RFI: Kim Jong Un thắng trận đầu trong chiến lược hội nhập quốc tế
Đài RFI của Pháp đã đưa ra một loạt nhận định về cuộc họp thượng đỉnh giữa Donald Trump và Kin Jong Un của nhiều tác giả khác mhau, mở đầu bằng bài “Kim Jong Un thắng trận đầu trong chiến lược hội nhập quốc tế”, tiếp theo là các bài “Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Nhật Bản thất vọng”, “Thượng đỉnh Trump – Kim: Mỹ xuống nước, Trung Quốc ló dạng?”, “Bắc Triều Tiên hướng tới mô hình kinh tế Trung Quốc, chứ không phải Mỹ”, “Phi hạt nhân hóa Triều Tiên: Những cơ hội bị bỏ lỡ », v.v. Chúng toi xin trích dẫn dưới đây những đoạn chính:
Kim Jong Un thắng trận đầu trong chiến lược hội nhập quốc tế
RFI: Tú Anh, ngày 12-6-2018 - Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (T) và tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau tại khách sạn Capella, đảo Sentosa, ngày 12/06/2018. Với cú bắt tay lịch sử với tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore ngày 12/06/2018, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã thực hiện được bước thứ nhất trong tham vọng của ông nội Kim Nhật Thành: nước Cộng Hoà Nhân Dân Triều Tiên, được thế giới công nhận như là một thành viên thực thụ, 70 năm sau ngày thành lập.
Từ một chế độ bị xem là «côn đồ», giới lãnh đạo bị nước ngoài trêu chọc, Bắc Triều Tiên tuy chưa trở thành một nước được nể trọng, nhưng ít ra đã được xem là «có thể giao thiệp được». Được tổng thống siêu cường số một bắt tay, hội kiến ngang hàng trong suốt buổi sáng thứ Sáu 12/06/2018 tại Singapore và khen ngợi là một người thông minh, Kim Jong Un từ nay là một nhà lãnh đạo «đáng quý».
Để được kết quả này, Bắc Triều Tiên nhờ vào công lao của hai người. Theo phân tích của nhà báo Pháp Philippe Pons (Le Monde 12/06/2018), trước tiên là tham vọng của Kim Nhật Thành, ước mơ trang bị vũ khí hạt nhân để bảo vệ chủ quyền và sự sinh tồn của chế độ chính trị. Giấc mơ này vừa được cháu nội Kim Jong Un thực hiện: với khả năng chế tạo bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo, Bắc Triều Tiên được Mỹ xem là đáng gờm.
Vào năm 2011, mới 27 tuổi, Kim Jong Un lên thay cha là Kim Jong Il từ trần vì bạo bệnh. Thay vì chấp nhận số phận bù nhìn trong bàn tay của một nhiếp chính vương, «ấu chúa» Kim Jong Un, học trung học tại Thụy Sĩ và trường Võ bị Kim Nhật Thành, nhanh chóng tỏ ra là một người sắt thép, thô bạo: thanh trừng hàng ngũ tướng lãnh, giết chú dượng và anh trai bị nghi là «nội gián» cho Trung Quốc. Nắm cả quân đội lẫn đảng Lao động trong tay, Kim tập trung vào hai mặt trận: kinh tế và vũ khí hạt nhân....
Chuyển tiếp theo mô hình Trung Quốc, nới lỏng từ từ và có kiểm soát, sẽ là «trận đánh thứ hai» của Kim Jong Un. Được Mỹ bảo đảm an toàn, nhưng trận chiến sắp tới sẽ gay go hơn nhiều vì đối tác, nếu không khéo sẽ trở thành đối thủ, không phải là một tổng thống Mỹ, mà chính là người dân Bắc Triều Tiên. Một ngõ quanh đang chờ Kim chủ tịch.
Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Nhật Bản thất vọng
RFI: Mai Vân, ngày 12-06-2018
Phản ứng về hội nghị thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong Un ngày hôm nay, 12/06/2018 tại Singapore, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã hoan nghênh tuyên bố về thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên được hai nước ký kết, xem đó là «một bước đầu… tiến tới việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên».
Tuy nhiên, thủ tướng Nhật Bản cũng tỏ ý thất vọng và tỏ vẻ trách cứ Mỹ đã thiếu quan tâm đến quyền lợi đồng minh. Thông tín viên RFI Frédéric Charles ghi nhận từ Tokyo:
"Dù hy vọng, nhưng thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng không quên là các cuộc họp với Bắc Triều Tiên trước đây đều không dẫn đến kết quả phi hạt nhân hóa bán đảo.
Trong chính giới Nhật, người ta cũng ghi nhận là thượng đỉnh giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên trước tiên hết là một vấn đề song phương, và ông Donald Trump không quan tâm đến quyền lợi của đồng minh.
Đối với người dân bình thường ở Tokyo thì cuộc họp thượng đỉnh này không khác gì một màn kịch Kabuki truyền thống của Nhật Bản, nghĩa là mang tính nhất thời hơn là một hồi kết.
Một doanh nhân ở Tokyo cho rằng ông không tin tưởng vào sự thành thật của Donald Trump và Kim Jong Un. Nhật Bản, đồng minh thân thiết nhất, trung thành nhất của Mỹ ở Châu Á, ngày nay cảm thấy rất lẻ loi".
Bắc Triều Tiên hướng tới mô hình kinh tế Trung Quốc, chứ không phải Mỹ
RFI: Thùy Dương, ngày 11-6-2018
Tổng thống Trump đã hứa rằng Bắc Triều Tiên sẽ trở nên “rất giầu có” nhờ đầu tư của Mỹ nếu Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, theo giới phân tích, mô hình mà Bình Nhưỡng muốn đi theo là kinh tế thị trường do Nhà nước kiểm soát kiểu Trung Quốc chứ không phải nền kinh tế tư bản kiểu Mỹ.
Mô hình kinh tế thị trường Trung Quốc do Nhà nước kiểm soát là cải cách được Đặng Tiểu Bình ủng hộ mạnh mẽ. Đặng Tiểu Bình trở lại chính trường, lãnh đạo Trung Quốc vào năm 1978, khi Trung Quốc vừa mới thoát khỏi 27 năm"hỗn loạn" dưới thời Mao Trạch Đông: đó là giai đoạn mà chủ nghĩa tư bản bị cấm, các doanh nghiệp và tài sản tư nhân bị Nhà nước tịch thu và đặt dưới quyền sở hữu tập thể.
Các cải cách triệt để của Đặng Tiểu Bình được coi là nền tảng của phép lạ kinh tế Trung Quốc trong 40 năm qua, với những thay đổi rất lớn, kinh tế tăng trưởng một cách phi thường. Nhưng điều quan trọng nhất là đảng Cộng Sản Trung Quốc không những duy trì được quyền lực mà còn tăng cường kiểm soát đất nước.
Theo các chuyên gia, có nhiều dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đã và đang ngày càng hướng đến mô hình kinh tế của Trung Quốc. Từ tháng 03/2018, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã hai lần sang Bắc Kinh gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong khi đó, một phái đoàn cấp cao của Đảng Lao Động Bắc Triều Tiên, hồi tháng 05/2018, đã có chuyến tham quan 11 ngày tại các trung tâm công nghiệp chuyên về ứng dụng công nghệ cao trong giao thông đô thị và những đột phá khoa học mới nhất của Trung Quốc.
Phái đoàn cấp cao nói trên tới Trung Quốc chỉ một vài tuần sau khi lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố ngưng thủ nghiệm hạt nhân và tên lửa, đồng thời hứa "xây dựng kinh tế xã hội".
Truyền thông Trung Quốc đánh giá đó là thông báo về "mở cửa và cải cách" của Bắc Triều Tiên, khiến làn sóng đầu tư vào bất động sản tại thành phố biên giới Đan Đông được đẩy mạnh.
Reuters trích dẫn Jeon Kyong Man, kinh tế gia thuộc Viện Hội nhập Xã Hội Hàn Quốc, theo đó "Kim Jong Un đối thoại với Donald Trump chỉ là để thoát khỏi sự trừng phạt của Mỹ, mọi chuyện tiếp theo sẽ là giữa Kim Jong Un và Tập Cận Bình".
Phi hạt nhân hóa Triều Tiên: Những cơ hội bị bỏ lỡ
RFI ngày 12-6-2018
Nội dung chính cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Donald Trump – Kim Jong Un tại Singapore, ngày 12/06/2018, là vấn đề phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên và từ hàng chục năm nay, Washington đã tìm cách hóa giải mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Từ cuối những năm 1980, Hoa Kỳ tố cáo Bắc Triều Tiên tìm cách trang bị vũ khí nguyên tử. Năm 1994, ba tháng sau khi người sáng lập ra Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, Kim Nhật Thành, qua đời, một thỏa thuận song phương đã được ký kết: Bình Nhưỡng sẽ đình chỉ chương trình hạt nhân quân sự, đánh đổi với việc được cung cấp hai lò phản ứng phục vụ mục đích dân sự và mỗi năm sẽ nhận được 500 tấn dầu. Thế nhưng, các lò phản ứng này không bao giờ được xây dựng và việc tiếp tế nhiên liệu bị chậm trễ. Phải đợi đến năm 2000, Hoa Kỳ mới bãi bỏ một vài biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên.
Năm 2002, tổng thống Bush tố cáo Bắc Triều Tiên bí mật làm giàu uraniuam và xếp nước này vào «trục tội ác». Đáp trả, Bình Nhưỡng thông báo tái khởi động chương trình hạt nhân và năm 2006, tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên.
Vòng đàm phán sáu bên (gồm hai nước Triều Tiên, Trung Quốc, Nga, Nhật, Mỹ) về phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên được nối lại. Bình Nhưỡng chấp nhận «không kích hoạt» chương trình hạt nhân nữa. Đổi lại, Hoa Kỳ cam kết cung cấp năng lượng và đưa ra các bảo đảm về an ninh cho chế độ Bình Nhưỡng. Nhưng vào năm 2009, khi Bắc Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa với danh nghĩa đưa vệ tinh lên quỹ đạo, Liên Hiệp Quốc đưa ra các biện pháp trừng phạt mới. Do vậy, Bình Nhưỡng tái kích hoạt chương trình hạt nhân và tiến hành vụ thử thứ hai.
Từ thời điểm đó trở đi, Liên Hiệp Quốc thông qua các biện pháp trừng phạt theo nhịp độ Bắc Triều Tiên tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, và các hoạt động này của Bình Nhưỡng gia tăng mạnh mẽ, kể từ khi Kim Jong Un lên cầm quyền vào cuối năm 2011.
Thượng đỉnh Trump – Kim: Mỹ xuống nước, Trung Quốc ló dạng?
RFI: Minh Anh, ngày 12-06-2018
Tâm điểm thời sự quốc tế trên các nhật báo lớn của Pháp ngày 12/06/2018 đương nhiên vẫn là thượng đỉnh Singapore. Kết quả cuộc gặp ra sao, tác động của Trung Quốc như thế nào và tương lai nào cho nền kinh tế Bắc Triều Tiên là những mảng chủ đề được khai thác nhiều nhất....
Cuộc họp thượng đỉnh này là kết quả sau nhiều tháng chửi rủa và dọa dẫm lẫn nhau, để rồi giờ đây lại ngồi tươi cười bắt tay. Libération chơi chữ Fol Amour (nếu viết dính liền là tên một nhân vật trong phim Folamour) đặt câu hỏi:«Trump – Kim: Tình yêu điên loạn tại Singapore?»....
Về phần mình, Les Echos nói thẳng: «Tuy vắng mặt tại thượng đỉnh Singapore, nhưng Trung Quốc vẫn nắm trong tay nhiều lá bài ». Bị bất ngờ trước sự xích lại gần ngoạn mục giữa Bình Nhưỡng và Washington, Bắc Kinh đã nhanh chóng sửa sai. Điều này được thể hiện rõ qua hai lần chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bất ngờ tiếp lãnh đạo Kim Jong Un.
Les Echos trích phân tích của chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, giáo sư đại học Hồng Kông cho rằng trên bình diện địa chính trị, một thế cân bằng mới trên bán đảo Triều Tiên trên cơ sở phi hạt nhân hóa và phi quân sự có thể là sẽ rất lâu và từ từ. Do đó, Trung Quốc có đủ thời gian để bảo vệ các lợi ích của mình.
Hơn nữa, Trung Quốc còn có một khả năng gây ảnh hưởng mạnh về mặt kinh tế. 90% trao đổi ngoại thương của Bắc Triều Tiên đều thông qua Trung Quốc. Do vậy, «mọi thủ tục trừng phạt Bắc Triều Tiên cũng phụ thuộc vào nước này», ông Jean-Pierre Cabestan cho biết tiếp.
Cuối cùng, Trung Quốc cũng muốn là một bên tham gia, nếu như có ký kết một hiệp định hòa bình theo đúng nghĩa trong thời gian sắp tới, với tư cách là một đồng minh lâu đời và là quốc gia từng tham gia ký kết hiệp định đình chiến 1953.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét