Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2018

Trí thức ‘xã hội chủ nghĩa’ hay là "đại đại bồi bút" ?

Mình thích đoạn này: "Trong thực tế, đảng cộng sản Việt Nam luôn tìm cách lôi kéo những trí thức có tiếng với mưu đồ thuần phục họ. Đó là lý do một số trí thức được tôn vinh hết mực. Họ thường xuyên được xuất hiện trên truyền hình quốc gia và hệ thống báo chí quốc doanh phát biểu về những vấn đề quan trọng. Đổi lại họ cũng được nhận mức trả công xứng đáng từ chế độ như được mời tham gia vào các chương trình nghiên cứu của nhà nước với những khoản kinh phí, thu nhập béo bở, được sắp xếp vào những vị trí quan trọng ở những viện, những tổ chức học thuật quốc doanh". Hồi cuối những năm 1970, đầu 1980, khi còn là sinh viên, thỉnh thoảng mình có đến nghe các nhà "trí thức ‘xã hội chủ nghĩa’" kể chuyện văn chương, như Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Nguyễn Đình Thi, Cù Huy Cận, Chế Lan Viên...; kết luận chung rút ra khi đó là "đều là đám đại đại bồi bút", nhất là Hà Minh Đức, cả đời chỉ có một việc là ca ngợi, thần thánh hóa thơ văn Hồ Chủ Tịch và Tố Hữu.
Trí thức ‘xã hội chủ nghĩa’
RFA 2018-06-27 - Ông Giáo sư Hà Minh Đức, nguyên Chủ nhiệm Khoa Báo chí, trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Văn học kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn học… được truyền thông nhà nước Việt Nam tôn vinh với những công trình nghiên cứu lớn về Hồ Chí Minh. Theo đó ông Hà Minh Đức đã dành rất nhiều tâm sức để nghiên cứu văn, thơ Hồ Chí Minh với các chuyên luận: “Chủ tịch Hồ Chí Minh-nhà thơ lớn của dân tộc”, “Tác phẩm văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh” và “Báo chí Hồ Chí Minh”...

Giáo sư Phan Huy Lê nhận Giải thưởng 
"Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2011"
Năm 2005, ông Hà Minh Đức cho xuất bản giáo trình do ông biên soạn với tựa đề “ Một nền văn hóa văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú”. Ông Hà Minh Đức đã nhân được rất nhiều giải thưởng, trong đó có giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và cả trong lĩnh vực… Khoa học – Công nghệ nhờ những nghiên cứu văn chương của mình.

Một trường hợp khác là Chủ tịch liên tiếp 3 nhiệm kỳ của Hội nhà văn Việt Nam kiêm Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ, nhà thơ Hữu Thỉnh. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội đưa ra nhận xét về nhân vật này như sau:
ông Hữu Thỉnh với tư cách là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong dịp kỷ niệm ấy đã không mời nhà văn Nguyên Ngọc, thì tôi đánh giá là một thái độ hèn nhát, vô ơn và đáng khinh bỉ - Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
“Đặt một nhà thơ giỏi lên vai trò một nhà quản lý, một ông quan thì lại là giết chết người ta. Hồi ông còn làm Tổng biên tập Báo Văn nghệ, người ta chê ông là làm cho Báo Văn nghệ đi xuống, báo văn nghệ là xuôi chiều, sau thời Nguyên Ngọc thì báo Văn nghệ không được nữa. Tôi có nói đùa là Báo Văn nghệ rất khó làm dở mà ông Hữu Thỉnh làm dở được thì chứng tỏ ông rất là giỏi “

Không chỉ dính nghi án “đạo thơ” của nữ thi sĩ Đức Christa Reinig viết năm 1963, ông Hữu Thỉnh còn bị cho là nguyên nhân khiến rất nhiều nhà thơ, nhà văn của Hội Nhà văn Việt Nam từ bỏ Hội bởi không “phục” nhân cách của nhà thơ này. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nêu ra một ví dụ có thể dùng để đánh giá nhân vật Hữu Thỉnh:

“Năm 2018 là kỷ niệm 70 năm ra đời Báo Văn nghệ thế mà ông Hữu Thỉnh với tư cách là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong dịp kỷ niệm ấy đã không mời nhà văn Nguyên Ngọc, từng giữ chức Tổng biên tập Báo Văn nghệ thời kỳ 87-88, cao trào đổi mới làm cho Báo Văn nghệ phát triển rực rỡ thì tôi đánh giá là một thái độ hèn nhát, vô ơn và đáng khinh bỉ”

Trên thực tế, dù là một tổ chức dân sự mang tính chất phi chính trị, hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề tự do sáng tác nhưng Hội Nhà văn lại luôn né tránh những vấn đề như nỗi đau của người dân hay không quan tâm đến việc các thành viên Hội bị xúc phạm, bị oan ức, thậm chí những tiếng nói phản biện của các thành viên luôn bị tìm cách triệt hạ…

Một số biến cố đau thương đã từng xảy ra cho người dân Việt như cuộc cải cách ruộng đất năm 1953, Thảm sát Mậu Thân năm 1968, cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979 … không hề được nhắc đến hay đánh giá bởi một số nhân vật được ngợi ca là nhà trí thức lớn có ‘tâm’, có ‘tầm’ của Việt Nam như ông GS. Vũ Khiêu, hay cả một nhân vật mới qua đời vào ngày 23 tháng 6 là nhà sử học Phan Huy Lê …

Nhà báo Bùi Tín sống ở Pháp, từng giữ chức Phó tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân và báo Nhân Dân, cũng như Tổng Biên tập báo Nhân dân Chủ Nhật, một người bạn thân của GS Phan Huy Lê giải thích:

“Anh Lê đúng là một nhà sử học có dày công nghiên cứu. Trình độ nghiên cứu của anh ý vào hàng sử học ở VN là số 1 đấy. Có thể nói anh ấy là một trí thức có tài năng, uyên bác và có kiến thức rộng. Nhưng mà cũng đáng tiếc là anh ý sống dưới một chế độ khó khăn cho các nhà trí thức dám được là chính mình cho nên tôi rất thông cảm với anh ý”

Nhà báo Bùi Tín cũng thừa nhận những trí thức lớn như GS Phan Huy Lê, nhờ thụ hưởng những đề bạt của chế độ cộng sản nên phải lựa chọn cách sống và làm việc để làm vừa lòng chế độ. Những bài viết của GS Phan Huy Lê vì thế mà còn nhiều hạn chế do ông đã không đủ can đảm, không dám thách thức và không dám hy sinh như một số trí thức ngay thẳng khác. Nhà báo Bùi Tín chia sẻ thêm:

“Cải cách ruộng đất thì anh ý chỉ nói ở mức độ mà Đảng cho phép nói, tức là nhận ra sai lầm mà đã sửa sai chứ không có khui ra, kể lể. Hay là vụ Mậu Thân thì miền Bắc ỉm đi nên anh ý cũng không dám nói đâu. Nói thì mất chức, nói thì mất lương, nói thì mất sổ hưu, nói thì cả gia đình liên luỵ thì chết do đó phải thông cảm với anh ý phải chịu trong tình cảnh như vậy. Cũng giống như Nguyễn Khải, phải viết theo chế độ đến khi gần chết mới hối hận là tôi vứt bỏ đi tất cả những gì tôi đã viết là láo lếu tuốt”

Trong thực tế, đảng cộng sản Việt Nam luôn tìm cách lôi kéo những trí thức có tiếng với mưu đồ thuần phục họ. Đó là lý do một số trí thức được tôn vinh hết mực. Họ thường xuyên được xuất hiện trên truyền hình quốc gia và hệ thống báo chí quốc doanh phát biểu về những vấn đề quan trọng. Đổi lại họ cũng được nhận mức trả công xứng đáng từ chế độ như được mời tham gia vào các chương trình nghiên cứu của nhà nước với những khoản kinh phí, thu nhập béo bở, được sắp xếp vào những vị trí quan trọng ở những viện, những tổ chức học thuật quốc doanh.

Và theo nhà báo Bùi Tín thì một khi đội ngũ trí thức đã bị phân hóa với rất nhiều những người luôn sợ hãi thì tất nhiên, một tương lai tươi sáng, tự do – dân chủ cho người dân trong nước vẫn còn ở một chặng đường khá xa.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/tri-thuc-xa-hoi-chu-nghia-06272018135823.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét