Thứ Hai, 20 tháng 9, 2021

Thư Sài Gòn: Tôi vẫn còn sống

Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông thời XHCN: Trong cơn nguy khốn, khả năng sống sót của mỗi người mới có cơ hội bộc lộ rõ nhất. Bây giờ, khi nhận tin nhắn hỏi thăm của bạn hữu ở xa, tôi thường trả lời: Tôi vẫn còn sống.
Thư Sài Gòn: 'Vaccine tinh thần' nào thời chống Covid?
Song May 19 tháng 9 2021 - Ngày thứ 72 phong tỏa kể từ 9/7, tôi không còn quan tâm đến việc chừng nào TP. HCM dỡ bỏ phong tỏa. Tốt nhất là tự tìm cách thu xếp cuộc sống của chính mình sao cho tốt nhất có thể. Hôm 16/9, có một món đồ ở quận Gò Vấp giao đến quận Bình Tân mà cả tôi lẫn bên giao hàng thay phiên nhau tìm kiếm hết buổi sáng vẫn không tìm được shipper, dù từ ngày 16/9, TP.HCM cho phép ship liên quận!
Thư Sài Gòn: 'Vaccine tinh thần' nào thời chống Covid? - BBC News Tiếng Việt
Trên mạng xã hội, bạn bè tôi cũng than thở nguyên buổi sáng 16/9 không tìm được người giao hàng liên quận. Đội ngũ shipper có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm ở Sài Gòn giờ biến đâu mất hết vì những quy định được ra đường quá ngặt nghèo.

Đến ngày 18/9, tình hình cũng chả khá hơn, trên mạng dân vẫn than khó kiếm shipper liên quận.

Trưa 17/9, tôi liều ra đường vì có quy định từ 16/9 cho phép người dân vùng xanh được tập thể dục gần nhà.

Tôi mặc đồ thể dục đi bộ đến công viên gần nhà, nhưng cái công viên nho nhỏ vẫn rào kín dây chưa cho ai vào nên tôi đành phải quay về.

Các con đường hẻm và phố đều vắng tanh, chỉ có vài chiếc xe thi thoảng vụt qua. Tài xế xe gắn máy đa số mặc đồ shipper.

Khi phong tỏa dân Saigon mới thấy biết ơn đội ngũ này. Khi không được ra ngoài, đặt hàng trên mạng mà không có ai giao thì đúng là thảm họa. Từ hôm 31/8 khi shipper được giao nội quận, tôi đã thấy dễ thở một chút, chỉ mong được ship liên quận thì sau 3 ngày vẫn khó kiếm shipper.

Khó kiếm là phải, khi một đứa cháu làm shipper kể về việc đi làm test miễn phí: "Sáng sớm tụi con phải ngồi chờ test rồi tới trưa hay chiều phải vòng lại chờ lấy giấy. Ai thắc mắc sao test xong không có giấy liền thì họ kêu đi tìm chỗ khác test đi. Trong lúc chờ lấy giấy lỡ mà công an hỏi là phải năn nỉ để không bị phạt...".

Trên đường đi, tôi phải né nhiều con hẻm.

Trước kia để "bảo vệ vùng xanh", lực lượng dân phòng chỉ rào dây, người dân vẫn có thể bước ngang qua, giờ họ bịt kín bằng các tấm tôn, trông vừa xấu xí vừa kỳ dị, lại vô cùng nguy hiểm nếu chẳng may có hỏa hoạn hay có người cần cấp cứu.

Trưa 17/9, lần đầu tiên sau 71 ngày phong tỏa tôi mua được món bún chả ở khu phố gần nhà, tiền ship 30 ngàn.

Trước dịch họ bán một phần bún chả giá 50 ngàn (bao gồm bún), giờ họ bán theo hộp: một hộp thịt nướng 200 ngàn và một hộp chả giò 140 ngàn, bán từ nửa hộp kèm rau, đồ chua và nước chấm, còn bún phải mua giá 20 ngàn một ký.

Vì đồ chua kèm theo quá ít, tôi mua thêm 10 ngàn thế là thành 230 ngàn để có bữa bún chả cho 3 người.

Món ăn đơn giản bỗng hóa ra sang trọng sau 71 ngày không có quán nào mở cửa.

Bún chả

Bún chả Hà Thành là cái quán mở cửa duy nhất quanh chỗ tôi ở - một quận nội ô trước kia cứ ra khỏi hẻm là thấy đầy quán ăn.

Bà bán phở quen nói với tôi: "Cho quán mở bán mà không cho mở chợ thì các mối giao thịt, bánh phở và rau của tui lấy đâu hàng để giao? Kiếm mối lạ thì không rõ chất lượng, hai ngày phải test một lần cả chủ lẫn người phụ thì mệt quá, chưa kể phải nuôi họ ăn ở tại quán, sao có lời, nên thôi nghỉ cho khỏe."

Dân Sài Gòn bên hãi đám đông, bên sợ tù túng

Dạo mạng xã hội có thể thấy bạn bè của tôi hiện chia thành hai phe: phe nhà giàu và khá giả ủng hộ việc phong tỏa, cho rằng nhà nước lo cho tính mạng của dân nên mới cấm ra đường và ai ra đường là thiếu ý thức.

Phe bên kia ngột ngạt với việc phong tỏa, stress với việc test đại trà một tuần hai lần hoặc một lần.

Bên ủng hộ phong tỏa rất sợ bị lây nhiễm, nên mau mắn đi test và chích ngừa, kêu người nào không chịu đi test là "trốn" và phê phán ai kêu ca phàn nàn là tiêu cực.

Quan điểm của họ phải "bóc tách" hết F0 ra khỏi cộng đồng là đúng. Họ kỳ thị người nhiễm bệnh, lên án người lây nhiễm cho nhiều người và sợ hãi đám đông.

Bên phản đối test đại trà, phản đối kiểu xây hàng rào hay "pháo đài" cho vùng xanh nói rằng Việt Nam cần phải sống chung với virus giống như thế giới và không được cư xử phân biệt bằng việc cấp thẻ xanh hay thẻ vàng.

Mỗi sáng ngồi trên lầu ngó xuống đường, tôi lại thấy vài người nhấp nhổm đứng trước cửa nhà mình như một cách "hóng gió".

Có người lấy xe gắn máy ra nổ máy chơi. Có người ngồi sẵn lên xe gắn máy chờ vắng bóng công an để đi ra đường.

"Công an rảo quanh hẻm cứ như trực thăng, chờ xem ai ra đường là phạt" - bà tổ trưởng cảnh báo mọi người.

Bạn tôi chia sẻ một clip ghi cảnh một người đàn ông ngồi trước cửa nhà mình hóng gió mà không đeo khẩu trang đã bị công an và dân phòng đi ngang bắt tội khiến ông ta nổi khùng.

Gặp tôi, chắc tôi cũng nổi khùng, vì khi ngồi một mình tôi cũng không đeo khẩu trang để được hít thở khí trời.

Chắc chắn dân chúng không phải là tác giả của cái app "di biến động dân cư" khiến hàng loạt xe gắn máy dồn ứ trên đường ở TP. HCM hồi giữa tháng 8!

Dân chúng cũng không ra lệnh thay đổi xoành xoạch cái giấy đi đường khiến cả TP. HCM lẫn Hà Nội đều dồn đống xe và người trên đường vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9!

'Vaccine tinh thần'

Từ hôm 5/9, tổng đài 1022 của TP. HCM có thêm kênh tư vấn tâm lý, cái mà các quan chức gọi là "vaccine tinh thần".

Khoảng giữa tháng 9, tôi đã gọi đến kênh này trong nhiều khung giờ khác nhau, sau bốn lần thì gặp được một nhân viên tư vấn tâm lý từng học một khóa huấn luyện tâm lý ở trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch.

Cô nói chuyện dịu dàng và thừa nhận mình chỉ có thể chia sẻ kiến thức chữa lành với những người bị rối loạn tinh thần nhẹ, còn ai có triệu chứng nặng hơn, cô sẽ chuyển đến bác sĩ tâm lý.

Có một thông tin từ cô ấy đáng chú ý: hiện nay cứ 10 người gọi thì có 8 người rối loạn lo âu vì không được ra ngoài và lo lắng đời sống không biết sẽ ra sao.

Đọc tin tức mỗi ngày về "phòng, chống dịch" thì thêm ức chế, nên tôi không xem số ca nhiễm mới và số ca tử vong, cũng không buồnmở ti vi nghe các quan chức "quyết tâm".

Thỉnh thoảng ra đầu hẻm lấy đồ, tôi lại gặp Văn đi về, lúc cầm hộp cá, lúc cầm vài ổ bánh mì.

Tôi hỏi Văn không sợ công an bắt phạt hả? Văn lơ ngơ: Họ có phạt thì tui cũng đâu có tiền. Hai mẹ con Văn đã nhận được túi cứu trợ của phường gồm mì gói và đồ hộp, nhưng cái mà họ trông là tiền cứu trợ 1,5 triệu. Thỉnh thoảng, tôi lại kiếm ra việc nhờ Văn giúp để anh chàng có chút đỉnh tiền.

Tôi cố giúp được ai thì giúp và thường xuyên gọi điện thoại hỏi thăm thân nhân và bạn hữu của mình.

Điều đáng nể là vài người trong nhóm bạn của tôi đang rất bận rộn với việc quyên góp giúp đỡ lương thực và thuốc men cho những F0 điều trị tại phòng trọ nghèo; giúp đỡ các bà mẹ mang thai bị nhiễm bệnh; giúp trang thiết bị y tế và cả bữa cơm trưa cho nhân viên y tế trong các bệnh viện.

Trong cơn nguy khốn, khả năng sống sót của mỗi người mới có cơ hội bộc lộ rõ nhất.

Bây giờ, khi nhận tin nhắn hỏi thăm của bạn hữu ở xa, tôi thường trả lời: Tôi vẫn còn sống.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-58610612

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét