Khi “Hòa bình lập lại”
FB Lê Nguyễn Duy Hậu - 28-9-2021 Việc từ chối xét nghiệm khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước là một hành vi vi phạm pháp luật hành chính, và theo Nghị định 117 thì mức xử phạt là 1 triệu đến 3 triệu đồng. Tuyệt nhiên không có hình thức xử phạt nào là “cưỡng chế buộc cách ly tập trung”, hay “cưỡng chế buộc xét nghiệm”, và càng không có hình thức xử phạt nào liên quan đến việc phá cửa (huỷ hoại dân sự?) và xâm phạm chỗ ở của lực lượng cán bộ. Như vậy, xét về luật thì rõ ràng hành vi của cán bộ trong ít nhất hai vụ việc ở Cà Mau và Bình Dương là đã vi phạm pháp luật.Ảnh cắt từ clip
Một clip đang được lan truyền trên mạng, được cho là diễn ra ở Bình Dương trong hôm nay. Clip quay cảnh đoàn các cán bộ nhà nước, có cả thường phục lẫn quân phục cảnh sát, dân phòng, công an khu vực… tiến hành phá cửa nhà của người dân trong một chung cư. Người chủ nhà vẫn còn mặc nguyên đồ ngủ, chưa kịp đeo lại khẩu trang, luôn miệng hỏi chuyện gì đang xảy ra thì đã bị vài ba cảnh sát thường phục xông đến trói tay ra sau, áp giải đi, trong tiếng khóc thét của đứa trẻ con trong nhà.Bạn sẽ tưởng người đó là một tội phạm nguy hiểm đang bị truy nã? Không hẳn. Đoàn cán bộ chỉ áp giải người này đi chừng 1′ để ra… sân của chung cư, nơi cô tiếp tục phải ngồi xuống một chiếc ghế nhựa và tay bị giữ ở phía sau để… một cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm covid. Chưa hết, trong lúc cô này lấy mẫu thì còn văng vẳng tiếng của một cán bộ chửi bới cô là “ý thức ở đâu?”.
Clip chắc chắn được một người trong đoàn cán bộ quay lại và có lẽ việc upload lên mạng cũng là có chủ ý (răn đe người dân? sẽ bị cưỡng chế nếu chống lại việc xét nghiệm bắt buộc?). Clip này chắc chắn cũng không kể đầy đủ câu chuyện. Rất có thể người phụ nữ này đã từ chối yêu cầu xét nghiệm của chính quyền rất nhiều lần, dẫn đến cơ sự ngày hôm nay.
Không khó để tìm thấy các vụ việc tương tự. Đầu tháng 9, ở Cà Mau, một người đàn ông từ chối xét nghiệm đã bị “cưỡng chế cách ly tập trung”. Ở Quận 8, một gia đình từ chối xét nghiệm đã dẫn đến xô xát với cán bộ y tế và bây giờ đang phải chịu điều tra để xử lý hình sự.
Việc từ chối xét nghiệm khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước là một hành vi vi phạm pháp luật hành chính, và theo Nghị định 117 thì mức xử phạt là 1 triệu đến 3 triệu đồng. Tuyệt nhiên không có hình thức xử phạt nào là “cưỡng chế buộc cách ly tập trung”, hay “cưỡng chế buộc xét nghiệm”, và càng không có hình thức xử phạt nào liên quan đến việc phá cửa (huỷ hoại dân sự?) và xâm phạm chỗ ở của lực lượng cán bộ. Như vậy, xét về luật thì rõ ràng hành vi của cán bộ trong ít nhất hai vụ việc ở Cà Mau và Bình Dương là đã vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, cán bộ nhà nước có lẽ không nghĩ mình sai khi làm vậy. Vụ việc ở Cà Mau, khi trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật, chủ tịch UBND TP Cà Mau khẳng định rằng lãnh đạo cơ quan chống dịch của tỉnh đã chỉ đạo áp dụng các biện pháp “cao hơn cả quy định chung”. Vụ việc ở Bình Dương, clip được chủ động up lên mạng và chúng ta còn nghe tiếng của cán bộ quát tháo hỏi người phụ nữ kia là “ý thức ở đâu”. “Trong cuộc chiến chống Covid, không có chỗ cho sự khoan nhượng” – một ai đó chắc sẽ nói vậy.
Có rất nhiều thảo luận về việc vì sao người dân lại không chấp hành những biện pháp chống dịch do nhà nước đưa ra (mà không phải lúc nào cũng rõ ràng, cũng hiệu quả, cũng minh bạch). Nhưng có quá ít các thảo luận về việc vì sao cán bộ nhà nước sẵn sàng bẻ luật để cưỡng chế người dân như ở Bình Dương và Cà Mau. “Ý thức người dân” là cái ta nghe nhiều, và có lẽ cũng là lời hiệu thôi thúc nhiều cán bộ hành xử cực đoan với người dân. Nhưng sâu xa hơn có thể nguyên nhân là một lời hiệu triệu khác.
“Chống dịch như chống giặc” dường như đã chuyển trạng thái của nhiều cán bộ từ thời bình sang chế độ thời chiến, để hành xử với người dân bằng thiết quân luật. Điều này nếu đúng thì có nghĩa là Việt Nam đang ở trong thời chiến, và không thể lấy lăng kính của thời bình để soi xét. Mục đích cuối cùng là hết dịch bệnh, vì thế có áp dụng cao hơn quy định chung một chút, có xâm phạm quyền công dân một chút, có trói tay người ta một chút, có xét nghiệm tràn lan một chút… mà hết dịch thì cũng chấp nhận được (bất chấp việc cái này có phải là nguyên nhân của cái kia hay không). Với suy nghĩ đó, F0 đã thành tội phạm với nhiều người và cần phải bóc tách, hốt gọn, quét sạch, còn cơ sở cách ly tập trung biến thành nhà tù để nhốt người vi phạm.
Trớ trêu là đây lại là một cuộc chiến đặc biệt, bí mật đến mức không ai dám đứng ra tuyên bố chiến tranh.
Chúng ta không thể thay đổi những gì đã xảy ra được. Kết quả sẽ là biện minh cho hành vi. Nhưng điều quan trọng hơn là ta làm gì khi “hoà bình lập lại”. Trong các kế hoạch phục hồi sau đại dịch luôn có những giải pháp, sáng kiến được đưa ra để giúp cho các nạn nhân sống lại một cuộc sống bình thường sau đại dịch, vỗ về cho đời sống tâm linh và tinh thần của họ, nhưng lại thiếu vắng những kế hoạch để phục hồi cho các cán bộ phi y khoa tuyến đầu.
Bên cạnh các nạn nhân trực tiếp, một điều không thể quên đó là các chương trình để giúp cho những cán bộ đang ở trong trạng thái thời chiến có thể quay trở lại thành một cán bộ dân sự, ý thức được giới hạn quyền lực và vị trí của họ là người phục vụ người dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét