Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Chiến dịch “hoa sen nở” của Thủ tướng Võ Văn Kiệt
20/06/2018 - Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước đã xuất hiện một số tín hiệu cho thấy nước ta có cơ hội thoát khỏi tình thế bị bao vây, cấm vận, mở rộng quan hệ quốc tế. Tại một cuộc họp của lãnh đạo Đảng và Nhà nước bàn về vấn đề này, trong lúc nghỉ giải lao, anh Sáu gọi tôi - đại diện cho Bộ Ngoại giao được triệu tập sang dự họp, ra một góc để trao đổi ý kiến. Anh đặt vấn đề: đã có sự nhất trí cao về đánh giá tình hình và chủ trương phá vây, song ta cần tính kỹ bước đi sao cho hiệu quả nhất.
Ông Vũ Khoan. Ảnh: TL
Trong quá trình trao đi đổi lại, anh gợi ý nên tập trung chiến dịch “hoa sen nở”, đi từ trong ra, theo đó trước hết cần cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á vốn có lợi ích sát sườn với ta, đi đôi với việc bình thường hóa quan hệ với nước láng giềng phương Bắc là Trung Quốc; từ đó tạo ra thế mới để cải thiện, thiết lập quan hệ với các nước ở vòng cung thứ hai thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, tiếp đó vươn sang vòng cung xa hơn là EU; thành công của những bước đi ấy sẽ tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy Mỹ chấm dứt chính sách cô lập, cấm vận nước ta.Thật tình tôi rất ngạc nhiên về cách đặt vấn đề mang tính chiến lược như vậy của anh Sáu - một người vốn chưa hoạt động đối ngoại nhiều. Càng về sau, tôi càng nghiệm thấy rõ, rằng kinh nghiệm đấu tranh cách mạng và chỉ đạo chiến tranh đã hun đúc trong anh tầm nhìn chiến lược cả về đối ngoại.
Cũng giống như khi chỉ đạo các công việc trong nước, một khi đã xác định mục tiêu chiến lược thì anh thường rất quyết đoán, không quá băn khoăn những khía cạnh cụ thể, tiểu tiết. Như trên đã nói, đoàn đại biểu Chính phủ ta do anh Sáu dẫn đầu đã lần lượt đi thăm Thái Lan, Indonesia, Malaysia... Giữa các chuyến thăm đó, anh Tư Triết, Bộ trưởng Bộ Thương mại lúc bấy giờ có việc quá cảnh Singapore bỗng nhiên được Phó thủ tướng đương nhiệm là ông Lý Hiển Long tiếp và ngỏ ý sẵn sàng đón đoàn ta. Anh Tư Triết gọi điện cho tôi thông báo việc này và đề nghị cho ý kiến ngay để trả lời bạn. Tôi lập tức gọi điện xin ý kiến anh Sáu, anh chỉ thị cho tôi cứ nhận lời, anh sẽ thu xếp thủ tục nội bộ sau.
Cũng vào đầu thập niên 1990, ta đã tính đến việc gia nhập ASEAN và giữa những năm 90 đã xuất hiện những tín hiệu từ các nước thành viên sẵn sàng kết nạp nước ta vào Hiệp hội. Sau khi xin ý kiến các lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước ở Hà Nội, tôi bay vào TP.HCM để xin ý kiến anh Sáu đang họp trong đó. Nghe tôi trình bày đầu đuôi, anh nói: “Tôi đã có ý kiến từ lâu rồi, còn đắn đo gì nữa, nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội!”.
Năm 2000, sau khi được cử sang làm bộ trưởng Thương mại, một trong những việc tôi phải tiến hành là làm thế nào sớm ký Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ, nhằm mở ra một thị trường có dung lượng lớn nhất thế giới.
Thực ra, cuộc đàm phán đã hoàn tất vào năm trước song ngay trước khi Hiệp định được ký ở Auckland, nhân dịp Hội nghị cấp cao APEC họp thì đã bị hoãn lại do còn sự băn khoăn về một số điểm. Nay tôi phải đàm phán tiếp để giải quyết nốt những điểm đó và ký Hiệp định.
Trước khi khăn gói lên đường sang Washington DC, đương nhiên tôi phải xin ý kiến chỉ đạo. Anh Lê Khả Phiêu, lúc này đã là Tổng bí thư yêu cầu tôi xin thêm ý kiến các cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt. Khi gặp anh Sáu, tôi trình bày các phương án cụ thể để giải quyết từng điểm thì anh ngắt lời nói: “Tôi chỉ muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệp định này đối với quan hệ quốc tế của nước ta và việc mở rộng thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, còn những điểm cụ thể các anh tự lo liệu rồi xin ý kiến quyết định”...
________
(* ) Trích bài viết Anh Sáu Dân và quan hệ quốc tế được in trong tập hồi ký của nhiều tác giả Võ Văn Kiệt - Một nhân cách lớn, Nhà lãnh đạo tài năng, suốt đời vì nước vì dân - NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật - 2012. Tựa của Người Đô Thị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét