Đâu là bản chất vụ xử lý sông Tô Lịch?
Tô Văn Trường - 10/12/2019 - Điều quan trọng là người Nhật phải cho biết và Thành phố phải hỏi đến cùng: công nghệ này đã áp dụng ở đâu, chi phí ra sao, tiêu thụ điện năng thế nào, cùng ước tính chi phí ở sông Tô Lịch và diện tích cần thiết... Trước hết phải nói rõ là công ty Nhật Bản không tự ý làm vì có sự đồng ý của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và các ban ngành liên quan. Tuy nhiên, công nghệ của họ vẫn còn là dấu hỏi lớn.Công ty CP Cải thiện Môi trường Nhật Việt đã tháo dỡ hệ thống công nghệ Nano Bioreactor Nhật Bản trên sông Tô Lịch sau thời gian thí điểm
Nhiều người, kể cả giới khoa học đang lạm bàn câu chuyện về công ty Nhật Bản JVE xử lý nước thải ở sông Tô Lịch, nhất là sau khi có ý kiến nhận xét của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung làm cho bạn đọc suy ngẫm không biết thế nào là “phải - trái”.
Tôi quan tâm đến ý kiến của chuyên gia môi trường Đào Nhật Đình (xem box dưới), người đã đến tận nơi "mục sở thị" ở sông Tô Lịch và chụp ảnh để minh chứng phản biện, là điểm cộng so với các ý kiến của các chuyên gia khác.
Tuy nhiên, chỉ nhìn việc bố trí các thiết bị để dự đoán hiệu quả xử lý e rằng chưa đủ thuyết phục, nhất là khi bên Nhật Bản (và đối tác Việt Nam) vẫn quả quyết sẵn sàng bỏ tiền ra làm tiếp bất chấp hậu quả như chính chuyên gia Nhật Đình đã cảnh báo: "Chi phí đầu tư không hề thấp, chi phí vận hành lớn khủng khiếp. Không có công ty nào trên thế giới lại hào phóng cho không một hệ thống như vậy".
Từ ý kiến của chuyên gia Đào Nhật Đình, có lẽ UBND TP Hà Nội nên mời JICA và các chuyên gia Nhật Bản đã tham gia quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải của Hà Nội giúp đánh giá và cho ý kiến về công nghệ đề xuất của JEBO và kết quả triển khai thử nghiệm công nghệ này của JVE trước khi ra quyết định thì sẽ thuyết phục hơn.
Từ góc nhìn độc lập của chuyên gia tài nguyên nước và môi trường, theo tôi hiểu, công nghệ Nhật Bản xử lý được nước thải kiểu như nước sông Tô lịch. Bởi vì cứ mang nước (hay quây nước) sông Tô Lịch lại, rồi chỉ cần sục khí thôi cũng đủ sạch rồi, thậm chí sạch cả bùn vi sinh ở đáy sông Tô Lịch nữa.
Tuy nhiên, Tô Lịch là một con sông, mà đã là một con sông thì phải có đủ nước cho nó chứ không phải chỉ vài chục centimet nước (thải) như hiện nay. Nước phải sạch và có dòng chảy để tự nó có hệ sinh thái riêng và sau này nó tự làm sạch nước của nó nếu lượng chất ô nhiễm thải vào không vượt quá khả năng tự làm sạch của thực thế nước ấy.
Như vậy, có nghĩa là muốn cải tạo dòng sông Tô Lịch thì phải cần làm được ba điều kiện sau đây:
(1) Không thải trực tiếp nước thải vào sông, nước thải phải qua xử lý rồi mới đổ vào sông;
(2) Phải có các đập dâng hay đập tràn để dòng sông có mực nước tối thiểu để có thể hình thành một hệ sinh thái của riêng nó và tự làm sạch;
(3) Phải có dòng chảy tối thiểu hay còn gọi là dòng chảy môi trường (nếu không, thì thành "Hồ Tô Lịch"); dòng chảy từ nước thải sau xử lý nếu không đủ thì sẽ phải tính đến việc bổ sung từ Hồ Tây hay sông Hồng...
Việc xử lý nước thải hiện đang đổ vào sông Tô Lịch đã có nhiều phương án, tập trung hay phân tán dọc theo sông. Hiện Hà Nội đã có một nhà máy xử lý ở Yên Sở và đang xây dựng một nhà máy nữa với hy vọng sẽ xử lý được hết lượng nước thải chảy vào sông hiện nay.
Việc công ty JVE đưa ra công nghệ xử lý tại các cống thải, theo tôi hiểu việc đó thể hiện tư duy bồng bột và có vẻ như cố ý làm một điều gì đó chưa chắc đã liên quan đến cải tạo dòng Tô Lịch. Mặc dù công nghệ này có thể làm sạch các hồ nước ô nhiễm quy mô vừa phải.
Việc đào ngầm làm hệ thống xử lý nước thải tại các cống chảy vào sông và bổ sung các hệ thống sục khí trong dòng sông nữa không những chi phí lớn, mà cứ cho là xử lý được nước thải, thì cũng mới chỉ làm được một trong 3 yêu cầu đối với dòng Tô Lịch như nói ở trên. Thử tưởng tượng xem, với cách làm như thế thì sông Tô Lich sẽ giống như một cái bể?
Cũng thật lạ, tại sao người Nhật lo xử lý phần ngọn mà không lo cái gốc của vấn đề, và tại sao ban đầu Hà Nội lại chấp thuận cho họ làm thử như thế?
Xử lý phần gốc tức là thu gom nước thải để dẫn về nhà máy xử lý, rồi bít hết các cửa xả ra sông, từ đó sông không còn bị ô nhiễm nữa. Nếu cống hỗn hợp tải nước thải pha nước mưa như từ xưa đến giờ thì đành phải xử lý hỗn hợp này. Còn các khu được xây dựng về sau tách nước mưa khỏi nước thải thì dẫn nước mưa xuống sông hồ, dẫn nước thải về nhà máy xử lý.
Đó là cách làm của 3 dự án Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tân Hóa-Lò Gốm và Kênh Đôi- kênh Tẻ ở TP HCM đã làm. Dự án Kênh Đôi - kênh Tẻ do Nhật tài trợ.
Theo tôi hiểu, ở Hà Nội có thể xây một nhà máy xử lý cho mỗi lưu vực để có thể dẫn nước thải về nhà máy đó theo dòng chảy trọng lực (ít dùng bơm). Đàng này, cứ xử lý nước trong sông Tô Lịch thì dòng chảy mênh mang, có thể chặn hết lưu lượng được không để xử lý rốt ráo? Dù chặn hết thì thiết bị sẽ khổng lồ, làm mất vẻ mỹ quan đô thị. Rồi còn hệ thống cấp điện và trạm biến thế, tòa nhà hành chính cho cơ sở xử lý, bãi đậu xe cho nhân viên... thì bố trí ra sao?
Như ở TP. HCM thì người ta tìm đất ngoại thành đang bỏ hoang, không có giá trị cao, cách xa khu dân cư, để xây nhà máy xử lý nước thải. Bởi vì làm thế nào chăng nữa, các nhà máy này vẫn có vấn đề về mỹ quan, vẫn tạo mùi, không thể đặt trong khu vực đô thị. Xây ở xa, dù đường cống bao có dài nhưng tính hết các yếu tố vẫn có lợi.
Công nghệ ở Nhật Bản như thế này là để xử lý một khu vực nào đó, như là một khu đô thị mới, khu công nghiệp, khuôn viên đại học... Trong các khu vực có ranh giới cụ thể, họ có thể dẫn nước thải về một cái hồ hoặc một đoạn kênh – thậm chí xuống lòng đất nếu ở giữa lòng đô thị – rồi lo xử lý.
Ở Tokyo có hệ thống lưu trữ nước mưa ngầm rất lớn, khi mưa ập xuống họ cho nước mưa xuống ngay các hầm, sau đó dần dần bơm nước đi tùy theo công suất thoát nước của kênh mương. Cho nên một hầm như thế cũng có thể nhận nước thải để được xử lý. Tôi đã đến thăm công trình này ở Tokyo.
Ở Hà Nội, địa hình bao nhiêu khu đô thị trung tâm rộng mênh mang khác hẳn với khu vực ranh giới cụ thể, thì xử lý ngay tại sông Tô Lịch e không ổn! Có lẽ người Nhật Bản biết thế, nhưng không giải thích rõ: sau này sẽ dẫn nước thải về nhà máy xử lý ở ngoại thành mà áp dụng công nghệ đề xuất.
Còn khi một bên nói xử lý tốt và bên kia nói không tốt, thì dựa theo tiêu chí nào? Hoặc dựa theo số liệu chất lượng nước do một đơn vị bên thứ ba được hai bên chấp nhập thử nghiệm.
Vấn đề là sông Tô Lịch rộng như thế, thiết bị xử lý chỉ đặt ở một phía của dòng chảy, thì phải lấy mẫu như thế nào mới đánh giá đúng kết quả? Ông xử lý có thể thu mẫu ở thiết bị xử lý, còn TP có thể thu mẫu ở điểm khác, hai kết quả khác nhau tha hồ mà tranh luận, “ông nói gà bà nói vịt”!
Có vẻ như người Nhật Bản thiếu thông tin cho TP Hà Nội. Trước đó, người Nhật Bản cần giải thích chi tiết sẽ làm gì, đặt thiết bị ra sao, lấy mẫu nước thế nào, điều kiện phải có là gì, như tạm dừng xả nước hồ vào kênh...Cũng cần mời các đơn vị, chuyên gia độc lập đến nghe người Nhật nói để tham mưu cho thành phố.
Điều quan trọng là người Nhật phải cho biết và thành phố phải hỏi đến cùng: công nghệ này đã áp dụng ở đâu, chi phí ra sao, tiêu thụ điện năng thế nào, cùng ước tính chi phí ở sông Tô Lịch và diện tích cần thiết...Nếu biết chi phí quá cao hoặc có vấn đề không thể giải quyết thì chẳng cần thử nghiệm làm gì.
Hai bên phải đả thông trước cho nhau mọi thắc mắc. Khi hai bên đã nhất trí các điều kiện thì mới nên tiến hành thử. Không bàn hết các vấn đề cho cặn kẽ, giữa chừng người Nhật kêu trời vì nước hồ xả vào sông làm hại cho việc thử nghiệm!
Tóm lại, có vẻ như cả hai bên đều không chuẩn bị để nắm bắt đủ các vấn đề cần biết. Một bên không muốn nói, bên kia không muốn hỏi. Chủ nhà cần nói: “Anh phải thuyết phục được tôi đến mức nào đó thì tôi mới cho phép anh làm". Khi đó, tùy người Nhật tiết lộ thông tin để thuyết phục thành phố mà làm, nếu không sẽ không cơ hội để làm nữa.
Tô Văn Trường
Inbox
Chuyên gia môi trường - Đào Nhật Đình:
JVE đã biết là Hà Nội sẽ xả nước Hồ Tây nên họ quây nước lại ở sông Tô Lịch từ trước khi xả nước. JVE quây lại bởi vì họ không thành công trong việc xử lý xuôi theo dòng chảy không kiểm soát được lưu lượng và tải lượng. Họ cũng không thành công trong việc định xử lý bằng sục khí và bioreactor, bỏ qua khâu yếm khí ngay trên dòng chảy. Phần họ trích ra xử lý chỉ là một ống nhựa phi 90, lâu lâu mới bơm. Tức là họ chỉ xử lý độ 10m3/ngày, có đủ sục khí, yếm khí, lắng, hoàn thiện rồi thả mấy con cá vào trong bể hoàn thiện, rồi tắm trong đó. Trong khi lưu lượng Tô Lịch mùa khô cũng cỡ 100,000m3/ngày.
Phần xử lý ở Hồ Tây cũng quây lại và không có dòng chảy nên thành công hơn. Tuy vậy cũng không thể nói về giá thành so với phương pháp khác vì xử lý một ít nước như vậy thì tất cả các công nghệ khác đều làm được. Mỗi máy sục khí 3kW không phải là nhỏ, sục 2 máy ở một diện tích bé như vậy thì kiểu gì cũng sạch. Và cũng không có sự khác biệt lớn so với nước hồ Tây.
Toàn bộ quy hoạch và hệ thống thoát nước, xử lý nước thải của Hà Nội 1 hiện nay vẫn đang làm theo công nghệ Nhật, được vay vốn ODA Nhật từ năm 1990 lên tới hàng trăm triệu USD. Mọi việc vẫn đang tiến hành tốt, tuy hơi chậm (thu nhập có thế thì muốn đẩy nhanh cũng chẳng được). Các trạm xử lý nước thải Bắc Thăng Long, Trúc Bạch, Kim Liên, Bảy Mẫu đều do Nhật thiết kế và xây dựng với nhiều nhà thầu Nhật. Đến nay vẫn vận hành. Do đó nói Hà Nội không thích công nghệ Nhật là sai. JVE chỉ là một công ty của Nhật, không phải là cái gì tinh túy nhất của Nhật.
Bản vẽ mà JVE đưa ra để dọa làm miễn phí chính là phương án xử lý nước thải từng miệng cống. Mỗi miệng cống một nhà máy nho nhỏ ngầm dưới đất. Chỉ tính sơ cũng biết để xử lý hết Tô Lịch cần khoảng 25 "nhà máy" ngầm như vậy. Chi phí đầu tư không hề thấp, chi phí vận hành lớn khủng khiếp. Không có công ty nào trên thế giới lại hào phóng cho không một hệ thống như vậy. Mà có cho không cũng không ai nhận. Phương án này đã được thảo luận ở Hà Nội trước cả đời chủ tịch Nguyễn Đức Chung và bị loại bỏ vì trên thế giới không ai làm như vậy, trừ phi họ có rất nhiều tiền hoặc địa hình buộc phải làm như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét