Trung Quốc xin gia nhập CPTPP, thế giới lo lắng
Hôm thứ Năm 16/9, Trung Quốc chính thức nộp đơn đến Tân Tây Lan vì Tân Tây Lan đóng vai trung tâm hành chánh, để xin gia nhập CPTPP (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership) mà 11 nước đã tham gia, không có Mỹ.Bảy nước có mặt trong hai tổ chức RCEP và CPTPP.
TQ đã tham gia và là chủ xị trong hiệp ước thương mại RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership) gồm 16 nước ở Á châu. RCEP có thể được coi là nền của các hiệp định thương mại quốc tế do có các tiêu chuẩn về môi trường, về lao động rất thấp, các nước rất dễ dàng tham gia.Trong khi TPP mà hậu thân là CPTPP, sau khi TT Trump rút Mỹ ra năm 2017, được coi là trần nhà vì có tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường và lao động. Trung Quốc trước đây không muốn tham gia vì phải tốn kém rất nhiều để điều chỉnh từ thuế quan cho đến nền tảng sản xuất.
Trung Quốc xin tham gia chỉ một ngày sau khi Mỹ-Anh-Úc tuyên bố thành lập AUKUS, một liên minh có tính cách an ninh quân sự để Úc đóng vai trò lớn hơn ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, vì về địa chiến lược, Úc hai vai gánh hai biển lớn này.
Trong lịch sử, chiến tranh thế giới hay vùng miền, thường có nguồn gốc sâu xa là kinh tế, tranh giành thị trường, điển hình là Thế Chiến II, ba nước Nhật-Đức-Ý muốn vươn lên mà không có thị trường.
Nghiên cứu RAND Corp nói rằng, về kinh tế, TQ đã xổng chuồng và nhanh chóng trở nên hùng mạnh. Về quân sự thì chỉ chừng một thập niên nữa Trung Quốc có thể ngang ngửa với Hoa Kỳ. Đây là tình trạng KHẨN CẤP cho Hoa Kỳ và các nước theo dân chủ pháp trị, vì một siêu cường theo chế độ độc tài là mối đe doạ chung cho cả thế giới, chứ không phải của riêng ai.
Để trở thành siêu cường, Trung Quốc bắt buộc phải ra tay phá bỏ những chướng ngại để vươn ra thống trị biển lớn, tức hướng đông để ra Thái Bình Dương và hướng nam để ra Ấn Độ Dương.
Chướng ngại khi hướng đông là Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, là chuỗi hải đảo thứ nhất và chuỗi hải đảo thứ hai.
Chướng ngại khi hướng nam là khối ASEAN mà trong đó những thềm cản cao nhất là Việt Nam, Nam Dương, Phi. Đặc biệt là Việt Nam, về địa chính trị nằm ngay thềm bước ra, cả trên đất lẫn dưới biển.
Nếu Trung Quốc nằm cả trong RCEP và CPTPP, thì cuộc chiến kinh tế thương mại ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, Bắc Kinh ở vào thế thượng phong, vì Mỹ chưa có được một liên minh kinh tế để đối đầu.
Bộ Tứ sắp họp thượng đỉnh ở Washington DC ngày 24/9, tuy có vẻ thắt chặt hơn, nhưng vẫn còn đồng sàng dị mộng, vì Mỹ muốn trọng tâm là an ninh, còn Nhật, Ấn, Úc muốn trọng tâm là kinh tế.
Bài toán đối đầu Mỹ-Trung dường như không có cách giải quyết bằng hoà bình, trừ khi Trung Quốc có một chế độ dân chủ như Ấn Độ.
Tương lai thế giới đang ngày càng bất ổn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét