Thấy gì qua việc báo chí nhà nước công kích quan chức?
Thảo Vy (VNTB) - Báo Người Tiêu Dùng vừa có bài viết công kích trực tiếp thêm một cá nhân quan chức TP.HCM là phó bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Quyết Tâm. Phó bí thư thường trực Tất Thành Cang cũng tiếp tục được nhắc tên cho nhiều nghi vấn tham nhũng.
Bài viết ngày 10 tháng 5 trên báo
Người tiêu dùng. Ảnh: chụp lại màn hình
Với làng báo Sài Gòn, báo chí do tư nhân ‘lách luật’ để đầu tư và trực tiếp điều hành khá nhiều; trong đó về mảng chính trị xã hội thì ba đầu báo đang tạo sự chú ý mạnh của độc giả, là tờ Người Tiêu Dùng, phiên bản báo giấy và báo điện tử. Tờ thứ hai là Người Đô Thị, cũng có 2 phiên bản phát hành là báo giấy và báo điện tử. Tờ thứ ba là báo điện tử Một Thế Giới. Nhóm thực hiện nội dung cho cả 3 tờ báo vừa kể hầu hết là những tên tuổi đã thành danh trong làng báo Sài Gòn..
Ở tờ Người Tiêu Dùng, nguồn nhân sự chủ yếu đến từ báo Sài Gòn Giải Phóng của Thành ủy TP.HCM. Tờ Một Thế Giới, có thể coi là ‘sân sau’ của những nhà báo xuất thân tờ Thanh Niên và Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Tờ Người Đô Thị tập hợp được nhiều tay viết giỏi nghề cũng ở Sài Gòn, sẳn sàng đương đầu với nhát kéo kiểm duyệt của tuyên giáo. Điểm chung cả 3 tờ là đều có ‘các sếp’ không ngại đụng chạm.
Tuy nhiên, công tâm nhìn nhận, nếu không có ‘đèn xanh’ của ai đó trong hậu trường chính trị bật lên, thì có lẽ báo Người Tiêu Dùng khó lòng yên thân khi dám rút tít tựa là “Thưa bà Nguyễn Thị Quyết Tâm! Đừng nên thách thức dư luận thêm nữa…” [http://bit.ly/2jKv1Zi], phát hành hôm chiều ngày 9-5-2018. Tác giả bài viết đã cho rằng việc bà Quyết Tâm đăng đàn phát biểu với cử tri “Hủy hợp đồng bán đất ở Phước Kiển không thiệt hại kinh tế nào”, là một thách thức không chỉ với người dân, mà còn cả với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
.
“Mặt khác, giữa lúc Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và Ban Chấp hành Trung ương Đảng đang họp, với nhiều nội dung nhằm củng cố uy tín của Đảng, thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý nghiêm các sai phạm của Đảng viên, đề cao công tác phòng chống tham nhũng, thì tại TP.HCM, phát ngôn của bà Quyết Tâm dường như “lạc lõng” và đi ngược lại chủ trương lớn của cả dân tộc. Đó dường như là một phát ngôn “mở đường” dàn xếp sai phạm và bênh vực cho tham nhũng” (Trích bài báo http://bit.ly/2jKv1Zi]
.
Báo Người Đô Thị chọn thực hiện loạt bài về quy hoạch Thủ Thiêm, đặc biệt tập trung mảng tôn giáo, với các dẫn chứng pháp lý cứng rắn để cáo buộc hành vi vi phạm pháp luật của các quan chức giai đoạn ông Lê Thanh Hải làm chủ tịch UBND và thời gian ông này ngồi ghế Bí thư Thành ủy TP.HCM suốt 2 nhiệm kỳ. Đáng chú ý là cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có dấu hiệu sai phạm liên quan trong quy hoạch Thủ Thiêm. Trước đó, báo Người Đô Thị cũng là tờ báo có loạt bài viết mạnh mẽ về pháp lý trong vụ đầu độc môi trường của Formosa Hà Tĩnh.
.
Báo điện tử Một Thế Giới thì chọn phương thức đăng các ý kiến của những nhà báo ‘dám ăn dám nói’ vốn am tường hậu trường chính trị, cũng như đời tư của nhiều chính khách.
.
Người viết cũng từng được báo Một Thế Giới đặt viết về khu đất quân đội trên đường Tôn Đức Thắng từng được nghi vấn là cú áp phe giữa một tướng lĩnh vốn là con trai của một đại tướng có tên đường được đặt gần bệnh viện Chợ Rẫy, với một người khoác áo dân sự là em ruột của vị cựu thủ tướng quê gốc miền Tây. “Đơn hàng” về nội dung bài viết này xuất phát từ một “đề nghị” của “ai đó” chốn hậu trường đang muốn mượn báo chí để ngáng đường hoạn lộ của nhau.
.
Trở lại với nghi vấn ‘đèn xanh’. Trong mảng điều tra các vụ việc tiêu cực xảy ra tại một đơn vị nào đó, thường là do trong chính nội bộ cung cấp hồ sơ. Cái gọi là moi tin, không hẳn thuộc về tài nghệ điều tra của nhà báo, mà từ phía cung cấp hồ sơ muốn tin tức đó được lan truyền đến mức độ nào, bao gồm cả việc dò đường dư luận. Vụ nguyên bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bị ‘đánh’ trên báo Văn Nghệ Trẻ là một ví dụ. Gần đây, tờ Người Tiêu Dùng với cú áp phe của phó bí thư thường trực Tất Thành Cang là đơn cử khác.
.
‘Đèn xanh’ hiện nay còn đang được bật với báo Tuổi Trẻ, khi đây là tờ báo đầu tiên được cựu chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh chọn để lật lại hồ sơ quy hoạch Thủ Thiêm. Nếu để ý tình tiết sẽ nhận ra có sự trùng hợp khó hiểu, khi chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu cần giải tỏa nhanh chóng và tiến hành bán đấu giá 9 lô đất ở Thủ Thiêm; thì cùng thời điểm đó, Người Phát Ngôn của UBND TP.HCM cũng tuyên bố tấm bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm do thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt ban đầu đã… thất lạc. Chỉ hai hôm sau, thì có tin ông Võ Viết Thanh đưa ra loạt bản đồ quy hoạch mà hai mươi năm qua không được ai nhớ đến.
.
Vào cuối tuần này sẽ kết thúc Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Liệu câu chuyện về tự do báo chí như nói ở trên, sẽ được tiếp tục diễn tiến mạnh mẽ hơn, chứ không phải như vụ gá duyên MobiFone – AVG đang dần chìm vào quên lãng?.
.
Người viết ngờ rằng đây chỉ là kiểu thanh trừng lẫn nhau. Thử hỏi vì sao cách đặt vấn đề đơn giản nhất và cũng thu hút sự quan tâm nhất của công chúng lại chưa được báo chí đưa ra, là cần bạch hóa tài sản của những quan chức đang nghi vấn lợi ích nhóm trong quy hoạch Thủ Thiêm? Bởi nếu bạch hóa tài sản quan chức, thì đích nhắm lớn nhất chính là yêu cầu Tổng Bí thư phải công khai hóa tài sản như đề nghị của nhiều nhân sĩ, trí thức hôm 6-5-2018.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét