Việt Nam mắc kẹt giữa hai siêu cường trong trò chơi quyền lực mới
Nguyễn Quang Dy
Lời mở đầu
Tại hội thảo hè năm ngoái (31/8/2017), tôi có góp một bài (Việt Nam cô đơn trong một thế giới bất an và bất định, NQD, Viet-studies, 14/8/2017). Lúc đó chính quyền Trump chưa định hình chiến lược (chưa có NDS, NSS, và NPR), chưa tuyên bố tầm nhìn Indo-Pacific và chưa khởi động lại nhóm “Tứ cường” (Quad) gồm Mỹ-Nhật-Ấn-Úc. Trung Quốc chưa họp đại hội Đảng 19, “Tư tưởng Tập Cận Bình” chưa được ghi vào điều lệ Đảng, và Quốc hội chưa bỏ hạn chế hai nhiệm kỳ để Tập Cận Bình cai trị Trung Quốc như “hoàng đế đỏ”. Khủng hoảng tên lửa và hạt nhân Triều Tiên còn là nỗi ác mộng, và triển vọng gặp cấp cao Liên Triều và Mỹ-Triều chưa trở thành hiện thực. Việt Nam và Repsol buộc phải dừng khoan dầu khí tại lô 136-03 vì Trung Quốc dọa tấn công Trường Sa, nhưng chưa dừng dự án Cá Rồng Đỏ (lô 03-07). Hội nghị cấp cao APEC chưa diễn ra và mẫu hạm USS Carl Vinson chưa tới thăm Đà Nẵng. Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh chưa ra tòa và Trương Minh Tuấn vẫn vô can. Út trọc, Vũ Nhôm và các tướng công an Nguyễn Thanh Hóa, Phan Văn Vĩnh và Phan Hữu Tuấn chưa bị bắt. Lúc đó, TW6 và TW7 chưa họp và “người đốt lò vĩ đại” chưa bắt hổ bỏ lò. Ông Trần Đai Quang (và Đinh Thế Huynh) mới “biến mất”, nhưng chưa “tái xuất”… Những góc khuất về quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa bị dư luận lên án như một đại án…
Sang năm Mậu Tuất (2018), về đối ngoại, Việt Nam đứng trước một bước ngoặt mới khi Mỹ điều chỉnh chiến lược. Trung Quốc từ đối tác chiến lược nay trở thành “mối đe dọa lớn nhất” đối với Mỹ (theo NDS). Biển Đông đang trở thành thùng thuốc súng (hay “cái bẫy Thucydides”). Triển vọng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung báo hiệu một giai đoạn mới bất ổn. Trong khi quan hệ Mỹ-Trung ngày càng xấu đi, quan hệ Liên Triều và Mỹ-Triều đang tốt lên với cuộc gặp cấp cao Moon-Kim và Trump-Kim đầy kịch tính. Về đối nội, tuy hội nghị TW7 (7-12/5/2018) chưa thay đổi nhân sự chủ chốt giữa kỳ (như đồn đoán), nhưng là một sự kiện đầy kịch tính (vì làm đảo lộn các dự đoán về nhân sự trước đó). Trong khi “người đốt lò vĩ đại” thúc đẩy chống tham nhũng và muốn sắp xếp lại nhân sự (đặc biệt là cán bộ “cấp chiến lược”), nhưng cái lò vẫn “lúc nóng lúc lạnh” (hay “trên nóng dưới lạnh”). Việt Nam vẫn mắc kẹt giữa hai siêu cường trong trò chơi quyền lực mới, trong khi vẫn chưa cải tổ thể chế.
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà “lịch sử đã cáo chung” (the end of history, Franscis Fukuyama) và “quyền lực cũng cáo chung” (the end of power, Moises Naim). Tuy nền dân chủ tự do (liberal democracy) chưa cáo chung, nhưng nhiều người thừa nhận nó đang thoái trào (liberalism is in retreat) trong khi chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy (Protectionism is on the rise), cùng với chủ nghĩa dân túy (populism) và chủ nghĩa quốc gia (nationalism). Trật tự thế giới tự do (liberal world order) gồm ba thành tố là “tự do” (liberalism), “toàn cầu” (universality) và duy trì trật tự (preservation of order) lần đầu tiên đang bị thách thức nghiêm trọng. Sự suy thoái của trật tự thế giới tự do là vì nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là do thái độ của Mỹ thay đổi dưới thời tổng thống Donald Trump. Việc Mỹ từ bỏ vai trò truyền thống của mình từ sau chiến tranh thế giới, vì khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” (America first), đã tạo ra một bước ngoặt. Trật tự thế giới tự do không thể tự nó tồn tại mà không có Mỹ. Trong khi đó, xung đột lợi ích giữa các nước lớn (great power rivalry) đang tăng lên, làm thế giới ngày càng bất ổn. (Liberal World Order, R.I.P., Richard Haass, Project Syndicate, March 21, 2018).
Sau nhiều thập kỷ bị lôi cuốn vào chiến tranh cách mạng liên miên, Việt Nam đến nay vẫn chưa thoát ra khỏi ngã ba đường ý thức hệ, trong khi trật tự thế giới đã thay đổi. Sau mấy thập kỷ cải cách kinh tế, Việt Nam vẫn tụt hậu so với các nước láng giềng. Trong khi những động lực đổi mới kinh tế đã hết đà, Việt Nam vẫn chưa cải tổ thể chế để tạo ra động lực mới. Lợi ích nhóm và “lỗi hệ thống” đang làm triệt tiêu thành quả cải cách và cản trở xu thế đổi mới. Nếu Việt Nam không cải tổ thể chế kịp thời để tháo gỡ các nút thắt chính, mọi cố gắng cải cách kinh tế và chống tham nhũng có thể là “quá ít và quá muộn” (too little too late).
Trong bài này, tôi sẽ trình bày mấy lát cắt để phác họa thực trạng một thế giới hỗn loạn mà Việt Nam bị mắc kẹt giữa hai siêu cường (Mỹ-Trung) trong trò chơi quyền lực mới. Phần 1 (Mỹ đang ở đâu) đề cập đến ngộ nhận của Mỹ về Trung Quốc, và điều chỉnh chiến lược hiện nay của chính quyền Trump. Phần 2 (Trung Quốc đang ở đâu) đề cập đến “Hoàng đế Đỏ” lên ngôi và nghịch lý mô hình Trung Quốc. Phần 3 (ASEAN đang ở đâu) đề cập đến nghịch lý ASEAN và Biển Đông, trước tầm nhìn chiến lược mới Indo-Pacific. Phần 4 (Bài học Triều Tiên) đề cập đến cấp cao Liên Triều và Mỹ-Triều như một bước ngoặt lịch sử. Phần 5 (Việt Nam đang ở đâu) đề cập đến nghịch lý chống tham nhũng và đổi mới thể chế. Hy vọng bài này cung cấp một bức tranh toàn cảnh (tour de force) làm tài liệu tham khảo cho hội thảo.
Phần I: Nước Mỹ đang ở đâu
Sau hơn bảy thập kỷ tồn tại, Liên Xô đã sụp đổ (collapsed), nhưng con gấu Nga đã trỗi dậy từ đống tro tàn Soviet để (một lần nữa) trở thành siêu cường quân sự. Nga hoàng Putin thách thức Mỹ không chỉ ở Ukraine và Syria mà còn thọc tay vào bầu cử Mỹ. Sau hai thập kỷ cầm quyền, Trung Quốc cũng đổ vỡ (emploded), nhưng người khổng lồ Trung Quốc đã trỗi dậy từ đống tro tàn của Cách mạng Văn hóa để trở thành siêu cường kinh tế (như Frankeinstein). Hoàng đế đỏ Tập Cận Bình đang thách thức Mỹ không chỉ tại Biển Đông, bán đảo Triều Tiên và Biển Hoa Đông, mà còn với tay sang tận Châu Âu, Châu Phi, và Nam Mỹ…
Nước Mỹ cũng thoái hóa (decayed), làm cử tri bất bình bỏ phiếu cho một tỷ phý mỵ dân, để làm “Mỹ vĩ đại trở lại”. Nhưng Trump không giống Putin (được KGB đào tạo), cũng không giống Tập (được Đảng dậy dỗ), mà giống một lái buôn thất học nhưng tự phụ (hay một “thiên tài ổn định”). Nhà trắng là một đống lộn xộn (a mess) gồm “trục người lớn” đấu nhau với hội trẻ con. Trong khi ngoại trưởng (Tillerson và Pompeo) không thạo ngoại giao, các cố vấn chủ chốt về kinh tế và thương mại cãi nhau như chợ búa. Để đối phó với Trung Quốc, Trump rút khỏi TPP. Để đối phó với biến đổi khí hậu, Trump rút khỏi Hiệp định Paris. Để đối phó với Trung Đông, Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Để đàm phán với Kim Jong-un, Trump thay đổi ý định đến chóng mặt, làm cả đồng minh và đối phương ngao ngán.
Đó là phác họa nước Mỹ ở đâu trong bức tranh toàn cảnh về một “trật tự thế giới hỗn loạn” (a world disorder), để cố hiểu Mỹ đang điều chỉnh cái gì, và điều chỉnh thế nào. Trong khi Trump tưởng nước Mỹ có thể triệt thoái trách nhiệm để biệt lập (isolationism) thì bức tranh hỗn loạn trên toàn cầu vẫn tác động vào chính trường Mỹ (như vụ điều tra vai trò của Nga trong bầu cử). Ngược lại, những gì đang diễn ra tại Mỹ cũng tác động đến toàn cầu. Muốn hay không, thế giới ngày nay vẫn phụ thuộc lẫn nhay ngày càng nhiều (như hệ thống Uber).
Mỹ đã ngộ nhận về Trung Quốc thế nào
Người ta đã nói nhiều về hiện tượng Trung Quốc trỗi dậy như người khổng lồ tỉnh giấc hay quái vật “Frankenstein” (lời Richard Nixon) đang muốn thay đổi trật tự thế giới cũ (do Mỹ cầm đầu). Người ta cũng bàn nhiều về nguyên nhân Trung Quốc trỗi dậy gây bất ổn như hiện nay, không phải chỉ do nội lực Trung Quốc mà còn do chính sách Trung quốc của Mỹ đã nuôi dưỡng và giúp nó lớn mạnh, để trở thành “mối đe dọa lớn nhất” đối với Mỹ (nhận định của NDS). Không chỉ ông Henry Kissinger (là kiến trúc sư của chính sách Trung Quốc) mà một thế hệ các chính khách và học giả Mỹ đã chủ trương “can dự xây dựng” (constructive engagement) với Trung Quốc suốt mấy thập kỷ qua, cho đến gần đây mới bắt đầu tỉnh ngộ.
Theo Michael Pillsbury,“Mấy thập kỷ qua, chính phủ Mỹ đã dễ dãi cho Trung Quốc thông tin nhạy cảm, công nghệ, kinh nghiệm quân sự, tin tức tình báo, tư vấn chuyên môn. Thật vậy, có quá nhiều thứ được cho trong thời gian quá lâu…nên không thể tính toán đầy đủ. Và những gì chúng ta không cho thì người Trung Quốc lấy trộm”. Người Mỹ tưởng “Viện trợ cho Trung Quốc lúc còn yếu để lãnh đạo họ cũng suy nghĩ như chúng ta, sẽ giúp Trung Quốc trở thành cường quốc dân chủ và hòa bình, không có tham vọng”. Nay Pillsbury coi sai lầm của Mỹ là “một thất bại về tình báo nguy hiểm và quan trọng có tính hệ thống trong lịch sử nước Mỹ”. (The Hundred Year Marathon, Michael Pillsbury, MacMillan, 2015).
Tuy Mỹ không muốn thấy Trung Quốc bá đạo như hiện nay, nhưng người Mỹ đã vô hình trung góp phần quan trọng tạo ra con quái vật Frankenstein. Người Mỹ bị người Trung Quốc lừa gạt không bằng họ tự lừa gạt chính mình. Tuy người ta có thể lý giải hiện tượng đó bằng “hệ quả không định trước” (unintended consequence), nhưng không thể phủ nhận sự thật là người Mỹ đã ngộ nhận về người Trung Quốc (hai lần), mặc dù Mỹ có nhiều viện nghiên cứu (think tanks) đẳng cấp thế giới. Có những nghịch lý và ngộ nhận làm tầm nhìn của nhiều người giỏi bị che khuất và trở thành ngây thơ. Một số người Mỹ tỉnh táo nhận ra nguy cơ và cảnh báo, nhưng đáng tiếc chính quyền không lắng nghe họ. Ví dụ, khi John Kennedy muốn đưa quân vào Việt Nam để can thiệp quân sự, George Ball (thứ trưởng ngoại giao) đã can ngăn và cảnh báo, nhưng họ không lắng nghe, nên đã mù quáng tham chiến, dẫn đến thảm họa.
Năm 1965, quân Mỹ đã đổ bộ vào Đà Nẵng để đánh Việt Cộng và ngăn chặn Trung Quốc (theo “thuyết Domino”). Sau hơn năm thập kỷ, nay tàu sân bay USS Carl Vinson đến Đà Nẵng không phải để đánh Việt Cộng, mà để răn đe Trung Quốc. Kẻ thù và đồng minh có thể thay đổi, nhưng lợi ích quốc gia không thay đổi. Việt Nam mời Trump thăm Việt Nam và họp cấp cao APEC Đà Nẵng cũng như đón USS Carl Vinson nhằm răn đe Trung Quốc. Lịch sử là một trò chơi dễ làm những ai vô minh bị ngộ nhận. Vì vậy, muốn điều chỉnh chiến lược, cần điều chỉnh hệ quy chiếu và hệ điều hành để có tầm nhìn mới. Thật bất cập khi hai đối tác (hay đối thủ) trong một trò chơi được vận hành bởi hai hệ quy chiếu và hệ điều hành khác hẳn nhau.
Trong khi người Trung Quốc tư duy chiến lược theo binh pháp Tôn Tử thì chắc người Mỹ tư duy chiến lược theo binh pháp của Clausewitz mà McNamara và các đồng sự là học trò xuất sắc (nhưng đã thất bại ở Việt Nam). Có những nghịch lý và bất cập làm người ta ngộ nhận về đối phương, nhầm lẫn mục đích và phương tiện (như trong chiến tranh Việt Nam). Đó là “một cuộc chiến sai lầm, chống một kẻ thù sai, tại một địa điểm sai, vào một thời điểm sai, vì những mục đích sai” (a wrong war against a wrong enemy, in a wrong place, at a wrong time, for wrong purposes). Người Mỹ đã lặp lại sai lầm đó tại Iraq và Afganistan…
Trật tự thế giới là một khái niệm tương đối (relative concept), thường do “bên thắng cuộc” định ra sau chiến tranh (nhưPax Americana) và duy trì nó (như một hằng số). Trong khi đó, “bên thua thiệt yếu hơn” (như Trung Quốc) đã trỗi dậy đủ lông đủ cánh và móng vuốt như con rồng hung dữ (hay Frankenstein), do sai lầm và ảo tưởng của Mỹ, đang đòi thay đổi nguyên trạng (như một biến số). Về chính trị quốc tế, đó là câu chuyện “cái bẫy Thucydides” mà Grham Allison lý giải tại sao con rồng Trung Quốc lại thách thức con đại bàng Mỹ. Về chính trị quốc gia, đó là câu chuyện “Trumpism” (tại Mỹ) và Brexitism” (tại Anh), khi cử tri bất bình nổi dậy bằng lá phiếu (dân chủ) để thay đổi nguyên trạng. Đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc (nationalism) và chủ nghĩa dân túy (populism) từ Tây Âu sang Đông Âu (như Hungary và Ba Lan hiện nay), đang đe dọa nền dân chủ và sự toàn vẹn của EU.
Theo Graham Allison, quả lắc đã đổi chiều (the pendulum has now swung) khi toàn bộ hệ thống chính trị và cộng đồng an ninh quốc gia Mỹ đánh giá lại cơ bản về Trung Quốc. Washington đã tỉnh giấc với tâm trạng “cảnh giác, lo lắng, và bất an” (alarm, anxiety, angst) khi phát hiện Trung Quốc (là Frankenstein hay juggernaut) không chỉ trỗi dậy mà còn thách thức Mỹ. Trung Quốc từ “đối tác chiến lược” (strategic partner) nay thành đối thủ chiến lược” (strategic rival). Triển vọng chiến tranh thương mại “cùng hủy diệt” (mutually destructive tariff war) làm cho Mỹ và Trung Quốc đối đầu như hai kẻ mê ngủ (sleepwalking). Trong trò chơi nguy hiểm đó, ngộ nhận, tính toán nhầm, và rủi ro thường bị “phóng đại” (magnified).
Những người dân túy và thực dụng (như Donald Trump và Steve Bannon) đã khôn khéo lợi dụng thời cơ và dùng ngọn cờ dân tộc (nationalism) biệt lập (isolationism) để chống lại toàn cầu hóa (globalization), và chủ nghĩa quốc tế (internationalism). Họ lợi dụng khẩu hiệu “America First” để tấn công vào trật tự dựa trên toàn cầu hóa và tự do dân chủ. Dù Bannon (cố vấn chính của Trump) phải rời Nhà Trắng, nhưng Bannonism vẫn còn ảnh hưởng như một phong trào (quốc gia và quốc tế), và Trump còn cầm quyền ít nhất ba năm nữa.
Sự đảo lộn trật tự quốc gia và quốc tế không có nghĩa Trumpism đúng hay Clintonism sai mà thể chế quyền lực (establishment) của Mỹ và phương Tây đã suy tàn (decayed). Francis Fukuyama đã cảnh báo về “sự cáo chung của lịch sử” (The End of History? National Interest, 1989) và Bill Gates đã từng đề xuất thay thế chủ nghĩa tư bản công nghiệp đã lỗi thời bằng “chủ nghĩa tư bản sáng tạo” (creative capitalism). Nhưng nếu người Mỹ chậm chân thì người Trung Quốc sẽ nhanh tay thay thế bằng chủ nghĩa tư bản mang “đặc sắc Trung Quốc” với “tư tưởng Tập Cận Bình” (Xi Jinpingim) vừa lên ngôi “Hoàng đế ”. Một năm sau khi Trump lên cầm quyền, Fukuyama lo ngại cảnh báo: “Chúng ta đang chứng kiến mối đe dọa mà tôi nghĩ chúng ta chưa bao giờ thấy trong cuộc đời”. (The Post World War II Order Is Under Assault From the Powers That Built It, Peter Goodman, New York Times, March 26, 2018).
Trong cuốn sách mới “Nền Dân chủ Kết thúc Thế nào” (How Democracy Ends), tác giả David Runciman lập luận rằng chúng ta đang bị mắc kẹt trong tư duy thất bại về nền dân chủ đã lỗi thời của thế kỷ 20… Chúng ta phải đổi mới tư duy một cách khác biệt (unthinkable) theo tầm nhìn thế kỷ 21 về sự kết thúc của nền dân chủ, và xem liệu nó có giúp chúng ta đi đến một kết cục tốt hơn không. Theo Edward Lucas, các cử tri giận dữ và vô cảm đã cạn tình với chế độ như đang đối mặt với “khủng hoảng tuổi trung niên” (midlife crisis)… Nền dân chủ đang sống mòn với dĩ vãng huy hoàng, và trở nên “mệt mỏi, thù hận, hoảng loạn, tự dối mình, vụng về và thường vô vọng” (tired, vindictive, paranoid, self-deceiving, clumsy and frequently ineffectual). Người ta có thể đổ lỗi về kết quả bỏ phiếu bất ngờ (như Brexit) cho những kẻ độc ác thắng cử do lừa gạt được những người ngu ngốc”. (How Democracy Ends, David Runciman, Basics Books, 2018. Reviewed by Edward Lucas, Sunday Times, May 26, 2018).
Hầu hết các học giả Mỹ và phương Tây đều tin rằng dân chủ và tư bản luôn đồng hành, rằng cải cách kinh tế đòi hỏi và thúc đẩy cải cách chính trị. Nhưng thực tế Trung Quốc đã thách thức logic này và dẫn đến hai kết luận trái ngược nhau. Nhóm thứ nhất cho rằng cải cách sẽ diễn ra và dự đoán chế độ độc tài sẽ sụp đổ. Nhóm thứ hai tin rằng thành công của Trung Quốc chứng tỏ độc tài cũng tốt như dân chủ để thúc đẩy phát triển. Nhưng cả hai cách lý giải đó đều bỏ qua một thực tế quan trọng là từ khi mở cửa thị trường (1978) Trung Quốc đã cải cách chính trị, nhưng không theo cách mà phương Tây mong đợi. Họ chỉ cải cách hành chính để tạo ra một hệ thống lai ghép độc đáo giữa thể chế độc tài với các đặc tính dân chủ (autocracy with democratic characteristics). Trên thực tế họ chuyển đổi bộ máy hành chính cộng sản sơ cứng thành bộ máy tư bản hoạt dụng. Nhưng về lâu dài, chỉ cải cách hành chính không thể thay thế được cải cách chính trị, vì khi xã hội càng giàu có hơn, thì những hạn chế sẽ bộc lộ.
Một số học giả Mỹ và phương Tây lý giải rằng kinh nghiệm của Trung Quốc chứng tỏ cách tốt nhất để dân chủ hóa là lai ghép cải cách vào các thể chế truyền thống sẵn có (kiểu Mark-Le). Nói cách khác, đổi mới chính trị bằng cách dựa vào một hệ thống sẵn có sẽ phù hợp hơn là tìm cách nhập khẩu một hệ thống mới hoàn toàn từ bên ngoài. Mọi người đều muốn hưởng lợi từ dân chủ, nhưng sẽ sai lầm nếu các chính khách cho rằng chỉ có dân chủ bằng cách áp dụng hệ thống chính trị của Mỹ. Các chính thể độc tài khác muốn bắt chước Trung Quốc không nên chọn bài học sai lầm. Thành công kinh tế của Trung Quốc không phải là bằng chứng rằng cứ áp đặt ý chí từ trên xuống và đàn áp sáng kiến từ dưới lên là sẽ hiệu quả. (Autocracy With Chinese Characteristics, Yuen Yuen Ang, Foreign Affairs, April 16, 2018).
Tôi từng ngưỡng mộ giáo sư Graham Allison, nhất là các tác phẩm kinh điển của ông phân tích vụ khủng hoảng Tên lửa Cuba (Essence of Decisison: Explaining the Cuban Missile Crisis, Grham Allison, 1ed. Little Brown 1971; Essence of Decision: Explaining the Cuban Missile Crisis, Graham Allison & Philip Zelikow, 2ed. Longman, 1999). Nhưng tôi không thực sự tán thành quan điểm của ông khi cho rằng hai nước lớn Mỹ và Trung Quốc sẽ không tránh được “cái bẫy Thucydides” (Destined for War: Can America and China Escape Thucydides’s Trap? Graham Allison, Harcourt, 2017; How Trump Could Stumble from a Trade War Into a Real War with China, Grham Allison, National Interest, April 20, 2018.
Thuyết “cái bẫy Thucydides” của Graham Allison dựa trên tiền đề có 12/16 trường hợp trong lịch sử (500 năm) dẫn đến chiến tranh. Tuy đó là một đa số tuyệt đối (về lượng) nên khá thuyết phục, nhưng chưa phải là quy luật (về chất) nên còn tranh cãi. Trong thực tế, khi thời gian và không gian thay đổi thì xác suất đúng hay sai cũng thay đổi. Tuy lý thuyết “cái bẫy Thucydides” rất có ích để phân tích và cảnh báo, nhưng vận dụng nó vào thực tế cụ thể lại là chuyện khác. Nếu Allison định vận dụng thuyết này để khuyến cáo chính quyền Trump chấp nhận “quan hệ nước lớn” (great power relations) với Trung Quốc (như Grand Bargain với Nga), thì Allison có thể vô tình mắc mưu Bắc Kinh (playing into their hands).
Tuy sự trỗi dậy của Trung Quốc và Trumpism làm nhiều người cho rằng “thế kỷ Mỹ” đã qua rồi, nhưng Joseph Nye tin rằng Mỹ vẫn có “những lợi thế quan trọng về quyền lực” trên toàn cầu cũng như tại vùng Châu Á-Thái Bình Dương, và điều này sẽ kéo dài đến “bốn hoặc tám năm nữa”. Hiện nay tất cả các nước Châu Á đều buôn bán với Trung Quốc nhiều hơn Mỹ (thường với tỷ lệ gấp đôi). Nhiều người Châu Á lo ngại Mỹ không thể duy trì vai trò lãnh đạo thế giới sau những năm Trump cầm quyền, nhưng họ không đồng thuận về “Châu Á sau Trump”. Nhiều người Mỹ và người Châu Á cũng bất đồng về triển vọng giải quyết thành công cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, và không biết liệu có tránh được cuộc chiến tranh Trung-Mỹ tất yếu hay không. Một số người Châu Âu lại băn khoăn không biết liệu tình trạng bất ổn trên toàn cầu hiện nay phản ánh sự trỗi dậy của Trung Quốc hay của Trumpism.
Nhưng Joeseph Nye không quá bi quan về sự trỗi dậy của Trung Quốc, và không cho rằng chiến tranh Trung-Mỹ là một định mệnh (như Graham Allison lý giải). Joseph Nye tin rằng Mỹ vẫn có những lợi thế quan trọng về quyền lực, để vượt qua tám năm cầm quyền của Trump (nếu ông được tái cử). Joeseph Nye lập luận rằng Mỹ có sáu lợi thế cơ bản so với Trung Quốc: Thứ nhất là thành phần dân số tốt hơn (demography), thứ hai là nguồn năng lượng tốt hơn (energy), thứ ba là công nghệ tốt hơn (technology), thứ tư là hệ thống đại học tốt hơn (higher education), thứ năm là vai trò của đồng đô la (the role of the dollar), thứ sáu là vị trí địa lý tốt hơn (geography). (Asia After Trump, Joseph Nye, Project Syndicate, April 9, 2018).
Theo Minxin Pei, thái độ thất thường của Donald Trump về Trung Quốc chứng tỏ ông ta không có tầm nhìn chiến lược và kinh nghiệm ngoại giao để có một chính sách ổn định về chiến lược (chứ chưa nói gì đến học thuyết). Vì vậy, định hướng quan hệ Trung-Mỹ trước mắt có thể là “xung đột đổi chác” (transactional conflict) với đặc điểm là thường xuyên tranh chấp về kinh tế và ngoại giao, xen kẽ với hợp tác. Trong bối cảnh đó, căng thẳng song phương sẽ gia tăng, và xung đột riêng lẻ sẽ được giải quyết riêng biệt trên nguyên tắc “ăn miếng trả miếng” (quid pro quo), do đó sẽ thiếu sự nhất quán về chiến lược (strategic coherence). Tuy nhiên, quan hệ Trung-Mỹ từ các tranh chấp cụ thể có thể bị xô đẩy dẫn đến xung đột lâu dài. Dù xung đột kiểu gì thì cả hai bên sẽ đều sẽ thua thiệt, làm cho Châu Á và thế giới bất ổn định. (The Shape of Sino American Conflict, Minxin Pei, Project Syndicate, June 6, 2018).
Mỹ đang tỉnh ngộ và điều chỉnh chiến lược
Dưới thời Tổng thống Obama, người Mỹ đã nhận ra sai lầm chiến lược và quyết định “xoay trục” sang Châu Á (Asia Pivot) sau đổi thành “tái cân bằng” (rebalance). Nhưng sự điều chỉnh chiến lược đó vẫn là “tiếng kèn ngập ngừng” (uncertain trumpet). Tổng thống Obama đã nổi tiếng với khẩu hiệu “lãnh đạo từ phía sau” (leading from behind). Tuần tra trên Biển Đông (FONOP) được tiến hành bằng cách “đi qua vô hại” (innocent passage), để tránh gây căng thẳng với Trung Quốc nhằm “tránh rủi ro” (risk aversion). Đó là một nước cờ ngập ngừng bị người Trung Quốc nắm thóp và khai thác triệt để. Một số người đã cảnh báo nếu Mỹ hành động “quá ít và quá chậm” (too little too late) sẽ không đủ mạnh để răn đe Trung Quốc, mà còn bị họ lợi dụng để phân hóa đồng minh của Mỹ (như Philippines và Thailand). Liệu điều chỉnh chiến lược mới (NDS) là một sự “đột phá” (breakthrough) hay chỉ là “bình mới rượu cũ” như “trở về tương lai” (back to the future) để lặp lại “tiếng kèn ngập ngừng?”
Đầu năm 2018, Nhà Trắng lại tiếp tục thay đổi nhân sự, với sự ra đi của Gary Cohn (chief economic advisor), Rex Tillerson (state secretary), McMaster (NSC Chairman). “Trục người lớn” (Axis of Adult) trong chính quyền chỉ còn lại James Mattis (defense secretary) và John Kelly (White House chief of staff). Với sự bổ nhiệm Mike Pompei (CIA director) thay Rex Tillerson, và John Bolton (ex UN ambassador) thay McMaster, và nâng cấp cho Peter Navaro (national trade advisor), nay phái “diều hâu” trong Nhà Trắng được tăng cường với một loạt nhân vật “bảo thủ mới” (Neocons) có quan điểm cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và Trung Đông. Sự thay đổi nhân sự này chắc phản ánh điều chỉnh chiến lược mới (NDS và NSS) cũng như quan điểm bảo thủ “America First”của Trump (ít nhất trong ba năm tới). Quyết định bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran là ví dụ mới nhất và nghiêm trọng nhất của chính quyền Trump theo chủ nghĩa đơn phương. Quyết định này không chỉ vì “nước Mỹ trước tiên” (America First), mà ngày càng giống “nước Mỹ một mình” (America Alone). (The New World Order: Donald Trump goes it alone, Gideon Rachman, Financial Times, May11, 2018).
Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng nhất tại Biển Đông và là tâm điểm trong chiến lược quốc phòng mới của Mỹ (NDS). Biên giới phía Bắc Việt Nam giáp Trung Quốc và toàn bộ bờ biển tiếp giáp Biển Đông. Nhưng quan trọng hơn cả vị trí địa lý là tinh thần dân tộc của người Việt Nam trong suốt lịch sử lâu dài chống ngoại xâm vì độc lập và chủ quyền đất nước. Nhưng chính vị trí địa chính trị đã làm Việt Nam mắc kẹt giữa các cường quốc, buộc phải đu dây để cân bằng quan hệ giữa các nước lớn. Nay Trung Quốc gây sức ép càng mạnh thì Việt Nam càng xích lại gần Mỹ để “tái cân bằng” chiến lược và “tìm đối trọng”.
Gần đây, quan hệ “đối tác toàn diện” Viêt-Mỹ có xu hướng trở thành “đối tác chiến lược toàn diện” (như với Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ). Tuy xu hướng “thoát Trung” ngày càng mạnh trong lòng người Việt, nhưng Trung Quốc không muốn Việt Nam xích lại quá gần Mỹ, và Việt Nam cũng không muốn quá xa để căng thẳng với Trung Quốc (vì còn đang phụ thuộc quá nhiều vào họ). Có một nghịch lý là trong khi người Việt muốn “thoát Trung” thì về kinh tế và chính trị Việt Nam vẫn lệ thuộc vào Trung Quốc. ã hai lần trong vòng một năm, Việt Nam và Repsol buộc phải ngừng khoan tại lô 136-03 (Cá Kiếm Nâu) và lô 07-03 (Cá Rồng Đỏ) ngay trong vùng EEZ của Việt Nam, trước sức ép của Trung Quốc. Hà Nội chịu thiệt hại kép vì mất nguồn thu lớn từ dầu khí và phải đền bù thiệt hại cho Repsol (đã đầu tư gần 200 triệu USD cho dự án Cá Rồng Đỏ), trong khi ngân sách Việt Nam đang thâm hụt. (South China Sea: Vietnam scraps new oil project, March 23, 2018).
Nhưng điều còn quan trọng hơn cả thiệt hại về kinh tế là Việt Nam đang mất dần chủ quyền tại Biển Đông nơi Trung Quốc muốn áp đặt “đường lưỡi bò” để biến thành cái ao riêng của họ. Sau khi bắt nạt được Việt Nam và Repsol chịu khuất phục hai lần tại bãi Tư Chính (Vanguard Bank) trong khi Mỹ và đồng minh khoanh tay bất lực, Trung Quốc tiếp tục gây sức ép (trực tiếp hoặc gián tiếp) với các dự án khác như Cá Voi Xanh của ExxonMobil (Mỹ) tại lô 118, hay OVL (Ấn Độ) tại lô 128, hay Lan Đỏ của Rosneft (Nga) tại lô 06-01. Tuy chưa rõ ExxonMobil (Mỹ), OVL (Ấn Độ), và Rosneft (Nga) liệu có chịu thua sức ép của Bắc Kinh hay không, nhưng đại diện ExxonMobil đã thông báo tại Đà Nẵng (7/11/2017) sẽ hoãn triển khai dự án này đến năm 2019. Hà Nội không chỉ “thất thủ” tại dự án Cá Rồng Đỏ mà còn “thất thu” tại dự án Cá Voi Xanh (trị giá 20 tỷ USD). Sự kiện Cá Rồng Đỏ cũng tồi tệ như sự kiện Scarboraugh shoal của Philippines khi Bắc Kinh cưỡng chiếm (4/2012) vì Mỹ không có “lằn ranh đỏ”.
Tuy Trump tuyên bố tầm nhìn “Indo-Pacifc tự do và rộng mở” với “Tứ giác Kim cương” (Mỹ-Nhật-Ấn-Úc), nhưng chưa đủ răn đe làm Trung Quốc chùn bước vì “Tứ cường” chỉ đối thoại chứ chưa thể chế hóa để biến thành hành động như một liên minh vì an ninh tập thể. Để đối phó với Trung Quốc tại Biển Đông, Repsol (Tây Ban Nha) đáng lẽ phải liên kết với ExxonMobil (Mỹ) hay OVL (Ấn Độ) thành một tổ hợp (consortium) để cùng khai thác Cá Rồng Đỏ. Nếu Trung Quốc tách họ ra như một bó đũa lỏng lẻo để bẻ từng chiếc một, thì Trung Quốc sẽ thắng, nhưng nếu họ liên kết lại thành bó đũa thì chắc Trung Quốc không dễ bẻ gãy được. Theo Bill Hayton, chuyến thăm Đà Nẵng của USS Carl Vinson để răn đe Trung Quốc bắt nạt Việt Nam và các đối tác khác để gây áp lực lên các dự án dầu khí của họ (như “Cá Rồng đỏ” hay “Cá Voi Xanh”) không có tác dụng và thất bại. Tuy hải quân Trung Quốc (PLAN) không địch lại được sức mạnh hải quân Mỹ nhưng họ không sợ tàu sân bay Mỹ trong trò chơi “Cờ Vây” tại Biển Đông. Theo Carl Thayer, không có lý do gì cho thấy Mỹ sẽ giúp Việt Nam chống lại Trung Quốc đang tìm cách khẳng định chủ quyền của họ tại Biển Đông. Tuy quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt được cải thiện đáng kể nhưng thực tế hai nước vẫn chưa phải là đối tác chiến lược. (Viêt Nam ở thế ‘tiến thoái lưỡng nan’ sau Cá Rồng Đỏ? BBC, March 26, 2018).
Theo Carl Thayer, Trung Quốc và Việt Nam “đã đạt được nhận thức chung, không chính thức, về việc không can thiệp vào các hoạt động của bên kia nếu các hoạt động đó nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế”. Tuy mỏ khí Cá Voi Xanh (lô 118) mà ExxonMobil và PVN hợp tác khai thác “không nằm trong đường đứt khúc chín đoạn” mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, nhưng Trung Quốc vẫn có thể lập luận rằng mỏ khí ngầm nằm chồng lấn bên dưới đường đứt khúc chín đoạn. Carl Thayer cho rằng “Trung Quốc gây áp lực đối với công ty Repsol của Tây Ban Nha là “chuyện tương đối nhỏ”, nhưng sẽ là “chuyện lớn” nếu Trung Quốc gây áp lực như vậy đối với một công ty lớn của Mỹ”. Tuy nhiên, Alexander Vuving cho biết: “Trung Quốc đã ráo riết vận động Việt Nam không triển khai dự án Cá Voi Xanh với ExxonMobil trong khoảng thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng (tháng 11/2017). Nhưng mỏ Cá Voi Xanh “chắc không bị dừng lại” vì nó nằm ngoài đường đứt khúc chín đoạn mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, nên nó “có nhiều cơ hội tồn tại hơn là Cá Rồng Đỏ”. (Sau Cá Rồng Đỏ Trung Quốc nhắm vào Cá Voi Xanh của Việt Nam? VOA, 05/04/2018).
Hơn bốn thập kỷ sau chiến tranh, quan hệ Viêt-Mỹ vẫn còn phức tạp. Tâm trạng người Việt đối với Mỹ là “vừa yêu vừa ghét” (love-hate) tuy nay “yêu nhiều hơn ghét”. Trong khi đó tâm trạng người Việt đối với Trung Quốc là “ghét nhiều hơn yêu” (do nhiều lý do về lịch sử và văn hóa). Tâm lý chống Mỹ và “chống diễn biến hòa bình” tuy còn khá đậm, nhưng chủ yếu là tuyên truyền của chính quyền. Trên thực tế, ngày càng nhiều người Việt thích Mỹ (như cho con đi học Mỹ hay định cư tại Mỹ) kể cả các quan chức hay hô hào “chống diến biến hòa bình”. Ngoài ra, tâm trạng sợ Mỹ bỏ rơi vẫn còn ám ảnh nhiều người trong giới cầm quyền vì lo ngại Mỹ-Trung có thể “đi đêm” thỏa hiệp sau lưng như sợ Trump đánh đổi lợi ích tại Biển Đông lấy lợi ích tại Triều Tiên. Tuy một số chuyên gia cho rằng khả năng Việt Nam bị Mỹ bỏ rơi là rất thấp vì bối cảnh hiện nay khác trước, nhưng tâm trạng bất an và lo ngại vẫn là một rào cản tâm lý khi hai nước muốn nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện”.
Người ta cho rằng Peter Navarro có vai trò quan trọng nhất đằng sau quyết định của Trump tăng thuế thép (25%) và nhôm (10%) chủ yếu nhắm vào Trung Quốc, bất chấp phản đối của nhiều người, trong đó có cố vấn chủ chốt của Trump về kinh tế là Gary Cohn (vừa từ chức). Navarro là cố vấn chủ chốt của Trump về thương mại, có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, và là tác giả cuốn sách “Chết do Trung Quốc” (Death by China, Peter Navarro, Prentice Hall, 2011). Gần đây, Peter Navarro được Trump sủng ái nâng cấp cao hơn vì hợp với Tổng thống. Navarro đã thuyết phục được Trump đánh thuế cao và áp dụng một số chế tài chống Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc, và ngăn chặn các công ty Trung Quốc mua lại các công ty của Mỹ.
Triển vọng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung càng tăng thì mâu thuẫn nội bộ trong chính quyền Trump càng sâu sắc. Các cố vấn chủ chốt của Trump về thương mại và kinh tế đang chia thành hai phe tranh cãi kịch liệt, không ai chịu ai (như “chaos”). Phe thứ nhất gồm Steven Mnuchin (bộ trưởng tài chính) và Larry Kudlow (giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia). Phe thứ hai gồm Robert Lighthizer (đại diện thương mại), Peter Navarro (giám đốc Hội đồng Thương mại Quốc gia), và Wilbur Ross (bộ trưởng thương mại). Nhưng nguy hiểm hơn là Trump không thèm nghe các cố vấn nữa, mà tự ý mình quyết, đôi khi không cân nhắc kỹ. Nếu sai, Trump càng ngoan cố (doubles down) và không bao giờ nhận lỗi. (Inside the chaos of Donald Trumps trade wars, Demetri Sevastopulo & Sam Fleming, Financial Times, June 8, 2018).
Nhiều người lo ngại quyết định của Trump thay ngoại trưởng Rex Tillerson bằng Mike Pompeo (cựu giám đốc CIA) có thể ảnh hưởng tới chính sách của Mỹ tại Biển Đông. Đúng là Tillerson có kinh nghiệm đối phó với Trung Quốc (và Nga), có quan điểm cứng rắn tại Biển Đông, liên quan đến lợi ích dầu khí của ExxonMobil (như dự án Cá Voi Xanh). Nhưng vai trò ngoại trưởng của Tillerson (và Bộ Ngoại Giao) trong chính quyền Trump khá yếu (gần như bị vô hiệu hóa). Có nhiều lý do, nhưng chủ yếu vì Tillerson không hợp với Trump, nên vai trò yếu hơn so với bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Đó là một đặc điểm của chính quyền Trump mà một số chính khách như thủ tướng Nhật Abe đã nắm bắt và vận dụng hiệu quả.
Tuy James Mattis (và Bộ Quốc phòng) có vai trò lớn hơn, nhưng vai trò của ngoại trưởng mới Mike Pompeo (và Bộ Ngoại Giao) chắc sẽ quan trọng hơn, vì Pompeo hợp với Trump hơn là Tillerson. Việc Trump cử Pompeo đi Bình Nhưỡng (trước khi được Quốc hội phê chuẩn làm ngoại trưởng) là một chỉ dấu. Nay chính quyền Trump đã công bố chiến lược mới (NDS) và tầm nhìn Indo-Pacific, nên muốn triển khai chiến lược mới, Nhà Trắng chắc sẽ cần đến vai trò không thể thiếu của Bộ Ngoại Giao. Một khi đàm phán trực tiếp Mỹ-Triều trở thành hiện thực, vai trò trung gian của Nam Hàn tăng lên, thì vai trò của Trung Quốc chắc sẽ giảm đi, vì vậy lập trường của Mỹ tại Biển Đông chắc sẽ cứng rắn hơn. Tuy bán đảo Triều Tiên vẫn còn nguy hiểm với nhiều ẩn số, nhưng Biển Đông chắc nguy hiểm hơn vì đây mới chính là tâm điểm của cuộc đối đầu Trung-Mỹ để giành vị trí bá quyền khu vực trong thế kỷ 21 này.
Phần 2: Trung Quốc đang ở đâu
Napoleon Bonaparte đã từng nói rất hay: “Trung Quốc là người khổng lồ đang ngủ. Hãy để nó ngủ yên, vì một khi tỉnh dậy, nó sẽ làm đảo lộn thế giới” (China is a sleeping giant. Let it sleep, as when it wakes up, it will shake the world). Nay Trung Quốc không những đã tình dậy và đang làm đảo lộn thế giới như người khổng lồ, mà còn hung hãn như con quái vật Frankenstein (lời Richard Nixon). Mỹ và thế giới đang đau đầu đối phó với Frankenstein do chính họ đã góp phần tạo nên. Nói cách khác, Frankenstein vừa là sản phẩm nội địa (made in China) như chủ nghĩa dân tộc cực đoan đầy ẩn ức lịch sử, vừa là sản phẩm của Mỹ (constructive engagement) do ngộ nhận và ảo tưởng nên hiểu sai về hệ tư duy của người Trung Quốc.
“Hoàng đế đỏ” lên ngôi
Tại Đại hội Đảng lần thứ 19 “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” đã được xác quyết và ghi vào điều lệ Đảng. Đó là một cột mốc lớn trong lịch sử để Trung Quốc bước vào “kỷ nguyên mới”, nhằm thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” bằng chiến lược “Một vành đai, Một con đường” với những đại dự án có quy mô còn lớn hơn cả Kế hoạch Marshall của Mỹ trước đây. Trong bối cảnh nước Mỹ lâm vào khủng hoảng chính trị bởi hiện tượng Trumpism (ít nhất trong ba năm tới), Trung Quốc chắc sẽ nắm bắt cơ hội trời cho này để quyết tâm vượt Mỹ, tranh giành vai trò lãnh đạo thế giới.
Theo Franscis Fukuyama, tuy chưa thể khẳng định được “hoàng đế đỏ” Trung Quốc rồi sẽ tồi tệ như thế nào, vị hoàng đế đó đã dập tắt mọi hy vọng của nhiều người Trung Quốc về một xã hội cởi mở hơn, minh bạch và tự do hơn. Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đảng đối với đất nước, đàn áp mọi biểu hiện chống đối, và thiết chế một hệ thống kiểm soát xã hội bằng cách sử dụng “dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo” (big data and artificial intelligence) để hàng ngày theo dõi thái độ của công dân. Như vậy, Tập Cận Bình sẽ cho thế giới thấy các hình thái khó tưởng tượng của một nhà nước độc tài trong thế kỷ 21 sẽ như thế nào. (China’s “bad emperor” returns, Francis Fukuyama, Washington Post, March 6, 2018).
Người Trung Quốc coi trọng lịch sử, không phải chỉ vì tự hào mà còn muốn lợi dụng lịch sử làm bệ đỡ để “trở về tương lai” (back to the future). Tập Cận Bình cũng muốn làm “Trung Quốc vĩ đại trở lại” (chẳng khác gì Trump). Nhưng điều trớ trêu là những gì mà Trump đang làm để giúp nước Mỹ vĩ đại trở lại (America great again) thì hóa ra chỉ làm lợi cho Trung Quốc vĩ đại trở lại (China great again). Chỉ mấy tháng sau Đại hội 19, Quốc hội Trung Quốc đã quyết định sửa đổi Hiến pháp (11/3/2018), bỏ điều khoản hạn chế Chủ tịch nước không được làm quá hai nhiệm kỳ, như vậy đi ngược lại với xu hướng dân chủ hóa trên thế giới.
Tập Cận Bình nói Trung Quốc đã “đứng dậy, làm giàu, và trở nên mạnh mẽ”, nhưng cái giá phải trả cũng rất lớn vì tham nhũng tràn lan và đấu tranh quyền lực quyết liệt. Số quan chức bị kỷ luật vì tham nhũng đã tăng từ 150,000 người (năm 2012) lên hơn 400,000 (năm 2016). Nếu Mao đã bắt đầu cuộc cách mạng lần thứ nhất (từ thập niên 1940) thì Đặng đã chỉ đạo cuộc cách mạng lần thứ hai (từ thập niên 1970). Nay Tập đang tiến hành cuộc cách mạng lần thứ ba. “Nếu một trong các dấu ấn của nhà nước thời Mao là Đảng xâm nhập xã hội thì dấu ấn của nhà nước thời Đặng là Đảng rút lui” (David Shambaugh). Nay dưới thời Tập, con lắc chính trị đang quay ngược lại với vai trò lớn hơn của Đảng. (The Third Revolution: Xi Jinping and the New Chinese State”, Elizabeth Economy, Oxford University Press, 2018).
Theo tác giả, Tập đã đưa Trung Quốc xa rời cam kết của Đặng đi theo một chính sách đối ngoại khiêm tốn (a low-profile foreign policy). Trong nước Tập bóp nghẹt tự do dân chủ, nhưng trên trường quốc tế ông lại muốn làm lãnh tụ toàn cầu hóa (globalizer in chief). Tại cấp cao APEC (11/2017), Tập tuyên bố “Mở cửa sẽ đem lại tiến bộ và ai đóng cửa tất sẽ tụt hậu”. Những lời hoa mỹ đó chỉ để lừa gạt (misleading). Dưới khẩu hiệu “chủ quyền mạng” (cyber sovereignty) Tập nói các nước phải được lựa chọn con đường riêng để phát triển mạng. Trong khi luôn miệng nói về chủ quyền nhưng chính sách đối ngoại hung hãn của Bắc Kinh lại trắng trợn vi phạm chủ quyền nước khác. Để áp đặt luật chơi mới trên thế giới, Tập triển khai chiến lược “Một vành đai, Một con đường”, đến nay đã kiểm soát 76 hải cảng tại 34 nước.
Điều đó khẳng định xu hướng độc tài theo “chủ nghĩa tân độc đoán” (Neo-authoritarianism) mà Vương Hỗ Ninh đề xướng, nay tái sinh thành “chủ nghĩa tân bảo thủ” (Neo-conservatism), đã trở thành tư tưởng chủ lưu của Trung Quốc. Hiện tượng “cách mạng thụt lùi” (revolutionary regression) đã từng xảy ra tại Iran (năm 1978), nay đang diễn ra tại Trung Quốc. Hai sự kiên đó tuy khác nhau về hình thức (tôn giáo) nhưng giống nhau về bản chất (cực đoan). Sau khi Tập Cận Bình thay đổi luật chơi (quốc gia) do Đặng Tiểu Bình đặt ra, để trở thành nhà độc tài (như “hoàng đế Trung Hoa”), nay chắc Tập muốn thay đổi luật chơi (quốc tế).
Trong trò chơi quyền lực mới (new “game of thrones”) giữa con đại bàng Mỹ (đang suy yếu) và con rồng Trung Quốc (đang trỗi dậy) liệu họ có bị sa vào bẫy Thucydides (như Graham Allison suy đoán)? Chiến tranh không nhất thiết xảy ra nếu Trung Quốc “không đánh mà thắng”. Những gì diễn ra tại Biển Đông trong mấy năm qua cho thấy Trung Quốc hầu như đã thắng hiệp đầu mà không cần đánh, vì họ vận dụng “Tam chủng chiến pháp” (three warfare doctrine) như một kiểu “chiến tranh không thông thường” (unconventional warfare). Đó là cuộc đấu trí và đấu lực trong “vùng xám” (grey zones) mà Trung Quốc có lợi thế, bằng cách “thay đổi thực địa” (changing facts on the ground) như “tầm ăn dâu”, để biến thành “chuyện đã rồi” (fait accompli) mà không gây ra xung đột trực tiếp với Mỹ. Tóm lại, Trung Quốc đã ứng dụng linh hoạt binh pháp Tôn Tử (không đánh mà thắng) như cách đánh “cờ vây” (“Wei Qi” game).
Nếu muốn lý giải “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”, có lẽ phải hiểu tư duy chiến lược của Vương Hỗ Ninh (Wang Huning). Vương là tác giả của ba chủ thuyết gần đây của Trung Quốc: “thuyết ba đại diện” (thời Giang Trạch Dân), “quan điểm phát triển khoa học” (thời Hồ Cẩm Đào), “giấc mộng Trung Hoa” và “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” (thời Tập Cận Bình). Nếu muốn lý giải những diễn biến trong cải cách kinh tế của Trung Quốc gần đây (và sắp tới), phải hiểu tư duy kinh tế của Lưu Hạc (Liu He). Việc đưa Vương Hỗ Nình vào thường vụ Bộ Chính trị (xếp hạng thứ năm) và Lưu Hạc vào Bộ Chính trị (phó thủ tướng phụ trách kinh tế) càng khẳng định vai trò then chốt của hai bộ óc chiến lược đang cố vấn chính sách cho Tập Cận Bình. Nay Vương Hỗ Ninh và Lưu Hạc còn được hậu thuẫn bởi cánh tay phải của Tập Cận Bình là Vương Kỳ Sơn, với vai trò mới là phó chủ tịch nước (trên thực tế) là người thứ hai để kế nhiệm Tập Cận Bình.
Việc sắp xếp vị trí của bộ ba Vương Kỳ Sơn, Dương Khiết Trì và Vương Nghị chứng tỏ sự cam kết của Tập Cận Bình đối với vai trò của ngoại giao “thống nhất và tập trung” (unified and centralized) trong tay Ban Chấp hành TW. Việc bổ nhiệm các nhà ngoại giao chuyên nghiệp có kinh nghiệm phù hợp với tầm nhìn của Tập muốn củng cố vai trò quyết sách đối ngoại tại cấp cao nhất của Đảng. Với sự tái xuất chính thức của Vương Kỳ Sơn, được Tập tin cậy nhất với vai trò “chữa cháy” (fixer) nay làm phó chủ tịch nước, để giám sát công tác đối ngoại, tập trung vào quan hệ Trung-Mỹ, bộ ba đó là một minh chứng về quyền kiểm soát cá nhân của Tập Cận Bình đối với chính phủ còn lớn hơn cả nhiệm kỳ trước. (Here’s Who is Really Guiding China’s Foreign Policy, Zoe Leung, National Interest, May 6, 2018).
Tuy tư duy về phát triển của Vương Hỗ Ninh đã phát huy tác dụng trong giai đoạn phát triển “hậu Thiên An Môn” nhưng không có gì đảm bảo tư tưởng của Vương Hỗ Ninh và chính sách của Lưu Hạc sẽ thành công trong giai đoạn tới (còn nhiều ẩn số). Những người theo “chủ nghĩa Tân Độc đoán” lập luận rằng ổn định chính trị sẽ cung cấp cấu trúc cho phát triển kinh tế, rằng “không có trật tự xã hội thì không thể có tự do và dân chủ”. Theo Vương Hỗ Ninh, “sự thống nhất của ban lãnh đạo là điều kiện tiên quyết cho sự tồn vong của đất nước”, còn dân chủ và tự do cá nhân “sẽ đến muộn hơn khi hội đủ các điều kiện thích hợp”.
Theo một số học giả Trung Quốc, người Trung Hoa có năm hằng số đạo đức (Five Constant Virtues): đó là nhân (benevolence), chính (righteousness), nghĩa (propriety), trí (wisdom), tín (fidelity)…Trung Quốc có thể quyết xây dựng một trật tự dựa trên quan niệm cổ về “nghĩa” (propriety). Đặc tính của trật tự này là coi “nghĩa” như phương tiện chính để điều chỉnh quan hệ, dựa vào cấu trúc các vòng tròn đồng tâm (concentric zone structure)… Có thể hình dung trong trật tự của Trung Quốc được điều chỉnh bởi “nghĩa”, Trung Quốc sẽ phân chia các nước thành viên theo khoảng cách. Tuy nhiên, các nước có quan hệ tốt hơn với Trung Quốc có thể không nhất thiết thuộc vòng tròn văn hóa Khổng giáo… Tóm lại, trật tự của Trung Quốc được điều chỉnh bởi “nghĩa” không phải là trật tự dựa trên quyền lực… Đó là một trật tự mới theo quan hệ song phương, dựa trên truyền thống Trung Quốc và được thiết chế một cách hiện đại. Điều quan trọng là nó tương thích với hệ thống quốc tế hiện nay. (What Might a Chinese World Order Look Like? Xue Li & Cheng Zhangxi, Diplomat, April 13, 2018).
Nhưng theo Kevin Rudd, có bảy vòng tròn đồng tâm (concentric circles) phản ánh lợi ích chiến lược của Trung Quốc: (1) Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục cầm quyền. (2) Đoàn kết dân tộc; (3) Kinh tế Trung Quốc; (4) Khu vực ảnh hưởng; (5) Khu vực hải đảo; (6) Thế giới đang phát triển; (7) Tương lai trật tự thế giới dựa trên pháp luật. Trung Quốc rất tự hào về mô hình “tư bản độc quyền” (authoritarian capitalist) để thay thế mô hình Mỹ…Trung Quốc muốn thấy trật tự thế giới tương lai phù hợp với lợi ích quốc gia và hệ thống giá trị của mình…Đối với trật tự an ninh thế giới, chúng ta đang ở trong một tình thế hoàn toàn bất định vì những lý do “ngày càng lệ thuộc vào hình thù chính trị nội bộ do Mỹ và Trung Quốc quyết định” (increasingly shaped by the future contours of both American and Chinese domestic politics). Trong 40 năm qua, hầu hết cộng đồng Âu Châu đã hiểu ngầm là Trung Quốc sẽ dần ngả theo mô hình tư bản tự do. Khi hiểu như vậy, nhiều học giả đã không chú ý tới cuộc tranh luận trong nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối thập niên 1990 là sẽ không có sự thay đổi thể chế nào cả, và Trung Quốc sẽ tiếp tục là một quốc gia độc đảng. (How Xi Jinping Views the World: The Core Interests That Shape China's Behavior, Kevin Rudd, Foreign Affairs, May 10, 2018).
Nghịch lý mô hình Trung Quốc
Giai đoạn phát triển kinh tế “Hậu Thiên An Môn” với mô hình phát triển mà David Shambaugh gọi là authoritarian resilience được người Mỹ đánh giá cao và ủng hộ, nay đã qua rồi. Những yếu tố thuận lợi ban đầu đã hết, nay bài toán phát triển kinh tế Trung Quốc khó khăn hơn nhiều. Tuy Trung Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ và giàu có về vật chất, nhưng tinh thần còn lạc hậu. Dòng người và dòng tiền từ Trung Quốc tiếp tục chảy ra ngoài (tới Mỹ và phương Tây). Đó là hệ quả của nghịch lý phát triển không đồng bộ (như “gót chân A-sin”). Tuy khó dự báo chính xác tương lai của Trung Quốc, nhưng David Shambaugh cho rằng Tập Cận Bình càng cố gắng làm khác Gorbachew thì kết cục Trung Quốc càng giống Liên Xô. “Màn chót của chế độ cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu, và những biện pháp cứng rắn của Tập Cận Bình chỉ đưa đất nước đến gần hơn điểm đổ vỡ” (The endgame of communist rule in China has begun, and Xi Jinping's ruthless measures are only bringing the country closer to a breaking point”. (The Coming Chinese Crackup, David Shambaugh, Wall Street Journal, March 6, 2015).
Còn Minxin Pei cho là sai lầm nếu tưởng rằng khi người Trung Quốc trở nên giàu có về kinh tế và có thế lực về chính trị thì họ sẽ chọn chủ nghiã tư bản tự do mà bỏ “chủ nghĩa tư bản thân hữu” (crony capitalism)…Sự cấu kết của chủ nghĩa tư bản thân hữu tại Trung Quốc làm cho quá trình đó diễn ra vừa khó khăn vừa rối loạn. Kịch bản thay đổi “từ trên xuống” rất khó xảy ra dưới chế độ tư bản thân hữu. Ngay cả khi cách mạng lật đổ trật tự cũ cũng chưa chắc dẫn đến bình minh của một nền dân chủ tự do. Các di sản của chủ nghĩa tư bản thân hữu (tình trạng bất bình đẳng về tài sản, chính quyền địa phương mafia, sự cấu kết của các đại gia có đặc quyền) sẽ tạo điều kiện cho những kẻ chiếm đoạt được khối tài sản lớn sử dụng quyền lực chính trị để trấn áp các nhân tố dân chủ mới làm cho họ khó có khả năng tồn tại…
Động lực của một chế độ thối nát (regime decay) sẽ hủy hoại thanh danh của thể chế Đảng-Nhà nước Trung Quốc qua ba cách. Thứ nhất, khi các nhóm lợi ích hình thành và xâm nhập mọi ngõ ngách của thể chế Đảng-Nhà nước, chúng sẽ thao túng quyền lực chính trị, biến quyền lực của chế độ thành công cụ quyền lực riêng. Thay vì phục vụ lợi ích của chế độ, chúng chỉ mưu cầu lợi ích riêng cho mình. Thứ hai, mạng lưới tham nhũng mặc nhiên tranh giành với nhau vì quyền lực và lợi ích, vì vậy sẽ làm suy yếu sự thống nhất của nội bộ Đảng, và gia tăng thanh trừng sẽ gây nguy hiểm cho sự an toàn cá nhân của lãnh đạo cấp cao. Thứ ba, khi tham nhũng cấu kết và lan rộng trong bộ máy an ninh của Đảng-Nhà nước, chắc chắn nó sẽ hủy hoại sự trung thành và hiệu quả của các thể chế trụ cột mà Đảng-Nhà nước dựa vào để tồn tại. (China’s Crony Capitalism, Minxin Pei, Harvard University Press, 2016).
Sự trỗi dậy và cấu kết của chủ chũ nghĩa tư bản thân hữu trong nền kinh tế chính trị của Trung Quốc, xét cho cùng, là kết quả tất yếu của mô hình hiện đại hóa kinh tế chuyên chế của Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping’s authoritarian model of economic modernization). Thế lực cầm quyền đang nắm quyền lực không bị hạn chế sẽ bị cám dỗ dùng quyền lực để chiếm đoạt tài sản do sự phát triển kinh tế đem lại. Sự cấu kết của tham nhũng là một đặc thù nổi bật, và sự thối nát của chế độ cũng lan đến các cấp cao nhất trong hệ thống quân đội. Vì vậy mà Tập Cận Bình đã từng cảnh báo nguy cơ vong đảng: “Nếu chúng ta không quản trị được Đảng hiệu quả hoặc chặt chẽ… sớm hay muộn Đảng sẽ mất chỗ đứng để quản trị đất nước và sẽ bị lịch sử gạt ra rìa”. (If we fail to govern our party effectively or strictly … sooner or later it will lose its standing for ruling the country and will be cast aside by history (June 28, 2013).
Sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc vẫn ẩn chứa nhiều nghịch lý. Tập Cận Bình không chỉ muốn làm khác Gorbachew mà còn làm khác Đặng Tiểu Bình (cả về đối nội và đối ngoại). Trong khi Đặng muốn chấm dứt nền độc tài kiểu Mao, thì Tập quay lại với nền độc tài kiểu Mao để “tái tạo Trung Quốc” (Rejuvenation of the Chinese Nation). Không phải vì Tập yêu Maoism (đã đầy đọa bố con Tập thời Cách mạng Văn hóa), mà Tập Cận Bình (cũng như Bạc Hy Lai) đều sử dụng Maoism như một công cụ quyền lực hữu hiệu ở Trung Quốc. Về kinh tế, Tập muốn dựa vào doanh nghiệp nhà nước chứ không dựa vào tư nhân. Về quốc tế, Tập muốn “Tàu hóa” cả thế giới (cinicization of the world) và thay đổi trật tự thế giới theo ý mình, lấy Trung Quốc làm tâm điểm (để thay thế Mỹ). Nếu những năm đầu thập niên 1990, phương Tây lo ngại Nhật “mua cả thế giới” thì nay đến lượt Trung Quốc cũng đang “mua cả thế giới”.
Tại Đông Nam Á, Trung Quốc đã xây dựng được các đảo nhân tạo tại Biển Đông, và cuộc chơi tại Biển Đông coi như đã kết thúc. Theo David Shambaugh, Tập Cận Bình muốn đẩy Đài Loan vào thế phải đầu hàng, nhưng Bắc Kinh chưa đánh giá đúng mức vấn đề Đài Loan. Cố vấn an ninh quốc gia mới John Bolton là một người thân Đài Loan, sẽ thách thức Trung Quốc và có khả năng bước qua lằn ranh đỏ mà Bắc Kinh vạch ra (như dọa sẽ hành động nếu chiến hạm Mỹ thăm Đài Loan hoặc hợp tác quân sự với Đài Loan). Bolton sẽ cho Tập Cận Bình thấy rằng ông ta đã lầm to, và trong tương lai vấn đề Đài loan có thể bùng nổ. Tập Cận Bình muốn đưa Trung Quốc quay lại chế độ độc tài thời Mao, trong khi thúc đẩy một chính sách đối ngoại bành trướng, với “Con đường tơ lụa mới”. Tuy David Shambaugh không dự báo Trung Quốc sẽ sụp đổ (collapse) nhưng sẽ suy tàn (crack up). “Chế độ Trung Quốc không sụp đổ, nhưng không mạnh như người ta vẫn tưởng… Tôi đoán Trung Quốc sẽ suy tàn trong mười hoặc hai mươi năm nữa…Tôi rất ấn tượng về nghịch lý giữa sự tự tin của Tập Cận Bình trong hoạt động đối ngoại và sự hoang tưởng của ông ta trong chính trị đối nội”. (David Shambaugh: Xi Jinping ramène la Chine au système patriarcal de Mao, Sébastien Falletti, Le Figaro, April 23, 2018).
Khi Mỹ khủng hoảng chính trị và Trump tỏ ra không tha thiết đến vai trò toàn cầu của Mỹ, Tập Cận Bình nhận thấy cánh cửa cơ hội mở ra và quyết định theo đuổi một đường lối đối ngoại cực đoan, khác với Đặng Tiểu Bình từng khuyên phải “dấu mình chờ thời” (hide our capabilities and bide our time). Khi Trump rút khỏi TPP, ông ta đã vô tình tặng Trung Quốc “một món quà chiến lược vô giá”. Người Trung Quốc vội vã (prematurely) cho rằng Mỹ đã suy yếu và Trung Quốc có thể nhân cơ hội này giành thế độc tôn ở Biển Đông (South China Sea), biển Hoa Đông (East China Sea) và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc “chiếm vị trí trung tâm thế giới” (take center stage in the world) và “Châu Á của người Châu Á” (Asia for Asians), với hàm ý muốn loại Mỹ ra khỏi trật tự khu vực này.
Mấy thập kỷ qua, phương Tây đã ảo tưởng tin rằng Trung Quốc giàu có thì sẽ dân chủ hóa, nên đã hỗ trợ và giang tay chào đón Trung Quốc hòa nhập vào cộng đồng thế giới (vào WTO năm 2001). Người Mỹ, người Nhật và Tây Âu phải chịu trách nhiệm về sự trỗi dậy bất ổn và bất trị của Trung Quốc hiện nay. Tuy một số nước vẫn chạy theo Trung Quốc hoặc có chính sách hai mặt vì lợi ích kinh tế, nhưng hầu hết các nước phương Tây đã vỡ mộng và tỉnh ngộ về bản chất Trung Quốc. Gần đây, các quan chức an ninh Mỹ đã cảnh báo rằng các viện Khổng tử là các “ổ gián điệp trá hình”. Một số nước (như Mỹ và Úc) đã áp dụng các biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp Trung Quốc (như Alibaba, Huawei, ZTE) thao túng thị trường và các tổ chức Hoa kiều can thiệp vào nội bộ của nước họ. (40 years after opening up, China is going backward, Tetsushi Takahashi, Nikkei Asian Review, March 20, 2018).
Trong khi tại Úc, ảnh hưởng của Trung Quốc đã xâm nhập sâu vào chính trị tiểu bang và liên bang làm Chính phủ Úc lo ngại, thì tại Mỹ quy mô ảnh hưởng của Trung Quốc cũng đang gia tăng làm Quốc hội Mỹ phải tìm cách đối phó, đặc biệt là với hoạt động của “Cục Công tác Mặt trận” (United Front Work Department) do Đảng Cộng sản chỉ đạo. Chính phủ Trung Quốc đang ráo riết tăng cường “quyền lực sắc bén” (sharp power) khắp thế giới, như một vũ khí lợi hại (magic weapons). Theo báo Los Angeles Times, “Mặt trận” đã rất thành công tại Úc, nên các cơ quan của chính phủ Mỹ và Quốc Hội cũng như các nhà phân tích đang thảo luận cách đối phó với các hoạt động của Mặt Trận tại Mỹ. Nhiều người lo ngại về ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các cộng đồng và thể chế của Mỹ. (Rubio Questions DC Panel on China Influence, Bethany Allen-Ebrahimian, Foreign Policy, May 7, 2018).
Quốc hội Trung Quốc bỏ hạn chế hai nhiệm kỳ chủ tịch nước đang làm náo động thế giới (sent shock waves around the world), có thể trở thành điểm bùng phát (tipping point) trong quan hệ Trung-Mỹ. Nhưng Tập Cận Bình cho rằng đây là cách duy nhất để Trung Quốc tránh đi vào “ngõ cụt” (blind alley) như Đặng Tiểu Bình đã cảnh báo từ năm 1992 (Tại Shenzhen). Đằng sau bộ mặt đầy tự tin của một lãnh đạo, Tập Cận Bình đã tiềm ẩn khả năng thất bại. Từ góc độ phân tích (analytical perspective), nó biểu hiện bằng sự trì trệ kinh điển nếu Bắc Kinh không điều hành tốt nền kinh tế. Từ góc độ ý thức hệ (ideological perspective) màn cuối của bất ổn và cách mạng sẽ ập đến nếu không giải quyết được “các mâu thuẫn lớn”. (China as Seen from a Glass House, , Project Syndicate, March 20, 2018).
Trong khi “quyền lực cứng” (hard power) dùng sức mạnh quân sự và kinh tế để cưỡng ép người khác tuân thủ quyền lực, thì “quyền lực mềm” (soft power) không cưỡng ép mà nhằm thu hút và thuyết phục người khác tự nguyện tuân thủ quyền lực. Khái niệm “quyền lực mềm” tự nó là một ý tưởng “rất Mỹ” vì nó dựa trên sức mạnh của ngành công nghiệp truyền thông đa phương tiện khổng lồ của Mỹ, cho phép người Mỹ dễ dàng thu hút và thuyết phục người khác một cách chuyên nghiệp. Nếu biết khéo léo dùng cả “quyền lực cứng” và “quyền lực mềm” thì sẽ có “quyền lực khôn ngoan” (smart power). Gần đây, NED (National Endowment for Democracy) đưa ra một khái niệm mới về “quyền lực mềm” là “quyền lực sắc bén” (sharp power), để chỉ một kiểu quyền lực “không cứng mà cũng chẳng mềm” mà các chế độ chuyên chế (như Trung Quốc và Nga) áp dụng. Với khái niệm đó, “quyền lực sắc bén” không đủ mềm để thu hút và thuyết phục người khác, nhưng cũng không quá cứng để gây ra xung đột. (Dressing up the Dragon: Chinese media as “Soft Power”, Daya Thussu, March 28, 2018).
Trung Quốc có hai công cụ chính để gây ảnh hưởng mà không cần đến vũ lực. Đó là kế hoạch phát triển kinh tế quốc tế (như One Belt On Road) và bộ máy truyền thông đa phương tiện được đầu tư lớn (như Charm Offensive). Theo NED, Trung Quốc đang vận dụng “quyền lực sắc bén” tại Trung Quốc và trên thế giới. Hiện nay, Jack Ma là một phiên bản của Rupert Murdoch, với sự hậu thuẫn của chính phủ Trung Quốc, nhằm khuynh đảo truyền thông Trung Quốc và thế giới. Jack Ma đã đầu tư 4,5 tỷ USD vào Youku Tudou (giống Youtube), 586 triệu USD vào Sina Weibo (một mạng xã hội lớn), 266 triệu USD vào South China Morning Post (một tờ báo lớn tại Hong Kong). Nay Jack Ma đang thương lượng mua Caixin Media (tập đoàn truyền thông hàng đầu Trung Quốc). Nhưng Alibaba chỉ là một trong ba công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc (Baidu, Alibaba, Tencent), thường gọi tắt là bộ ba “BAT”.
Trong khi Trung Quốc dựng lên “bức tường lửa khổng lồ” (Great Fire Wall) để kiểm soát Internet, họ đã có trong tay một “hệ sinh thái” (ecosystem) khá phong phú bao gồm các công ty công nghệ, dịch vụ kỹ thuật số và Internet nội địa. “Hệ sinh thái” này là một thế mạnh của Trung Quốc mà ngay cả các nước phương Tây hàng đầu như Anh, Đức, Pháp cũng chưa có. Vì vậy, chỉ có Trung Quốc là có khả năng tranh giành với Mỹ về quyền “bá chủ kỹ thuật số” (digital supremacy) trên thế giới. Trên thực tế, Trung Quốc đang xây dựng “chủ nghĩa tư bản điện tử mang màu sắc Trung Quốc (cyber-capitalism with Chinese characteristics) và tham vọng sẽ “Hán hóa” trào lưu toàn cầu hóa trên thế giới (Sino-globalization).
Theo Elizabeth Economy, khi đánh giá về Tập Cận Bình, nhiều nhà quan sát đã bỏ qua bốn thực tế cơ bản. Thứ nhất, Tập đang chơi một “trò chơi lâu dài” (a long game). Những quyết định trước mắt tuy có vẻ vô lý trong bối cảnh một hệ thống chính trị cởi mở và một nền kinh tế thị trường, nhưng về lâu dài lại có ý nghĩa chiến lược đối với Trung Quốc. Thứ hai, tuy Tập có tham vọng toàn cầu, nhưng ông ta chưa chứng tỏ được năng lực lãnh đạo toàn cầu thực sự. Thứ ba, Tập Cận Bình tập trung quyền lực và kiểm soát thông tin làm người ta khó đánh giá mức độ đồng thuận thực sự tại Trung Quốc về chiều hướng mà Tập đang dẫn dắt đất nước. Thư tư, Tập đã xóa nhòa ranh giới giữa chính trị nội bộ và chính sách đối ngoại vì Bắc Kinh muốn xuất khẩu tư tưởng chính trị, phá hoại luật pháp quốc tế và đe dọa chủ quyền các nước khác. Washington cần một chiến lược mới về Trung Quốc, không phải là bác bỏ hoàn toàn chính sách của Mỹ trong bốn thập kỷ qua, mà phải thận trọng suy nghĩ lại về chính sách đó để xác quyết cái gì hiệu quả và cái gì không hiệu quả. Một chính sách về Trung Quốc hiệu quả phải dựa trên các cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với các nguyên tắc của mình. (China's New Revolution: The Reign of Xi Jinping, Elizabeth Economy, Foreign Affairs, April 17, 2018).
Phần 3: ASEAN đang ở đâu
Tại khu vực Đông Nam Á, ASEAN đang bị phân hóa (polarized) và lâm vào một cuộc khủng hoảng thể chế (như “midlife crisis”). ASEAN đang trôi dạt (drifting) trên Biển Đông giữa hai dòng hải lưu lớn là trật tự cũ của Mỹ (đang bị suy thoái và mất uy tín) và trật tự mới của Trung Quốc (đang hình thành và đáng sợ hơn). Trong khi Trung Quốc triển khai chiến lược lớn “Một vành đai, Một con đường”, và quân sự hóa các đảo họ chiêm giữ, thì Mỹ bị động đối phó bằng biện pháp tuần tra FONOPs (như “tiếng kèn ngập ngừng”) không đủ sức răn đe Trung Quốc. Trong khi Trump rút khỏi TPP, làm vai trò của Mỹ tại khu vực này càng suy giảm, thì Trung Quốc phân hóa làm vô hiệu hóa ASEAN, và tăng cường kiểm soát Biển Đông (như cái ao của mình). Trong khi đó, tầm nhìn chiến lược mới “Indo-Pacific” chưa có thực chất. Nói cách khác, trong khi Trung Quốc nhảy rock n’roll thì Mỹ vẫn đang nhảy điệu waltz.
Nghịch lý ASEAN và Biển Đông
Có lần một phó thủ tướng Thailand nói (đại ý) Thailand phát triển nhanh trong thập kỷ 1980-1990 vì đã tranh thủ được Nhật đang mạnh, sẵn sàng đầu tư vào Thailand, trong khi Việt Nam lúc đó vẫn chưa sẵn sàng. Khi Việt Nam sẵn sàng hợp tác thì đáng tiếc là kinh tế Nhật lại bị ốm yếu (sau khủng hoảng tài chính 1997). Nhận xét đó đã vô hình trung phản ảnh một thực tế là trong lịch sử, Việt Nam thường “nhỡ tàu” nên đã bỏ qua nhiều cơ hội. Sau 1975 khi ASEAN muốn mời Việt Nam vào ASEAN thì lúc đó Việt Nam không muốn. Khi Mỹ sẵn sàng bình thường hóa với Việt Nam (1977-1978) thì Việt Nam lại chưa sẵn sàng. Khi Việt Nam đánh Campuchea (12/1978) và Trung Quốc đánh Việt Nam (2/1979), phương Tây tiến hành cấm vận để cô lập Việt Nam, thì ASEAN cũng quay lưng lại với Viêt Nam.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, ASEAN là một mô hình thành công về chủ nghĩa khu vực (regionalism) tại Đông Nam Á, có thể so sánh với “ngôi nhà chung” Châu Âu (EU). ASEAN được xây dựng trên tư tưởng “ZOPFAN” (Zone of Peace, Freedom and Neutrality) với nguyên tắc “đồng thuận” được sùng bái (như “Cult of Consensus”). Đồng thuận được đánh đồng với “nhất trí” (unanimity) như “điều kiện tiên quyết” cho hành động (prerequisite for action). Dù nguyên tắc đồng thuận nay được mô tả là “đồng thuận trong đa dạng” (consensus in diversity) thì nó đã trở thành “gót chân A-sin” của ASEAN, vì bất cứ nước thành viên nào cũng có thể phủ quyết làm vô hiệu hóa ASEAN. Các cường quốc khác (như Trung Quốc) chỉ cần hối lộ và xúi giục một nước thành viên nào đó (như Campuchea) là đủ tạo ra khủng hoảng, làm vô hiệu hóa tiếng nói và vai trò của ASEAN tại khu vực nhạy cảm này.
Nguyên tắc đồng thuận nhằm duy trì ổn định khu vực đang đứng trước thách thức mới, làm ASEAN trở thành nạn nhân của cái bẫy thể chế (institutionalization trap), không sẵn sàng đối phó với những thách thức mới của thế kỷ 21. Sự trỗi dậy của Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng, đe dọa trật tự thế giới và khu vực. Nếu ASEAN không muốn bị vô hiệu hóa và bị con rồng phương Bắc “bắt cóc” (hijacked), thì cách tốt nhất để duy trì vai trò khu vực và phát huy mô hình “độc đáo” của mình (nay đã bị lỗi thời), là phải triệt để cải tổ thể chế ASEAN và xem xét lại hệ quy chiếu và nguyên lý điều hành của ASEAN.
Mỗi khi Trung Quốc gây sức ép mạnh để ngăn cản ASEAN ra nghị quyết làm cản trở ý muốn của Trung Quốc dùng đàm phán song phương thay vì đàm phán đa phương, thì kết cục ASEAN bị vô hiệu hóa và hầu như tê liệt trước cái bóng đen của con rồng Trung Quốc mà không dám hành xử như một tổ chức độc lập vì hội nhập khu vực. Trung Quốc đang chia để trị khu vực, nhưng điều làm người ta ngạc nhiên là ASEAN đang trở thành cái khiên để che đỡ cho Trung Quốc chống lại Mỹ và các đồng minh chủ chốt của Mỹ tại khu vực. Biển Đông là nơi mà tranh chấp chủ quyền đang trở thành điểm nóng về địa chính trị trong thế kỷ 21, nơi mà cạnh tranh Mỹ-Trung về các lợi ích cốt lõi dễ bùng nổ nhất. Nếu chiến tranh thế giới thứ ba xảy ra thì có lẽ nó dễ xảy ra nhất tại Biển Đông (như thuyết “cái bẫy Thucydides”).
Dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, Manila đã ngả theo Bắc Kinh vì động cơ kinh tế. Manila không chỉ theo đuôi lập trường của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông mà còn chống lại lập trường của Mỹ và các nước đồng minh. Nếu ASEAN muốn độc lập và có vai trò như một nhân tố ổn định để đóng góp vào trật tự khu vực (chứ không phải để làm tay sai cho Trung Quốc), thì ASEAN phải từ bỏ sự “sùng bái đồng thuận”. Các nước độc lập hơn trong ASEAN (như Việt Nam, Indonesia, Singapore), cần đi đầu để tháo gỡ vấn đề này bằng sự “hợp tác tối thiểu” (minilateral cooperation) trong vấn đề an ninh khu vực.
Muốn cứu vãn tình thế hiện nay ASEAN phải mạnh dạn thay “chủ nghĩa đa phương đã đổ vỡ” (broken multilateralism) bằng “chủ nghĩa tối thiểu năng động” (dynamic minilateralism) tới khi nào ASEAN chấn chỉnh được thể chế của mình. Mỹ và đồng minh không nhất thiết phải thuyết phục tất cả các nước ASEAN mà chỉ cần hợp tác với một số nước SEAN năng động. Để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông, ASEAN cần liên kết với “Tứ cường” (Mỹ-Nhật-Ấn-Úc). Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Australia vừa diễn ra tại Sydney (March 18, 2018), Việt Nam và Úc đã nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược” trong khi Indonesia mời Úc tham gia ASEAN như một thành viên mới (ASEAN-11). Điều này chứng tỏ xu hướng tìm giải pháp để cứu vãn tình thế hiện nay nhằm ngăn chặn đà suy thoái đang làm ASEAN mất vai trò (a downward spiral of irrelevance). (ASEAN Could Be Hijacked by China. Here’s How to Fix It, Richard Javad Heydarian, National Interest, March 15, 2018).
Một vấn đề khác ASEAN cần tránh ngộ nhận để không mắc bẫy Trung Quốc là quá trình đàm phán về bộ quy tắc ứng xử (COC) để thay thế DOC. Một chuyên gia Pháp về Biển Đông (tướng Daniel Schaeffer) đã từng cảnh báo về mưu mô của Trung Quốc trong quá trình đàm phán COC và nguy cơ các nước ASEAN có thể phải đối mặt một khi COC được thông qua và ký kết nhưng không loại bỏ được “Đường lưỡi bò”. Nếu ASEAN không vô hiệu hóa được “đường lưỡi bò” mà đã vội vàng thông qua COC có tính ràng buộc pháp lý, thì sẽ là một sai lầm lớn rất nguy hiểm, vì ASEAN sẽ trao cho Trung Quốc một thứ vũ khí có thể chống lại các nước ASEAN trong các tranh chấp ở Biển Đông trong tương lai. (The Code of Conduct of in the South China Sea: a tremendous mistake, Daniel Schaeffer, August 17, 2017).
Theo tướng Schaeffer, vụ khủng hoảng Cá Rồng Đỏ là khởi đầu cho chiến lược xâm lược của Trung Quốc. Viêt Nam và Repsol phải dừng hai dự án Cá kiếm Nâu (lô 136-03) và Cá Rồng Đỏ (lô 07-03) trong vòng một năm do sức ép trắng trợn của Trung Quốc. Schaeffer đề xuất ba giải pháp. Thứ nhất là phải quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, dựa trên phán quyết của PCA, và đưa vấn đề này ra Liên Hợp Quốc (cho đến nay vẫn im lặng). Thứ hai là phải quốc tế hóa tuần tra Biển Đông (FONOP) bằng cách vận động nhiều nước tham gia, để đảm bảo tự do giao thương quốc tế. Thứ ba là phải đa phương hóa việc hợp tác khai thác dầu khí (kể cả với Trung Quốc). (Việt Nam nên hợp tác khai thác dầu với Trung Quốc, BBC, 29/3/2018).
Theo Bill Hayton (BBC) vào năm 1936, ông Bạch Mi Sơ là người sáng lập ra Hiệp hội Địa lý Trung Quốc, đã dùng các thông tin của Ủy ban Nghiên cứu Bản đồ Lãnh thổ và Lãnh hải của Trung Quốc để xuất bản tập bản đồ Trung Quốc mà ông biên soạn là “Trung Hoa Kiến thiết Tân đồ”. Ủy Ban này đã nhầm lẫn chữ “bank” (bãi ngầm) và “shoal” (bãi nông) nên đều dịch thành chữ “than” (bãi cát). Ủy Ban này đã đặt tên cho James Shoal bằng cái tên “Tằng Mỗ Than” và Vanguard Bank bằng cái tên “Tiền Vệ Than”. Do Ủy Ban này biên dịch nhầm lẫn và do Bạch Mi Sơ hiểu sai nên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là ông đã vẽ James Shoal và Vanguard Bank thành các đảo. Bạch Mi Sơ còn vẽ thêm đường chữ U ở Biển Đông, với điểm xa nhất phía nam là James Shoal, và điểm xa nhất phía tây nam là Vanguard Bank. Trung Quốc đã hồ đồ tuyên bố hai điểm đó là giới hạn chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông…
Qua nghiên cứu các tài liệu lịch sử, Bill Hayton đã đi đến kết luận rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông đã xuất hiện và phát sinh từ việc biên dịch sai và những đánh dấu không đúng trên bản đồ hồi thập niên 1930. Hayton khẳng định tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc đối với Quần đảo Trường Sa thực ra là kết quả của một loạt những sai lầm trong quá khứ do trình độ ngôn ngữ và học thuật (nếu người ta hiểu được sự kỳ quặc này của lịch sử). Nhưng điều trớ trêu là sau đó Trung Quốc đã vờ như không biết và tuyên bố chủ quyền đối với các bãi đá và bãi ngầm mà họ chiếm là “có tính lịch sử và logic, không thể tranh cãi”. (The Modern Origins of China's South China Sea Claims: Maps, Misunderstandings, and the Maritime Geobody, Bill Hayton, Modern China, April 2018).
Theo BBC và Reuters (23/3/2018), Repsol đã phải dừng dự án dầu khí tại lô 07-03 “Cá Rồng Đỏ” (Red Emperor) theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam, mặc dù trước đó chưa đầy một tháng tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đã tới thăm cảng Đà Nẵng. Năm ngoái (7/2017) Repsol đã phải ngừng khoan tại lô 136-03 “Cá Kiếm Nâu” (Brown Gladius) tại Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) do Trung Quốc đe dọa tấn công Trường Sa. Theo Greg Poling (CSIS/AMTI) trong vòng một năm, Repsol đã phải hai lần dừng dự án vì sức ép của Trung Quốc, do đó có thể mất 240 triệu USD đã đầu tư vào việc thăm dò cho hai dự án nói trên. “Điều này có thể làm hỏng nhiều kế hoạch thăm dò ngoài khơi của Việt Nam. Không giống bất cứ nước nào khác trên thế giới, Việt Nam không thể dễ dàng có chủ quyền khai thác các nguồn dầu khí trên biển một cách độc lập”. Greg Polling nói với VOA (14/4/2018) “Tôi không biết Việt Nam sẽ tiếp tục thế nào với các dự án thăm dò ngoài khơi bởi vì không có công ty nước ngoài nào sẽ muốn đầu tư vào bất kỳ một dự án ngoài khơi nào của Việt Nam trên biển Đông nữa”.
Theo Bill Hayton (Chatham House) “Mặc dù đã chi hàng tỷ USD mua sắm vũ khí và mời tàu sân bay Mỹ đến thăm, Việt Nam vẫn chưa có khả năng răn đe để chống Trung Quốc”. Bằng cách chịu thua Trung Quốc, không dám khoan dầu trong vùng biển của mình, chứng tỏ Việt Nam thiếu khả năng răn đe hiệu quả bằng hải quân. Ngay cả chuyến thăm của tàu sân bay USS Carl Vinson đến Đà Nẵng trước khi Repsol khoan dầu tại lô 07-03, cũng không làm cho Việt Nam đủ tự tin trước đe dọa của Trung Quốc…Có lẽ Bắc Kinh biết chắc Hà Nội không dám theo Mỹ chỉ vì mất nguồn dầu khí. (Chinas intimidation in the South China Sea poses an economic threat to Vietnam, Bill Hayton, East Asia Forum, April 25, 2018).
Alexander Vuving (Daniel Inouye center, Hawaii) cũng cho rằng “Việc dừng dự án Cá Rồng Đỏ rõ ràng đã gửi đi một thông điệp ớn lạnh tới các công ty dầu khí muốn đầu tư vào các dự án ngoài khơi Việt Nam”. Vì vậy, Việt Nam đang lúng lúng trong việc “làm thế nào để tiến lên phía trước.” Theo Vuving, Trung Quốc cũng đã gây áp lực buộc Việt Nam phải trì hoãn dự án khai thác khí đốt với tập đoàn ExxonMobil (của Mỹ). Việt Nam đang xem xét rút lại một hợp đồng thăm dò khí đốt trị giá 4,6 tỷ USD với tập đoàn ExxonMobil ở ngoài khơi bờ biển Miền Trung (dự án “Cá Voi Xanh”). Theo PVN (3/4/2018) “những diễn biến phức tạp trên biển Đông sẽ ảnh hưởng đến việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư thăm dò dầu khí ở các lô còn mở của tập đoàn”. PVN cũng cảnh báo “việc suy giảm sản lượng khai thác ở các mỏ chủ lực trong năm 2018 dự báo còn diễn biến bất lợi, khó lường”. (Không có công ty nước ngoài nào muốn đầu tư vào dự án ngoài khơi Việt Nam, VOA, April 14, 2018).
Có thể nói Trung Quốc đã bất chấp luật quốc tế, cưỡng ép Việt Nam từ bỏ quyền khai thác tài nguyên dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế của mình. Diễn biến mới này cho thấy vai trò của Mỹ nhằm đảm bảo an ninh khu vực là không hiệu quả. Việt Nam là nước đi đầu trong ASEAN về đấu tranh cho chủ quyền của mình tại Biển Đông, nhưng ngày càng đơn độc. Trong khi Việt Nam bị Trung Quốc bắt nạt và đẩy vào góc tường thì Mỹ bất lực, chứng tỏ Mỹ không bảo vệ được những giá trị mà họ vẫn tuyên bố về an ninh khu vực. (Emptiness of US rhetoric has been exposed by China bringing Vietnam to heel,SCMP, April 15, 2018).
Tại Biển Đông, Trung Quốc vẫn tăng cường quân sự hóa, triển khai những loại vũ khí mới, kể cả “tên lửa diệt mẫu hạm” (carrier-killer missiles). Nhưng tham vọng của Bắc Kinh tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với Trung Quốc, có thể làm dấy lên một làn sóng chống đối mạnh mẽ trên khắp thế giới (triggering an international resistance) mà lãnh đạo Trung Quốc trước đó cố tránh. Phải chăng Tập Cận Bình đang sa vào cái bẫy mà Đặng Tiểu Bình đã từng cảnh báo? Theo quy luật địa chính trị (basic geopolitical logic), các nước khác sẽ tập hợp lại chống lại Trung Quốc, như một làn sóng phản kháng (backlash) nhằm đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc, và kết cục sẽ rất xấu cho Trung Quốc vì Tập Cận Bình vung tay quá trán (this approach could also end badly for China, because Xi may be overplaying his country’s hand). (Xi May Scare Asia Back Into Washingtons Orbit, Hal Brands, Bloomberg, March 4, 2018).
Nhiều người cho rằng Trung Quốc đã thắng thế và bây giờ chỉ còn theo dõi xem sắp tới họ thắng đến đâu mà thôi. Tại Biển Đông và Triều Tiên, Mỹ và đồng minh đang ở thế bị động đối phó, vừa yếu vừa chậm (too little too late). Từ một nước gần như “không có gì” tại Biển Đông, nay Trung quốc đã có chỗ đứng khá vững chắc để kiểm soát vùng biển này như cái ao của họ, bất chấp phán quyết của PCA. Cả thế giới lúng túng đối phó như “sự việc đã rồi” (fait accompli) mà Mỹ và đồng minh không đảo ngược được. Để thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”, Trung Quốc phải giữ hòa khí với Mỹ, nên trước mắt họ phải sử dụng chiến thuật “vừa đánh vừa xoa”. Người Trung Quốc đã biết thóp cá tính của Trump nên họ không ngần ngại thí tốt để làm vừa lòng Tổng thống Mỹ, làm cho người Mỹ cuối cùng phải đi vào quỹ đạo của họ (như cờ vây). Đây là cuộc chiến không cân sức mà Trung Quốc nắm chắc phần thắng, vì họ biết tận dụng triệt để những điểm yếu mà các nước có thể chế dân chủ tạo ra cho mình. Trong khi Trumpism đang làm phân hóa nước Mỹ thì Brexitism đang hủy hoại đoàn kết Châu Âu. Hiện nay thể chế độc tài có lợi thế vượt trội so với thể chế dân chủ, tạo ra sự bất ổn trên khắp lục địa Á-Âu (Eurasia's Coming Anarchy, Robert Kaplan, Foreign Affairs, March/April 2016).
Theo James Holmes (một chuyên gia hàng đầu của Mỹ về chiến lược hải quân), một cuộc xung đột vũ trang tại Biển Đông có thể xảy ra, và Trung Quốc có thể thắng một cuộc chiến tại Biển Đông bằng “chiến tranh nhân dân trên biển” (people’s war at sea). Các chính khách và chuyên gia quân sự tại Washington và Hà Nội không nên coi thường phát biểu của bộ trưởng quốc phòng Trung quốc Thường Vạn Toàn (Chang Wanquan) chỉ là “dọa dẫm” (bluster). Trung Quốc có thể thắng dù họ vẫn yếu hơn Mỹ, bằng cách tập trung binh lực áp đảo Mỹ tại địa điểm và thời điểm quan trọng nhất. Tư tưởng “phòng ngự tích cực” (active defense) là tấn công chiến thuật để phòng ngự chiến lược. Hiện nay, các tư lệnh Trung Quốc có thể huy động lực lượng hỗn hợp để hợp đồng tác chiến, đối phó với Mỹ và đồng minh. Các tư lệnh Mỹ và đồng minh cần nghiên cứu binh pháp của Trung Quốc để hiểu rõ tư tưởng phòng ngự tích cực ngoài khơi (offshore active defence) tại Biển Đông sẽ diễn ra thế nào. (China Could Win a War Against America in the South China Sea, James Holmes, National Interest, May 30, 2018).
Theo New York Times, biến động chính trị tại Kuala Lumpur sau cuộc bầu cử lịch sử (9/5/2018) là “động đất chính trị” (political earthquake). Cách đây chỉ vài tháng chắc không ai ngờ Najib Razak và liên minh cầm quyền (Barisan Nasional) sẽ thất bại, mặc dù ông Najib bị dư luận cáo buộc tham nhũng hàng tỷ USD. Kết cục đến quá bất ngờ làm phe đối lập cũng bị “choáng”. Cử tri đã đi bỏ phiếu với số lượng kỷ lục (14,5 triệu) và liên minh đối lập (Pakatan Harapan) do ông Mahathir cầm đầu đã thắng (giành được 113/222 ghế), trong khi liên minh cầm quyền (Barisan Nasional) do Najib Razak cầm đầu đã thua (giành được có 79 ghế). Ông Mahathir trở lại cầm quyền ở tuổi 92, là nguyên thủ quốc gia được bầu “già nhất thế giới”. (Understanding Malaysia’s Political Earthquake, Angie Chan, NYT, May 17, 2018).
Nếu ông Mahathir nhường quyền “giữa kỳ” cho ông Anwar (như cam kết) để cải tổ thể chế và biến Malaysia thành một nước dân chủ và phát triển, ông sẽ đi vào lịch sử vì đã có công hai lần dẫn dắt đất nước cải cách (cả vòng một và vòng hai). Không những vậy, ông còn có thể xóa được tiếng xấu “chuyên quyền” (autocracy) trong nhiệm kỳ trước. Nhưng nếu ông Mahathir không làm được điều đó, ông Anwar và đảng của ông ấy chắc sẽ không chấp nhận, và đất nước đa sắc tộc này có thể bị phân hóa, trở thành miếng mồi ngon để Hồi giáo hay Trung Quốc thao túng. Trong khi ông Anwar sẵn sàng thúc đẩy dân chủ hóa và hiện đại hóa, có nhiều khả năng ông Mahathir sẽ trở lại chính sách “hướng Đông” (Look East) phù hợp với tầm nhìn khu vực Indo-Pacific hiện nay, và vai trò mới của Nhật trong nhóm “Tứ Cường” (Mỹ-Nhật-Ấn-Úc). Trong bối cảnh đó, quan hệ Việt Nam và Malaysia có nhiều khả năng sẽ tốt hơn trước, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Đông và vai trò khu vực của ASEAN.
Từ Asia-Pacific đến Indo-Pacific
Một năm tuy quá ít để thay đổi trật tự thế giới, nhưng quá đủ để Mỹ-Trung điều chính chiến lược, tác động đến cục diện thế giới, nhất là khu vực Biển Đông. Đại hội Đảng CSTQ lần thứ 19 (và “hậu Đại hội”) là một bước ngoặt lớn không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với thế giới, đặc biệt là đối với Mỹ. Không phải ngẫu nhiên khi Trump đến thăm Việt Nam dự họp cấp cao APEC Đà Nẵng (10/11/2017) đã tuyên bố tầm nhìn Indo-Pacific và nhấn mạnh vai trò của “Tứ cường” (Quad) gồm Mỹ-Nhật-Ấn-Úc. Tổng thống Donald Trump và chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thỏa thuận về Kế hoạch Hành Động Hợp tác Quốc phòng Mỹ-Việt (2018-2020). Bộ trưởng quốc phòng James Mattis đã đến thăm Việt Nam (24-26/1/2018) sau khi công bố chiến lược quốc phòng (NDS) coi Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất”. Sau đó USS Carl Vinson đã đến Đà Nẵng (5-9/3/2018) trong chuyến thăm lịch sử đầy ý nghĩa.
Gần đây, sau cuộc tập trận lớn nhất tại Biển Đông (11-13/4), Trung Quốc đã triển khai máy bay ném bom chiến lược (H-6K) có thể mang vũ khí hạt nhân và có tầm hoạt động trên 1.000 dặm tại Hoàng Sa, hệ thống gây nhiễu điện từ (jamming devices ) và các loại tên lửa tầm xa như SAM “HQ-9B” (200km) và ASCM “YJ-12B” (300km) tại các đảo Trường Sa, làm thay đổi cơ bản cán cân chiến lược tại Biển Đông. Bất chấp phản đối của các nước khu vực cũng như của Mỹ và đồng minh, Trung Quốc đang làm gia tăng đáng kể khả năng xung đột vũ trang trong khu vực. Nói cách khác, đã đến lúc Trung Quốc có khả năng áp đặt tại Biển Đông một “khu vực nhân diện phòng không” (ADIZ) và khu vực “chống xâm nhập” (A2/AD) để gạt hải quân Mỹ ra khỏi khu vực này, biến Biển Đông thành cái ao riêng của họ.
Trong buổi điều trần tại Tiểu ban Quân vụ Thượng viện Mỹ (24/4), sau vụ tàu chiến Úc và Trung Quốc chạm trán tại Biển Đông (19/4), Đô đốc Philip Davidson, tư lệnh mới của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (Pacom) nói, “Tóm lại, hiện nay Trung Quốc có thể kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống, chỉ thiếu tranh với Mỹ”…Nếu được phê chuẩn, ông sẽ “điều chỉnh” Pacom phù hợp với chiến lược quốc phòng mới của Mỹ. Davidson nêu hai quan điểm mới về sử dụng lực lượng. Thứ nhất là “sử dụng lực lượng năng động” (dynamic force employment), thứ hai là “mô hình hoạt động toàn cầu” (global operating model) chú trọng xung đột trong “vùng xám” (gray zone). Theo Davidson, hai quan điểm trên sẽ chỉ đạo việc sử dụng lực lượng để đối phó với Trung Quốc. Các lực lượng chính bao gồm vũ khí hạt nhân, chiến tranh mạng và vũ trụ, hệ điều hành 3C tiên tiến, cơ động chiến lược, lực lượng chống vũ khí hủy diệt hàng loạt…Bộ chỉ huy Pacom phải duy trì một hệ thống đủ mạnh (a robust blunt layer) để răn đe hiệu quả trước thái độ hiếu chiến của Trung Quốc tại Indo-Pacific…Để răn đe ý đồ bành trướng và xâm lược của Trung Quốc, dù ở Biển Đông hay Biển Hoa Đông, hay eo biển Đài Loan, Davidson hứa sẽ thường xuyên đánh giá lại bức tranh quốc phòng Châu Á. (US admiral outlines new military buildup to counter China, Bill Gertz, Asia Times, April 24, 2018).
Tuy khu vực hoan nghênh tầm nhìn chiến lược Indo-Pacific của Mỹ, nhưng hiện nay mới chỉ có mục tiêu mà chưa có chiến lược và kế hoạch triển khai, chưa có nguồn lực và ngân sách, chưa có sự đồng thuận cần phải làm gì. Chính quyền Trump nói sẽ sớm có chi tiết về chiến lược Châu Á, nhưng điều đó không làm yên lòng các nước khu vực, vốn nghi ngờ uy tín và độ tin cậy của Mỹ. Diễn văn của bộ trưởng quốc phòng James Mattis tại Shangri-la (June 2, 2018) có vẻ thuyết phục, nhưng vẫn có một khoảng cách lớn giữa lời hứa và thực tế. Chính quyền Trump chưa làm được gì cho khu vực, mà còn rút khỏi TPP. Chính quyền Trump cũng mắc lỗi như chính quyền Obama với chính sách “xoay trục sang Châu Á”, làm tăng sự mong đợi, nhưng sau đó không đáp ứng được, làm đồng minh thất vọng và Trung quốc coi thường. (Trump’s Indo-Pacific strategy: Where’s the beef? Josh Rogin, Washington Post, June 6, 2018).
Hiện nay, Viêt Nam là tâm điểm (epicenter) trong chiến lược quốc phòng mới của Mỹ về an ninh khu vực, với tầm nhìn mới “Indo-Pacific”. Chiến lược này đã thổi sức sống mới vào sáng kiến đối thoại an ninh “Tứ cường” của Nhật (bao gồm Mỹ-Nhật-Ấn-Úc). Việt Nam chủ trương đa dạng hóa quan hệ quốc tế và tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng, không chỉ với Mỹ mà còn với các nước khác. Theo các chuyên gia của viện Brookings, Viêt Nam đang tăng cường quan hệ với các nước “tứ cường” (Quad) trong bối cảnh các nước ASEAN đang bị chia rẽ về lập trường đối với sự trỗi dậy đầy bất an của Trung Quốc và những hoạt động lấn chiếm Biển Đông. (As US aircraft carrier departs Vietnam what are the implications for regional security? Jonathan Stromseth & Hunter Marston, Brookings, March 9, 2018).
Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nhât-Việt đã được khẳng định và mở rộng sau chuyến thăm Nhật chính thức của TBT Nguyễn Phú Trọng (9/2015) và chuyến thăm Việt Nam chính thức của Nhật Hoàng Akihito (28/2-5/3/2017). Trong chuyến thăm Nhật của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (4-8/6/2017), hai bên đã ký Tuyên bố Chung về làm sâu sắc hơn Đối tác Chiến lược Sâu rộng Việt-Nhật, và nêu bật vấn đề hợp tác an ninh quốc phòng ngay trong phần đầu tuyên bố. Theo Carl Thayer, “đây là một tín hiệu đáng chú ý”. Nhật cam kết hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực chấp pháp trên biển bằng cách cung cấp tàu tuần tra (6 chiếc năm 2014 và 6 chiếc năm 2017), huấn luyện hải quân, sau khi tàu khu trục IZUMO thăm Cam Ranh (5/2017). Theo Lê Hồng Hiệp, năm 2018 Nhật Bản dự kiến sẽ chuyển giao cho Việt Nam hai vệ tinh hiện đại và máy bay săn ngầm (anti-submarine and surveillance aircraft). Hiện nay Nhật Bản vẫn là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, trong khi kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 30 tỷ USD (năm 2016) và dự kiến sẽ tăng gấp đôi (năm 2020). Trong bối cảnh Biển Đông gần đây đang gia tăng căng thẳng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa đi thăm Nhật (28/5-2/6/2018) để vận động Nhật tăng cường viện trợ và hợp tác an ninh khu vực.
Ngoài việc mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với Nhật, quan hệ hợp tác quốc phòng với Ấn Độ đã được tăng cường khi thủ tướng Narendra Modi đến thăm Việt Nam (năm 2016) nhằm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Việt Nam là “tâm điểm” trong chiến lược “hướng đông” của Ấn Độ (từ Look East nay thành Act East). Ấn Độ đã hứa cho Việt Nam vay 500 triệu USD để mua sắm thiết bị nhằm nâng cấp năng lực quốc phòng. Ấn Độ cũng đã giúp huấn luyện thủy thủ các tàu ngầm Kilo cho Hải quân Việt Nam. Trong năm 2017, Việt Nam đã gia hạn quyền thăm dò dầu khí cho công ty dầu khí quốc gia Ấn Độ (OLV) tiếp tục khoan thăm dò (tại lô 128). Tiếp theo chuyến thăm Ấn Độ của thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc (24-26/1/2018) chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đi thăm Ấn Độ (2-4/3/2018). Trên thực tế, Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với tất cả bốn nước “Quad” trong khi duy trì quan hệ “cân bằng” với Trung Quốc. (Why March 2018 Was an Active Month in Vietnam's Balancing Against China in the South China Sea, Derek Grossman, Diplomat, March 23, 2018).
Trong khi tăng cường hợp tác chiến lược với Mỹ, Viêt Nam đang mở rộng đối tác chiến lược với Nhật Bản và Ấn Độ là hai nước có thái độ nghi ngại Trung Quốc bành trướng thế lực không chỉ tại Châu Á-Thái Bình Dương mà còn tại Ấn Độ Dương. Theo Joshure Kurlantzick (CFR), trong chuyến thăm Ấn Độ vừa qua, chủ tịch nước Trần Đại Quang và thủ tướng Narendra Modi đã trao đổi về tầm quan trọng của việc hai bên tiếp tục hợp tác khai thác dầu khí tại Biển Đông (giữa OVL với PVN, và có thể với bên thứ ba) “dù Trung Quốc có nói gì chăng nữa” (no matter what China says). Hai bên khẳng định cam kết ủng hộ tự do hàng hải tại Biển Đông. Ấn Độ tiếp tục cho Việt Nam vay thêm tiền để mua sắm nhiều hơn vũ khí, và sẵn sàng bán tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos cho Việt Nam (cùng mấy nước khác).
Hà Nội muốn tăng cường hợp tác chiến lược với các nước “Quad” làm đối trọng với Trung Quốc, vì lo ngại cam kết chiến lược của Mỹ tại Biển Đông có duy trì lâu dài hay không. Ngoài ra, thái độ thất thường của Trump và chính sách thương mại bảo thủ (bỏ rơi TPP và đánh thuế cao) làm Hà Nội bất an. Vì vậy, Hà Nội phải tăng cường đối tác chiến lược với các nước Quad khác như Nhật Bản và Ấn Độ, vì họ muốn có vai trò an ninh lâu dài tại Đông Nam Á và sẵn sàng triển khai sức mạnh tại Biển Đông. Theo Joshure Kurlantzick, “Ấn Độ là đối tác lý tưởng đối với Việt Nam” (an ideal major partner for Vietnam). Trên thực tế “Việt Nam là tâm điểm trong chiến lược hướng đông của Ấn Độ” (Vietnam and India Cement an Increasingly Vital Relationship in Southeast Asia, Joshure Kurlantzick, CFR, March 9, 2018).
Tiếp theo các chuyến thăm cấp cao tới Nhật và Ấn Độ gần đây, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thăm Úc (14-18/3/2018) để nâng cấp đối tác chiến lược. Theo Carl Thayer, “Đây là cột mốc lớn thứ ba trong quan hệ song phương… là thời điểm chín muồi để hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược”, nhân chuyến thăm Canberra của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để kỷ niệm 45 năm lập quan hệ song phương và nhân dịp họp thượng đỉnh ASEAN-Australia. Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Australia sẽ dẫn tới trao đổi thường xuyên hơn giữa lãnh đạo cấp cao, giúp giải quyết tốt hơn nhiều thách thức về phát triển kinh tế, các vấn đề xuyên quốc gia, hòa bình và an ninh ở khu vực cũng như trên thế giới. Tuy lập trường của Úc về Biển Đông còn bị ràng buộc nhiều bởi lợi ích kinh tế với Trung Quốc, nhưng việc Úc trở thành đối tác chiến lược của Viêt Nam là một tín hiệu mới, đóng góp tích cực vào “tầm nhìn Indo-Pacific tự do và rộng mở”, dựa trên khuôn khổ “Tứ cường” (Mỹ-Nhật-Ấn-Úc).
Theo các chuyên gia khu vực, Việt Nam có thể đóng vai trò “không chính thức” (informal) trong “Tứ cường” (Mỹ-Nhật-Ấn-Úc), để kiềm chế Trung Quốc. Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng vì biên giới tiếp giáp Trung Quốc cả trên đất liền lẫn trên biển. Sẽ là lý tưởng nếu “Bộ tứ” (Quad) giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào một khuôn khổ mà “trên thực tế” (de facto) trở thành “Bộ Ngũ” (Quint), khi Việt Nam hội nhập vào bàn cờ hợp tác quốc phòng đang diễn ra. (makes it ideal for the “Quad” to include in its framework to the point of de-facto becoming the “Quint” if Vietnam is fully integrated into this developing military integrational platform). (Vietnam An Unofficial Ally of the US against China? Will Vietnam Turn the “Quad” Into the “Quint”? Andrew Korybko, Global Research, March 11, 2018).
Trong khi đó, Bắc Kinh tỏ ra lo ngại và bắt đầu phản ứng về “Tầm nhìn Indo-Pacific” và “Tứ cường” (Mỹ-Nhật-Ấn-Úc), đặc biệt là khai Ấn Độ đang điều chỉnh chiến lược Look East (hướng đông) thành Act East (hành động phía Đông). Thực ra, Ấn Độ có lý do chính đáng để thò mũi vào sân sau của Trung Quốc (tại Biển Đông), vì Trung Quốc đang thò mũi vào sân sau của Ấn Độ (tại Ấn Độ Dương). Thời báo Hoàn Cầu đặt câu hỏi “phải chăng Việt Nam đang tham gia nhóm Tứ Cường” hay Việt Nam là một “thành viên ảo” của nhóm “Tứ Cường” (is Vietnam a “shadow member” of the Quad?). Họ còn lớn tiếng cảnh báo Việt Nam, “Chiến lược Indo-Pacific đang được dùng làm đòn bẩy để chống Trung Quốc… Chống đối Trung Quốc không hay bằng hợp tác với Trung Quốc. Theo đuôi Mỹ chống Trung Quốc sẽ lợi bất cập hại” (Is Vietnam moving to join the Quad? Global Times editorial, March 20, 2018).
Quyết định của Việt Nam tạm dừng khoan hay hủy hợp đồng với Repsol về dự án Cá Rồng Đỏ cho thấy phán quyết của tòa trọng tài PCA về đường lưỡi bò của Trung Quốc tại Biển Đông là bất lực và ASEAN đàm phán về bộ quy tắc ứng xử (COC) là vô nghĩa. Trên thực tế ,Trung Quốc đang làm chủ Biển Đông như cái ao của họ. Việt Nam đang bị mắc kẹt trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” (catch 22). Nếu công khai sự thật và phản đối Trung Quốc thì dễ gây phản ứng khó lường từ dân chúng và phản ứng tiêu cực từ Trung Quốc. Nếu im lặng chịu thua Trung Quốc như “chuyện đã rồi” (fait accompli) thì sẽ tạo một tiền lệ nguy hiểm là trao tài nguyên dầu khí và chủ quyền Biển Đông cho Trung Quốc như “thế chấp tương lai” để đánh đổi lấy sự ổn định giả tạo. Nhưng dù Việt Nam có nhẫn nhục im lặng thì Trung Quốc vẫn ngang nhiên tập trận lớn tại Biển Đông với hơn 40 chiến hạm (gồm mẫu hạm Liêu Ninh), để thách thức Mỹ sau khi USS Carl Vinson đến thăm Đà Nẵng và tập trận tại Biển Đông.
Nếu dừng khoan dầu khí tại Bãi Tư Chính lần đầu (7/2017) tại lô 136-03 (Cá Kiếm Nâu), PVN phải bồi thường Repsol 36 triệu USD, thì dừng khoan lần hai (3/2018) tại lô 07-03 (Cá Rồng Đỏ), chắc PVN phải bổi thường cho Repsol 200 triệu USD. Nhưng tổn thất lớn hơn cả là Việt Nam đang mất dần chủ quyền và nguồn thu từ dầu khí đúng lúc ngân sách đang cạn kiệt. Có thể nói mỏ Cá Rồng Đỏ (lô 07-03) và mỏ Cá Voi Xanh (lô 118) là nguồn dầu khí tiềm năng cuối cùng để cứu vãn tình trạng ngân sách Việt Nam hiện nay (thu không đủ chi) trong khi những khoản nợ nước ngoài đang ập đến “như sóng thần Biển Đông”. Gần đây, Trung Quốc còn gây sức ép với Rosneft (của Nga) đang khoan tại mỏ Lan Đỏ (lô 06-1).
Sau khi Repsol và Việt Nam buộc phải dừng khoan tại lô 136-03 (Bãi Tư Chính) trước sức ép của Trung Quốc (dọa tấn công Trường Sa), ban lãnh đạo Hà Nội chắc đã rất thất vọng trước tham vọng của Trung Quốc “được đằng chân lân đằng đầu” nên đã quyết định cử Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch Lịch cấp tốc sang Mỹ (7/2017) để vận động Mỹ làm đối trọng răn đe Trung Quốc. Nhưng tại APEC Đà Nẵng (11/2017), chắc một lần nữa Hà Nội đã thất vọng khi ExxonMobil tuyên bố sẽ hoãn triển khai dự án Cá Voi Xanh tới năm 2019. Tại sao ExxonMobil phải hoãn lâu như vậy? Phải chăng do sức ép (trực tiếp hay gián tiếp) của Trung Quốc? Tuy Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã sang thăm Việt Nam (24-27/1/2018), và tàu sân bay USS Carl Vinson đã đến Đà Nẵng (5-9/3/2018) như để răn đe Trung Quốc, nhưng Trung Quốc vẫn tiến hành tập trận lớn tại Biển Đông (như để thách thức Mỹ).
Theo các chuyên gia của CSIS, Trung Quốc đang tăng cường bắt nạt các nước láng giềng tại Biển Đông, nên chính quyền Trump cần vận động quốc tế chống lại các hoạt động đó, để làm cho Bắc Kinh bị cô lập về ngoại giao. Vào tháng 5/2018, Bộ Quốc Phòng Mỹ đã có một quyết định đúng hướng là không mời hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RimPact 2018. Nhưng người ta không rõ liệu chính quyền Trump có theo đuổi một chiến lược nhất quán để phản ứng mạnh hơn tại Biển Đông hay không. Muốn phản ứng có hiệu quả, Mỹ phải có sáng kiến táo bạo, chấp nhận rủi ro, và cam kết bảo vệ quyền tự do đi lại trên biển không chỉ của mình, mà còn của các đối tác. Nếu không thì mục tiêu mà Mỹ tuyên bố sẽ thất bại. (Vanishing Borders in the South China Sea: The U.S. Must Do More to Stop China's Encroachments, Bonnie Glaser & Gregory Poling, Foreign Affairs, June 5, 2018).
Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây nhân dịp hội nghị GMS-6 (30/3-2/4/2018) về Hợp tác Tiểu vùng Mekong, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói thẳng thừng: “Hai bên không nên tiến hành các hoạt động đơn phương làm phức tạp tình hình và nên củng cố hợp tác hàng hải để xây dựng một môi trường lành mạnh nhằm đạt được một thỏa thuận chung cuộc về giải quyết tranh chấp trên biển”. Nói cách khác, Bắc Kinh khuyên Hà Nội nên hợp tác với Trung Quốc, chứ đừng nên hợp tác với Mỹ. Vì vậy, năm 2018 sẽ là năm bản lề với nhiều ẩn số làm Biển Đông càng thêm nóng bỏng. Triển vọng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và chiến tranh dầu khí tại Biển Đông có thể trở thành điểm bùng phát (tipping point).
Trong khi tăng cường quan hệ với các nước khác nói trên, Việt Nam luôn ý thức rằng Trung Quốc có thể gây khó dễ cho Việt Nam về kinh tế, vì Trung Quốc là nước láng giềng khổng lồ và là đối tác thương mại lớn nhất, chiếm gần 30% nhập khẩu và hơn 10% xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi cùng các nước thành viên khác thúc đẩy ký hiệp định CPTPP (hay còn gọi là TPP11) mà không có Mỹ, Việt Nam vẫn đang tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác “Tứ cường” tại “khu vực Indo-Pacific tự do và rộng mở”. Đó là cách đặt cược (hedging) cho trước mắt cũng như cho tương lai, hy vọng một ngày nào đó Mỹ sẽ quay lại TPP. Gần đây, 25 thượng nghị sỹ đảng Công Hòa đã lên tiếng kêu gọi Trump làm như vậy. Vấn đề chỉ là thời gian, vì TPP phù hợp với chiến lược mới (NDS) và Trump là người hay thay đổi.
Theo Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã yêu cầu các cố vấn kinh tế chủ chốt (như Larry Kudlow và Robert Lighthizer) xem xét việc gia nhập lại TPP “nếu hiệp định đó tốt cho Mỹ” (if it was a “good deal” for his country). Trước đó (2/2018) trong một cuộc họp báo với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, Tổng thống Trump đã nói về khả năng gia nhập lại TPP “Tôi sẽ đồng ý nếu Mỹ có thể đạt được một hiệp định tốt hơn (a substantially better deal). Diễn biến mới này có thể là “hệ quả không định trước” của triển vọng chiến tranh thương mại gia tăng với Trung Quốc làm thiệt hại cho các trại chủ Mỹ làm các nghị sỹ Cộng Hòa lo lắng. Họ cho rằng TPP là “cách duy nhất tốt” (the “single best way”) để đối phó với Trung Quốc. (Trump Proposes Rejoining Trans-Pacific Partnership, Ana, Swanson, NYT, April 12, 2018).
Phần 4: Bài học Triều Tiên
Sau hai cuộc gặp cấp cao đầy kịch tính là Kim-Moon summit (Panmuchom, April 27, 2018) và Trump-Kim summit (Singapore, June 12, 2018), người Triều Tiên đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử, có thể làm thay đổi vận mạng dân tộc và làm đảo lộn bàn cờ địa chính trị tại Đông Á. Trong bối cảnh đó, người Triều Tiên (cả Bắc và Nam) đang sung sướng và hy vọng, vì thoát khỏi bóng ma chiến tranh và đứng trước triển vọng hòa bình, thống nhất. Còn người Mỹ cũng đang thở phào vui vẻ, vì thoát khỏi cuộc khủng hoảng Triều Tiên, và đang cầm chịch cuộc chơi. Trong khi đó, người Nhật vừa mừng vừa lo, vì thoát khỏi đe dọa hạt nhân nhưng lại bị ám ảnh bởi triển vọng một nước Triều Tiên thống nhất hùng mạnh bên cạnh. Còn người Trung Quốc và Nga (Tập và Putin) vừa hậm hực vừa tiếc, vì bị gạt ra rìa cuộc chới và Trump cướp mất cái. Trong bàn cờ địa chính trị hiện nay, Trump và Moon là hai diễn viên chính (tuy bị giới hạn về thời gian và quyền lực), nhưng Kim Jong Un (và em gái Kim Jo Jong) mới là hai ngôi sao sáng “tuổi trẻ tài cao” (không bị giới hạn về thời gian và quyền lực).
Sắp tới, chưa biết câu chuyện Liên Triều (inter-Korean saga) sẽ đi về đâu trong tiến trình hòa bình và thống nhất, như “một quốc gia, hai chế độ” (hay một mô hình nào khác), nhưng chắc chắn “nhân tố Liên Triều” (in ter-Korean factor) đang trở thành trụ cột của giải pháp hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, có thể tác động tích cực tới bàn cờ Biển Đông. Đó là một nhân tố tối quan trọng để hòa giải dân tộc (có thể khác với kinh nghiệm Việt Nam). Không biết người Việt Nam đang nghĩ gì về “bài học Triều Tiên”? Tuy trước mắt con đường thống nhất Triều Tiên còn gập gềnh (với nhiều ẩn số) nhưng Bắc Triều Tiên đang dũng cảm thoát Trung và họ đã thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, trong khi Biển Đông vẫn còn mờ mịt, khi Việt Nam đang “đi giật lùi” (back-tracking) để trở lại con đường hầm cũ.
Triều Tiên và bước ngoặt lịch sử
Ngày 27/4/2018 đã đi vào lịch sử Triều Tiên khi lãnh đạo hai miền gặp nhau và ký Tuyên bố chung tại Bàn Môn Điếm, khẳng định phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên là mục tiêu chung của cả hai miền. Ông Kim Jong-un đã khẳng định với ông Moon Jae-in “Nếu chúng ta thường xuyên gặp nhau và xây dựng lòng tin với Hoa Kỳ, nếu kết thúc chiến tranh và cam kết không xâm lược lẫn nhau, thì tại sao chúng ta phải sống trong căng thẳng với vũ khí hạt nhân?”. Ông Kim còn cam kết “Tôi quyết sẽ không lặp lại lịch sử đau thương của Chiến tranh Triều Tiên… Tôi cam kết với ngài sẽ không bao giờ có chuyện dùng vũ lực…Cùng sống chung trên một quê hương, chúng ta không bao giờ nên để đổ máu lần nữa”. Ông Kim còn quyết định điều chỉnh lại múi giờ Bình Nhưỡng (sớm 30 phút) theo múi giờ Seoul.
Tuy Trump và Kim có thể khùng, nhưng chắc cả hai ông không muốn tự sát. Sớm hay muộn Washing ton và Bình Nhưỡng sẽ phải đàm phán trực tiếp, với vai trò trung gian của Seoul (thay vì Bắc Kinh). Có lẽ vì vậy Mà Tập Cận Bình và Kim Jong-un đã vội vã gặp bí mật tại Bắc Kinh (28/3/2018) như một cách ứng phó trước cuộc gặp cấp cao Liên Triều và Mỹ-Triều. Chắc cũng vì vậy mà Mike Pompeo đã bí mật đến Bình Nhưỡng gặp Kim Jong-un (1/4 và 8/5/2018) để chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao Trump-Kim (dự kiến vào ngày 12/6/2018 tại Singapore). Trong khi đó, thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã phải vội vã tới Mar-a-Lago để gặp tổng thống Trump (17/4/2018) nhằm giải tỏa những lo ngại mới về chính trị. Tuy Donald Trump có thể tuyên bố hủy (hay hoãn) cuộc gặp Trump-Kim vì những lý do nào đó, nhưng chắc chắn cả ba phía có quá nhiều lợi ích sống còn (vital stakes) để có thể bỏ qua cơ hội này.
Khi những ngộ nhận về Bắc Triều Tiên được giải mã, người ta sẽ hiểu đàm phán trực tiếp Mỹ-Triều là kết cục tất yếu của quá trình đi tìm giải pháp để tháo gỡ bế tắc hiện nay, sau khi các bên đã hạ chủ bài cuối cùng trước khi ngã giá (nếu không muốn “già néo đứt dây”). Những căng thẳng và nguy hiểm của mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên là hệ quả của trò chơi “bắt chẹt hạt nhân” (nuclear blackmail) hay “bên miệng hố chiến tranh” (brinkmanship) của Kim Jong-un. Đó là một ván cờ “nguy hiểm nhưng có tính toán” (a dangerously but calculated gambit). Những ai bị ám ảnh bởi cơn ác mộng Bắc Triều Tiên, khó hình dung một ngày nào đó Donald Trump (the mentally deranged dotard) sẽ gặp Kim Jong-un (the little rocket man).
Ngày 12/6/2018, như một định mệnh trớ trêu, ông Trump và ông Kim đã gặp nhau tại đảo Sentosa (Singapore) và đã ký một Tuyên bố Chung có nội dung như sau:
“Ngày 12/6 đi vào lịch sử với dấu mốc cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước Mỹ - Triều. Sự kiện được tổ chức ở Singapore, được cả thế giới dõi theo từng bước… Tin chắc rằng thiết lập mối quan hệ mới Mỹ - Triều sẽ đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên cũng như trên thế giới và thừa nhận rằng tin tưởng lẫn nhau sẽ thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã tuyên bố như sau: (1) Mỹ và Triều Tiên cam kết thiết lập các mối quan hệ mới phù hợp với mong muốn của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng. (2) Mỹ và Triều Tiên sẽ cùng nỗ lực xây dựng nền hòa bình ổn định và lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. (3) Tái khẳng định Tuyên bố Panmunjom, 27/4/2018, Triều Tiên cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. (4) Mỹ và Triều Tiên cam kết thu hồi hài cốt của tù nhân và quân nhân mất tích trong chiến tranh, bao gồm việc hồi hương ngay lập tức những người đã được xác định danh tính…
“Thừa nhận hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên trong lịch sử là sự kiện mở ra thời đại mới với nhiều ý nghĩa to lớn sau nhiều thập kỷ căng thẳng, thù địch giữa hai nước và để mở ra một tương lai mới, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un cam kết thực hiện đầy đủ và nhanh chóng những điều khoản trong tuyên bố chung. Mỹ và Triều Tiên cam kết tiếp tục tổ chức các cuộc đàm phán do Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dẫn đầu và quan chức cấp cao Triều Tiên có liên quan sớm nhất có thể để thực hiện những kết quả của hội nghị thượng đỉnh…”
Hầu hết các chuyên gia cho rằng nếu cuộc gặp giữa Donald Trump và Kim Jong-un mà thất bại, thì diễn biến sau đó rất khó lường. Tuy Bắc Kinh không muốn thấy cả hai miền Triều Tiên đều trở thành đồng minh hay bạn bè của Mỹ, nhưng chiến tranh Trung-Mỹ không nhất thiết phải xảy ra như là tất yếu (inevitable) vì Trung Quốc và Mỹ đều thực sự không muốn chiến tranh. Nhưng hai nước lớn đó có thể bị xô đẩy vào một cuộc chiến tranh vì một nước thứ ba (như Triều Tiên). Phải chăng vì vậy mà Graham Allison cho rằng để tránh chiến tranh, Trung Quốc và Mỹ cần xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới” (a new form of great-power relations) như Tập Cận Bình vẫn mong muốn như “công thức G-2”. (How Trump Could Stumble from a Trade War Into a Real War with China, Grham Allison, National Interest, April 20, 2018).
Muốn lý giải các biến số trong trò chơi quyền lực này, cần vận dụng “logic hạt nhân” và tư duy chiến lược “phi truyền thống” (unconventional). Theo chiến lược mới (NDS) Mỹ có thể cần một đồng minh hạt nhân bên cạnh Trung Quốc để răn đe. Nhưng nếu Trump và Kim chưa hiểu hết ý đồ chiến lược của nhau, cuộc gặp Trump-Kim có thể bế tắc, hoặc phải trải qua một trò chơi cân não để thử gân nhau (kiểu “on again and off again”) như Trump nói “mọi người đều chơi cờ” (everyone plays game). Tuy mục tiêu “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên (denuclearization) để đánh đổi lấy cam kết an ninh và viện trợ kinh tế, không dễ như “một bữa tiệc”, nhưng Moon Jae-in và Kim Jong-un đang có cơ hội hiếm có để tạo ra một bước ngoăt lịch sử cho bán đảo Triều Tiên, nếu họ làm chủ cuộc chơi bằng xây dựng lòng tin cho một “giải pháp Liên Triều” để giảm thiểu sự phụ thuộc quá nhiều vào vai trò Mỹ hay Trung Quốc.
Trong khi Moon Jae-in có thể nắm chìa khóa cuộc chơi, và có vai trò trung gian để dàn xếp đối thoại Mỹ-Triều (như “deal maker”), Tập Cận Bình chắc không muốn bị mất vai trò nên có thể phá đám (như “deal breaker”) nếu bị Mỹ và Hàn Quốc gạt ra rìa. Ngoài ra, rủi ro có thể làm trật bánh đoàn tầu hòa bình không phải chỉ do tính khí thất thường của Trump (muốn “hòa bình trên thế mạnh”) mà còn do thái độ cứng rắn của mấy cố vấn chủ chốt phái diều hâu (như John Bolton và Mike Pompeo) vẫn muốn áp dụng “mô hình Libya”, làm Kim Jong-un lo ngại. Có lẽ vì vậy mà Kim Jong-un (cùng em gái Kim Yo Jong) phải bí mật bay đến Đại Liên (7-8/5/2018) để “tham khảo” Tập Cận Bình (cùng với Vương Hỗ Ninh và Vương Nghị).
Tuy Bình Nhưỡng chỉ trích John Bolton và Mike Pence về mô hình Libya, nhưng họ vẫn để ngỏ cửa đối thoại với Washington “bất kể theo cách nào và bất cứ lúc nào”. Các quan chức Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc đang ráo riết chuẩn bị cho cuộc gặp Trum-Kim (vẫn dự kiến ngày 12/6 tại Singapore). Qua twitter, Trump cho biết Kim Yong Chol (phó chủ tịch Triều Tiên, nhân vật số hai) đã đến New York (29/5) để làm việc với Mike Pomeo. Tuy mục tiêu “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên vẫn phụ thuộc nhiều vào hai nước lớn là Mỹ và Trung Quốc, nhưng hai miền Triều Tiên đang có cơ hội hiếm có và vai trò đặc biệt trong tiến trình hòa bình này. Có lẽ vì vậy mà Moon Jae-in muốn có một cuộc họp thượng đỉnh tay ba Trum-Kim-Moon (thay vì Trump-Kim), để phát huy kết quả cuộc gặp Liên Triều (Kim-Moon) và hạn chế rủi ro cuộc gặp Mỹ-Triều (Trump-Kim). Theo Yonhap News và The Straits Times, Moon Jae-in đã đưa ra ý tưởng này với Kim Jong-un khi họ gặp nhau tại Bàn Môn Điếm (27/4/2018). Tuy chưa có cơ sở để khẳng định một cuộc gặp tay ba, nhưng đó là một sáng kiến hay.
Vấn đề là cuối cùng Mỹ có thể chấp nhận Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân hay không, và làm thế nào để đảm bảo rằng cả hai miền Triều Tiên đều là đồng minh của Mỹ, dù chưa biết hai miền có thỏa thuận để thống nhất đất nước hay không. Dù sao, chìa khóa để giải mã các ẩn số và thúc đẩy quá trình hòa bình đầy phức tạp này, dường như đang nằm trong tay ông Moon Jae-in. Nói như vậy không có nghĩa Trung Quốc dễ dàng cam chịu bị gạt ra ngoài lề. Nhưng có nhiều dấu hiệu Kim Jong-un muốn Bắc Triều Tiên “thoát Trung” và xích lại gần Mỹ, nên sẵn sàng đánh đổi lá bài “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” lấy đảm bảo an ninh và lợi ích kinh tế. Vì vậy, Kim Jong-un đã tuyên bố (21/4/2018) sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân trước khi có cuộc gặp cấp cao Liên Triều và Mỹ-Triều, trong khi Moon Jae-in muốn giúp Bình Nhưỡng thoát dần khỏi ảnh hưởng của Bắc Kinh. Nếu ông Kim và ông Moon thực hiện được điều này, không những vận mệnh của hai miền Triều Tiên và bàn cờ địa chính trị tại khu vực Đông Bắc Á có cơ hội thay đổi lớn, mà còn có thể tác động tới cả khu vực Đông Nam Á.
Những biến chuyển lịch sử tại bán đảo Triều Tiên đang hóa giải dần lo ngại của Việt Nam (và ASEAN) là Mỹ có thể bỏ rơi họ hay đánh đổi lợi ích lâu dài tại Biển Đông lấy lợi ích trước mắt tại Triều Tiên, nếu khủng hoảng hạt nhân tiếp tục. Vì vây, nếu tháo được ngòi quả bom nổ chậm Triều Tiên, thì có hy vọng hóa giải được thùng thuốc súng tại Biển Đông, vì an ninh của hai khu vực này liên quan đến nhau, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang triển khai chiến lược mới (NDS) tại khu vực Indo-Pacific. Một khi vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc có nguy cơ suy giảm tại bàn cờ Triều Tiên, nó có thể đem lại cơ hội mới (cũng như thách thức mới) cho bàn cờ Biển Đông. Xét cho cùng, bàn cờ địa chính trị tại Biển Đông có thể còn quan trọng hơn cả bàn cờ Triều Tiên, nhất là đối với tranh chấp lợi ích chiến lược Trung-Mỹ.
Có một nghịch lý là Bắc Triều Tiên thử tên lửa và hạt nhân đã vô tình giúp Mỹ có một cái cớ rất tốt để triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn THAAD tại Hàn Quốc (và Nhật Bản), nhằm tăng cường sức mạnh răn đe chống Trung Quốc (và Nga). Muốn hay không Bình Nhưỡng đã vô hình trung ngầm giúp Washington trong bàn cờ chiến lược Trung-Mỹ. Phải chăng Bắc Triều Tiên phát triển tên lửa và hạt nhân không hẳn là để gây chiến với Mỹ, mà chủ yếu nhằm có được vị thế cường quốc hạt nhân để có thể tìm cách đối thoại với Mỹ. Nay Kim Jong- un đang chơi cả hai lá bài nước lớn là Trung Quốc và Mỹ, biến “Hoàng đế” Tập Cận Bình thành một lá bài trong tay mình, nên đây là một trò chơi nguy hiểm. Nếu cuộc gặp cấp cao Trump-Kim thành công thì Bình Nhưỡng có thể thoát khỏi lệ thuộc vàò Bắc Kinh. Nhưng nếu cuộc gặp thất bại thì Bình Nhưỡng sẽ đối mặt với nguy cơ bị cả Trung Quốc và Mỹ trừng phạt.
Theo Foreign Affairs, trong cuộc gặp tại Singapore, Kim đã khôn ngoan hơn Trump (outwitted). Tuy Trump làm nên lịch sử là đã vui vẻ bắt tay kẻ thù, nhưng chưa biết đó là một bước “đột phá lịch sử” (historical breakthrough) hay là môt “sai lầm lịch sử” (historical blunder). Trong khi Kim thành công, đạt được hết các mục tiêu mong muốn, thì Trump chỉ nhận được lời hứa mơ hồ là “sẽ tiến đến hoàn toàn phi hạt nhân hóa”. Nếu tình bạn (bromance) Trump-Kim không thành, thì Washington cũng khó làm gì được Bình Nhưỡng, sau chiến dịch lấy lòng thiên hạ có hiệu quả (effective charm offensive). Hiện nay, Kim được lòng người Hàn Quốc còn hơn cả Trump. Thậm chí người ta không biết Kim hay Trump muốn rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc. Trump bằng cách “úm” (blindsiding) Trung Quốc, Nhật, Nga khi quyết định gặp Kim Jong-un, đã tạo ra một cuộc chạy đua lấy lòng Bình Nhưỡng, làm cho Kim từ một người lâu nay bị thế giới “ruồng bỏ” (outcast) nay bỗng trở thành một người được thế giới trọng vọng. (A Historic Breakthrough or a Historic Blunder in Singapore? Daniel Russel, Foreign Affairs, June 12, 2018). Foreign Policy cũng có nhận xét tương tự “Trong khi Kim đạt được 4 mục tiêu của mình, Trump chỉ nhận được một lời hứa mơ hồ. Cuộc gặp cấp cao Mỹ-Triều tại Singapore (12/6/2018) và cuộc họp G-7 tại Quebec (8-9/6/2018) đã chứng tỏ sự thiếu nhất quán về chiến lược đến kinh ngạc và sự trống rỗng về đạo lý đến dễ sợ của chính quyền Trump”. (Kim Got What He Wanted in Singapore, Trump Didn’t, William Tobey, Foreign Policy, June 13, 2018).
Phần 5: Việt Nam đang ở đâu
Trong khi tình hình bán đảo Triều Tiên đang sáng lên, với triển vọng hòa bình và hòa giải, Biển Đông vẫn mờ mịt, khi Việt Nam thông qua dự luật “an ninh mạng” và “đặc khu kinh tế”, làm dư luận bất bình phản đối “khủng khiếp” (lời Thủ tướng) như vụ dàn khoan HD 981 (5/2014). Có thể nói hai dự luật đó là hệ quả của sự kết hợp (cố ý) giữa nhận thức mơ hồ và ngộ nhận (do quan trí thấp) với sự đánh tráo khái niệm (bị thao túng bởi các nhóm lợi ích), giữa nhóm lợi ích trong và ngoài nước (có động cơ trục lợi) với thế lực ngoại bang (muốn thôn tính Việt Nam). Chỉ có lý giải như vậy mới hiểu được tại sao người ta lại ghép ba vị trí chiến lược xung yếu đó (Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc) vào một văn bản pháp luật, để tìm cách thông qua Quốc Hội, như “dắt voi qua rào” (như “ba con ngựa thành Troy”) hay ba quá bom nổ chậm tại ba huyệt đạo xung yếu của ba miền. Tuy người ta có thể thỏa hiệp về thời hạn thuê đất (dưới 99 năm) và hoãn binh chứ không bỏ cuộc, và chắc không thỏa hiệp bỏ ba vị trí đắc địa đó, để đổi lấy các vị trí hợp lý hơn như khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) và Quang Trung (Sài Gòn) để phát triển “công nghệ 4.0”, như chính phủ kiến tạo vẫn “chém gió”. Trong bối cảnh đó, muốn tránh tai họa quốc gia, phải tìm đồng thuận quốc gia bằng trưng cầu ý dân.
Nghịch lý chống tham nhũng
Trong khi ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình chống tham nhũng triệt để (với khẩu hiệu “đả hổ diệt ruồi”) thì ở Việt Nam trong gần một năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng bắt đầu chống tham nhũng quyết liệt hơn với câu nói nay đã thành nổi tiếng là “lò đã cháy lên rồi thì củi khô hay củi tươi cho vào cũng cháy hết”. Có lẽ vì vậy mà báo chí đã gọi ông Nguyễn Phú Trọng là “người đốt lò vĩ đại”. Trong khi ở Trung Quốc ông Tập Cận Bình bắt hổ Bạc Hy Lai (và gần đây là bắt Tôn Chính Tài) thỉ ở Việt Nam ông Nguyễn Phú Trọng cũng bắt hổ Đinh La Thăng. Trong khi ông Tập Cận Bình có ông Vương Kỳ Sơn là cánh tay phải, thì nay ông Nguyễn Phú Trọng cũng có ông Trần Quốc Vượng là cánh tay phải (tuy ông Vượng khác ông Vương). Nay chống tham nhũng trước mắt được lòng dân và củng cố được quyền lực, nhưng muốn có hiệu quả lâu dài, phải cải tổ thể chế toàn diện mới kiểm soát được quyền lực.
Vừa qua, cuộc chiến chống tham nhũng đã chĩa mũi nhọn vào PVN (như một đại án). Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh cùng đồng sự đã biến thành củi tươi bị ném vào lò từ trước Tết, nhưng vẫn chưa phải hồi kết, mà để sau Tết sẽ xử tiếp (cho có “tính nhân văn”). Tuy nhiên, một hệ quả là PVN gần như bị tê liệt, trong khi Việt Nam phải khai thác tiếp dầu khí để bổ xung cho ngân sách đang bị thiếu hụt trầm trọng, thậm chí có nguy cơ “sụp đổ tài khóa quốc gia” (lời thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc). Đồng thời, hệ quả của vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin đã dẫn đến khủng hoảng trong quan hệ Viêt-Đức, làm tổn thương triển vọng ký hiệp định tự do thương mại EVFTA (được cho là quan trọng chỉ sau TPP). Dù Việt Nam rất muốn tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với các nước EU (cũng như với các nước “Quad”), nhưng vụ Trịnh Xuân Thanh và vấn đề nhân quyền vẫn là một rào cản hiện nay.
Cách hành xử của Việt Nam trong vụ Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ điển hình về “tính chuyên nghiệp ấu trĩ” (naïve professionalism) của hệ tư tưởng 1.0 vẫn tồn tại song song và bất cập với “ảo tưởng duy ý chí” (wishful delusion) của tư duy cải cách 2.0 đang làm cho hệ thống vận hành đất nước bị phân liệt (dysfunational) và tiếp tục tụt hậu. Điều đó có thể lý giải (một phần) mô hình “không chịu phát triển” của Việt Nam. Thực ra, sự ngu dốt nhưng khiêm tốn không nguy hiểm bằng sự “ngộ nhận cực đoan” (extreme misperception) nhưng ngạo mạn, đã dẫn đến sự “chắp vá sáng tạo” (creative tinkering) như nghề “hàn song hàn nồi” dưới thời bao cấp, mà nay được tái hiện bằng cách lai ghép kinh tế thị trường với “định hướng XHCN”. Tuy Việt Nam không thiếu nhân tài, nhưng đáng tiếc là thực dân Pháp đã ngu xuẩn tiêu diệt mất những người trí thức “man di hiện đại” (như Nguyễn Văn Vĩnh) và nhà tư tưởng cách mạng ôn hòa “Tây Hồ” (Phan Châu Trinh). Và đáng buồn là sau đó các nhà cách mạng cực đoan và ấu trĩ đã ngu xuẩn tiêu diệt nốt hình ảnh và nội dungi mà các vị ấy để lại cho hậu thế. Cách đây gần một thế kỷ, nhà thơ Tản Đà đã đề cập đến sự ấu trĩ định mệnh (fateful naivete) trong mấy vần thơ “sấm truyền”: Dân hai lăm triệu ai người lớn. Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con.
Để chống tham nhũng và củng cố quyền lực, TBT Nguyễn Phú Trọng đã quyết định tham gia Đảng ủy Công An Trung ương (tạo ra một tiền lệ mới), với mục đích được hiểu ngầm là để cải tổ bộ máy của Bộ Công An từ lâu đã chịu nhiều ảnh hưởng của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Vụ bắt “Vũ Nhôm” là một đòn cân não nhắm vào Tổng cục 5, và vụ bắt tướng Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng C50) liên quan đến đường dây đánh bạc trực tuyến là một đòn mạnh nhắm vào Tổng cục Cảnh sát. Việc cải tổ PVN và Bộ Công An là rất cần thiết vì một số cá nhân và đơn vị đã “tự diễn biến” và tham nhũng, nhưng cái giá phải trả là an ninh năng lượng và an ninh quốc gia có thể bị ảnh hưởng lớn nếu phương án cải tổ không đủ nhanh và đủ hiệu quả. Đó là nghịch lý chống tham nhũng. Một khi quyền lực không được kiểm soát thì các nhóm lợi ích sẽ thao túng thể chế để trục lợi. Muốn kiểm soát được tham nhũng phải kiểm soát được quyền lực, và muốn kiểm soát được quyền lực phải cải tổ thể chế đồng bộ.
Vụ Mobilefone mua AVG là một vụ đại án đã được điều tra từ lâu làm dư luận xôn xao, nhưng nay mới được lôi ra xử lý công khai và rốt ráo. Vụ án này trở nên đầy kịch tính khi Bộ chủ quản TT-TT đã có những phản ứng quyết liệt một cách vụng về như lậy ông tôi ở bụi này khi bộ gửi công văn phản bác lại kết quả điều tra của Thanh tra Chính phủ (nay được Ban Bí thư chỉ đạo). Sau khi đạo diễn cho Mobifone và AVG hủy hợp đồng giao dịch mà dư luận gọi là “nuốt không trôi phải nhè ra” hay “hủy hôn để chạy tang”, và nộp lại tài sản tham nhũng để “khắc phục hậu quả” dù “muộn còn hơn không”, họ hy vọng được giảm nhẹ tội mà ông Nguyễn Phú Trọng đã kết luận: “Đây là vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm…”.
Nhưng vấn đề dư luận quan tâm nhất hiện nay là đề án cải tổ Bộ Công an (“đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”), dự kiến triển khai trước TW7 (từ 7/5/2018), để chốt kế hoạch sắp xếp lại tổ chức và nhân sự của Bộ Công an, theo đó 6 tổng cục sẽ bị bãi bỏ và 2 bộ tư lệnh sẽ bị hạ cấp, trong khi nhiều nhân sự cao cấp của bộ Công An chắc sẽ bị “thay máu”. Sau khi bắt “Vũ Nhôm” và xử lý vụ Mobifone mua AVG, một loạt tướng tá công an đã bị bắt “cho vào lò”, như thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng cục C50), trung tướng Phan Văn Vĩnh (cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và trung tướng Phan Hữu Tuấn (cựu tổng cục phó Tổng cục Tình báo). Chắc vụ án với đầu mối “Vũ Nhôm” vẫn chưa dừng lại. Có thể nói lần đầu tiên đặc quyền “bất khả xâm phạm” của Bộ Công An (và Tổng cục 5) đang bị thất thế so với Bộ Quốc phòng (và Tổng cục 2).
Theo Lê Hồng Hiệp, có ba lý do chính để Bộ Công An phải thực hiện đề án cải tổ bộ máy theo chủ trương của BCT (2/4/2018) nhằm sửa đổi nghị định 106 (2014) bãi bỏ 6 tổng cục và giảm 126 cục xuống còn 60 cục, tác động tới 300-400 sỹ quan cao cấp. Thứ nhất, động lực chính cho quá trình cải tổ này là do áp lực từ tình trạng thiếu hụt ngân sách kéo dài của Việt Nam. Thứ hai, điều đó nhằm tái lập sự kiểm soát của Đảng đối với Bộ Công An và các quan chức cấp cao được coi là thân cận với ông Nguyễn Tấn Dũng. Thứ ba, đó là biện pháp kịp thời nhằm làm trong sạch hóa lực lượng công an để tiếp tục chống tham nhũng. (Điều gì thúc đẩy Việt Nam tái cấu trúc Bộ Công an?, Lê Hồng Hiệp, Nghiên Cứu Quốc Tế, 6/4/2018).
Đó là mấy vụ đại án đang được xử lý rốt ráo trước hội nghị TW7. Nhiều củi gộc đã bị ném vào lò như Đinh La Thăng và các cộng sự trong vụ PVN; Nguyễn Thanh Hóa và Phan Văn Vĩnh trong vụ đánh bạc trực tuyến (liên quan đến C50 và tổng cục cảnh sát); Trương Minh Tuấn và cộng sự trong vụ MobiFone mua AVG; Trong khi đó, vụ “Vũ Nhôm” và “Út Trọc” được sử dụng như những “quả bom nổ chậm” nhằm vào các mục tiêu khác. Bắt trung tướng Phan Hữu Tuấn (và một số tướng tá khác) là nhằm dẫn đến thay đổi nhân sự cấp cao. Tuy chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt của TBT Nguyễn Phú Trọng được lòng dân, nhưng dư luận vẫn lo ngại không biết nó có bị dập khuân theo bài bản của Bắc Kinh hay không.
Như một quy luật, những gì diễn ra tại Việt Nam hầu như lặp lại những gì diễn ra tại Trung Quốc. Điều đó không chỉ do văn hóa của hai nước có chung nguồn gốc, mà còn do ý thức hệ và thể chế chính trị của hai nước khá giống nhau. Trong khi Trung Quốc chống tham nhũng triệt để, Việt Nam cũng chống tham nhũng quyết liệt hơn, làm hiện tượng quan tham tự sát tăng lên. Những đại án đã xét xử và những đại án khác còn đang treo làm nhiều quan tham lo sợ, tuy vẫn chưa động đến mấy con hổ lớn. Chống tham nhũng tại Viêt Nam đầy nghịch lý và thiếu triệt để, nếu không cải tổ thể chế chính trị để kiểm soát được quyền lực.
Tuy người Việt vốn nổi tiếng vì tinh thần dân tộc chống ngoại xâm trong suốt chiều dài lịch sử, nhưng tâm lý “thoát Trung” đang bị kiềm tỏa bởi cái vòng kim cô của não trạng Thành Đô. Trong khi nhiều người cho đó là hệ quả của dân trí thấp, nhiều người khác lại cho đó là hệ quả của Hội chứng Stokholm, do người ta phải chấp nhận chung sống quá lâu với hệ tư tưởng giáo điều và với tâm lý nhược tiểu. Trong khi Trung Quốc triển khai Tam chủng Chiến pháp (chiến tranh tâm lý, pháp lý, truyền thông) thì Việt Nam chưa có đối sách tương tự. Công tác truyền thông và an ninh mạng ngày càng yếu kém vì được giao cho những kẻ chỉ quen đục nước béo cò. Trong khi bộ trưởng Thông Tin lo đạo diễn cho MobiFone mua AVG (để trục lợi), thì cục trưởng C50 bận bảo kê cho đường dây đánh bạc online (để ăn chia).
Sau vụ tai tiếng về Kong: Đảo Đầu lâu (của Wanda Group) là vụ tai tiếng Điệp vụ Biển Đỏ (của Bona Group) gây bức xúc trong dư luận. Gần đây, khi vụ 14 du khách Trung Quốc công khai mặc đồng phục in hình đưởng lưỡi bò tại sân bay Cam Ranh làm dư luận bất bình, thì ông Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch hồn nhiên phán rằng phải xử lý khéo “không để ảnh hưởng đến đại cục”. Nếu xem xét các vụ việc nói trên trong bối cảnh Trung Quốc đang triển khai Tam chủng Chiến pháp tại Biển Đông, thì không thể biện minh được cho thái độ ứng xử vô minh và vô cảm của các quan chức nghành văn hóa và du lịch Việt Nam. Trong khi họ dễ dàng (hay cố ý) để lọt Điệp vụ Biển Đỏ, thì nhiều năm qua họ lại khắt khe cấm chiếu bộ phim tài liệu Hoàng Sa Việt Nam - Nỗi đau Mất mát của Hồ Cương Quyết (Andre Menras) và cấm xuất bản cuốn sách Vòng tròn Bất tử do tướng Lê Mã Lương chủ biên (nói về trận Gac-Ma). Tuy chưa vội kết luận động cơ thực sự của họ là gì, nhưng phải chăng họ đã vô tình tiếp tay cho Tam chủng Chiến pháp của Trung Quốc, chứ không phải vì lợi ích quốc gia của Việt Nam.
Tuy Trung Quốc đầu tư lớn cho quyền lực mềm để triển khai Tam chủng Chiến pháp (Three Warfare Doctrine) và các chiến dịch truyền thông Charm Offensive, nhưng các sản phẩm tuyên truyền của họ vẫn còn thô thiển (crude). Bộ phim Chiến binh Sói 2 và Điệp vụ Biển Đỏ là một ví dụ điển hình. Không ngạc nhiên nếu kinh phí làm hai bộ phim này là từ nguồn Quân đội Trung Quốc (PLA), và đơn vị sản xuất Điệp vụ Biển Đỏ chính là công ty phát hành phim Beijing Polybona (đã tham gia sản xuất Chiến binh Sói 2). Beijing Polybona là một công ty con thuộc tập đoàn China Poly, một tập đoàn nhà nước kinh doanh đa ngành từng được tạp chí Hollywood Reporter của Mỹ gọi là “đơn vị kinh doanh của quân đội Trung Quốc” (a business wing of the People’s Liberation Army). Tập đoàn này được biết đến với vai trò nổi bật là đại diện thương mại cho ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của Trung Quốc.
Việc Chính phủ hay Quân đội Trung Quốc chống lưng và đầu tư kinh phí cho giới điện ảnh làm phim tuyên truyền không phải là chuyện mới lạ tại Trung Quốc. Điều đáng nói là đa số người dân Trung Quốc (nhất là giới trẻ) thích xem phim ảnh và muốn nhìn thấy sức mạnh cứng của Trung Quốc được phô diễn trên trường quốc tế vì lòng tự hào dân tộc mù quáng. Lâu dần, người dân sẽ tin vào tuyên truyền của Chính phủ Trung quốc về “chủ quyền không thể chối cãi” của họ tại Biển Đông. Nhưng điều đáng trách nhất là các cơ quan chức năng Việt Nam đã hồn nhiên cho phép các phim này được chiếu tại Việt Nam “đúng quy trình”.
Một sự kiện khác đang làm dư luận quan tâm là Bắc Kinh và Hà Nội đang triển khai thành lập hệ thống “Hai quốc gia, một trạm kiểm soát cửa khẩu”, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động từ tháng 5/2018. Trạm kiểm soát đầu tiên dự kiến đặt ở Phòng Thành Cảng (Fanchenggang), được thiết lập trên cầu Dongxing-Móng Cái, sẽ kết nối với thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh). Trạm thứ hai dự kiến sẽ đặt tại Cầu Hữu nghị (cửa khẩu Pingxiang), để kết nối với thị trấn Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn). Ý tưởng này được hoan nghênh như “một bước tích cực để hội nhập quốc tế” trong bối cảnh hai nước đang tranh chấp chủ quyền và Trung Quốc đang có tham vọng bành trướng bá quyền tại Biển Đông. Khái niệm “Hai quốc gia, một khu vực thương mại” (theo mô hình hợp tác kinh tế qua biên giới) và “Hai quốc gia, một trạm kiểm soát cửa khẩu” (theo thuyết “biên giới mềm”) tiềm ẩn nguy cơ làm Việt Nam mất chủ quyền.
Theo các chuyên gia trong nước và ngoài nước, dự án này “lợi bất cập hại”, vì Trung Quốc (là nước lớn) nên dễ bắt nạt Việt Nam (là nước nhỏ) bằng chiến lược “tằm ăn dâu” để lấn chiếm dần và áp đặt chủ quyền nước lớn. Dự án này tạo điều kiện dễ dàng cho người Trung Quốc vào Việt Nam hơn là người Việt Nam vào Trung Quốc. Ví dụ, tại thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) cách đây mấy chục năm chỉ có vài chục người Trung Quốc (đi du lịch rồi ở lại), nhưng nay có khoảng 40,000 người Trung Quốc làm ăn chui trong một thành phố chỉ có khoảng 100,000 dân. Tại nhiều thành phố khác (như Nha Trang và Đà Nẵng) số người Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng. Theo bà Phạm Chi Lan, những người làm việc trong các cơ quan chính quyền tại hai thành phố này đã thừa nhận nhiều dãy phố lớn ở đây đã rơi vào tay người Trung Quốc. Điều đó tiềm ẩn nguy cơ cho an ninh kinh tế và an ninh quốc phòng. Nhưng một số chuyên gia khác (như Lê Hồng Hiệp) lại tỏ ra lạc quan là Việt Nam và Trung Quốc có thể hợp tác, coi dự án này như một cách “để hai nước có thể làm việc với nhau nhằm phục vụ các lợi ích chung” và “vượt lên trên cuộc tranh chấp ở Biển Đông để hướng tới phía trước”. (Việt Nam - Trung Quốc: Hai Quốc gia Một trạm Kiểm soát Cửa khẩu, VOA, Febuary 6, 2018).
Đổi mới thể chế hay là chết
Trong khi Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ thì Việt Nam suy yếu, tụt hậu so với các nước láng giềng. Sự phát triển “bất cân xứng” (asymmetric) tiềm ẩn nguy cơ phụ thuộc (và “Bắc thuộc”). Đến nay, chuyển đổi cơ cấu kinh tế vẫn ỳ ạch, công nghiệp hóa vẫn chậm, thương mại với Trung Quốc vẫn nhập siêu lớn, nợ công vẫn cao, ngân sách vẫn thâm hụt (thu không đủ chi), nguy cơ “sụp đổ tài khóa”. Năm 2017, Việt Nam tuy đạt các chỉ tiêu kinh tế cơ bản, nhưng vẫn chưa triển khai cải cách thể chế (như khuyến nghị của “Báo cáo Việt Nam 2035”). Nếu không cải tổ thể chế thì không tạo ra được động lực mới để phát triển tiếp.
Hãy so sánh tình trạng bất cân xứng giữa Trung Quốc và Việt Nam tại Biển Đông. Tháng 5/2016, Reuters công bố một phóng sự điều tra, nói rõ chính quyền Hải Nam đang huấn luyện quân sự cho ngư dân Trung Quốc, trang bị vũ khí cho họ và biên chế các tàu đánh cá thành các đơn vị dân quân. Chính quyền Hải Nam nói với Reuters rằng khoảng 50.000 tàu đánh cá đã được trang bị hệ thống liên lạc với lực lượng tuần duyên, được cấp xăng dầu và nước đá để đánh bắt xa bờ, đồng thời tham gia “bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông”. Chủ một số công ty đánh cá xác nhận với Reuters rằng họ được nhà nước tài trợ để thay tàu đánh cá vỏ gỗ bằng tàu đánh cá vỏ thép. Lực lượng dân quân biển Trung Quốc đang phát triển mạnh, vì “ngư dân Trung Quốc quyết tâm bảo vệ lãnh hải và lợi ích quốc gia”.
Còn Việt Nam có 3.500 cây số bờ biển, hơn một triệu ngư dân và chừng 28.000 tàu đánh cá chuyên đánh bắt xa bờ. Năm 1997, chính phủ Việt Nam đã triển khai chương trình “hỗ trợ đánh bắt xa bờ”, nhưng 10 năm sau chương trình này đã ngốn hết 1.400 tỉ VNĐ, và Thanh tra Chính phủ xác nhận “95% kinh phí đã bị tham nhũng”. Trước năm 2000, Việt Nam cũng triển khai chương trình “lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh cho tàu đánh cá”, thí điểm với 2.000 tàu, nhưng hàng loạt thuyền trưởng đã kiên quyết đòi trả lại thiết bị vì chất lượng quá tồi và quá nhiều ràng buộc. Theo Nghị định 67 (2014), Chính phủ Việt Nam đã bỏ ra một gói cứu trợ 14.000 tỉ VNĐ để hỗ trợ ngư dân bám biển bằng cách chuyển đổi tàu đánh cá vỏ gỗ thành tàu vỏ thép, nhưng cũng phá sản. Đa số tàu đánh cá vỏ thép đều không thể ra khơi vì từ vỏ tàu tới máy móc và thiết bị đều trục trặc ngay trong chuyến ra khơi đầu tiên. Thượng tướng Lê Chiêm phát biểu tại Quốc Hội (3/5/2018) đã chất vấn, “Lỗi và trách nhiệm thuộc về ai?”
Điều 62 trong Luật Đất đai hiện hành cho phép chính quyền địa phương thu hồi đất của dân để giao cho doanh nghiệp làm dự án là một lỗ hổng về chính sách, có thể bị các nhóm lợi ích thao túng. Gần đây, dư luận cả nước đã bức xúc phản ứng chính quyền Quảng Ngãi định di dời đồn Biên phòng Bình Hải để giao đất cho tập đoàn FLC làm dự án “quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị Bình Châu-Lý Sơn”. Không phải chỉ có Quảng Ngãi mà trước đó Đà Nẵng cũng đã di dời đồn biên phòng để lấy đất giao cho dự án tư nhân. Thượng tướng Võ Tiến Trung (nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng) khẳng định, “việc bố trí đồn biên phòng ở đâu đã được nghiên cứu rất kỹ. Bởi lẽ đồn nằm trong thế trận phòng ngự, bảo vệ địa phương” (Zing, 22/4). Nếu chính quyền tỉnh Quảng Trị định giao cho tập đoàn FLC 1000 ha tại khu vực cửa biển Cửa Việt để làm resort, sân golf và sân bay, thì sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn về an ninh quốc gia, vì FLC có thể chuyển nhượng dự án đó cho nhà đầu tư nước ngoài (như Trung Quốc).
Dường như người ta đã quên mất bài học về “đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng” và dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, cũng như các đặc khu kinh tế khác như Chu Lai (Quảng Nam, 2003), Dung Quất (Quảng Ngãi, 2005), Nhơn Hội (Bình Định, 2005), Chân Mây (Thừa Thiên, 2006), Vân Phong (Khánh Hòa, 2006), Phú Yên (Phú Yên, 2008). Nay Quốc Hội lại sắp thông qua dự luật “Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” (gọi tắt là “Luật Đặc khu”). Dự kiến đến năm 2030, kinh phí đầu tư cho ba đặc khu đầu tiên của Việt Nam là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) là 1.570.000 tỉ VNĐ (riêng Vân Đồn là 270.000 tỉ, Bắc Vân Phong là 400.000 tỉ, Phú Quốc là 900.000). Không biết ngân sách nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam lấy đâu ra số tiền đó để đầu tư (nếu không từ phương bắc). Nếu Việt Nam không cải tổ thể chế để kiểm soát quyền lực và tham nhũng, thì chủ trương lớn về “Đặc khu Kinh tế” (special economic zones) chắc chắn “lợi bất cập hại”.
Trong bối cảnh lợi ích kinh tế và chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông đang bị Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng, việc mở cửa ba đặc khu kinh tế tại các địa điểm hiểm yếu đó vào lúc này không thể biện minh, cả về lý do phát triển kinh tế lẫn lý do an ninh quốc gia. Với năng lực quản trị yếu kém nhưng năng lực tham nhũng vượt trội, các khu vực đó sẽ trở thành các “đặc khu tham nhũng” của các nhóm lợi ích “tư bản đỏ” không bị kiểm soát, và các “lồng ấp đặc biệt” cho “tư bản thân hữu”. Nếu trước đây hầu hết các dự án lớn tại Việt Nam đều rơi vào tay các tập đoàn Trung Quốc, thì không có lý gì các đặc khu kinh tế lại không rơi vào tay họ và biến thành các “tô giới của Trung Quốc”. Các tập đoàn “tư bản thân hữu” Trung Quốc được nhà nước chống lưng có thừa nguồn vốn và động cơ để thôn tính các đặc khu này như một cuộc “xâm lược mềm”, không cần đánh vẫn thắng (như binh pháp Tôn Tử hay “Cờ Vây”). Những vị trí hiểm yếu trên đất liền mà Trung Quốc không chiếm được bằng vũ lực (như họ đã từng chiếm Hoàng Sa và Trường Sa) thì họ hy vọng sẽ chiếm được bằng đầu tư và “sức mạnh sắc bén” (sharp power). Vì vậy, “chủ tương lớn” về “đặc khu kinh tế” với những ưu đãi đặc biệt (như cho thuê đất 99 năm), chẳng khác gì cách “gửi trứng cho ác” hay “nối giáo cho giặc”.
Trong bối cảnh cả nước sục sôi phản đối luật đặc khu kinh tế và luật an ninh mạng, nếu Quốc Hội quyết “ấn nút” để dắt “ba con voi qua rào” (như “ba con ngựa thành Troy”), thì khác gì “lậy ông tôi ở bụi này”, như một hành động “tự sát chính trị” (cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Hành động mạo hiểm đó chắc chắn sẽ bị thiên hạ chê cười và con cháu nguyền rủa, làm người ta nhớ đến “thằng bờm cố đấm ăn xôi”, định bán chạy ba đặc khu xung yếu nhất cho người hàng xóm khổng lồ tham lam và độc ác. Không chỉ dư luận trong nước phản đối, mà dư luận quốc tế cũng đang lên tiếng, vì ba vị trí chiến lược đó không chỉ liên quan đến Việt Nam, mà còn liên quan đến tầm nhìn Indo-Pacific của Mỹ mà Việt Nam ủng hộ. Đây là thế “tiến thoái lưỡng nan” (như “catch-22”) mà không ai muốn, nhưng cần khôn ngoan thoát hiểm.
Trong khi một số người cho rằng Phú Quốc có thể phát triển thành Singapore (theo nghĩa tốt), một số khác cho rằng Vân Đồn có thể trở thành Cremea (theo nghĩa xấu). Nhưng câu chuyện thành công của Singapore” (the Singapore Story) dựa trên những tiền đề hoàn toàn khác. Ông Lý Quang Diệu từng nói: “Lẽ ra vị trí số một ở châu Á phải là của Việt Nam”. Theo ông, vị trí địa lý chiến lược, tài nguyên thiên nhiên phong phú là hai yếu tố hàng đầu có thể đưa Việt Nam trở thành “người khổng lồ ở châu Á”. Nhưng đáng tiếc là ngày nay năng suất lao động của người Việt chỉ bằng 1/15 của người Singapore (hay 1/5 của người Malaysia và 2/5 của người Thailand). Ông khẳng định sự thành công của một quốc gia bao gồm ba yếu tố là: (1) điều kiện tự nhiên (vị trí chiến lược và tài nguyên thiên nhiên), (2) con người, và (3) thời cơ, nhưng căn bản nhất vẫn là yếu tố con người… Vì vậy Ông Lý Quang Diệu rất tiếc vì Việt Nam không biết trọng dụng nhân tài, và cho rằng nhân tài của Việt Nam đã định cư ở nước ngoài hết rồi. (Việt Nam trong mắt Lý Quang Diệu, Cao Huy Huân, VOA, 14/9/2014).
Các “quả đấm thép” (tập đoàn kinh tế) là trụ cột của “kinh tế thị trường định hướng XHCN” đã lần lượt phá sản, vì các nhóm lợi ích “tư bản đỏ” tranh nhau thao túng để làm giàu nhanh. Con tàu Việt Nam đã bị họ “bắt cóc” (hijacked) đi chệch hướng và trật đường ray cải cách. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam tuy vẫn khá cao, nhưng càng phát triển Việt Nam càng tụt hậu, vì phần lớn của cải xã hội chạy vào túi các nhóm lợi ích thân hữu. Họ “ăn của dân không từ một cái gì” (lời bà Nguyễn Thị Doan). Khi tài nguyên cạn kiệt, viện trợ nước ngoài sắp hết, họ đang tận thu bằng nhiều cách khác (như tăng giá điện, xăng dầu, phí BOT). Nếu Bộ Tài chính tiếp tục đà tăng thuế như hiện nay, trong khi hệ quả tham nhũng làm đất nước kiệt quệ và bất an, thì chỉ đẩy doanh nghiệp và người dân vào con đường hầm không lối thoát.
Cũng giống Trung Quốc, khi môi trường sống ngày càng ô nhiễm, bất an và bất ổn cả vật chất và tinh thần thì dòng người (và dòng tiền) chạy khỏi Việt Nam càng tăng (như bỏ phiếu bằng chân). Theo IOM, mỗi năm có khoảng 100.000 người di cư khỏi Việt Nam. Chống tham nhũng càng quyết liệt thì số người di cư ngày càng nhiều. Theo Epoch Times (30/12/2016) 85% người nhà các quan chức cao cấp Trung Quốc đã định cư và mua nhà ở nước ngoài. Theo Wikileaks (6/1/2017) 65% quan chức cao cấp Việt Nam đã chuẩn bị điều kiện để ra nước ngoài. Hội nghị TW7 (từ 7/5/2018) là cơ hội để Việt Nam đổi mới vòng hai, trước khi quá muộn. Nhưng vấn đề không phải là đổi mới cái gì, mà là đổi mới thế nào. Nếu “nhất thể hóa” không dân chủ hơn mà còn độc tài hơn (như mô hình Trung Quốc) thì chắc đi vào ngõ cụt.
Về đối ngoại, dù Việt Nam tiếp tục đu dây với ai, thì vẫn phải tăng cường hợp tác chặt chẽ với “Bộ Tứ” (Quad) nhằm biến nó thành “Bộ Ngũ” (Quint), để phòng xa (hedging) vì trong ba năm tới chắc Trump vẫn cầm quyền. Nếu trong âm nhạc người ta có “Tứ Tấu”, thì trong đối ngoại cũng nên có “Ngũ Tấu”? (tuy chưa rõ Việt Nam chơi nhạc cụ gì). Đây vừa là một thách thức vừa là một cơ hội để Việt Nam hội nhập và thích ứng với trật tự thế giới mới đang hình thành tại khu vực Indo-Pacific. Đã đến lúc người Việt đừng vì quá sợ Trung Quốc mà quên mất truyền thống dân tộc, không dám bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng.
Về đối nội, Việt Nam vẫn chưa đổi mới thể chế như khuyến nghị của báo cáo Việt Nam 2035 (tuy đã công bố cách đây hơn hai năm rồi). Trong khi các quan chức chính phủ chém gió quá nhiều về chính phủ kiến tạo, và các chuyên gia chém gió quá nhiều về “công nghệ 4.0” thì Quốc Hội lại sẵn sàng thông qua “dự luật an ninh mạng” (để kiểm soát thông tin “độc hại”). Việc quản trị và điều hành chính sách công bất cập như vậy chẳng khác gì cảnh sát dùng biển cấm 1.0 để chặn đoàn tầu cao tốc 4.0. Trong khi Việt Nam cần tăng cường hội nhập quốc tế và đang vận động các nước EU thông qua hiệp định EVFTA thì lại cho điệp viên sang Berlin bắt cóc Trịnh Xuân Thanh về xử tội tham nhũng. Trong khi “chính phủ kiến tạo” kêu gọi ứng dụng “công nghệ 4.0” thì lại thông qua dự luật an ninh mạng theo “tư duy 0.4”.
Trong khi kinh tế tụt hậu, hội nhập khó khăn, văn hóa suy đồi, thì doanh nghiệp và người dân vẫn khốn đốn vì vấn nạn tham nhũng và thể chế ách tắc chưa được tháo gỡ. Trong khi chính phủ “trên nóng dưới lạnh” (hoặc “trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh”), thì “người đốt lò vĩ đại” vẫn tham vọng xây dựng đội ngũ cán bộ “cấp chiến lược” theo tiêu chí “vừa hồng vừa chuyên” (là “tinh hoa của tinh hoa”). Đó là một ý tưởng không chỉ bất khả thi mà còn hoang tưởng. Muốn chống tham nhũng để khôi phục lòng tin của dân thì không thể “lúc nóng lúc lạnh” và “đánh trống bỏ dùi” như cách xử lý các vụ đại án AVG và Thủ Thiêm. Một chính phủ kiến tạo và liêm chính không thể có bộ trưởng giáo dục nói ngọng và đạo văn, bộ trưởng thông tin phạm tội trong vụ “mua AVG”, và bộ trưởng giao thông tai tiếng về “trạm thu giá” BOT…
Lời cuối (EndNote)
Tôi muốn lý giải tại sao tôi hay dùng cụm từ “quá ít và quá muộn” (too little too late) mỗi khi đề cập đến đổi mới thể chế hay chính sách. Những ai đã từng học quản trị kinh doanh chắc vẫn nhớ lý thuyết “quản trị thay đổi” (change management) 8 bước của John Kotter, trong đó cho rằng “cấp bách” (urgency) là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy thay đổi. Nay lý thuyết “quản trị thay đổi” của John Kotter đã lỗi thời so với lý thuyết “thay đổi quản trị” (management change) của Gary Hemel (Harvard Business School), khi đòi hỏi thay đổi triệt để hơn.
Tôi nhớ có lần giáo sư Kenichi Ohno kể: “Khi trở lại Hà Nội sau 5 năm, tôi thấy các bạn Việt Nam vẫn đang say sưa tranh luận những vấn đề cách đây đã 5 năm”. Có lẽ ông ấy chưa nói hết. Nhưng điều đáng buồn (và đáng lo) là trong khi người Việt (và người Mỹ) vẫn say sưa nhảy điệu “slow waltz” thì người Trung Quốc đang nhảy “rock n roll”. Trong một nền kinh tế chuyển đổi (transitional) thay đổi quá ít và quá muộn cũng như không thay đổi.
Từ xa xưa, người Việt đã từng răn con cháu đừng để “nước ngập đến chân” (hay chỗ nào đó) rồi mới nhảy (thì lúc đó đã quá muộn). Nay thậm chí người ta còn để “nước ngập đến cổ” nhưng vẫn chưa chịu nhảy, mà còn viện ra đủ thứ lý do như thuyết “đặc thù” (exceptionalism) và thuyết “tiệm tiến” (gradualism) để tìm cách hoãn binh và biện minh cho sự trì trệ và bảo thủ, trong khi chỉ trích những ai yêu cầu đổi mới toàn diện và triệt để là “quá nôn nóng”.
Khi bắt đầu đổi mới “vòng một”, phải chăng ông Nguyễn Văn Linh đã “quá nôn nóng” khi đề ra khẩu hiệu “đổi mới hay là chết”. Tuy ông Nguyễn Văn Linh Linh phát động đổi mới “vòng một” cách đây đã 32 năm, nhưng đến nay chính phủ kiến tạo vẫn chưa đổi mới “vòng hai”. Trong khi đó Quốc Hội Viêt Nam vừa thông qua luật “an ninh mang” (và sắp thông qua luật “đặc khu kinh tế”), như đang trèo con thuyền cũ “trở về quá khứ” (back to the future). Phải chăng người Việt Nam yêu cố đô Huế xinh đẹp vì sông Hương nước chảy lờ đờ, và thường tự hào về thủ đô Hà Nội kiên cường, bất khuất, vì Hà Nội không vội được đâu???
Tài liệu tham khảo
1. The Hundred Year Marathon, Michael Pillsbury, MacMillan, 2015
2. China’s Crony Capitalism, Minxin Pei, Harvard University Press, 2016
3. The Coming Chinese Crackup, David Shambaugh, Wall Street Journal, March 6, 2015
4. Eurasia's Coming Anarchy, Robert Kaplan, Foreign Affairs, March/April 2016.
5. The Paradox of Xi’s Power, Minxin Pei, Project Syndicate, October 27, 2017.
6. A World in Disarray: American Foreign Policy and the Crisis of the Old Order, Richard Haass, Penguin, January 10, 2017
7. China vs America: Managing the Next Clash of Civilizations, Graham Allison, Foreign Affairs, September/October 2017
8. The Code of Conduct in the South China Sea: a tremendous mistake, Daniel Schaeffer, August 17, 2017).
9. Wang Huning’s Neo-Authoritarian Dream, Jude Blanchettte blog, October 20, 2017
10. China’s New World Order?, Ramesh Thakur, Project Syndicate, November 10, 2017
11. The Red Emperor, Roderick MacFarquhar, New York Review of books, January 18, 2018
12. Donald Trump & the Decline of US Soft Power, Joseph Nye, Project Syndicate, Feb 6, 2018
13. Xi May Scare Asia Back Into Washingtons Orbit, Hal Brands, Bloomberg, March 4, 2018,
14. China’s “bad emperor” returns, Francis Fukuyama, Washington Post, March 6, 2018
15. As US aircraft carrier departs Vietnam, what are the implications for regional security? Jonathan Stromseth & Hunter Marston, Brookings, March 9, 2018.
16. Vietnam and India Cement an Increasingly Vital Relationship in Southeast Asia, Joshure Kurlantzick, Council on Foreign Relations, March 9, 2018.
17. Vietnam, An Unofficial Ally of the US against China: Will Vietnam Turn the “Quad” Into the “Quint”? Andrew Korybko,Global Research, March 11, 2018.
18. ASEAN Could Be Hijacked by China. Here’s How to Fix It, Richard Javad Heydarian, National Interest, March 15, 2018
19. 40 years after opening up, China is going backward, Tetsushi Takahashi, Nikkei Asian Review, March 20, 2018
20. Is Vietnam moving to join the Quad? Global Times editorial, March 20, 2018
21. China as Seen from a Glass House, , Project Syndicate, March 20, 2018
22. Liberal World Order, R.I.P., Richard Haass, Project Syndicate, March 21, 2018
23. Nobody Knows Anything About China - Including the Chinese Government, James Palmer, Foreign Policy, March 21, 2018
24. South China Sea: Vietnam scraps new oil project, March 23, 2018
25. Why March 2018 Was an Active Month in Vietnam's Balancing Against China in the South China Sea, Derek Grossman, Diplomat, March 23, 2018
26. The Post World War II Order Is Under Assault from the Powers That Built It, Peter Goodman, New York Times, March 26, 2018
27. Dressing up the Dragon: Chinese media as “Soft Power”, Daya Thussu, Westminster University seminar, March 28, 2018
28. Deeply Underdeveloped Worldview of John Bolton, Peter Beinart, Atlantic, Mar 29, 2018
29. Việt Nam trong mắt Lý Quang Diệu, Cao Huy Huân, VOA, Sept 14, 2014
30. Việt Nam - Trung Quốc: Hai Quốc gia Một trạm Kiểm soát Cửa khẩu, VOA, Feb 6, 2018
32. Việt Nam nên hợp tác khai thác dầu với Trung Quốc, BBC, March 29, 2018
33. Sau Cá Rồng Đỏ Trung Quốc nhắm vào Cá Voi Xanh của Việt Nam? VOA, April 5, 2018
34. Điều gì thúc đẩy Việt Nam tái cấu trúc Bộ Công an?, Lê Hồng Hiệp, NCQT, April 6, 2018.
35. Không có công ty nước ngoài nào muốn đầu tư vào dự án ngoài khơi Việt Nam, VOA, April 14, 2018
36. Asia After Trump, Joseph Nye, Project Syndicate, April 9, 2018
37. The Modern Origins of China's South China Sea Claims: Maps, Misunderstandings, and the Maritime Geobody, Bill Hayton, Modern China, April 2018
38. Trump Proposes Rejoining Trans-Pacific Partnership, Ana Swanson, NYT, April 12, 2018
39. What Might a Chinese World Order Look Like? Xue Li & Cheng Zhangxi, Diplomat, April 13, 2018
40. Emptiness of US rhetoric has been exposed by China bringing Vietnam to heel, South China Morning Post, April 15, 2018
41. Autocracy With Chinese Characteristics: Beijing's Behind-the-Scenes Reforms, Yuen Yuen Ang, Foreign Affairs, April 16, 2018
42. China's New Revolution: The Reign of Xi Jinping, Elizabeth Economy, Foreign Affairs, April 17, 2018 (adated from the book “The Third Revolution: Xi Jinping and the New Chinese State”, Elizabeth Economy, Oxford University Press, 2018
43. How Trump Could Stumble from a Trade War Into a Real War with China, Graham Allison, National Interest, April 20, 2018.
44. Xi Jinping ramène la Chine au système patriarcal de Mao”, Sébastien Falletti interviewed David Shambaugh, Le Figaro, April 23, 2018.
45. US admiral outlines new military buildup to counter China, Bill Gertz, Asia Times, April 24, 2018
46. China’s intimidation in the South China Sea poses an economic threat to Vietnam, Bill Hayton, East Asia Forum, April 25, 2018
47. Here’s Who is Really Guiding China’s Foreign Policy, Zoe Leung, National Interest, May 6, 2018
48. Rubio Questions DC Panel on China Influence, Bethany Allen-Ebrahimian, Foreign Policy, May 7, 2018
49. How Xi Jinping Views the World: The Core Interests That Shape China's Behavior, Kevin Rudd, Foreign Affairs, May 10, 2018
50. The New World Order: Donald Trump goes it alone, Gideon Rachman, Financial Times, May11, 2018
51. Understanding Malaysia’s Political Earthquake, Angie Chan, NYT, May 17, 2018).
52. How Democracy Ends, David Runciman, Basics Books, 2018. (Reviewed by Edward Lucas, Sunday Times, May 26, 2018).
53. China Could Win a War Against America in the South China Sea, James Holmes, National Interest, May 30, 2018
54. The Modern Origins of China’s South China Sea Claims: Maps, Misunderstandings, and the Maritime Geobody, Bill Hayton, Modern China, May 2018
55. Trump’s trade policy violates almost every strategic rule, Larry Summers, Washington Post, June 4, 2018
56. Vanishing Borders in the South China Sea: The U.S. Must Do More to Stop China's Encroachments, Bonnie Glaser & Gregory Poling, Foreign Affairs, June 5, 2018.
57. The Shape of Sino-American Conflict, Minxin Pei, Project Syndicate, June 6, 2018.
58. Trump’s Indo-Pacific strategy: Where’s the beef? Josh Rogin, Washington Post, June 6, 2018
59. Inside the chaos of Donald Trump’s trade wars, Demetri Sevastopulo & Sam Fleming, Financial Times, June 8, 2018).
60. A Historic Breakthrough or a Historic Blunder in Singapore? Daniel Russel, Foreign Affairs, June 12, 2018
61. Kim Got What He Wanted in Singapore, Trump Didn’t, William Tobey, Foreign Policy, June 13, 2018
Vietnam is trapped between two superpowers in a new game of thrones
Executive summary
For the Summer Seminar last year (August 31, 2017), I’ve contributed a paper “Vietnam is lonely in an insecure and uncertain world” (NQD, Viet-studies, August 14, 2017). Back then, the Trump administration had neither the National Defense Strategy (NDS) nor the Indo-Pacific vision and the “Quad” concept of 4 powers (the US, Japan, India, Australia). China’s 19th Party Congress was not yet organized and “Xi Jinping’s Thought” not yet written down in the Party Charter, and the NPC had not amended the two-term limit for Xi to govern China as the “red emperor”. The Korean missile crisis was a nightmare and the idea of an inter-Korean summit or an US-Korean summit was not realistic. Vietnam and Repsol were forced to suspend oil drilling at block 136-03 (Brown Gladius) and not yet at block 07-03 (Red Emperor). The APEC summit had not taken place and USS Carl Vinson had not arrived in Da Nang. Đinh La Thang and Trinh Xuan Thanh were not yet tried and Trương Minh Tuấn was still untouched. “Ut Troc” and “Vu Nhom” were not yet arrested, so were police generals Nguyễn Thanh Hóa, Phan Văn Vĩnh và Phan Hữu Tuấn… Back then, the 6th or 7th Plenum was not convened and “the great stoker” was not grilling “big tigers”. Then, president Tran Dai Quang was “missing” (like Dinh The Huynh) but not yet “coming back”. The hidden scams in Thủ Thiêm planning were not yet exposed as a major corruption case, before it would be muted again later…
For the new year of the dog (2018), in foreign relations, Vietnam stands at a new turning point when America has started a strategic shift, and China was turning from a strategic partner into the “greatest threat” to America (as defined in the NDS). The South China Sea was turning into a powder keg (or “Thucydides trap”) as chances for a Sino-US trade war signal a troubled time ahead. While the Sino-US relations are getting worse, the inter-Korean and US-Korean relations are getting better with the Moon-Kim summit (April 27) and the Trump-Kim summit (June 12). In domestic politics, the 7thplenum (May 7-12, 2018) did not produce major changes in the top leadership (as speculated), but it became a dramatic event, as expected changes of some top positions did no take place. While the “great stoker” called for tougher anti-corruption drive and planned for a reshuffle (of the “strategic cadre”), the oven was “blowing hot and cold” (or “hot at the top and cold at the bottom”). While its institutional system remains unchanged, Việt Nam is trapped between two superpowers in a new game of thrones.
Now we live at a time of sea change with the end of history (Franscis Fukuyama) and the end of power (Moises Naim). While liberal democracy is not yet dead, many people would admit liberalism is in retreat while Protectionism is on the rise, with populism and nationalism. The Liberal world order is comprised of liberalism, universality and preservation of order, now for the first time being seriously challenged. The decay of the liberal world order has many reasons, but it is the change of American attitude by Donald Trump in the key issue. The US’s abdication of traditional role, following the 2nd World War, has brought a new turning point, with an “America First” attitude. The liberal world order could not exist without the US as an old power now locked in a global rivalry with China as a rising power.
After a few decades of involvement in endless wars and revolutionary movements, Vietnam is not really trying to get out of the ideological crossroads. As the world order has changed, the dynamics of economic reform has run its course. But, Vietnam has not really changed its institutional system to create new dynamism for reform. Vested interest groups and institutional failures have neutralized the achievements and blocking continued reform. If Vietnam is not changing its institutional system right now in order to remove key bottlenecks, all efforts at further reform and anti-corruption efforts may be “too little too late”.
In this paper, I provide some anatomical analysis to paint a broad picture of the status of the world disorder where Vietnam is trapped between two major superpowers (America and China) in a new game of thrones. Part 1 (where is America) addresses America’s misperceptions of China, and the Trump administration’s strategic shift. Part 2 (where is China) addresses the newly enthroned “Red Emperor”, and the paradoxes of the Chinese model. Part 3 (where is the region) addresses the paradoxe of ASEAN and Vietnam in the South China Sea and the new Indo-Pacific vision. Part 4 (the lesson of Korea) addresses the inter-Korean and US-Korean summits as a historical turning point. Part 5 (where is Vietnam) addresses the paradoxes of anti-corruption drive and institutional change. Hopefully, this paper would provide a “tour de force” as background and reference material for the Summer Seminar 2018.
Nguyen Quang Dy Biodata
Nguyen Quang Dy was born in 1947, graduated from Diplomatic Academy of Vietnam (DAV, 1966-1971), the Australian National University (ANU, 1976-1979), and Nieman Fellowship (Harvard, 1992-1993). He worked for Vietnam Foreign Ministry for over three decades, then retired to work as a (part-time) senior advisor for the Fulbright School and Harvard’s Vietnam Program, and later as a (full-time) senior advisor for ADBI’s Public Policy Training Program (2004-2006). Now, he is a freelance writer and consultant based in Hanoi.
NQD. 15/6/2018
http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_GiuaHaiSieuCuong.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét