Thứ Hai, 20 tháng 9, 2021

Con cháu chúng ta giỏi quá!

Con cháu chúng ta giỏi quá!
FB nhà giáo Nguyễn Hoàng Ánh - 19-9-2021 - Làm giáo viên ai không thích được dạy học sinh học giỏi. Tuy nhiên nhìn điểm chuẩn năm nay thì mình lại mừng là mình không còn bị buộc vào cái guồng ĐH đó nữa. Một người tốt nghiệp thời điểm đầu vào chỉ 18 là đủ vào trường top còn 21đ là đủ để có học bổng ra nước ngoài, làm sao có đủ khả năng dạy các “thần đồng” mà điểm sàn là 28.5 cơ chứ? Giáo viên ĐHQG còn vất vả hơn khi điểm đầu vào có ngành lên đến 30.5, tức là 3 môn có điểm tuyệt đối còn phải có thêm điểm ưu tiên nữa!
Không có mô tả ảnh.
Tâm trạng của mình và của nhiều đồng nghiệp khác khi đọc thông tin này giống như khi nhìn hàng hoá trên thị trường đồng loạt tăng giá phi mã vậy. Nếu một vài mặt hàng tăng giá thì ta nên mừng là công chúng hưởng ứng, nhưng cũng cần nghiên cứu để sớm hạ giá thành vì “giá trị thặng dư cao” sẽ không thể duy trì lâu. Nhưng khi hàng hoá đồng loạt tăng giá thì có nghĩa là giá trị thật sự của cả nền kinh tế đang đi xuống, hàng hoá ít hơn lượng tiền nên phát sinh tình trạng lạm phát, giá trị tiền lao dốc và kinh tế sẽ sớm suy sụp nếu không có biện pháp vĩ mô kịp thời can thiệp.

Điểm thi về một khía cạnh nào đó là thước đo giá trị đầu ra của giáo dục, như tiền tệ là thước đo giá trị hàng hoá. Kinh tế lành mạnh là khi tiền và hàng cân bằng, hàng chất lượng khác nhau sẽ có mức giá tương ứng chính xác. Còn khi kinh tế suy thoái, hàng ít hơn tiền, công chúng không có sự lựa chọn buộc phải mua cái thị trường có thì thượng vàng hạ cám lẫn lộn nhau. Điểm đầu vào ĐH gần đây ngày càng có xu hướng lạm phát do chạy theo đám đông, thiếu những biện pháp/bài thi lọc thí sinh nên chất lượng sinh viên bị đánh đồng, thị trường không còn tin cậy vào học bạ nữa, kết quả là giáo dục ngày càng lụn bại.

Có 2 lý do cho tình trạng này: 1. Bố mẹ và học sinh chạy theo điểm số, không trân trọng học thực. Lớp nào mình dạy cũng có nhiều sinh viên than phiền là cô bắt làm việc nhiều mà điểm chưa chắc đã cao. Các em không hiểu điểm là việc ngắn hạn còn kiến thức mới là lâu dài. 2. Các nhà quản lý giáo dục dễ dàng chạy theo thị trường, thả lỏng tiêu chuẩn, không khuyến khích người giỏi cố gắng.

Thế nên đừng lên án gian lận thi cử ở Sơn La hay Hà Giang gì nữa. Cách thi cử bây giờ đã biến cả nước thành đất lành cho thi cử bất công rồi, người giỏi sẽ không muốn học còn người dốt sẽ yên tâm dốt tiếp… Rồi 5-10 năm nữa khi lứa học sinh năm nay sẽ chủ trì tương lai thì nước nhà sẽ ra sao???

CON CHÁU CHÚNG TA KHỔ QUÁ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét