LÀM THIỆN NGUYỆN
FB Bs Võ Xuân Sơn - Tôi đã từng tham gia nhiều chuyến đi công tác từ thiện. Chúng tôi xác định với nhau, rằng mình phải tự túc tất cả các chi phí, để dành số tiền quyên góp cho mục đích chính. Trong lần đi cứu trợ bão lụt ở Quảng Bình, chúng tôi đã tổ chức đi tiền trạm. Ngoài việc tìm hiểu, đặt chỗ ăn, chỗ ở, và phương tiện di chuyển, chúng tôi còn tìm hiểm về địa điểm tổ chức khám bệnh, những trang thiết bị mà các cơ sở y tế có thể tham gia cùng chúng tôi. Chúng tôi đã mua các phương tiện phục vụ khám chữa bệnh đơn giản như máy đo huyết áp, nhiệt kế, và cả chiếu trải trên các giường để khám bệnh… Sau khi sử dụng xong, để lại luôn cho y tế địa phương.Mỗi thành viên tham gia đoàn phải tự đóng góp tiền vận chuyển, tiền ở và tiền ăn cho chuyến đi. Tất cả các hỗ trợ, chúng tôi đều tập trung vào mua thuốc men và quà cho người dân, nơi chúng tôi đến khám bệnh và cứu trợ. Lần ấy, chúng tôi còn dư một số thuốc. Một số thuốc chúng tôi để lại cho các trạm y tế nơi chúng tôi sử dụng cơ sở để khám chữa bệnh. Một số khác chúng tôi hỗ trợ cho các đoàn khám bệnh thiện nguyện khác.
Còn lại một số tiền, chúng tôi quyết định mua một máy phát điện tặng cho điểm trạm y tế Bản Rục, nơi người dân thường nhất định không chịu đi bệnh viện, mà đường dây điện thì hay bị hư do mưa bão, thời gian để sửa chữa đường dây thường mất vài ngày. Đôi khi, việc mất điện gây nguy hiển cho các sản phụ đẻ khó.
Lần chương trình DĨA CƠM TRÊN TƯỜNG tổ chức khám bệnh thiện nguyện tại Quảng Ngãi cũng vậy. Chúng tôi không để cho địa phương phải lo bất cứ thứ gì. Tiền quyên góp được chúng tôi tập trung mua thuốc khám chữa bệnh cho bà con. Tất cả chi phí di chuyển, ăn, ở chúng tôi đều tự túc. Tất cả các thành viên tham gia đều phải đóng tiền cho việc đó.
Lần đó, gia đình của một thành viên chương trình ở tại thị xã Quảng Ngãi đã giúp chúng tôi về chỗ ở. Nhiều bạn bè mời các bữa cơm, nên chi phí cho mỗi cá nhân không nhiều. Tuy nhiên, bà con khám khá đông và bị khá nhiều bệnh mà chúng tôi chuẩn bị ít thuốc. Chúng tôi đã quyết định tự bỏ thêm tiền để mua thêm thuốc phục vụ yêu cầu của bà con. Hôm đó, chúng tôi khám bệnh, phát thuốc đến tối mới xong.
Nói chung, đã làm thiện nguyện, thì phải đúng với tinh thần thiện nguyện. Nếu thực sự là thiện nguyện, thì cần phải xác định là đi làm việc, chứ không phải đi chơi. Và trước tiên, cần phải xem người ta có cần mình thật hay không, khả năng của mình làm được gì cho người ta. Còn đi chỉ để phục vụ cho mục đích chụp hình, chụp ảnh, chỉ để được đi chơi, lại đòi hỏi này khác, thì rất không phù hợp với tính cách của người Sài gòn.
Hôm nay dư luận nói nhiều về việc các bạn sinh viên của Hải Dương vào TPHCM hỗ trợ chống dịch. Tôi hơi ngỡ ngàng, cứ tưởng các bác sĩ đã có chứng chỉ hành nghề xung phong vào hỗ trợ cho y tế TPHCM. Thực tế thì chỉ cần một lời kêu gọi, tình nguyện viên để có thể làm được những gì mà các bạn sinh viên Hải Dương làm được thì ở Sài gòn đầy rẫy. Mà họ thì là dân bản xứ, ít có cách xử sự không phù hợp với văn hóa địa phương.
Nghe nói, ngày hôm nay có mấy bác sĩ nói về chuyện các bạn tình nguyện viên ở Hải Dương vào TPHCM bị tấn công dữ dội trên facebook, tôi nghĩ, có lẽ các bạn sinh viên ấy vào TPHCM với một mục đích nào khác, của ai đó, không phải của người dân TPHCM. Người dân TPHCM thường không cần những tấm hình hoành tráng, những khẩu hiệu rền vang. Họ cần người làm việc, làm việc thực tâm, làm việc hết mình.
Suy nghĩ này có vẻ có lí khi tôi đọc được một tấm hình lưu truyền trên mạng, được cho là của một thành viên ban chống dịch ở TPHCM. Tôi không rõ tính thực hư của tấm hình này, nhưng nó phù hợp với suy nghĩ của tôi.
https://www.facebook.com/xuanson.vo.5
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét