Hé lộ các khu du lịch “khủng” của ông chủ siêu DA đội vốn Ninh Bình
03/06/2018 - Không chỉ được biết đến là ông chủ của siêu dự án đội vốn ở Ninh Bình (Dự án nạo vét sông Sào Khê đội vốn từ 72 tỷ đồng lên 2.600 tỷ đồng), đại gia Xuân Trường còn được biết đến là người đứng đằng sau hàng loạt khu du lịch ngàn tỷ nổi tiếng khác.
Dự án nạo vét sông Sào Khê đội vốn từ 72 tỷ
đồng lên 2.600 tỷ đồng. Ảnh: Internet.
Theo Zing, ở Việt Nam, có 2 đại gia nổi tiếng thay vì chi tiền vào các dự án bất động sản để bán nhà đất thu lời, lại đổ hàng nghìn tỷ để xây dựng các khu du lịch tâm linh. Một người là ông Huỳnh Uy Dũng - người đầu tư hàng đống tiền cho xây dựng lạc cảnh tại Đại Nam và người còn lại là đại gia Nguyễn Văn Trường (hay còn gọi là đại gia Xuân Trường) xây chùa Bái Đính tại Ninh Bình và hàng ngàn công trình nổi tiếng khác.Đại gia Xuân Trường là ai?
Gần đây tên tuổi đại gia Nguyễn Văn Trường đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận khi nghị trường Quốc hội nóng lên vấn đề Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình điều chỉnh tăng 36 lần (từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng) được nêu ra trong kỳ họp Quốc hội.
Ông Trường là Tổng giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, đơn vị trúng thầu xây lắp của dự án nạo vét, kè đá 2 bờ sông Sào Khê. Ông cũng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Cổ phần Du lịch Hoa Lư, Giám đốc Khách sạn Hoa Lư, đồng thời ông cũng là một tỷ phú kín tiếng, giản dị, ăn chay nhiều năm nay.
Ông được biết đến với danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” và Cúp Vàng hội nhập kinh tế quốc tế. Nhưng ông lại sống khá kín tiếng, ít khi xuất hiện trên truyền thông.
Doanh nhân Nguyễn Văn Trường chính là người đã mạnh tay đầu tư cả nghìn tỷ đồng vào Khu Du lịch Tràng An - chùa Bái Đính ở cố đô Hoa Lư, cùng nhiều khu du lịch khác như hồ Đồng Chương, công viên văn hóa Tràng An, tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế...
Ông Trường cũng được biết đến là người chi 100.000 USD, đích thân sang Ấn Độ đón Ngọc xá lợi về Việt Nam. Ở Nội Bài, ông đã sắp xếp thuê 3 chiếc xe Limousine, Hummer, Lincoln để chở xá lợi và cao tăng về Ninh Bình. bất cứ việc nào có lợi cho di sản và du lịch ở Ninh Bình, Trường đều sẵn sàng làm. Hội thảo về cố đô Hoa Lư, lễ hội, hội nghị xúc tiến, ông âm thầm đứng sau tài trợ.
Chia sẻ với báo giới, doanh nhân Trường cho biết: “có người đã đúc kết rất đúng rằng: Đại gia thì cũng chỉ ăn được 3 bữa cơm một ngày thôi, cái khác biệt biệt là họ sẽ để lại cái gì cho đời. Và cái để lại đó, nếu nó thực sự đáng quý, thì cũng chẳng cần khoa trương, nó vẫn quý”.
Không chỉ vậy, tên tuổi đại gia Nguyễn Văn Trường còn gắn liền với rất nhiều khu du lịch nổi tiếng khác.
Dự án nạo vét sông Sào Khê đội vốn từ 72 tỷ đồng lên 2.600 tỷ đồng
Dự án nạo vét, kè đá hai bên bờ sông Sào Khê thuộc Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) có chiều dài khoảng 14 km, với điểm đầu từ cống Trường Yên tới điểm cuối tại ngã 3 sông Chanh.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết, ngày 28/6/2001, UBND tỉnh Ninh Bình có quyết định phê duyệt dự án nạo vét, kè đá 2 bờ sông Sào Khê (gọi tắt là dự án Sào Khê) với mức đầu tư 72 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Ngày 23/5/2003, UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt lại dự án (lần thứ nhất), nâng mức đầu tư lên 189 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án thủy lợi Ninh Bình (hiện là Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp - phát triển nông thôn), doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường trúng thầu xây lắp.
Ngày 22/4/2005, UBND tỉnh Ninh Bình lại phê duyệt lại dự án (lần thứ hai), điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 399,695 tỷ đồng, do nguồn vốn trung ương hỗ trợ, thời gian thực hiện từ năm 2005-2007. Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường tiếp tục thực hiện các hạng mục bổ sung công trình của dự án.
Đến ngày 2/12/2009, UBND tỉnh Ninh Bình lại ban hành quyết định phê duyệt dự án Sào Khê với mức đầu tư lên 2.595 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương. Công ty tư vấn Đại học Xây dựng Hà Nội tư vấn lập dự án.
Được biết, dự án được triển khai từ năm 2001 và thi công rất chậm chạp, đến năm 2011 thì dừng hẳn.
Giải trình trước Quốc hội ngày 28/5, ông Bùi Văn Phương - Phó trưởng đoàn ĐBQH Ninh Bình - cho biết mục tiêu ban đầu của dự án là nạo vét để phục vụ nông nghiệp. Nhưng trong quá trình đầu tư, các cơ quan chức năng tại Ninh Bình nhận thấy dòng sông Sào Khê chảy qua khu vực Cố đô Hoa Lư, bến sông Sào Khê ngày xưa là nơi vua Lý Công Uẩn dời kinh đô ra Thăng Long, việc triển khai dự án lại diễn ra dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nên chuyển mục tiêu đầu tư, và đội vốn.
Đại gia Xuân Trường với duyên phận Tràng An - chùa Bái Đính
Chùa Bái Đính được khởi công vào đầu năm 2006. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, tỉnh Ninh Bình giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư các hạng mục về giải phóng mặt bằng, đường giao thông, cơ sở hạ tầng, cây xanh còn doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường là chủ đầu tư các hạng mục làm chùa, tạc tượng, đúc chuông.
Theo VietnamNet đưa tin, ngày 10/4/2008, UBND tỉnh Ninh Bình cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 091110000011, cho DNXD Xuân Trường và trong Điều 5 của Giấy chứng nhận này nêu: Thời hạn hoạt động dự án là 70 năm.
Ông là người đầu tư các hạng mục làm chùa, tạc tượng, đúc chuông tại chùa Bái Đính.
Chùa Bái Đính mới có diện tích rộng 80 ha, nằm phía bên kia núi so với chùa cổ và ở phía tây cố đô Hoa Lư.
Kiến trúc chùa nổi bật với những hình khối lớn, hoành tráng mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt Nam như sử dụng nguyên vật liệu chính ở địa phương (đá xanh Ninh Bình, gỗ tứ thiết), ngói men Bát Tràng màu nâu sẫm... Điều khác biệt nhất ở kiến trúc chùa Bái Đính thể hiện ở vòm mái màu nâu sẫm cong vút hình đuôi chim phượng, nó không giống với nét thẳng thô của chùa Trung Quốc. Các chi tiết trang chí kiến trúc chùa cũng mang đậm dấu ấn của các làng nghề nổi tiếng như đúc đồng Ý Yên, chế tạc đá Ninh Vân, mộc Phú Lộc, thêu Ninh Hải,...
Chùa Bái Đính được ca ngợi là một ngôi chùa nổi tiếng với những kỷ lục châu Á và khu vực như tượng phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, tượng phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á.
Ngoài ra, chùa còn giữa nhiều kỷ lục của Việt Nam như chuông đồng lớn nhất Việt Nam 36 tấn. Khu chùa rộng nhất Việt Nam: tổng 539 ha (riêng chùa cổ 27 ha, chùa mới 80 ha).
Siêu Dự án Khu du lịch Tam Trúc - Ba Sao tại Hà Nam
Theo Trí thức trẻ thông tin, năm 2006, tỉnh Hà Nam đã phê duyệt quy hoạch Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao, với chức năng văn hóa tâm linh - nghỉ dưỡng sinh thái - vui chơi giải trí với tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án không phải là ai xa lạ mà chính là Công ty Xuân Trường. Trong suốt 8 năm sau đó, ông chủ Xuân Trường đã đổ hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng dự án.
Dự án có những sản phẩm chủ yếu là du lịch văn hóa - tâm linh, vui chơi giải trí, tham quan - nghỉ dưỡng... Các hạng mục công trình còn lại dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020.
Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao, với chức năng văn hóa tâm linh - nghỉ dưỡng sinh thái - vui chơi giải trí với tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng.
Ước vọng của ông chủ Xuân Trường là khi đại dự án Tam Chúc - Ba Sao hoàn thành là từ 4 bến thuyền, du khách sẽ bồng bềnh như trôi trên mặt nước mênh mông biển hồ Tam Chúc, ngồi trên nhà nổi mặt hồ Tay Ngai nhâm nhi chút rượu quê nóng ấm và thưởng nhạc. Còn trên cáp treo bay bổng giữa không trung sẽ đưa du khách thăm núi Thất Tinh.
Du khách có thể vào thăm Thung Vạc, nơi vạc đã từng sinh sống hàng bầy. Du khách cũng sẽ sững sờ, hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi vào trung tâm khu du lịch văn hóa - tâm linh nằm trong quần thể chùa Ba Sao rộng 150 ha.
Siêu dự án 15.000 tỷ đồng tại hồ Núi Cốc
Đó chính là dự án xây dựng hạ tầng Khu du lịch Hồ Núi Cốc - Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Dự án này có tổng vốn đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng và đã động thổ từ tháng 2/2016. Điểm đáng chú ý của siêu dự án này đó là Tháp Phật giáo cao nhất thế giới đặt tại khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc với kinh phí lên tới 10.000 tỷ đồng, Dân trí thông tin.
Cụ thể, tòa tháp sẽ có chiều cao 150m, nền móng tháp có chiều rộng 10.000m2, có thể chứa được từ 5.000 – 10.000 người trong cùng một thời điểm. Chùa Tháp được thiết kế bằng cách đổ bê tông phần thô, phần này sẽ do thợ Việt Nam đảm nhiệm.
Hồ Núi Cốc, nơi đại gia Xuân Trường đầu tư hàng chục tỷ đồng cho dự án.
Toàn bộ nội thất trang trí bên trong và bên ngoài tháp gồm 12.000 bức tranh đá kể về cuộc đời của Đức Phật do các nghệ nhân, thợ của hai nước Indonesia và Ấn Độ chế tác. Sau khi hoàn thiện xong tượng Phật, 12.000 bức tranh đá tại Indonesia và Ấn Độ được Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đưa về tháp lắp đặt. Riêng phần móng của tháp là do các chuyên gia và thợ của Nhật Bản đảm nhiệm.
Và tham vọng tại khu du lịch đảo Cái Tráp
Chưa dừng lại ở đó, cuối năm 2015, ông chủ Xuân Trường lại tiếp tục có tờ trình đề nghị thành phố Hải Phòng chấp thuận chủ trương, cho doanh nghiệp đầu tư dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp (Khu du lịch đảo Cái Tráp).
Trên tổng diện tích đất hơn 450ha của đảo Cái Tráp, doanh nghiệp Xuân Trường dự kiến đầu tư 9.800 tỷ đồng, phát triển đảo Cái Tráp thành quần thể du lịch tổng hợp.
Trong đó, nổi bật là khu tâm linh với diện tích 88,7ha với tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 150m và khu dịch vụ đón tiếp 108ha cho khu dịch vụ với khách sạn 5 sao, và đặc biệt là có cả casino...
Ông Nguyễn Văn Trường từng cho biết, dự án thành công sẽ tạo ra điểm nhấn cho quần thể du lịch ven biển, kết nối với khu du lịch tâm linh Tràng Kênh - khu dự trữ sinh quyển Cát Bà - khu di tích lịch sử Bạch Đằng (Quảng Ninh).
Công ty Xuân Trường sẽ phấn đấu đưa đảo Cái Tráp trở thành khu du lịch mang tầm cỡ quốc tế, vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa thu hút du khách thập phương.
Nhật Hạ (tổng hợp)
http://www.moitruongvadothi.vn/do-thi/bat-dong-san/he-lo-cac-khu-du-lich-khung-cua-ong-chu-sieu-da-doi-von-ninh-binh-a27655.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét