“Hai người lính” hội ngộ lịch sử sau 45 năm - Kỳ 3: Gặp o du kích Triệu Trạch, và chuyện đoản khúc hòa bình
04/04/2018 - Đó là o du kích trong ảnh “Tay bắt mặt mừng” chụp cùng thời điểm “Hai người lính”, cũng rất độc đáo. Cho nên cuộc hạnh ngộ này cũng thật tuyệt. Đoản khúc hòa bình tươi rói thì chính là thời khắc xuất hiện của “Hai người lính” trong chương trình “Khúc ca hòa bình” kỷ niệm 45 năm Hiệp định Paris khiến khán giả một phen “quá ngạc nhiên, kỳ lạ thật”.Tay bắt mặt mừng hôm nay: Bà Chiến chỉ vào mình trong ảnh chụp 45 năm trước. Người cầm ảnh là nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành, còn lại là ông Nghĩa. Ảnh: CHU CHÍ THÀNH. (Trong ảnh, Bùi Trọng Nghĩa bắt tay o Chính còn Nguyễn Huy Tạo khoác vai Nghĩa. O Chiến đứng...)
TAY BẮT MẶT MỪNG
Cựu du kích Trương Thị Chiến
Tối 26/1/2018, chương trình Khúc ca hòa bình diễn ra ở Quảng trường Giải phóng, Nhà hành lễ Bến dâng hương và Hoa đăng bờ Nam sông Thạch Hãn, cạnh Thành cổ Quảng Trị và dòng Thạch Hãn - giới tuyến chia cắt hai miền sau Hiệp định Paris 1973.
Là chuỗi hồi ức về sự kiện 45 năm trước - Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, chương trình được phối hợp bởi ba đơn vị: UBND tỉnh Quảng Trị, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, Quỹ Phát triển Du lịch Hoài niệm về Chiến trường xưa và Đồng đội.
Trên ô tô từ Triệu Tài trở về, ông Nghĩa ôn loạt chuyện chiến đấu bốn mấy năm trước, có lúc nói với tôi: “Hồi đó chúng tôi được trang bị không thiếu gì. Các cô đó ăn gì mà đánh tụi tôi? Thế mà họ vẫn đánh. Nên tôi rất nể sợ họ”. (“Ăn gì” trong câu ông nói, là lối diễn đạt kiểu như “tuổi gì” bây giờ. “Tuổi gì” mà đòi nọ kia).
Hôm đó, hai người lính đã lần đầu hội ngộ trước công chúng! Trả lời câu hỏi của MC về bối cảnh ra đời những bức ảnh độc đáo, cựu phóng viên chiến trường Chu Chí Thành nhớ lại:
“Tôi chụp ảnh Hai người línhvà Tay bắt mặt mừng với tâm thế một phóng viên đã chụp Hà Nội chiến thắng B52 năm 1972. Tôi cực kỳ xúc động khi chứng kiến chốt Long Quang năm 1973, lính Cộng hòa và Quân giải phóng vẫy nhau, chuyện trò. Tôi thấy ông Nghĩa đây - lúc đó tôi chưa biết tên - bắt tay một nữ du kích của chúng ta mà đến hôm nay tôi mới biết tên là o Chính, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Trạch. Ngạc nhiên và trong lòng dâng lên một tình cảm lạ lùng. Vì sao những người này hôm qua bắn nhau mà hôm nay lại tay bắt mặt mừng như vậy...”.
Thông tin về o Chính - nhân vật trong ảnh Tay bắt mặt mừng, ông Thành vừa biết chỉ một ngày trước.
Trong ảnh, tôi đếm có 5 người lính Cộng hòa, 3 anh bộ đội và 2 nữ du kích. Bức này chụp trước Hai người lính một chút. Bộ đội Tạo ảnh này cũng khoác vai chàng thủy quân lục chiến Nghĩa, còn Nghĩa bắt tay một nữ du kích đội mũ tai bèo. Góc chụp không cho thấy đầy đủ gương mặt cô nhưng vẫn rõ nụ cười, cũng tươi như nụ cười của Nghĩa.
Phó Giám đốc Đài Truyền hình Quảng Trị - Võ Nguyên Thủy kể: Đọc loạt bài độc quyền về hai người lính trên Tiền Phong, nảy ý tưởng mời các nhân vật dự chương trình, anh đã cử phóng viên đi tìm hai du kích trong ảnh Tay bắt mặt mừng và chỉ tìm được với sự giúp đỡ của cựu xã đội trưởng Phan Tư Kỳ người Triệu Trạch. Tiếc rằng một trong hai cô đã mất.
Chiều 25/1/2018 chúng tôi về Triệu Tài, xã lân cận Triệu Trạch để gặp cô du kích còn lại. Bà giờ không ở Triệu Trạch. Huyện Triệu Phong có 18 xã đều bắt đầu bằng “Triệu”.
O du kích đã mất - người bắt tay anh lính thủy quân lục chiến Nghĩa tên là Chính. O Chiến đứng cạnh o Chính. Ông Kỳ đứng loanh quanh đó nhưng không vào ảnh- bà Chiến cho biết. Góc chụp không rõ mặt chỉ rõ vóc dáng thanh xuân nhưng bà Chiến lập tức chỉ vào ảnh xác nhận đó là mình.
O du kích 19 xuân xanh trong ảnh giờ ở tuổi 64, vẻ mệt mỏi song vẫn còn dấu vết thời xuân sắc. Từ hai tuần trước, Trương Thị Chiến- tên của bà, đã biết sẽ có người về tìm mình, đâm ra “căng thẳng” từ đó. Dần dà theo đà câu chuyện bà mới giãn nở, mỗi lúc một tươi hơn.
Bà kể: “Hồi đó nghe lệnh ngừng chiến mừng lắm. Nghĩ không còn chiến tranh bên nào cũng vui hết. Tôi với chị Chính nhiều lần gặp, nói chuyện với phía bên kia, họ đối xử đàng hoàng lắm như bộ đội mình. Có người còn khóc. Kêu tụi tôi là “em”. Tụi tôi gặp họ hỏi han chuyện gia đình, cũng làm cả việc binh vận...”.
Tay bắt mặt mừng (Trong ảnh, Bùi Trọng Nghĩa bắt tay o Chính còn Nguyễn Huy Tạo khoác vai Nghĩa). Ảnh: Chu Chí Thành.
Xã đội trưởng Kỳ kể hồi đó cử hai o Chính- Chiến giao lưu với phía bên kia phần vì “tụi hắn đẹp gái”. Binh vận có khác, có nét “mỹ nhân kế”. Ông Nghĩa nhớ lại: “Hồi đó gặp nói chuyện với bốn, năm o du kích, o nào cũng đẹp hết!”.
Nhà báo Thành trêu: “Nghĩa ngày trước chưa thì bây giờ bắt tay o Chiến đi. Ông này khôn thật, ngày đó đã chọn bắt tay Bí thư (o Chính)”. Ông Nghĩa bảo hồi đó không hề biết mình đã chụp ảnh này, bắt tay trò chuyện với các o du kích.
Và thế là sau 45 năm, họ lại tay bắt mặt mừng, chuyện cũ chuyện mới. Cuộc này thiếu anh bộ đội Tạo do ông Tạo sáng sau mới vào. Những người còn lại trong ảnh, họ là ai và ở đâu bây giờ? Có thể tìm được họ như đã tìm thấy ông Tạo và Nghĩa, o Chính và Chiến không?
O Chính sau thời gian làm Bí thư Triệu Trạch thì về quê chồng ở Gio Linh sống. Đau yếu nên bà mất hai năm trước. Còn bà Chiến bệnh tim nên chỉ làm được việc nhẹ. Gặng mãi bà mới cho biết cuộc sống bấy nay khó khăn với bốn đứa con. Cha bà bị bắt và tra tấn, bị bắn hồi 1968. “Là con liệt sĩ, bà có được hưởng ưu tiên nào”- tôi hỏi và bà lắc. Có lẽ liệt sĩ ở Quảng Trị, ấy sự thường? Ông Kỳ xác nhận: “Hắn (Chiến) tội lắm, thiệt thòi”. Xác nhận cả chuyện cha bà là liệt sĩ Trương Hiệu, hy sinh năm 1968. Còn tôi nghĩ sẽ có ngày trở lại thăm cựu du kích Chiến để nghe chuyện một cách đầy đủ hơn bởi ánh mắt đó, gương mặt lúc tươi lúc héo đó đọng lại trong tôi. Và bởi câu chuyện gia đình bà- tham chiến và ra khỏi chiến tranh ra sao, cũng là một phần câu chuyện bi tráng của đất nước này. Như chuyện “hai người lính”.
“QUÁ NGẠC NHIÊN”, “TUYỆT VỜI”
Cuộc hạnh ngộ trên sân khấu chương trình "Khúc ca hòa bình". Từ phải qua: Nhà báo Chu Chí Thành, ông Bùi Trọng Nghĩa, ông Nguyễn Huy Tạo, và MC của chương trình.
Vẻ nồng nhiệt của các chuyên gia rà phá bom mìn Anh, Mỹ sau khi chứng kiến ba nhân vật của chúng ta giao lưu. (Người bắt tay là ông Nghĩa). Ảnh: DPV.
Trước khi đến với Khúc ca hòa bình, theo chân đồng nghiệp địa phương chúng tôi chầm chậm leo những bậc thang lên Đài tưởng niệm Trung tâm Di tích Thành cổ Quảng Trị để thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Thời tiết se se quện khói hương nghi ngút và sự thành kính tạo thành một không gian và không khí trầm mặc rất Quảng Trị.
Cuộc giao lưu với Hai người lính diễn ra khoảng giữa chương trình với lời giới thiệu trang trọng: “Trên bờ sông Thạch Hãn nơi chúng ta đang đứng đây, ngay khi Hiệp định Paris 1973 có hiệu lực đã diễn ra những hình ảnh đẹp xúc động về tình cảm dân tộc, về hòa hợp Bắc - Nam...”.
Màn hình phát cảnh hội ngộ của họ ở sân bay Phú Bài và ga Đông Hà. Khán giả tặng ba người đang ngồi trên sân khấu tràng vỗ tay trước khi nghe họ kể lại kỷ niệm 45 năm trước, và cả mới hai hôm nay thôi.
Khoảng 40 chuyên gia rà phá bom mìn người nước ngoài đang làm việc tại Quảng Trị là khách mời của chương trình kỷ niệm 45 năm Hiệp định Paris. Ngồi hàng ghế ngay sau “hai người lính” là các chuyên gia Mỹ và Anh. Thấy vẻ chăm chú của họ, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Quảng Trị - ông Trần Khánh Phôi bèn tiến lại giải thích lai lịch ảnh Hai người lính đang làm nền cho cuộc hội ngộ của chính họ trên sân khấu. Các chuyên gia nghe xong trầm trồ tiếng Anh: “Quá ngạc nhiên, kỳ lạ thật!”. Và khi ba nhân vật trở về hàng ghế của mình, họ đồng loạt đứng dậy tươi cười, trang trọng bắt tay ông Thành, Tạo, Nghĩa và lại xuýt xoa: “Tuyệt vời!”.Song như đã nói, không hề dễ dàng để có sự tuyệt vời này, và đó là chuyện sẽ kể ở kỳ sau.
Trước khi đến đây tôi hỏi ông Nghĩa có e ngại gì không thì ông tỏ ra rất tự tin, nhất là khi tôi dặn ông cứ nghĩ sao nói vậy y như lúc nói chuyện với tôi và ông Thành, chỉ có điều phải đẩy tốc độ lên vì có truyền hình trực tiếp và tiếp sóng 10 đài khác. Sau ông cho biết lên đó xúc động quá thành ra không nói được mấy, càng không nói nhanh được.
Còn ông Tạo cũng phát biểu “rất xúc động”:
“Thời đấy rút từ mặt trận Thành cổ về giữ chốt ở Long Quang, chúng tôi là những người lính mười chín đôi mươi được Đảng Nhà nước và các trường cấp một, hai, ba dạy cho mình lòng yêu nước, vào chiến trường giải phóng miền Nam. Khát vọng rất lớn lao. Hiệp định Paris có hiệu lực là lúc tôi lần đầu nhìn được bộ mặt và con người thật của những người cầm súng đối diện thì thấy họ cũng như mình, cũng là thanh niên trai trẻ... 45 năm, hôm nay ngồi đây rất xúc động, khó nói hết tâm trạng...”.
Ông kể về phút đầu hội ngộ: “Anh em tôi gặp nhau 4 giờ sáng nay, ngồi đến sáng hẳn để tâm sự, chủ yếu hỏi cuộc sống hiện tại, gia đình, con cái. Tôi kể về gia đình tôi, anh Nghĩa cũng kể chuyện gia đình cho tôi nghe. Tôi mong mọi gia đình ở Việt Nam đều được hưởng hòa bình và giữ vững nó cho đời đời con cháu mai sau...”.
Một lần nữa tôi nghĩ tôi sẽ nhớ mãi đoản khúc hòa bình đó- trước, trong và sau cuộc hội ngộ lịch sử: Thời khắc ba người rời ghế tiến lên sân khấu trong nền nhạc Cỏ non thành cổ của Tân Huyền mà hôm nay nghe sâu lắng hơn hẳn ngày thường: Cỏ non Thành cổ một màu xanh non tơ/ Bình minh Thành cổ cỏ mềm theo gió đưa/Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ... Họ giao lưu xong, Bài ca thống nhất của Võ Văn Di vẫn với giọng hát Phạm Phương Thảo vang lên da diết mà hào hùng: Biển trời quê ta. Rộn vang tiếng ca. Bắc Nam một nhà vui một nhà vang tiếng hò khoan...
TPO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét