Giáo sư Vũ Hà Văn (khoa Toán, Đại học Yale, Mỹ):
“Trong rừng, phải có nhiều cây 30m mới hy vọng có được một, hai cây 100m…”
26/06/2018 - Cùng với giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu, GS toán học Vũ Hà Văn, con trai nhà thơ nổi tiếng Vũ Quần Phương có lẽ là một trong hiếm hoi những trí thức Việt Nam đã và đang khẳng định được giá trị của mình ở tầm thế giới. Từng đoạt giải thưởng danh giá Pólya (SIAM) của Mỹ dành cho những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực toán học và đang là GS ở Đại học Yale uy tín nhưng GS Vũ Hà Văn không chỉ trăn trở với những vấn đề của riêng ngành toán, mà còn đặc biệt quan tâm và không ngại đưa ra những phát biểu của mình về những vấn đề khác như giáo dục và các mô hình phát triển kinh tế, xã hội...
Nhận lời làm khách mời của chuyên mục "Đối thoại & Suy ngẫm" kỳ này, GS Vũ Hà Văn đã chia sẻ rất thẳng thắn những suy nghĩ cá nhân về vấn đề trí thức Việt Nam hiện đại - những chia sẻ mà với một bộ phận người nào đó có thể là "không dễ nghe" nhưng chắc chắn là đầy thành ý.
- Nhà báo Phan Đăng: Theo tôi, xét về mặt thành phần trí thức Việt Nam hiện nay có một lớp người cao tuổi mà chủ yếu là những trí thức Nga học, nghĩa là những người học ở Nga về. Bên cạnh đó là những người học ở Trung Quốc. Theo anh, đặc điểm của những trí thức này là gì? Đặt trong dòng chảy xã hội bây giờ, liệu họ có biểu hiện nào chậm hơn so với thời đại hay không?
- Giáo sư Vũ Hà Văn: Trí thức là một phạm trù rộng. Ở đây, với quan sát cụ thể của mình, tôi muốn đề cập tới những người đang làm nghiên cứu và giảng dạy. Việt Nam có một lớp trí thức được đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ (Liên Xô, Đông Âu, và Trung Quốc), chứ không chỉ riêng nước Nga.
Việc này gián đoạn đầu những năm 1990. Bây giờ các nước này lại tiếp tục nhận sinh viên Việt Nam, nhưng sự lựa chọn số một của giới trẻ đã chuyển sang các nước Âu-Mỹ.
Các trí thức được đào tạo trong các nước xã hội chủ nghĩa cũ nói trên, nhiều người đang trong độ tuổi 50-60 và nắm nhiều vị trí quan trọng trong lĩnh vực giáo dục và khoa học. Ưu điểm của các trí thức được đào tạo tại các nước này là chương trình đào tạo tương đối quy củ, kiến thức cơ bản ở các trường đại học Đông Âu và Liên Xô khá vững.
Nhưng việc giới hạn thông thương giữa Đông và Tây trong thời kỳ trước 1990 lại gây ảnh hưởng lớn.
Các nước phía Tây có nền công nghiệp tiên tiến hơn nhưng lúc đó lại rất khó tiệm cận. Tất nhiên về sau ai cũng có thể học thêm những kiến thức mình thiếu hụt nhưng thành công thì tùy theo mức độ từng người.
- Nền kinh tế và sự vận hành của xã hội ở các nước Đông Âu cũ và Liên Xô cũ hơi bị máy móc, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến phương pháp tư duy của trí thức các nước này. - Bên cạnh lớp trí thức Nga học là một lớp trí thức trẻ trung hơn, có thể tạm gọi là phương Tây học. Theo quan sát của anh, lớp trí thức này đã và đang thể hiện mình trên các lĩnh vực như thế nào? Có khác biệt gì so với lớp trí thức trước hay không?
Có một điểm rất dễ nhận dạng, đó là phần lớn trí thức đào tạo từ đây ra đều chọn vị trí làm việc ở các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu hay trường đại học. Cũng có thể, vì cấu trúc của xã hội, họ không có sự lựa chọn nào khác.
Nhưng với tầng lớp trí thức trẻ hơn, được đào tạo từ Mỹ và các nước phương Tây sau này thì họ lại có cái nhìn linh hoạt hơn rất nhiều. Tôi biết không ít người có bằng tiến sĩ tại một trưởng đại học tốt, nhưng bỏ ngạch hàn lâm với một tương lai an toàn, dấn thân làm các công ty start-up.
Và khá nhiều người trong số họ đã có những thành công đáng mừng. Ngay trong hàng ngũ học viên VEF (Quỹ Giáo dục Việt Nam), được chọn lựa rất kỹ càng từ các sinh viên giỏi nhất ở Việt Nam để sang học tiếp sau đại học của Mỹ, với mục đích làm giảng viên hạt giống của các đại học Việt Nam sau này thì số người rẽ ngang sang làm kinh doanh cũng tới gần một nửa. Thành phần này trong hàng ngũ các trí thức cũ cũng có nhưng số lượng ít hơn nhiều.
- Như vậy có thể thấy lớp trí thức trẻ hiện nay có vẻ táo bạo, mạnh dạn và dám mạo hiểm hơn so với lớp trí thức tiền bối? Anh có thể phân tích những tác động tích cực, tiêu cực của sự mạo hiểm này được không?
- Theo tôi mạnh dạn, dám nghĩ dám làm luôn là một tính tốt. Tôi quen nhiều bạn trẻ có những thành công nhất định trong start-up. Họ ở độ tuổi giữa 30 và 40, là những người có học vấn tốt, tư duy mạch lạc, có cái nhìn toàn diện và rất chăm chỉ, thận trọng.
Sự tiêu cực, nếu có, chỉ là khi ta chuyển từ mạnh dạn sang bốc đồng. Phong trào khởi nghiệp hiện đang được đề cao nhưng không phải ai cũng có những đức tính cần thiết.
- Xét ở góc độ đặc điểm, nếu nhìn một cách tổng luận và tương đối thì theo anh đặc điểm trí thức hiện nay của chúng ta là gì? Liệu có một cách phân chia, phân tầng nào cho hợp lý không ạ?
- Chia tầng là việc khó. Nếu chỉ nói trong phạm vi những người làm nghiên cứu, có một bộ phận theo sát trình độ chung của thế giới và phải nói thật là một bộ phận thì không. Khoảng cách giữa những nguời này rất xa, mặc dù trên giấy tờ hay nhìn các danh hiệu thì họ như nhau.
- Vậy có cách nào để nhận diện hai nhóm trí thức này không ạ?
- Trong phạm vi những người làm nghiên cứu mà nói thì phân biệt hai bộ phận trên khá dễ. Dĩ nhiên, như tôi đã nói ở trên, đây chỉ là một bộ phận của cả tầng lớp trí thức.
Trong thời đại Internet hiện nay, các nghiên cứu chuyên môn đều được tải lên mạng, cùng với mọi thông tin của nó, như tạp chí đăng bài, số trích dẫn v.v... Ta có thể dễ dàng tìm xem một người có bao nhiêu bài báo nghiên cứu, đăng ở đâu và được bao nhiêu lần trích dẫn.
Những chỉ số khác như báo cáo mời ở các hội nghị quốc tể có uy tín, hay số lượng đề tài được tài trợ, đều là các thông tin mở. Rất dễ để nói công trình của mình là tuyệt vời.
(Và trong con mắt của tác giả, rất có thể nó thực sự tuyệt vời) nhưng rất khó để người khác tin khi công trình ấy không có ai dùng. Với những thông tin minh bạch như vậy, tôi chắc chắn những người đầu ngành có khả năng phân định rõ ràng trình độ của các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực của mình.
- Trong trường hợp không thể phân biệt được hai nhóm trí thức này thì hậu quả xảy ra sẽ như thế nào?
- Sự thiếu phân biệt này sẽ làm những người giỏi nản lòng, vì thấy sự cố gắng của họ không được đền đáp xứng đáng. Tiếng nói của họ ngày càng nhỏ đi. Và nó kéo theo sự xuống cấp của nền nghiên cứu và giáo dục nói chung.
Một hậu quả khác, có thể còn nghiêm trọng hơn, là sự khủng hoảng niềm tin. Ví dụ, ta mua một loại thuốc mới, nhiều khi là tin vào các bình luận về nó của các nhà chuyên môn, các GS.
Nhưng khi danh hiệu GS bị đưa ra làm trò cười thì còn biết tin ai nữa. Vàng thau lẫn lộn, thậm chí thau quý hơn vàng, thì không còn chuẩn mực nào nữa. Một xã hội văn minh không thể tồn tại và phát triển khi các chuẩn mực bị mất đi.
- Có người nhận xét, một bộ phận không nhỏ trí thức Việt Nam hiện nay mắc bệnh háo danh, hình thức, thiếu thực chất, mà sự bội thực hồ sơ trong đợt xét duyệt GS năm 2017 vừa qua là một dẫn chứng điển hình. Anh có nghĩ vậy không?
Vâng, bệnh háo danh là có thật. Đáng buồn là chuẩn mực về chức danh của ta ngày càng đi xuống. Tiêu biểu như việc làm luận án tiến sĩ. Báo chí đã viết nhiều về việc này, tôi không cần nói lại làm gì. Bệnh háo danh có thể bị ảnh hưởng bởi sự tung hô quá mức trong một số trường hợp.
Ai cũng hiểu, việc vinh danh là cần thiết vì nó là động lực cho những người khác. Nhưng nó sẽ phản tác dụng nếu người được vinh danh không thực sự xuất sắc trong lĩnh vưc chuyên môn của họ. Việc bội thực hồ sơ nộp vào thì tôi nghĩ đó không phải lỗi của những nguời nộp hồ sơ.
Lẽ tự nhiên, ai cũng muốn mình có một bước tiến trong sự nghiệp. Việc họ có được xét hay không, không phụ thuộc vào họ. Việc có quá nhiều người được xét đạt chuẩn, qua nhiều cấp xét duyệt khác nhau mới là vấn đề.
- Có nghĩa là những hội đồng xét duyệt, qua nhiều cấp khác nhau, quả thực đang có vấn đề. Theo quan sát của anh, những vấn đề cụ thể ấy là gì?
- Xét duyệt chức danh GS có rất nhiều ngành, mỗi ngành lại có nhiều hội đồng các cấp riêng. Chắc chắn có nhiều hội đồng làm việc rất nghiêm túc nhưng vấn đề cụ thể là gì chỉ những người trong cuộc mới có thể nói được.
Từ phía ngoài như tôi, chỉ dựa theo thống kê trên báo, là có tới hơn một nửa số người được thông qua chức danh chưa có bài đăng ở tạp chí quốc tế uy tín (danh mục ISI), thì hiển nhiên phải có sự gì không ổn. Nhưng có lẽ các thành viên của các hội đồng biết cụ thể điều này hơn tôi.
- Cũng trong đợt xét duyệt GS vừa qua, có nhiều hồ sơ đã bị trả lại và có nhiều hồ sơ cũng bị kết luận là không trung thực, anh đánh giá gì về những người trí thức lại là chủ sở hữu của những bộ hồ sơ - những thứ giá trị không trung thực này?
- Thay bằng đánh giá những người nộp hồ sơ, chúng ta nên đặt câu hỏi: Tại sao chỉ khi báo chí lên tiếng và đến khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị thì việc xét lại hồ sơ mới xảy ra? Tức là nếu không ai lên tiếng thì nó sẽ êm thấm à? Nếu ta trả lời được câu hỏi này, mọi sự sẽ rõ ràng hơn nhiều.
Ngành giáo dục và nghiên cứu khác các ngành khác ở chỗ, người đứng đầu ngành cần có uy tín chuyên môn rất cao. Các lĩnh vực khác thì yêu cầu về chuyên môn là cần thiết nhưng khả năng điều hành quan trọng hơn. Giáo dục và nghiên cứu lại cần cả hai.
Chẳng hạn, ngày xưa, các quan đốc học ở các tỉnh lớn thường phải là bậc danh sư, không vì quyền lợi hay sức ép mà thay đổi chuẩn mực của họ.
- Chúng ta đã nghe đi nghe lại một điều rằng, số lượng trí thức, những nhà nghiên cứu của chúng ta không ngừng được mở rộng, nhưng những chóp bu tri thức - những công trình nghiên cứu mang tầm quốc tế của chúng ta vẫn rất thấp so với nước ngoài, anh có nghĩ vậy không?
- Vâng, sự thật là số nhà nghiên cứu người Việt có đẳng cấp quốc tế vô cùng hiếm. Về việc này, người ta hay nói số lượng không quyết đinh được chất lượng. Theo tôi, thật ra vấn đề không hẳn như vậy. Muốn có một vài người chất lượng thật tốt thì phải có số lượng rất cao nhũng người kha khá.
Có một cộng đồng mạnh mẽ đông đúc thì mới sản sinh ra được những nhân vật/công trình tầm cỡ. Trong rừng có nhiều cây 30m thì thường mới có một, hai cái cây 100m mọc vút cao lên. Cho nên yếu tố số lượng cũng là điều không nên xem nhẹ.
Nhưng ở ta hiện nay, thật lòng là chỉ có đông người có bằng cấp mà thôi, ta không có nhiều những cộng đồng nghiên cứu khoa học hiệu quả, hay nhiều trường phái nghiên cứu đặc trưng cho Việt Nam. Việc dễ dãi trong học vị tiến sĩ và sau đó là các học vị GS hay phó GS, đã cào bằng mặt bằng nghiên cứu.
Đợt xét GS vừa rồi, một tỉ lệ phần trăm rất lớn nhũng người được xét chưa bao giờ có công bố trên những tạp chí quốc tế uy tín (ISI) cả. Mặt bằng thấp, không có sự phân biệt giữa người giỏi và người thường thì còn ai muốn cố gắng nữa? Thế nên đừng nói đến người giỏi, hiện nay thì ngay cả người khá, khá một cách thực sự cũng đã rất hiếm rồi.
- Dường như bên cạnh những đặc tính chung, bất biến như phải có khả năng tích lũy tri thức, phải biết sử dụng tri thức một cách độc lập thì mỗi thời đại, người trí thức có một vai trò, đặc điểm riêng. Nếu là thời chiến thì nhiệm vụ số một là bảo vệ Tổ quốc, nếu là thời bình thì nhiệm vụ số một là xây dựng Tổ quốc.
Mà cách thức bảo vệ và xây dựng trong từng giai đoạn, từng bối cảnh khác nhau cũng không hề giống nhau. Anh là một người đi nhiều, quan sát nhiều, vậy theo anh với đặc điểm toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, người trí thức phải đảm bảo những điều kiện gì cả về mặt phẩm chất lẫn năng lực?
- Đặc điểm tôi thấy là ngày nay mọi người học rất nhanh. Chẳng những lượng kiến thức tăng nhanh mà sự liên quan giữa những lĩnh vực khác nhau cũng ngày càng nhiều. Chẳng hạn, một số ngành toán hiện nay có ứng dụng rất mạnh đến công nghệ. Với một nhà toán học như tôi, chỉ theo dõi những diễn biến đó cũng đủ chóng mặt rồi.
Cũng bởi sự liên quan giữa các lĩnh vực ngày một nhiều, người làm khoa học ngày càng cần có kỹ năng hợp tác. Tức là sẵn sàng làm việc với những người khác, đến từ những lĩnh vực khác.
Mà muốn hợp tác, chúng ta cần thỏa mãn 2 điều: một là sự tin tưởng lẫn nhau, hai là khả năng diễn giải tốt. Làm việc chung, thì không nên nghĩ đến cái lợi của mình trước. Diễn giải tốt, là có khả năng giải thích những điểm mấu chốt trong lĩnh vực của mình cho người ngoài ngành có thể hiểu được.
Không ai có thời gian theo học cả năm để có thể hiểu bạn muốn nói gì. Cả hai điều này đều cần có sự rèn luyện. Người càng giỏi, cách giải thích các vấn đề kỹ thuật của họ càng dễ hiểu.
- Xin anh có thể phân tích một vài trường hợp cụ thể để xem các trí thức Việt Nam hiện nay đã thỏa mãn 2 điều kiện này ở cấp độ nào được không ạ?
- Có câu chuyện vui là một kỹ sư Việt Nam làm việc không kém một kỹ sư Nhật Bản nhưng 5 kỹ sư Việt Nam làm việc chung thì kết quả khác hẳn so với 5 kỹ sư Nhật Bản. Đây là câu chuyện vui, lưu truyền đã lâu, nhưng nó phần nào nói lên là văn hóa làm việc chung, hay hợp tác (team work) của ta chưa so được với mặt bằng chung của thế giới.
Tôi không biết việc này căn nguyên sâu xa như thế nào. Nhưng quả thật người Việt, ngay cả giới trí thức, rất dễ phật ý, nghĩ nọ nghĩ kia.
Điều này thể hiện khá rõ trong nhiều cuộc tranh luận trên mạng, mà những người trong cuộc đều có bằng cấp, học sâu hiểu rộng cả. Nhiều cuộc tranh luận, đáng tiếc, nhanh chóng trở thành làn sóng chỉ trích cá nhân. Thái độ này là tối kỵ trong việc hợp tác.
Còn về lĩnh vực diễn giải, tôi không tham gia đủ nhiều các hội nghị tại Việt Nam để có kinh nghiệm đưa ra một nhận xét cụ thể.
- Anh sống và làm việc ở Mỹ. Anh thấy đội ngũ trí thức đương đại của họ như thế nào? Giống gì và khác gì so với trí thức Việt Nam?
- Đội ngũ trí thức của Mỹ là đội ngũ trí thức thế giới. Nó không chỉ được biểu hiện ở khía cạnh chất lượng mà cả ở khía cạnh thành phần, chẳng hạn Khoa toán Đại học Yale của chúng tôi hiện nay chỉ có 3 người sinh ra ở Mỹ thôi, còn lại là người sinh ra từ nhiều nơi khác.
Mỹ có lẽ là nước duy nhất trên thế giới có đặc thù này. Nên nói về đội ngũ trí thức của họ một cách tổng quát thì rất khó vì trong cộng đồng trí thức ấy có người Mỹ, người Đức, người Nga, người Ấn Độ,... và mỗi cộng đồng nhỏ đôi khi lại có một dấu ấn, một đặc điểm riêng.
Nhưng có một điểm chung mà tôi cảm nhận được, người làm khoa học ở Mỹ có một nét đặc biệt, không kể xuất xứ, ấy là họ đều làm việc rất chăm. Tôi biết rất nhiều nhà khoa học tuổi đã trên 60, thậm chí 70, vẫn đi lại tham dự hội nghị, không ngừng có kết quả mới, mà kết quả hay, nổi bật hẳn hoi.
Về lý mà suy, họ không còn mục tiêu cá nhân nào để phấn đấu, cả ở phương diện địa vị lẫn tài chính. Đó là nét làm việc đặc trưng của người Mỹ, họ yêu lao động và ham học hỏi.
Chừng chục năm trước, một đồng nghiệp ở Cambridge (Anh) lúc đó cũng hơn 50 tuổi, than thở với tôi "đến một lúc nào đó tìm đươc một lý do để tự cổ vũ bản thân tiến lên là điều khó nhất". Nhưng các trí thức ở Mỹ ít mắc vào tình huống này hơn, có lẽ họ luôn tìm cách tự đổi mới.
Người Mỹ gốc còn có nét thuần phác riêng, rất dễ thấy. Những biểu hiện khệnh khạng, ra vẻ ta đây, ra vẻ cây đa cây đề là điều rất ít thấy. Người dù giỏi mấy, cũng không thể biết hết mọi thứ. Họ không ngần ngại hỏi những câu hỏi sơ đẳng về những vấn đề mới mẻ. Tôi rất thích cách làm việc này.
- Trở lại với chúng ta, muốn cải thiện tiếng nói của đội ngũ trí thức, chúng ta cần phải làm gì, theo anh?
Muốn cải thiện tiếng nói không gì bằng lắng nghe. Các trí thức nói cũng khá nhiều rồi, tôi nghĩ đã đến lúc lắng nghe và đáp ứng, nếu ta thực sự cầu tiến.
- Còn để cải thiện về chất lượng thì sao ạ? Bản thân các trí thức phải thay đổi gì và cơ chế, chính sách của chúng ta cũng cần thay đổi gì không?
- Như tôi thấy, những người làm việc tốt trong điều kiện ở Việt Nam có lẽ đã làm hết sức mình rồi. Quả thật tôi rất khâm phục nguồn năng lượng dồi dào và khả năng thích nghi của họ. Bản thân tôi nếu phải làm việc trong cùng hoàn cảnh, chắc năng suất sẽ kém hơn rất nhiều.
Về chính sách, đã rất nhiều nhà nghiên cứu lên tiếng kêu gọi đổi mới. Cũng đã có những bước tiến đáng kể, như sự ra đời và vận hành của quỹ Nafosted. Tôi nghĩ cơ chế nào thì cũng cần thỏa mãn được một tiêu chí, là làm những người có năng lực phát triển được hết khả năng của họ và được đãi ngộ và sử dụng một cách tương xứng.
- Người trí thức nào trên thế giới và người trí thức nào ở Việt Nam anh ngưỡng mộ nhất, vì sao?
-Có rất nhiều người xuất sắc ở các lĩnh vực khác nhau. Thay bằng so sánh họ, có lẽ tốt hơn ta nên thử học từ mỗi người một ít.
- Xin cảm ơn anh!
Phan Đăng (thực hiện)
http://antgct.cand.com.vn/Tro-chuyen-cuoi-thang/Ky-cuoi-Giao-su-Vu-Ha-Van-khoa-Toan-Dai-hoc-Yale-My-Trong-rung-phai-co-nhieu-cay-30m-moi-hy-vong-co-duoc-mot-hai-cay-100m-497431/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét