Nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi:
Vì sao trí thức Tây học lại... chống Tây?
13/06/2018 - Nhà giáo, nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi là trưởng nam của cố giáo sư Vũ Đình Hòe. Chính vì vậy, ông hiểu rõ ràng, sâu sắc về giáo sư Vũ Đình Hòe nói riêng và một lớp trí thức Tây học đầu thế kỷ 20 nói chung. Ông chia sẻ rằng, bài học lớn nhất của lớp trí thức này là mặc dù học trường Tây nhưng sau đó lại trở thành một lớp người chống Tây, kiên quyết bảo vệ nền độc lập dân tộc.
- Nhà báo Phan Đăng: Thưa ông, tôi muốn bắt đầu cuộc đối thoại này bằng một cái tên: tờ báo Thanh Nghị, ra đời vào tháng 5 năm 1941. Khi cụ thân sinh của ông cùng những anh em trí thức đương thời thành lập tờ báo này để rèn chí luyện tài, tuyên truyền, thức tỉnh dân tộc thì phải nói rằng khát vọng của lớp trí thức Tây học ấy là cực kỳ ghê gớm, dù cho tất cả đều đang rất... nghèo.
- Nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi: Lớp trí thức Tây học này phần lớn xuất thân trong những gia đình trí thức Nho học, mà thời ấy Nho học mạt vận rồi, nên nghèo lắm. Ông Phan Anh thuở nhỏ thậm chí đã có giai đoạn phải cùng cha đi ăn mày để sống.
Với ông Vũ Đình Hòe, chắc anh cũng biết cụ tứ đại của Vũ Đình Hòe là tiến sĩ Vũ Tông Phan rất hiển hách, nhưng đến thời ông nội Vũ Đình Hòe thì cũng đã sa sút lắm rồi, chỉ còn biết đi dạy chữ quanh quẩn Hà Nội thôi. Cụ Vũ Đình Hòe học hết tiểu học, bắt đầu phải đi gõ đầu trẻ, rồi thi tú tài Tây. Tôi hỏi "sao cha lại thi tú tài Tây, chứ không phải tú tài ta?" thì cụ bảo tú tài ta thì lâu hơn, khó kiếm cơm hơn, mà còn phải kiếm tiền để trả nợ vì mẹ phải đi vay từng bát gạo một cho mình ăn học.
Cụ Hòe kể thêm là tú tài ta chương trình rất nặng, nhất là về văn hóa và triết học phương Đông. Nhưng rồi sau này, đến khi ra viết báo Thanh Nghị, cụ mới thấy đó là lỗ hổng ghê gớm của mình. Chính vì vậy sau này, năm 2003, khi Bảo tàng Hồ Chí Minh mời đọc một tham luận về tư tưởng giáo dục của Hồ Chủ tịch thì cụ đã nói rằng lỗ hổng đáng sợ của chúng ta là bỏ đi chữ Hán.
Cụ nói đến chữ Hán như một môn cơ sở văn hóa, chứ không phải là một ngoại ngữ. Không đọc được chữ Hán, không hiểu văn hóa và triết học phương Đông thì chúng ta không thể giải mã được chính mình. Cụ rút từ bản thân cụ ra mà.
- Vẫn biết đây là một lớp người lớn lên từ nhà trường Pháp nhưng có lẽ chính cái căn cốt Hán học phương Đông thẳm sâu bên trong mới thực sự làm nên cốt cách, con người họ?
- Tôi kể anh câu chuyện này, Cách mạng Tháng Tám thành công, nội các Trần Trọng Kim từ chức toàn bộ, bàn giao chính quyền cho Cách mạng. Trong nội các Trần Trọng Kim có những người như các luật sư Phan Anh, Vũ Văn Hiền..., những người từng làm báo Thanh Nghị với Chủ nhiệm Vũ Đình Hòe.
Đấy thật ra đều là những người rất yêu nước và nếu đọc lại báo Thanh Nghị, ta thấy các bài viết của họ đều rất phù hợp với tư tưởng xây dựng một nhà nước pháp quyền của Hồ Chủ tịch.
Chính vì thế, chính quyền cách mạng muốn mời các cụ vào bộ máy cách mạng nhưng các cụ không tham gia. Tôi hỏi cụ Hòe lý do nằm ở đâu thì cụ bảo: Đấy, cái gốc Nho học nằm ở chỗ ấy đấy. Cái sĩ của kẻ sĩ phu là thế. Vừa tham gia chính phủ Trần Trọng Kim xong, giờ lại thay đổi, tham gia chính phủ mới thì có một cái gì đó không đúng với sự trung chính của anh Nho học.
- Hiểu rõ nhân cách và con người họ nên phía Cách mạng đã tiếp tục chủ động mời bằng nhiều biện pháp khác nhau. Ví dụ, với cụ Phan Anh thì thông qua một bữa cơm thân mật có 4 người dự với chủ nhân là Vũ Đình Hòe và 2 người còn lại là các ông Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng. Sau bữa cơm ấy, cụ Phan Anh mới đồng ý tham gia Chính phủ Liên hiệp lâm thời. - Dù tư tưởng là rất phù hợp...
Cha tôi kể, bên phía Việt Nam Quốc dân đảng đặt điều kiện: trong chính phủ liên hợp phải có 2 bộ do những người không thuộc đảng phái nào giữ là bộ quốc phòng và bộ nội vụ. Hồ Chủ tịch làm đúng như thế. Bộ Nội vụ, Bác mời cụ Huỳnh Thúc Kháng - một trong những chủ soái của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.
Thoạt tiên, cụ Huỳnh Thúc Kháng từ chối nhưng với lý tưởng và khả năng thuyết phục của Bác thì cụ Kháng đã nhận lời. Còn Bộ Quốc phòng là cụ Phan Anh.
- Trong tình thế phức tạp sau Cách mạng Tháng Tám đó, Chính phủ Liên hiệp với sự tham gia cùng lúc của nhiều đảng phái khác nhau cũng chỉ tồn tại vài tháng.
- Vì bị Việt Quốc, Việt Cách (những đảng phái phản động, theo chân quân đội Tưởng Giới Thạch từ Trung Quốc về nước - PV) phá, dù Cụ Hồ đã nhân nhượng cho 2 đảng này tới 60 ghế ở quốc hội, không thông qua bầu cử.
Mà còn chi tiết này nữa, những năm 1946 ấy, do tình thế, Cụ Hồ có một quyết định rất dũng cảm, đó là “giải thể” Đảng Cộng sản Đông Dương, thực ra là rút vào hoạt động bí mật. Và trong tình thế như thế thì đảng Dân chủ trở thành mũi nhọn, luôn đi đầu trong đấu tranh với Việc Quốc, Việt Cách.
Mấy cụ trong đảng Dân chủ thời đó như Vũ Đình Hòe, Đỗ Đức Dục, Hoàng Văn Đức... hoàn toàn ủng hộ Hồ Chủ tịch vì họ có lòng yêu nước và họ thấy lý tưởng của mình trong lý tưởng của Cụ Hồ.
- Một lý tưởng dân chủ, một nhà nước do dân bầu lên và hoạt động vì dân một cách thực chất?
- Vâng, cụ Hòe nhiều lần bảo, Hồ Chủ tịch muốn xây dựng nhà nước dân chủ pháp quyền thực sự, cho nên Bác mới bắt đầu Tuyên ngôn Độc lập bằng một câu trong Tuyên ngôn của Mỹ.
Rất nhiều chuyên gia Việt Nam nghiên cứu bản Tuyên ngôn Độc lập nhưng chính một nhà nghiên cứu, một phụ nữ Mỹ là bà Lady Borton mới phát hiện ra Bác đã sửa một chữ trong bản gốc: từ “men” nghĩa là “những người có của cải” thành “mọi người”, mà nếu dịch ngược lại sang tiếng Anh, theo bà Borton, thì sẽ là "all people", nghĩa là "tất cả mọi người", chứ không riêng gì người có của cải, đất đai.
Nhà nghiên cứu người Mỹ sau đó đã viết bài đăng tạp chí "Xưa & Nay" của Hội Lịch sử Việt Nam, gọi đấy là “cuộc cách mạng một chữ”. Và xét cho cùng thì các cụ trong đảng Dân chủ như Vũ Đình Hòe tự nguyện đi kháng chiến theo Cụ Hồ cũng là vì ý nghĩa của cuộc cách mạng một chữ ấy.
- Dù cho trong một giai đoạn ngắn của cuộc kháng chiến, nếu tôi nhớ không nhầm thì đã nổ ra một cuộc tranh luận về tư tưởng giữa những thành viên của đảng Dân chủ với Đảng Cộng sản?
- Đó là cuộc tranh luận về vấn đề tư pháp. Các ông bên Dân chủ thì bảo vệ nguyên tắc tư pháp độc lập, ghi trong Hiến pháp 1946. Còn bên này, ông Quang Đạm lại theo quan điểm tư pháp cần phải được chỉ đạo, “không thể độc lập với chính quyền nhân dân”.
Khi đó cụ Vũ Đình Hòe trong tư cách Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã viết một bài tổng quát nhân cuộc tranh luận thú vị này, nhan đề: Tư pháp nhân dân và cho đến khi ra đi vào năm 2011, trải bao thăng trầm trong đời, cụ vẫn kiên trì những nguyên tắc pháp lí cơ bản đã bảo vệ trong bài báo ấy.
- Bây giờ nhìn lại, chúng ta thấy rằng những cuộc tranh luận như thế là động lực của sự phát triển, miễn là nó được thực hiện trên tinh thần xây dựng, chứ không phải tinh thần phá đám. Và mẫu trí thức Tây học thời đó dường như cũng không e dè những tranh luận như vậy, phải không ông?
- Suốt từ nãy chúng ta đã nói đi nói lại hai chữ "trí thức", vậy rốt cuộc "trí thức" là gì? Người ta đã viết những công trình dày cộp về trí thức Việt Nam, Báo Tia sáng từng mở cả chuyên mục Diễn đàn trí thức.
Năm 2005, Đại học Quốc gia kỷ niệm 60 năm ngày khai giảng đầu tiên: 15-11-1945, ngày mà cụ Hòe còn là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, còn Cụ Hồ là khách mời cấp cao; - nay, 15-11-2005, tại diễn đàn Đại học Quốc gia Hà Nội, cụ Hòe đã công khai phát biểu quan điểm của mình về trí thức. Hôm ấy cụ xin phép các giáo sư được “tâm sự với các em sinh viên” đang ngồi ở dưới.
Cụ nói rằng đừng nghĩ cứ có nhiều bằng cấp đã là trí thức. Dẫu có là viện sĩ, nhưng chỉ để bon chen, lo cho mình thôi thì cũng chỉ là kẻ cơ hội có mảnh văn bằng. Trí thức phải là người có nhân cách, phải biết độc lập suy nghĩ và dám phản biện. Và đối với các em bây giờ thì phải có nhân cách trí thức thời đại Hồ Chí Minh, phải học suy nghĩ độc lập và dám “cãi thầy” - cãi có lí lẽ và có lễ độ.
6 năm sau, khi cụ Hòe về cõi vĩnh hằng, Vietnamnet đăng lại bài phát biểu này và giật cái “tít” rất báo chí: Vị bộ trưởng khuyến khích sinh viên cãi lại thầy.
- Cũng chính bởi tinh thần độc lập suy nghĩ và dám phản biện ấy mà cả một lớp người được đào tạo dưới nhà trường Pháp cuối cùng mới chung lý tưởng của Cụ Hồ, cùng đứng lên chống Pháp.
- Một lần, tôi có hỏi cha tôi, ở đâu ra lớp người học trường Tây mà không theo Tây? Cha tôi trả lời: Đại học Đông Dương khi ấy theo đúng mô hình đại học bên Pháp với các nguyên lý khai sáng tự do tư tưởng và sáng tạo.
Cha tôi nhiều lần kể lại, ở trong sân trường đại học, cứ bao giờ "trò Giáp" (người sau này trở thành Đại tướng Võ Nguyên Giáp - PV) xuất hiện là giữa "trò Giáp" và giáo sư Khérian - một người rất giỏi về kinh tế chính trị, từ Đại học Paris sang giảng, lại nảy sinh những tranh luận sôi nổi. Và rất nhiều trò khác đứng xung quanh lắng nghe.
Tôi hỏi cụ Hòe: Vậy mật thám đâu? Cụ Hòe bảo: Mật thám không bước chân vào trong sân trường được nhưng bước ra ngoài sân trường thì khác, mật thám đầy, nói năng lung tung sẽ bị bắt ngay. Trong phạm vi sân trường như thế, lớp người như cụ Hòe (lớn lên) trưởng thành với những tư tưởng dân chủ và óc phê phán...
Trong nội các Trần Trọng Kim có những người như các luật sư Phan Anh, Vũ Văn Hiền..., từng làm báo Thanh Nghị với Chủ nhiệm Vũ Đình Hòe, đều là những người rất yêu nước... |
- Bây giờ thì tôi lại thắc mắc: khi những con người "độc lập suy nghĩ" này vì một lý do nào đó không chung quan điểm, không chung con đường với nhau, thì theo nghiên cứu của ông, họ ứng xử với nhau như thế nào?
- Có thể quan điểm mình chưa được chấp nhận, nhưng không quay lưng lại với sự nghiệp chung mình đã góp trí tuệ và tâm huyết xây dựng nên.
Có thể bất đồng ý kiến với nhau nhưng vẫn trọng nhau, chứ không bao giờ hại nhau. Cụ Hòe từng kể câu chuyện trong số những người làm tờ Thanh Nghị, bên Vũ Đình Hòe, Đỗ Đức Dục cố thuyết phục Phan Anh và Vũ Văn Hiền không tham gia chính phủ Trần Trọng Kim.
Ngược lại, bên Phan Anh và Vũ Văn Hiền lại kiên trì thuyết phục cụ Hòe, cụ Dục tham gia cùng mình. Khi họ chia tay rồi thì cuộc tranh luận vẫn không kết thúc, không bên nào thuyết phục được bên nào. Lúc chia tay, ông Phan Anh nhắn: "Dị kiến, nhưng vẫn đồng tâm nhé". Cụ Đỗ Đức Dục liền đáp lại: "Miễn là đừng có đồng sàng dị mộng".
- Vậy những năm sau này khi cuộc sống của những Vũ Đình Hòe, Đỗ Đức Dục có nhiều điều không như mình mong muốn thì tâm trạng các cụ như thế nào ạ? Liệu có chán nản gì không?
- Thực ra từ những năm 1956-1957 vai trò của những cụ như Vũ Đình Hòe, Đỗ Đức Dục, Hoàng Văn Đức... đã mờ nhạt rồi, vì các cụ có những ý kiến độc lập và rất mạnh mẽ về nguyên nhân sai lầm cải cách ruộng đất.
Sau đó thì các cụ đều được chuyển sang công tác nghiên cứu, cụ Hòe trở thành chuyên viên nghiên cứu ở Viện Luật, cụ Dục trở thành chuyên viên nghiên cứu ở Viện Văn. Riêng cụ Hoàng Văn Đức thì trở thành kĩ thuật viên trồng trọt ở một nông trường tận trên Hòa Bình.
Theo nhiều người ghi nhận thì các cụ đã làm công tác nghiên cứu nghiêm túc, cho ra rất nhiều công trình có giá trị. Chỉ có điều các cụ làm công việc của mình một cách im lặng, không còn đăng đàn phát biểu gì. Mãi cho tới những năm 90, khi Đảng lãnh đạo đề xướng Đổi mới, người ta mời lại, thì các cụ mới phát biểu trở lại.
Tôi nhớ mãi một kỷ niệm là năm 1961, khi tôi tốt nghiệp từ Nga về thì (tôi mở) “lớp tư thục” tiếng Nga đầu tiên của tôi, là dạy tiếng Nga cho chính cụ Hòe. Cụ bảo phải học tiếng Nga để còn nghiên cứu kỹ nền tư pháp Nga. Ít lâu sau có một cụ nữa đến, nói đùa là "xin học ké", là cụ Phạm Khắc Hòe. Cả hai cụ đều học từ đầu, học nghiêm túc, để nghiên cứu luật pháp.
Đặc biệt các cụ quan tâm rất nhiều đến chính sách kinh tế mới sau cuộc nội chiến 1918-1921 của chính quyền Xôviết, bởi các cụ chú trọng đến việc xây dựng luật kinh tế thị trường. Theo các cụ, làm kinh tế phải có luật. Cụ Hòe học mà không lăn tăn gì: con bảo cha mà. Nhưng cụ Phạm Khắc Hòe thì cứ băn khoăn mãi vì tôi kiên quyết không nhận “bồi dưỡng”.
Một hôm, cụ bắt gặp tôi đang tự học thêm tiếng Pháp thì cụ bảo: mình "đổi công" đi, anh dạy tôi tiếng Nga, tôi dạy anh tiếng Pháp". Và cụ lấy Kiều dịch sang tiếng Pháp để dạy tôi và sau đó chính bản dịch Kiều sang tiếng Pháp đã giúp tôi rất nhiều để có thể dịch Kiều sang tiếng Nga.
- Có nghĩa là, những nhà trí thức này không ngừng tự học, không ngừng trau dồi, làm mới tri thức cá nhân trong bất cứ hoàn cảnh nào, thăng hay trầm, thịnh hay suy, được trọng dụng hay không còn được trọng dụng...
- Những năm đó cụ Hòe chỉ nhận mức lương chuyên viên 5, dù cao nhất là chuyên viên 9, mà đáng lẽ ra người từng làm bộ trưởng như cụ phải chuyên viên 9. Cụ Đỗ Đức Dục, nguyên thứ trưởng, vậy mà chỉ được hưởng mức lương chuyên viên 2 đến cuối đời.
Nhưng các cụ không một lời phàn nàn, không một lời ca thán. Khi bên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị một khoản trợ cấp để tiền trợ cấp đó cộng với tiền lương chuyên viên 5 thì bằng đúng tiền lương bộ trưởng cũ, cụ Hòe đã nhất định từ chối.
Thời đó có những trí thức như cụ Trần Đức Thảo, cụ Nguyễn Mạnh Tường thậm chí còn nghèo tới mức phải bán dần từng đồ đạc trong nhà để sống. Cụ Hòe phục 2 cụ này lắm, gọi 2 cụ là bậc "đại trí thức", nghĩa là những người dù nghèo khó nhưng vẫn giữ nguyên liêm sỉ của mình.
- Ở phần đầu cuộc đối thoại này, chúng ta đã nói với nhau rằng cái sự liêm sỉ ấy đến từ cốt cách Nho gia thẳm sâu bên trong những trí thức Tây học này. Nhưng nhìn từ góc độ lịch sử thì những Vũ Đình Hòe, Đỗ Đức Dục, Hoàng Văn Đức, Phan Anh... không phải là lớp trí thức Việt Nam đầu tiên tiếp cận văn minh phương Tây.
Thế hệ đầu tiên phải là những Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Khôi... Ông là một nhà nghiên cứu, ông thấy gì về lớp trí thức này và sự tiếp nối giữa lớp này với lớp sau?
- Đúng vậy. Lâu nay người ta chỉ nói và viết: Trí thức Nho học - trí thức Tây học, mà quên mất là trong tiến trình lịch sử giữa họ có một lớp bản lề rất quan trọng, chuyển hóa dần dần, nhưng đặc điểm chung là xuất thân Nho lâm, thậm chí một số còn có khoa danh tú tài, cử nhân, tiến sĩ Nho học hẳn hoi, nhưng đã nhận thức được sự bế tắc của Nho giáo nên sớm tiếp cận ở những mức độ khác nhau với khoa học Tây phương.
Nếu không có lớp trí thức bản lề hội nhập Đông - Tây ấy, sẽ vẫn có lớp người Tây học, nhưng sẽ không thể có “lớp trí thức Tây học lại chống Tây”, như anh nói trong phần đầu cuộc đối thoại này.
Tôi xin nhấn một điểm nữa là: trí thức Việt Nam có một “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” từ hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn, hoạt động chấn hưng văn hóa Thăng Long hồi nửa đầu thế kỷ XIX đến hiện đại, đó chính là cái tinh thần mà Hội trưởng danh sĩ Vũ Tông Phan) từ năm 1841 đã cho khắc lên tấm bia đá tại miếu Thần Hỏa ở 30 Hàng Điếu: “Trung ư dân” (trung với dân), "Quân tử vụ dân chi nghĩa", (nghĩa vụ của người quân tử phải là lo cho dân).
Cụ Nguyễn Khắc Viện từ năm 1962 đã nghiên cứu về trí thức Nho học và theo cụ, trong Nho lâm Việt Nam có 2 tầng lớp chính là Nho học quan lại và Nho học bình dân, gồm chủ yếu là các ông đồ dạy chữ thánh hiền trong các thôn làng.
Chính nhờ cái tinh thần “trung với dân” và “lo cho dân” ấy mà các ông đồ bình dân thành tầng lớp dẫn đạo dân chúng, phát huy được vai trò trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, giữ được rường cột xã hội và bảo tồn được văn hóa truyền thống của dân tộc, như nhà văn hóa lớn, “ông nghè Tây học” (lời cụ Hòe) Nguyễn Văn Huyên từng phát biểu từ năm 1969 tại một cuộc họp “mật” ở Khoa giáo Trung ương.
Cụ Nguyễn Khắc Viện viết từ năm 1962, bằng tiếng Pháp, rằng tầng lớp Nho học bình dân là một mảnh đất rất thuận lợi cho chủ nghĩa cộng sản du nhập vào Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Giáo dục Vũ Đình Hòe (bên phải hàng đầu) dự lễ khai giảng Đại học Việt Nam (15-11-1945). |
- Nhưng nếu vẫn giữ Nho học 100% thì lại rất lạc thời, thưa ông?
- Dĩ nhiên. Nhưng chính phó bảng Nho học Phan Chu Trinh gọi bọn đó là “hủ Nho”. Công bằng phải nói thêm là cụ cũng gọi bọn Tây học lớt phớt, không đến nơi đến chốn là “hủ Tây”.
Còn các nhà Nho chủ trương duy tân để cứu nước thì một mặt họ giữ được cái cốt cách cao quý của Nho học trong con người mình, nhưng mặt khác họ cũng nhìn ra những mặt yếu, mặt nhược điểm rất lớn của Nho học - những mặt không phù hợp với thời đại mới.
Cho nên họ chủ động tiếp cận những tư tưởng mới của văn minh phương Tây và trở thành một tầng lớp trí thức Đông - Tây. Và sự chuyển dịch Đông - Tây trong lòng một xã hội cũng như trong lòng mỗi con người là cả một quá trình.
Anh biết không, khi người Pháp chiếm lục tỉnh Nam kỳ, muốn bỏ chữ Hán để dạy chữ quốc ngữ và tiếng Pháp nhằm tạo ra một lớp tay sai thì họ cho tiền một số ông đồ Nho để những ông đồ này dạy chữ quốc ngữ, nhưng (thoạt đầu) không ai nhận cả. Các ông đồ bỏ trường lớp của Tây thực dân, về quê tiếp tục dạy chữ Nho.
Nhưng sau đó, khi hiểu ra Nho học cản trở công cuộc canh tân cứu nước thì chính các cụ mở các nghĩa thục, dạy miễn phí chữ quốc ngữ vì chỉ mất 3-4 tháng là có thể đọc các sách báo “tân thư”, tiếp cận các tư tưởng tiến bộ và kiến thức khoa học - kĩ thuật nước ngoài.
Thế hệ trí thức “bản lề” Đông - Tây này rất giỏi Nho học và chữ Hán đã đành, nhưng nhiều cụ cũng đồng thời giỏi tiếng Pháp đến mức có những khi... người Pháp phải sợ. Trường hợp Phan Chu Trinh giỏi tiếng Pháp đã đành, vì từng sống ở Pháp, nhưng những trường hợp như Phạm Quỳnh thì hoàn toàn chỉ qua trường thông ngôn.
Sau này có đi Pháp diễn thuyết này nọ nhưng xuất phát điểm chỉ qua trường thông ngôn mà thôi. Cụ Nguyễn Văn Tố giỏi tới mức còn chữa cả văn tiếng Pháp cho cử nhân văn chương Nguyễn Thiệu Lâu học ở Pháp về. Sau này, chính Nguyễn Thiệu Lâu viết lại rằng, sau khi tốt nghiệp cử nhân văn chương tại Pháp thì về viết bài ở Viễn Đông Bác Cổ.
Cụ Nguyễn Văn Tố đọc và chữa văn bản đỏ lòm, khiến Nguyễn Thiệu Lâu lúc đầu còn tự ái. Nhưng chính giám đốc người Pháp của Viễn Đông Bác Cổ bảo rằng, anh gặp may đấy, vì đã được một người thầy lớn chữa bài cho mình.
Cụ Vũ Đình Hòe nhiều lần nói rằng nhờ những tấm gương trí thức Đông - Tây tiên phong này mà đến lượt mình, thế hệ các cụ biết phải làm gì cho dân tộc.
Theo cụ, trong thế hệ này, ngay cả những người vì tình thế mà phải cộng tác với Pháp, nhưng nếu giữ được tinh thần dân tộc và cốt cách Nho phong, vẫn “trung với dân” và “lo cho dân” thì vẫn có đóng góp to lớn cho sự nghiệp khai dân trí và chấn dân khí như cụ Phạm Quỳnh chẳng hạn.
- Rất nhiều lần tôi suy nghĩ về lớp người này. Theo tôi, lớn lên trong cái bối cảnh mưa Âu gió Á, dân tộc bị nô lệ, trong lòng mỗi một người trí thức luôn là những trăn trở, những đau đáu, những dằn vặt khôn nguôi. Đi theo cái cũ hay cái mới đây? Phải chọn lựa thế nào để tự thuyết phục chính con người đang dần phức tạp hóa của mình, chứ không còn là con người đơn giản hóa như trong truyền thống?
Và phải làm sao để chọn lựa ấy không khiến mình hổ thẹn với tiền nhân, càng không hổ thẹn cùng hậu thế? Vẫn biết mỗi bối cảnh khác nhau, mỗi thời đại khác nhau, nhưng bài học về sự chọn lựa vẫn là một bài học lớn - một bài học bất biến của người trí thức, phải không ông?
-Tôi đã từng phát biểu ở một hội thảo khoa học rằng, các cụ nhà Nho của chúng ta thời ấy vì lợi ích cứu nước mà dám từ bỏ thiên kinh địa nghĩa ngàn năm, đổi mới tư duy thực sự căn bản và toàn diện để đưa vào những khái niệm hoàn toàn mới về dân quyền, dân chủ, kinh tế cạnh tranh và thương mại tư nhân..., đào tạo ra cả một lớp người mới biết tư duy, biết suy nghĩ và hành động một cách độc lập trên cơ sở tự nhận thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với xã hội..., và đấy quả nhiên là bài học lớn cho lớp lớp trí thức hậu thế sau này.
- Xin cảm ơn ông!
Phan Đăng (thực hiện)
http://antgct.cand.com.vn/Tro-chuyen-cuoi-thang/Ky-3-Nha-nghien-cuu-Vu-The-Khoi-Vi-sao-tri-thuc-Tay-hoc-lai-chong-Tay-495007/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét