Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

(1) Chúa sơn lâm ra một luật rừng mới trong rừng luật

"Thế đó, một đứa vi phạm thì năm người sống cùng nhà cũng bị cắt mạng internet. Chẳng khác gì một người ăn cắp thì cả gia đình phải ngồi tù. Nạn bị vạ lây như vậy không chỉ dừng lại trong phạm vi gia đình, mà còn xảy ra trong phạm vi tập thể hay cộng đồng, nơi sử dụng chung một mạng viễn thông, một mạng internet, hay một hệ thống thông tin. Chỉ cần một thành viên bị quy kết vi phạm, dù oan hay không oan, thì cả tập thể hay cộng đồng ấy cũng đều bị vạ lây".
CHÚA SƠN LÂM RA MỘT LUẬT RỪNG MỚI TRONG RỪNG LUẬT!
GS.TSKH Hoàng Xuân Phú - "Quốc hội đã sáng suốt thông qua với tỷ lệ 86,86%." Đó là khẳng định của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri ở Hà Nội vào ngày 17/06/2018, về việc Quốc hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV biểu quyết thông qua Luật an ninh mạng. Để có thể đánh giá mức độ "sáng suốt" của Quốc hội, ta hãy cùng nhau xem xét một số điểm vi hiến của Luật an ninh mạng số 24/2018/QH14 (phần 1) và hệ quả của chúng (phần 2).
1. Nhận diện vi hiến
Quốc hội khóa XI đã ban hành Luật an ninh quốc gia số 32/2004/QH11 vào năm 2004. Quốc hội khóa XIII mới ban hành Luật an toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13 và Bộ luật hình sự sửa đổi số 100/2015/QH13 vào năm 2015. Để rồi Quốc hội khóa XIV lại ban hành Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 vào năm 2017. Hiển nhiên, sau hai lần sửa đổi liên tục như vậy, quy định về các tội thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia và trật tự xã hội đã được cập nhật. Đặc biệt, Bộ luật hình sự hiện hành dành riêng một mục với mười điều (từ Điều 285 đến điều 294) để quy định về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông.

Như vậy, đối với lĩnh vực bảo vệ an ninh trên mạng, những nhiệm vụ mà các cơ quan nhà nước phải tiến hành đã được quy định trong Luật an ninh quốc gia và Luật an toàn thông tin mạng, còn các hành vi bị cấm và hình thức xử lý thì đã được quy định trong Bộ luật hình sự. Do đó, cần đặt ra câu hỏi: Quốc hội khóa XIV có nhất thiết phải ban hành thêm Luật an ninh mạng hay không? Giả sử có quy định nào đó chưa hợp lý hay còn thiếu, thì chỉ cần sửa đổi, bổ sung theo thông lệ lập pháp, chứ tại sao lại sinh thêm một luật mới?

Có lẽ một phần câu trả lời ở nằm ở vai trò "chủ hộ" của luật. Trong Luật an toàn thông tin mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông xuất hiện 26 lần, trong đó 6 lần với tư cách chủ trì, còn Bộ Công an xuất hiện 7 lần, trong đó 2 lần với tư cách chủ trì. Trong Luật an ninh mạng thì ngược lại, Bộ Công an xuất hiện 28 lần, trong đó 6 lần với tư cách chủ trì, còn Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ xuất hiện 4 lần, và chẳng lần nào với tư cách chủ trì. Phải chăng, vì Luật an toàn thông tin mạng là "biệt thự" do Bộ Thông tin và Truyền thông làm "chủ hộ", nên phải dựng thêm "biệt thự" Luật an ninh mạng để cho Bộ Công an làm "chủ hộ"?
Vấn đề không chỉ dừng lại ở đó. Trong khi Luật an ninh quốc gia chỉ dùng 146 chữ để xác định cách xử lý các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia (tại Điều 12) và Luật an toàn thông tin mạng chỉ dùng 55 chữ để viết về nguyên tắc xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thông tin mạng (tại Điều 8), thì Luật an ninh mạng quy định cụ thể về cung cách, hình thức và mức độ xử lý các hành vi vi phạm. Tức là Luật an ninh mạng đã lấn sân Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự. Vì vậy, để có thể tìm ra phần còn lại của câu trả lời, ta cần đối chiếu với cả hai bộ luật ấy.

1.1. Trừng phạt người vô tội

Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 Luật an ninh mạng quy định năm loại thông tin phải phòng ngừa và xử lý, đó là:

"1. Thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam..."

"2. Thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng..."

"3. Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống…"

"4. Thông tin trên không gian mạng có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế..."

"5. Thông tin trên không gian mạng có nội dung bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác."

Về biện pháp xử lý, khoản 7 Điều 16 quy định:

"7. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp quy định tại các điểm h, i và l khoản 1 Điều 5 của Luật này để xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này."

Tức là áp dụng các biện pháp sau:

"h) Ngăn chặn, yêu cầu tạm ngừng, ngừng cung cấp thông tin mạng; đình chỉ, tạm đình chỉ các hoạt động thiết lập, cung cấp và sử dụng mạng viễn thông, mạng internet, sản xuất và sử dụng thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến theo quy định của pháp luật."

"i) Yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân."

"l) Phong tỏa, hạn chế hoạt động của hệ thống thông tin; đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền theo quy định của pháp luật."

Có điều gì đặc biệt ở đây? Trước hết, nếu soạn thảo, đăng tải, tán phát thông tin quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16, thì phạm phải những tội đã được quy định tại Bộ luật hình sự hiện hành, chẳng hạn:

- Điều 117 quy định về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Điều 118 quy định về tội phá rối an ninh.

- Điều 155 quy định về tội làm nhục người khác.

- Điều 156 quy định về tội vu khống.

- Điều 318 quy định về tội gây rối trật tự công cộng.

Với các tội đó, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền là khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử. Vậy mà khoản 7 Điều 16 Luật an ninh mạng lại chỉ quy định "áp dụng các biện pháp quy định tại các điểm h, i và l khoản 1 Điều 5", tức là không nhắc tới biện pháp khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, mặc dù biện pháp ấy được quy định tại điểm m của chính khoản 1 Điều 5:

"m) Khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự."

Nếu ai đó soạn thảo, đăng tải, tán phát thông tin quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 của Điều 16 Luật an ninh mạng, thì người ấy phạm vào tội được quy định tại Điều 117 hoặc Điều 118 của Bộ luật hình sự. Do đó có thể nhanh chóng khởi tố, bắt giam để điều tra, truy tố, xét xử, và cuối cùng phạt tù ít nhất cũng 5 năm. Vậy thì tại sao lại chần chừ? Vốn chẳng ngại hành xử bất chấp pháp luật, bắt giam và kết án cả những người vô tội, không lẽ bây giờ lại tự dưng tỉnh ngộ, mà trở nên quá nhân từ, chẳng nỡ khởi tố, truy tố, xét xử tội phạm hình sự hay sao? Hơn nữa, khi đã bị giam trong nhà tù của chế độ này, thì hiển nhiên người bị giam không được cung cấp thông tin mạng, và cũng không thể tự do thiết lập, sử dụng mạng viễn thông và mạng internet. Vậy thì tại sao còn phải "yêu cầu tạm ngừng, ngừng cung cấp thông tin mạng" và "đình chỉ, tạm đình chỉ các hoạt động thiết lập, cung cấp và sử dụng mạng viễn thông, mạng internet", như quy định tại điểm h khoản 1 Điều 5 Luật an ninh mạng?

Tồn tại một giả thuyết, có thể giải đáp đồng thời mấy thắc mắc trên. Đó là: Đối tượng xử lý của Điều 16 Luật an ninh mạng trước hết là những người vô tội, mà sự vô tội rõ ràng đến mức sẽ quá trơ trẽn nếu phát huy truyền thống vu khống để khởi tố, truy tố, xét xử và phạt tù. Thành thử, mặc dù cáo buộc họ phạm phải những tội hình sự nghiêm trọng, nhưng vẫn đành phải chấp nhận để họ tự do về thể xác, và chỉ sử dụng Luật an ninh mạng để tước bỏ tự do về tinh thần.

Kể cả khi giả thuyết trên bị phủ định, thì vẫn còn một thứ vi hiến chẳng thể biện hộ. Đó là, khi "áp dụng biện pháp quy định tại các điểm h, i và l khoản 1 Điều 5 của Luật này để xử lý", thì có nghĩa là đã phán xét "thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này". Tức là đã phán xét hành vi của đương sự vi phạm các điều tương ứng trong Bộ luật hình sự. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cơ quan công an phán xét đương sự đã phạm tội hình sự. Như vậy hiển nhiên là vi phạm khoản 1 Điều 31 Hiến pháp 2013: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật."

Rõ ràng, Luật an ninh mạng đã cho phép cơ quan công an tự ý kết tội, mà không đợi "Tòa án nhân dân... thực hiện quyền tư pháp", tức là vi phạm khoản 1 Điều 102 Hiến pháp 2013. Hơn thế nữa, Luật an ninh mạng cũng cho phép cơ quan công an bỏ qua công đoạn "Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố", tức là vi phạm khoản 1 Điều 107 Hiến pháp 2013.

Như vậy cũng đương nhiên vi phạm cả các quy định tương ứng của Bộ luật tố tụng hình sự. Và không chỉ dừng lại ở đó. Khoản 2 Điều 26 Luật an ninh mạng quy định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng phải

"Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; ... cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng."

Có nghĩa là Luật an ninh mạng trao cho cơ quan công an quyền khám xét, thu giữ thông tin người dùng mạng, mà hoàn toàn không nhắc tới vai trò của Viện kiểm sát. Tức là vi phạm Điều 193 Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, quy định rằng:

"Lệnh khám xét của những người được quy định tại khoản 2 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn trước khi thi hành…"

(Ghi chú: Những người được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 là "Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp".)

Tại sao thực hiện chức năng của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự mà Luật an ninh mạng lại phớt lờ vai trò của Viện kiểm sát và Tòa án (đã được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự)? Thậm chí, cả Viện kiểm sát lẫn Tòa án đều không được nhắc tới một lần nào trong Luật an ninh mạng. Chẳng lẽ bị Bộ công an lấn át, mà Viện kiểm sát và Tòa án đành phải lặng thinh hay sao? Điều đó khó có thể xảy ra. Vì cả bộ ba ấy đều chịu sự lãnh đạo thống nhất và triệt để của Bộ chính trị ĐCSVN. Hơn nữa, việc tướng công an Nguyễn Hòa Bình đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao từ 26/7/2011 đến 8/4/2016, rồi tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao từ 8/4/2016 đến nay, cho thấy dù đi đâu về đâu thì họ cũng chỉ là quân một nhà, hà tất phải lấn át nhau.

Lý do thực sự là gì thì người trong cuộc mới biết rõ. Người ngoài chỉ có thể phỏng đoán, chẳng hạn thông qua hai cái lợi có được nhờ "bỏ rơi" Viện kiểm sát và Tòa án. Một là, nhờ "tiết kiệm" hai trong ba thành phần tố tụng, nên có thể xử nhanh hơn và xử nhiều người hơn hẳn. Hai là, khi kết tội người vô tội, sự vắng mặt của Viện kiểm sát và Tòa án không chỉ cho phép phía công an mặc sức hoành hành, mà còn có tác dụng tránh gia tăng tiếng xấu cho hai cơ quan ấy. Như vậy là lợi cả đôi đường.

Cho dù thực tâm và ý đồ của tác giả thế nào đi nữa, thì Luật an ninh mạng cũng tất yếu dẫn tới những phán xử oan sai dành cho người vô tội. Vì sao? Nếu cơ quan điều tra có thể đứng ra xét xử một cách chính xác, công bằng và đúng pháp luật, thì Thế giới đã chẳng cần phải nuôi thêm bộ máy công tố và tòa án, vừa tốn tiền vừa phí thời gian. Cho nên, sự tồn tại của bộ máy công tố và tòa án đã mặc nhiên thừa nhận, nếu cho phép cơ quan điều tra tự đứng ra xét xử thì không thể tránh khỏi oan sai. Ở các nước văn minh, nơi có nhà nước pháp quyền đích thực, đã không thể tránh khỏi. Ở xứ đích thị luật rừng, nơi an ninh và côn đồ đôi khi chỉ khác nhau ở chỗ trong hay ngoài biên chế, thì điều đó lại càng không thể tránh khỏi.

Điều 20 Hiến pháp 2013 khẳng định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể ...; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể". Vậy mà đám an ninh lại ngang nhiên đánh đập hết sức dã man bao người, chỉ vì họ thực hiện quyền biểu tình đã được hiến định, hay đơn thuần chỉ là khách vãng lai, vô tình sa vào vòng vây quỷ dữ. Đó là bằng chứng hùng hồn, cho thấy lực lượng anh ninh của chế độ này coi Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không hơn tờ giấy lộn, có thể mặc sức chà đạp.

Có lẽ bạn đọc trung thành của báo đảng sẽ cho rằng, đó là luận điệu bịa đặt của thế lực thù địch, nhằm bôi nhọ chế độ tươi đẹp. Hoặc nếu thừa nhận có chuyện "quá tay", thì chẳng qua cũng chỉ là hành động bột phát của một vài lính trẻ mới vào nghề, chưa kịp thấm nhuận sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân mà thôi. Nếu vậy thì hãy trả lời câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra, nếu cầm đầu lực lượng bảo vệ an ninh mạng cũng thuộc chủng loại như Thiếu tướng công an Nguyễn Thanh Hóa? Từng lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, rồi được bổ nhiệm làm Cục trưởng đầu tiên của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, từ khi thành lập vào năm 2009 cho đến tận cuối năm 2017, rõ ràng Nguyễn Thanh Hóa thuộc loại cốt cán được trọng dụng nhất của Bộ Công an. Cho nên, không ai có thể đảm bảo rằng lãnh đạo của lực lượng bảo vệ an ninh mạng sẽ chẳng cùng chủng loại ấy. Là Cục trưởng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, mà lại sử dụng công nghệ cao để tổ chức hoạt động tội phạm. Đó là bằng chứng không thể chối cãi, cho thấy không thể đảm bảo rằng lực lượng bảo vệ an ninh mạng chỉ toàn người tử tế, hành động và phán xét theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, lực lượng ấy không có đủ tư cách nhân danh pháp luật để phán xử người dân, hạn chế hay tước bỏ quyền công dân.

Có thể tác giả và một số người ủng hộ Luật an ninh mạng vẫn cố cãi, rằng về nguyên tắc thì trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, công an nhân dân không thể xử oan nhân dân. Và nếu có oan sai thì cũng chỉ là tai nạn thường tình, tương tự như tai nạn giao thông mà thôi. Để đỡ tốn thời gian tranh luận, ta hãy chốt lại mục này bằng một mẩu chuyện "cận tưởng" sau đây.

Ngày nảy ngày nay, ở chốn "cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản", có một gia đình nọ chung sống ba thế hệ. Người ông ngày ngày lên mạng internet, liên lạc khắp nơi để tìm mộ đồng đội. Người bà cũng gắn bó với mạng, thành kính bổ túc kiến thức tâm linh. Người bố làm việc cho một công ty nước ngoài, nên đêm đêm phải túc trực bên laptop, để trao đổi công việc với đại bản doanh ở tận Châu Âu. Người mẹ quanh năm mải mê kinh doanh bán hàng qua mạng. Cô chị bám rịt lấy Google, tìm kiếm tài liệu để viết luận văn tốt nghiệp đại học. Còn cậu em trai thì nghiện Facebook, để rồi bị “bọn xấu” lợi dụng, rủ rê tham gia những trò bị chính quyền cấm đoán, như biểu tình yêu nước và bảo vệ môi trường. Khốn nỗi nó quá cứng đầu, nên ông bà, bố mẹ và chị khuyên bảo thế nào cũng chẳng chịu nghe, cứ ý nó nó làm. Đua đòi lên tiếng chê bai, phản đối Luật đặc khu. Trước đã đành, nhưng khi đã có Luật an ninh mạng mà vẫn cứ dai dẳng lèo nhèo, nên mới bị cơ quan công an xử lý. Cả nhà lao nhao xỉ vả: Thấy chưa, nói mãi không nghe, bây giờ thì đáng đời. Trớ trêu thay, không chỉ nó đáng đời, mà cả nhà đều lâm vào cảnh sống dở chết dở, vì mạng internet của gia đình bị cắt. Ông bà đeo huân huy chương đầy ngực, dìu nhau đến trụ sở công an trình bày. Để rồi nhận được câu trả lời lạnh tanh: Theo điểm h khoản 1 Điều 5 và khoản 7 Điều 16 Luật an ninh mạng, trong trường hợp xử lý thằng cháu chống chế độ của ông bà, thì phải đình chỉ cung cấp và sử dụng mạng internet.1 Ông bà tỏ ra gương mẫu, nhanh nhảu tuyên bố tán thành Luật an ninh mạng, bây giờ áp dụng đúng Luật an ninh mạng, vậy thì thắc mắc gì nữa?

Thế đó, một đứa vi phạm thì năm người sống cùng nhà cũng bị cắt mạng internet. Chẳng khác gì một người ăn cắp thì cả gia đình phải ngồi tù. Nạn bị vạ lây như vậy không chỉ dừng lại trong phạm vi gia đình, mà còn xảy ra trong phạm vi tập thể hay cộng đồng, nơi sử dụng chung một mạng viễn thông, một mạng internet, hay một hệ thống thông tin. Chỉ cần một thành viên bị quy kết vi phạm, dù oan hay không oan, thì cả tập thể hay cộng đồng ấy cũng đều bị vạ lây. Vì điểm h khoản 1 Điều 5 Luật an ninh mạng quy định phải "ngăn chặn, yêu cầu tạm ngừng, ngừng cung cấp thông tin mạng; đình chỉ, tạm đình chỉ các hoạt động thiết lập, cung cấp và sử dụng mạng viễn thông, mạng internet...". Và điểm l khoản 1 Điều 5 quy định phải "phong tỏa, hạn chế hoạt động của hệ thống thông tin; đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin...".

Hy vọng, sau khi đọc thêm hai đoạn vừa rồi, sẽ chẳng còn mấy ai phủ định tác dụng trừng phạt người vô tội của Luật an ninh mạng. Vậy là rõ ràng, Luật an ninh mạng vi phạm Điều 3 Hiến pháp 2013: "Nhà nước... công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân." Và vi phạm cả Điều 16 Hiến pháp 2013: "Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội."

1.2. Xâm phạm quyền hiến định


Tạo ra cơ chế phán xét oan sai người vô tội, hơn nữa còn bắt cả những người không bị buộc tội cũng phải gánh chịu hình thức trừng phạt cùng với người bị buộc tội, Luật an ninh mạng vi phạm nghiêm trọng các quyền con người và quyền công dân, đồng thời vi phạm nhiều điều khoản khác trong Hiến pháp hiện hành. Trong phân đoạn này, ta sẽ xem xét một số vi phạm đó.

"Yêu cầu xóa bỏ thông tin", biện pháp ấy đương nhiên vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. "Đình chỉ các hoạt động thiết lập, cung cấp và sử dụng mạng viễn thông, mạng internet", "phong tỏa, hạn chế hoạt động của hệ thống thông tin" và "đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin", các biện pháp ấy đương nhiên cản trở cuộc sống sinh hoạt, học tập và làm việc của các nạn nhân.

Cần nhấn mạnh rằng: Những người bị buộc tội và những người bị vạ lây mới chỉ là những nạn nhân trực tiếp. Cùng với họ, cả xã hội cũng trở thành nạn nhân gián tiếp của Luật an ninh mạng.

Thật vậy, ngăn cản, cấm đoán thông tin trên mạng không chỉ là trấn áp phía cung cấp thông tin, mà còn gây trở ngại cho cả phía tiếp nhận thông tin. Trong hoàn cảnh đài báo quốc doanh chỉ được phép đưa tin theo khẩu vị của thế lực cầm quyền, thì đương nhiên thông tin được cung cấp rất phiến diện, thậm chí méo mó và chứa nhiều sai lệch. Cho nên, mạng xã hội là nguồn thông tin bù đắp, cân đối và kiểm chứng vô cùng cần thiết cho mọi người. Qua đó ta thấy, không chỉ quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, mà cả quyền tiếp cận thông tin cũng bị xâm phạm. Tức là, Luật an ninh mạng vi phạm Điều 25 Hiến pháp 2013: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin."

Nếu các công ty, tập đoàn công nghệ thông tin và viễn thông thỏa hiệp với chính quyền, răm rắp thực hiện mọi yêu cầu của công an, thì rõ ràng là tệ hại cho người dân. Trường hợp ngược lại, các quy định vi phạm quyền con người, vi phạm quyền tự do kinh doanh và nguyên tắc kinh doanh trong Luật an ninh mạng có thể khiến một số công ty, tập đoàn công nghệ thông tin và viễn thông hàng đầu Thế giới không đầu tư mới vào Việt Nam, hoặc buộc phải rút khỏi Việt Nam. Khi đó, người Việt Nam sẽ bị hạn chế cơ hội sử dụng công nghệ cao và tiếp nhận thông tin chất lượng cao. Bi kịch không chỉ dừng ở đó. Các thế lực công nghệ thông tin và viễn thông từ Trung Quốc sẽ nhanh chóng thế chỗ, và đó mới là thảm họa đổ lên đầu dân Việt. Thảm họa không chỉ vì phải tiếp nhận công nghệ thông tin và viễn thông chất lượng thấp hơn, mà ở chỗ nước Việt sẽ bị phương bắc khống chế toàn diện. Bởi khi nắm giữ và khống chế được thông tin thì khống chế được tất cả, từ chính trị, kinh tế, đến văn hóa, giáo dục... Bí mật quốc gia mà nhà cầm quyền Hà Nội giấu kín như mèo sẽ lồ lộ ở Bắc Kinh, chẳng cần tình báo Hoa Nam phải động chân động tay. Bí mật kinh doanh của các công ty trong nước và các công ty nước ngoài đầu tư tại Việt Nam sẽ được trao cho các công ty Trung Quốc, giúp họ dễ dàng lấn át mọi đối thủ, tiếp tục đưa công nghệ thải loại hủy hoại môi trường phủ kín Việt Nam. Vậy là, không chỉ người sử dụng internet, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng ở Việt Nam phải chịu nhiều thiệt thòi, mà cả môi trường sống và chủ quyền, an ninh quốc gia cũng bị đe dọa.

Internet cùng với các công cụ hoạt động trên mạng đã trở thành tư liệu lao động không thể thay thế. Hơn nữa, internet là môi trường kinh doanh của nhiều ngành nhiều người. Do đó, bằng cách ngăn cản hay hạn chế sử dụng internet và các ứng dụng trên đó, Luật an ninh mạng vi phạm Điều 55 Hiến pháp 2013: "Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc." Khi bí mật kinh doanh không còn được đảm bảo, thì cũng chẳng còn bình đẳng và tự do trong kinh doanh. Tức là Luật an ninh mạng cũng vi phạm Điều 33 Hiến pháp 2013: "Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm."

Internet là trường học siêu đẳng cho mọi tầng lớp, là thư viện vô biên cho những người đam mê tìm hiểu, nghiên cứu, và là môi trường văn hóa hết sức đa dạng, mà người nghèo cũng có thể dễ dàng tiếp cận. Vì vậy, với việc hạn chế sử dụng internet, Luật an ninh mạng vi phạm Điều 39 Hiến pháp 2013: "Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập." Đồng thời vi phạm Điều 40: "Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó." Và vi phạm cả Điều 41: "Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hoá, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa."

Internet còn là môi trường tín ngưỡng, nơi người người có thể tìm hiểu và bổ túc kiến thức tâm linh, có thể giao lưu, trao đổi và chia sẻ. Hạn chế môi trường tín ngưỡng ấy là một trong những tác hại của Luật an ninh mạng. Hơn thế nữa, khi danh sách đen Hà Nội phối hợp tác chiến với danh sách đen Bắc Kinh, sẽ gia tăng các xu hướng và tổ chức tín ngưỡng bị kỳ thị. Lúc đó, không chỉ Giáo phái Làng Mai, mà cộng đồng Pháp Luân Công cũng thêm phần chật vật. Dưới hình thức ấy, Luật an ninh mạng vi phạm Điều 24 Hiến pháp 2013, quy định "mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo", "Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo", và "không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo".

Internet là nơi những phận đời bị vùi dập, bị cướp bóc có thể kêu than. Đối diện với bộ máy chuyên chính cực kỳ hà khắc, chẳng mấy người dân dám lên tiếng phê phán, và cũng chẳng mơ tưởng hão huyền về tác dụng của những lời ta thán. Song, theo bản năng tự nhiên, khi bị hành hạ quá mức thì cũng rên lên mấy tiếng, để át đi cảm giác đau đớn, để biết mình còn sống, và để san sẻ với đồng loại cho bớt nỗi cô đơn. Vậy mà cũng không được chấp nhận, lại còn bị gán cho tội nói xấu chế độ. Trớ trêu thay, đối với một chế độ có quá nhiều cái xấu, thì chỉ nói một phần nhỏ sự thật cũng đủ để bị khép vào tội nói xấu chế độ. Còn biết làm gì khác, khi nộp đơn khiếu kiện ở địa phương thì bị phớt lờ từ năm này qua năm khác, nộp đơn lên cơ quan trung ương thì lại bị trả về địa phương, với lý do không được khiếu kiện vượt cấp. Thử hỏi, nếu không có tiếng kêu than và lời tố cáo trên internet, thì nỗi thống khổ của đồng bào Thủ Thiêm sẽ còn bị các cấp cầm quyền phớt lờ đến bao giờ? Cho nên, internet trở thành nơi đánh trống trước chốn công đường. Bịt cửa internet cũng là bịt cửa chốn công đường. Xét từ góc độ này, Luật an ninh mạng vi phạm Điều 30 Hiến pháp 2013: "Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân."

Là phương tiện để giới cầm quyền, đặc biệt là thành phần tham nhũng, dập tắt các ý kiến phê phán và tố cáo, Luật an ninh mạng vi phạm Điều 28 Hiến pháp 2013: "Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước." Đồng thời vi phạm cả Điều 8: "Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, … lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng…".

(còn tiếp)
Ngày 12/10/2018
Hoàng Xuân Phú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét