%A1ch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét