Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2021

Phải hết sức cẩn trọng với cầu Trần Hưng Đạo!

Cứ dính đến dự án BOT là chắc chắn có ăn chia phía sau và phục vụ cho nhóm lợi ích. Các dự án BOT phải làm ở những vùng ngoài đô thị chứ không thể làm ở trong các đô thị. Cứ cái đà BOT kiểu này, các con đường mới ở thủ đô và ở các thành phố lớn dần dần cũng sẽ được biến thành đường BOT hết. Con cháu chúng ta sẽ muôn đời cực khổ với chúng. Do đó tôi đồng ý với các phản biện trong bài này, nên cực lực phản đối dự án BOT cầu Trần Hưng Đạo. Rất mong đông đảo người dân và các nhân sĩ trí thức cùng lên tiếng phản đối. 
Phải hết sức cẩn trọng với cầu Trần Hưng Đạo!
Hà Nội vừa chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo theo hợp đồng BOT với phương thức đối tác công - tư (PPP). Cây cầu vượt sông Hồng này dự kiến có điểm đầu tại ngã 5 Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm) nối sang giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh (quận Long Biên).

Phương án thiết kế Xứ Đông Dương được 13/15 thành viên hội đồng tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo của UBND TP. Hà Nội lựa chọn. Phương án mang dáng vẻ cổ điển, thơ mộng, là sự gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính, nét xưa cũ về một xứ sở đầy màu sắc và sinh động mà Hà Nội là thủ phủ - xứ Đông Dương.

Tổng vốn đầu tư của dự án cầu Trần Hưng Đạo lên tới hơn 8.900 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước là 50%, vốn của nhà đầu tư BOT là 50%. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến kéo dài khoảng 20 năm. Tiến độ thực hiện dự án là từ năm 2022 đến 2025. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 5,5km, chiều rộng cầu có 6 làn xe cơ giới. Đoạn cầu dẫn phía Hoàn Kiếm có làn xe đi thẳng vào đường Trần Hưng Đạo và 4 làn xe tiếp cận vào đường Trần Khánh Dư; đoạn cầu dẫn phía Long Biên có 4 làn xe. Cây cầu này là một công trình thuộc loại đặc biệt nằm trong quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Việc sắp có thêm một cây cầu hiện đại nối ngay từ khu vực trung tâm Hà Nội ra hệ thống đường giao thông lớn ở phía Bắc sông Hồng rồi tỏa đi muôn nơi, là một tin rất đáng vui mừng. 

Tuy nhiên, ngay khi thông tin này được công bố cùng với hình ảnh thiết kế cây cầu, thì có nhiều ý kiến của các chuyên gia, trong đó có các kiến trúc sư tên tuổi và có trách nhiệm đã nêu lên để trao đổi, phản biện nhiều mặt của dự án cầu này.

Đọc các ý kiến phản biện được đăng tải trên báo chí, chắng cần có kiến thức và hiểu biết gì thật cao siêu, người ta đã thấy rất rõ là còn rất nhiều băn khoăn, còn nhiều vấn đề cần làm rõ, tập trung lại ở mấy khía cạnh sau đây:

Thứ nhất, cây cầu theo thiết kế chỉ có chiều cao lưu không từ mặt nước lên là quá thấp, chỉ ngang với hai lần chiều cao của một hầm chui đường bộ thì giao thông đường thủy trên sông Hồng sẽ như thế nào? Với chiều cao ấy thì khi nước sông Hồng dâng lên vào mùa xả lũ, cây cầu có giống dáng dấp một cây cầu phao vượt sông của thời nào đã xa hay không?

Thứ hai, thiết kế của cây cầu được diễn giải ra là mang dấu ấn cổ kính của xứ Đông Dương, nhằm tích hợp với phong cách kiến trúc Hà Nội. Dấu ấn cổ kính của xứ Đông Dương là dấu ấn gì? Tại sao lại phải chọn dấu ấn ấy mà không là một thiết kế mang dấu ấn hiện đại để tạo nên một dáng vóc mới của Hà Nội đang trên đường phát triển?

Thứ ba là tổng vốn đầu tư. Con số dự kiến ban đầu là 8.938 tỷ đồng, chưa kể sẽ có những phát sinh sau này, là quá cao. Có người đưa ra so sánh, cầu Trần Hưng Đạo có chiều rộng 31m, dài khoảng 5,5 km, mà với giá ấy thì cao gấp hơn 6,4 lần cầu Thanh Trì. Mà cầu Thanh Trì thì rộng hơn, tới 33,1m, và dài gấp hơn 2 lần, là 12 km, hoàn thành năm 2007 với mức đầu tư chỉ gần 1.396 tỷ đồng mà thôi. Dù có tính trượt giá từ 2007 đến nay thì cái giá ấy là không hiểu nổi.

Thứ tư là với hình thức đầu tư BOT thì người Hà Nội sẽ được thấy BOT “tấn công” vào tới tận phố cổ của Thủ đô thời kỳ phát triển, sắp chuyển mình bước vào phồn vinh và họ sẽ có tới ít nhất là 20 năm được bền bỉ “chiêm ngưỡng” sự “tấn công” này…

Hà Nội đã có những cây cầu xuất hiện vào thời kỳ xây dựng lại sau này. Những cây cầu ấy đều là những nỗ lực và được chờ đợi, được chào mừng ngay từ khi mới bắt đầu hình thành. Đặc biệt là cây cầu mới Nhật Tân, thì đã trở thành một nét đẹp hiện đại mà quyến rũ, mà đắc địa, là một dấu ấn đáng tự hào.

Với cầu Trần Hưng Đạo, thì đây là lần đầu tiên đã xảy ra chuyện mới đưa ra thông tin ban đầu về một cây cầu mới mà đã có ngay những phản biện, thậm chí rất bức xúc. Còn có thông tin là thiết kế cây cầu này đã được 13/15 ý kiến lựa chọn của một hội đồng đặc biệt. Vậy là đã có sự cân nhắc kỹ. Cân nhắc kỹ thì tại sao các ý kiến phản biện lại trở nên dễ hiểu và đầy sức thuyết phục như vậy?

Rõ ràng, Hà Nội phải hết sức cẩn trọng với dự án cầu Trần Hưng Đạo mới này. Phải lắng nghe cho đủ mọi lý lẽ, phân tích. Phải có những hình thức phù hợp và cầu thị để tiếp nhận những ý kiến góp ý, phản biện vì một Hà Nội của tất cả chúng ta.

Một cây cầu ở vị trí như thế này không chỉ là mục tiêu giao thông, mà còn phải tích hợp được rất nhiều ý nghĩa, cả về văn hóa, về lịch sử và dấu ấn phát triển. Không có những cẩn trọng đủ mức cần thiết thì cây cầu này sẽ dễ hiện ra như một “tượng đài xấu xí” mới, sẽ “trơ gan cùng tuế nguyệt”, chứ không chỉ đơn giản là bất hợp lý và lãng phí. Bài học về thiết kế và đầu tư đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã là một cảnh báo nhãn tiền!

https://nhadautu.vn/cafe-cuoi-tuan-phai-het-suc-can-trong-voi-cau-tran-hung-dao-d57946.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét