Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2018

(2) Cách đoán số mệnh của người Tàu và người Việt

Ngày Xuân, thử tìm hiểu cách đoán số mệnh của người Tàu và người Việt
Lữ Giang - Tín ngưỡng dân gian phản ánh những ước nguyện tâm linh của con người và cộng động, là niềm tin vào thần linh thông qua những nghi lễ, gắn liền với phong tục tập quán và truyền thống.
Với “văn hóa bói toán dân gian” phát xuất từ Tàu, ngày Tết tại nhiều chùa, tăng sĩ và dân chúng đã biến đạo Phật thành một tôn giáo thờ thần linh và coi đó là đạo dân tộc”, trong đó Đức Phật cũng ban phúc giáng họa gióng như các vị thần linh khác. Các lễ"dâng sao giải hạn", "cắt tiền duyên", "xin bùa", "xin bát hương"... đều được cử hành tại chùa do các tăng sĩ chủ lễ. Tiếng tụng kinh gõ mõ không ngớt, khói hương nghi ngút… Gia đình cán bộ đi chùa. Nguyễn Tấn Dũng cũng đi chùa...
Trong Phần I chúng tôi đã trình bày MÔN VẤN SỰ, trong phần này chúng tôi nói về MÔN KHẢO MỆNH
II.- MÔN KHẢO MỆNH
Môn khảo mệnh là môn tìm hiểu định mệnh của con người căn cứ vào các dấu hiệu bên ngoài. Các dấu hiện này có thể là những dấu hiệu xuất hiện sẵn trên con người hay trong những tác phẩm do con người làm ra. Các dấu hiệu này cũng có thể là những dấu hiệu do chính con người đặt ra để làm một cái khung rồi căn cứ vào đó để nghiệm.
A.- Đoán mệnh căn cứ vào các dấu hiệu xuất hiện ra bên ngoài của con người.
Một bác sĩ hỏi han bệnh nhân, đặt ống nghe vào nghe, lấy nhiệt độ... cũng có thể biết được bệnh của một người. Người đoán mệnh cũng có thể nhìn các dấu hiệu xuất hiện nơi mỗi con người để biết về cuộc đời của người đó. Trong các môn khảo mệnh căn cứ vào các dấu hiện xuất hiện ra bên ngoài, chúng ta thấy có các môn thông dụng sau đây: Nhân tướng, chỉ tay, chữ viết và chữ ký, các tác phẩm do con người sáng tạo, v.v.

1.- Nhân tướng học
Nhìn vào diện mạo, cách nói năng, đi đứng, cư xử của con người để đoán về số mệnh.
Qua những cuộc khảo sát kéo dài nhiều thế kỷ, các nhà huyền học Đông cũng như Tây đã để lại nhiều sách vở nói về tương quan giữa tướng mạo và vận mệnh con người. Trong ca dao tục ngữ của Việt Nam, chúng ta cũng thấy có nhiều câu nói về cuộc đời của con người qua tướng mạo bên ngoài, chẳng hạn như:
- Những người thắt đáy lưng ong,
Vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con.
- Những người béo trục béo tròn,
Ăn vụng như chớp, đánh con cả ngày.
- Đàn ông không râu bất nghì,
Đàn bà không vú lấy gì nuôi con.
- Đàn bà tốt tóc thì sang,
Đàn ông tốt tóc thì mang nặng đầu.
- Đàn bà lanh lảnh tiếng đồng,
Một là sát chồng, hai là hại con.
- Đàn ông miệng rộng thì sang,
Đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà.
- Những người ti hí mắt lươn,
Trai thì trộm cắp, gái buôn chồng người.
- Những người phinh phính mặt mo,
Chân đi chữ bát thì cho chẳng màng,
- Đừng chơi nhà thằng lé, đừng ghé nhà thằng lùn.
- Lưỡng mục bất đồng tâm bất chính, v.v.
Đây là những câu đoán mệnh một cách đơn giản, do giới bình dân xữ dụng, nhưng qua kinh nghiệm người ta thấy cũng có phần đúng. 

Đi vào môn tướng pháp thì khá phức tạp. Người ta căn cứ vào tất cả mọi thứ trên con người để khảo sát về tính tình, tuổi thọ, bệnh tật, địa vị xã hội, họa phúc an nguy... của mỗi người. Sách khảo mệnh bằng nhân tướng khá nhiều, trong đó bộ Ma Y Thần Tướng là bộ sách được nhiều người tôn sùng. Trong sách đó chúng ta tìm thấy những câu như: Mắt như mắt chuột là đồ trộm cắp. Đầu nhọn trán lép không thể cầu quan. Tai lệch, mắt ghé, hậu vận phá. Sống mũi như sống dao, mắt lộ không chuyển là người bạo ngược và hạ tiện. Sơn căn có nốt ruồi, nếu không bệnh tật lâu thì khắc phu. Thân nhỏ mà tiếng vang sẽ phạt đạt. Mũi thành ba khúc tướng phá bại, v.v. Ngoài các sách gia truyền được giấu kín, trên thị trường hiện nay có rất nhiều sách của các tác giả Đông phương và Tây phương nói về đoán mệnh qua nhân tướng, ai cũng có thể tìm mua được.

2.- Xem chỉ tay
Đây là một môn nếu được nghiên cứu kỷ càng sẽ khá chính xác. Nhiều sinh viên y khoa của Pháp hay Hoa Kỳ đã mở nhiều cuộc khảo sát về chỉ tay để định bệnh và làm luận án tiến sĩ y khoa bằng môn này. Trong môn xem chỉ tay của Đông Phương, người ta thấy có nhiều chỉ dẫn rất đúng. Thí dụ: Đường hôn nhân chẽ đôi thì không tránh khỏi ly dị. Trí đạo dài quá mức là dấu hiệu của bệnh đau đầu hay thần kinh tâm trí (chứ không phải học giỏi đâu). Đàn bà mà đường hôn nhân có hình cù lao thì không tránh khỏi ngoại tình. Trên đường sinh đạo có hình cù lao thì sẽ bị bệnh về bao tử hay bệnh lao phổi. Trên đường tâm đạo có hình cù lao thì hoặc là bị thất vọng về tình hoặc là bị đau tim, v.v.

3.- Môn xem chữ ký và chữ viết
Môn này do các học giả Đông phương và Tây phương nghiên cứu và viết thành sách. Xem những nét của chữ viết và chữ ký, người ta có thể biết được tính tình, bệnh tật và con đường công danh sự nghiệp của một người.
Trên đây là ba môn thông dụng nhất. Người Pháp có câu: “Le style, c'est l'homme.” Văn là người. Đọc văn của một người chúng ta có thể biết tính tình và phong cách của người đó.

B.- Đoán mệnh căn cứ vào các mô thức do con người đặt ra để nghiệm.
Sách Bát Tự Hà Lạc nói người tuổi Ngọ mà an ra được quẻ Kiền là cách “Mã tê phong” (ngựa hý gió), chắc sẽ được qúy hiển. Trong Tử Vi, đàn bà mà cung Phu có sao Đẩu Quân là cách “Tắc cù mộc chi cô”, tức làm vợ cả mà cô độc, chồng cứ đi theo mấy con vợ bé hay bồ. Quẻ Kiền hay sao Đẩu Quân chỉ là những ký hiệu do con người đặt ra để ghi nhận và thông đạt các biến cố.
Môn khảo mệnh không đòi hỏi sự linh ứng của thần linh, nhưng đòi hỏi người coi phải có những nhận xét tinh tường, uyển chuyển và sắc bén.
Các nhà huyền học đã đưa ra rất nhiều mô thức khác nhau để ghi nhận các biến cố xẩy ra trong cuộc đời con người. Mỗi mô thức có cấu trúc khác nhau và xử dụng các ký hiệu không giống nhau. Tuy nhiên, ngày xưa Dịch lý là một môn học phổ biến, nên các nhà huyền học thường lấy Dịch lý làm căn bản chính, sau đó phối hợp với các môn khác để hoàn thành cấu trúc. Trong các môn xử dụng mô thức do con người đặt ra để đoán số mệnh, người ta thấy có một số môn được nhiều người biết đến như Địa lý, so tuổi, Bát tự, Tử Bình, Tử Vi, v.v. Trong các môn này, hai môn Tử Bình và Tử Vi được coi là thông dụng nhất. Môn Tử Bình thông dụng ở Trung Hoa, còn môn Tử Vi được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam. Môn Tử Vi được xây trên một cấu trúc hoàn chỉnh nhất và được nhiều người Việt Nam biết đến nhất, nên chúng tôi chọn môn Tử Vi làm thí dụ điển hình việc việc dùng mô thức nhân tạo để nghiệm về số mệnh con người.
Khoa Tử Vi có từ đời Đông Tấn, vào niên hiệu Vĩnh Hưng Nguyên, tức khoảng 304 sau Tây lịch. Việc hình thành và xây đắp khoa tử vi là công trình của các Chúc quan, tức các quan coi việc cúng tế và làm lịch ở Trung Hoa ngày xưa. Cụ Trần Đoàn không phải là người sáng lập ra khoa Tử Vi mà chỉ là một trong những người tập hợp và hệ thống hóa khoa này mà thôi. Còn có những học giả khảo cứu về khoa Tử Vi sâu rộng hơn cụ Trần Đoàn nhiều, chẳng hạn như Thiệu Khang Tiết, Cao Xữ Dị, v.v. Họ đã để lại những bộ sách khảo cứu rất vĩ đại và là gia bảo của hai phái Bắc tông và Nam tông, những người ngoài khó đụng tới được.
Cụ Trần Đoàn nói khoa Tử Vi bao gồm sáu khoa sau đây: Thiên văn, Lịch phổ, Ngũ hành, Ngũ sự (nhân tướng học), Tạp chiêm và hình tượng. Khi nghiên cứu, chúng ta thầy Dịch lý và Địa lý cũng đã được các nhà huyền học khai thác rất nhiều khi lập ra khoa Tử Vi. Nói như thế không có nghĩa là các nhà huyền học đã căn cứu vào các môn đó để giải đoán số mệnh của con người qua lá số Tử Vi. Họ chỉ mượn các khoa này để hình thành mô thức của lá số Tử Vi, rồi dùng mô thức đó để nghiệm về số mệnh con người mà thôi.Do đó, trong khoa Tử Vi, nghiệm đóng vai trò chính. Các lý giải căn cứ vào Dịch lý, ngũ hành, hình tượng... có giá trị rất ít.
Khoa Tử Vi được thiết lập trên thuyết Tam Tài trong Dịch lý, gồm Thiên, Địa, NhânThiên là cấu trúc của lá sốĐịa là môi trường gia đình và xã hội, và Nhân là tướng mạo của con người. Chỉ dùng lá số thôi thì đoán không thể đúng được. Đọc chính thư của phái Nam Tông, chúng ta thấy dưới mỗi câu phú đều được ghi chú rất nhiều về phần Địa định và Nhân định. Thí dụ Thanh Long ngộ Thiên Không được ghi là “hưng nghiệp cách”, nhưng không phải ai có cách này ở Mệnh thì cuộc đời sẽ phát mạnh đâu. Ở dưới câu phú này ghi rõ: Nều cha mẹ nghèo thì bắt đầu tuổi thành niên, sự nghiệp sẽ đi lên. Trái lại, nếu cha mẹ và dòng họ giàu có, kể từ tuổi trung niên, khi sự hổ trợ của môi trường gia đình không còn nữa, cuộc đời sẽ đi xuống rất nhanh. Trong tạp thư bán trên thị trường không có những ghi chú về yếu tố địa định đó nên người đoán thường đoán sai. Không bao giờ con người “hưng nghiệp” từ cái thịnh mà chỉ “hưng nghiệp” từ cái suy. Không phối hợp lá số với nhân tướng và môi trường sống để đoán thì không phải là khoa Tử Vi.

Lá số Tử Vi thường được trình bày theo một cái khung hình vuông hay hình chữ nhật. Phần ở giữa là Thiên bàn. Phần xung quanh được gọi là Địa bàn. Địa bàn được chia làm 12 cung, biểu hiệu cho 12 cung của vòng hoàng đạo, 12 địa chi, 12 phương hướng, 12 chu trình biến hóa âm dương..., đặc biệt nhất là 12 nhân tố cấu thành số mệnh của một người, đó là Mệnh, Phụ, Phúc, Điền, Quan, Nô, Di, Ách, Tài, Tử, Phối và Huynh.
Trên địa bàn được an các sao. Những sao này họp lại thành một triều đình, có vua, có quan, có lính, có dân. Bộ Tử Phủ Vũ Tướng được gọi là Hoàng Gia Tôn Tộc thế. Bộ Cơ Nguyệt Đồng Lương là Tứ Trụ Triều Đình thế (tượng trưng cho quan văn) và Bộ Sát Phá Liêm Tham là Tỳ Hưu Nhiệm Vị thế (tượng trưng các quan võ).
Các sao còn được chia ra bốn vòng, thể hiện số mệnh của con người đi từ tiền kiếp qua hiện kiếp đến hậu kiếp. Vòng Tử Phủ là Vòng thác nghiệp (thụ đắc nghiệp ngả), Vòng Tràng sinh là Vòng thể hữu (tiến trình hình thành, sinh vượng và hủy hoại của con người), Vòng Lộc tồn là Vòng thụ hữu (thụ nghiệp trong hiện sinh), và Vòng Thái tuế là Vòng triển hữu (triển khai nghiệp hữu trong môi trường).
Với những nét đại cương được vạch qua như thế, chúng ta thấy môn Tử Vi là một môn bác học được kiến tạo theo những ý niệm rất cao siêu và sâu sắc. Nhưng không phải tính cách bác học của mô thức này làm nên vận số con người. Mô thức chỉ là một cái sườn, một hư cấu mà các nhà huyền học căn cứ vào đó để nghiệm rồi ghi nhận bằng những câu phú. Mô thức tự nó không mang một giá trị thiết thực trong việc giải đoán. Các nhà huyền học đã dùng mô thức này để thực nghiệm trên hàng triệu người, từ bậc vua chúa đến các bậc thứ dân, trong gần 7 thế kỷ trước khi được hệ thống hóa.
Vì khoa Tử Vi là một khoa nghiệm lý, dùng một cái sườn làm căn bản để nghiệm, nên khi giải đoán phải căn cứ vào những cái đã phát hiện để đoán, đừng đem Dịch lý và nghiệp hữu vào lý giải một cách vu vơ. Sau đây là một thí dụ cụ thể trong tiến trình hình thành các câu phú đoán về Tử Vi:
Người ta nghiệm thấy những người có lá số Mệnh an tại cung Tỵ hay Hợi có hai sao Liêm Trinh và Tham Lang, thường có cuộc đời gian khổ và hay bị ngục tù. Người ta đưa ra hai câu phú để ghi nhận:
Liêm Tham Tỵ Hợi miễn bàn,
Chàng Tiêu thủa trước tân toan ngục tù.
Nhưng có lúc người ta thấy có lá số Mệnh an tại Hợi có Liêm Tham tọa thủ mà đương số vẫn phây phây, không hề bị gian nan ngục tù gì cả. Người ta xem lại thì thấy lá số đó có thêm sao Hóa Kỵ ở Mệnh (tuổi Bính và Quý có thêm sao Hóa Kỵ), nên tạm thời đưa ra kết luận sao Hóa Kỵ có thể hóa giải được những cái xấu của Liêm Tham Tỵ Hợi. Lúc đó phái ngũ hành nhào vô giải thích rằng Hóa Kỵ thuộc hành thủy nên đã chế ngự bớt cái hỏa của Liêm Trinh đi, làm cho Liêm Tham không còn tác họa nữa.
Một thời gian sau, người ta khám phá ra có một số người có lá số Mệnh cư tại Hợi có cả Liêm Tham lẫn Hóa Kỵ mà vẫn gian nan ngục tù. Người ta xem lại thì thấy có thêm sao Thiên hình hoặc Văn xương, Văn Khúc. Kết luận thứ ba được đưa ra: Liêm Tham Tỵ Hợi hội Thiên Hình hay Xương, Khúc thì Hóa kỵ không hóa giải được. Với sao Thiên hình thì phái ngũ hành cho rằng Thiên hình là hỏa, đã làm tăng cái hỏa của Liêm trinh lên nên Hóa kỵ không hóa giải nổi. Nhưng với Văn xương và Văn khúc thì thấy phái này ú ớ, vì Văn xương là kim và Văn khúc là thủy, cả hai hành này yểm trợ mạnh mẽ cho Hóa kỵ, tại sao Hóa kỵ không dẹp được Liêm Tham?
Chúng ta thấy một số nhà huyền học hay dùng Dịch lý và nghiệp hữu để giải thích các cung cách của khoa Tử Vi, nhưng đây là một cách làm cho môn Tử Vi tăng thêm phần uyên bác mà thôi. Giải đoán phải dựa vào nghiệm làm căn bản. Lá số chỉ là một hư cấu.
Điều đáng tiếc là từ xưa đến nay, môn Tử Vi được coi là môn bí truyền. Lúc đầu môn này được lập ra để triều đình chọn người làm quan, nên không cho xử dụng trong nhân gian. Về sau môn này trở thành gia bảo của các môn phái gồm hàng ngàn tập nên ít ai được có cơ hội nghiên cứu. Các sách bán trên thị trường chỉ là tạp thư, tam sao thất bổn, chỉ ghi phần Thiên, không nói đến phần Địa và phần Nhân, nên không biết phải giải đoán như thế nào. Hơn nữa, khoa Tử Vi được nghiệm theo cấu trúc của xã hội Trung Hoa ngày xưa. Cấu trúc đó đã thay đổi, nên phải rất thận trọng, nhất là khi áp dụng tại Hoa Kỳ. Các nhà huyền học Đài Loan và Hong Kong đang cố gắng nghiệm và hiệu đính lại theo cấu trúc mới của xã hội. Chúng ta không nên tự mãn với những tạp thư bán trên thị trường.

Một môn khác được người Tàu cũng như người Việt ưa thích là môn so tuổi của hai người khi kết hôn hay làm ăn chung với nhau. Đây cũng là một khoa nghiệm lý.
Việc coi tuổi khá phức tạp. Người bình dân thường tin rằng xem tuổi phải căn cứ vào “tam hợp” và “tứ hành xung” theo ngũ hành của năm sinh. Tuổi hai người nằm trong tam hợp như Thân-Tý-Thìn, Tỵ-Dậu-Sửu hay Hợi-Mão-Mùi thì tốt. Trái lại, tuổi hai người nằm trong tứ hành xung như Tý-Ngọ-Mão-Dậu, Dần-Thân-Tỵ-Hợi hay Thìn-Tuất-Sửu-Mùi thì xấu. Nhưng sau khi nghiên cứu về huyền học Trung Hoa, tôi mới thấy rằng cách xem trên không đúng với huyền học Trung Hoa. Người Trung Hoa xem tuổi của hai bên như xem địa lý, căn cứ vào “cung phi” thuộc tuổi. Cung phi được thiết lập theo hàng Can của tuổi chứ không phải theo hàng Chi như giới bình dân thường tính với nhau. Cách xem này khá phức tạp nên phải nhờ đến những nhà chuyên môn. Khi so tuổi, người so phải đối chiếu cung phi thuộc tuổi của cả hai bên và cho biết nếu kết hôn với nhau, những chuyện gì có thể xẩy ra. Thí dụ: người nam tuổi Canh Dần thuộc cung Khôn, lấy vợ tuổi Ất Mùi thuộc cung Càn là gặp Phước Đức, sẽ làm ăn giàu có. Trái lại nếu lấy vợ tuổi Quý Tỵ là gặp Ngũ Quỷ, trong gia đình sẽ luôn có chuyện cãi cọ bất hòa,v.v. Ông thầy Tàu coi tuổi cho người bạn tôi nói ở trên đã coi theo cách này.

CÓ NHỮNG CHUYỆN KHÔNG BÓI ĐƯỢC
Trước khi chấm dứt bài này, tôi xin kể lại một chuyện bói toán trong Cổ Học Tinh Hoa: Đời Đông Chu, có hiền tài là Khuất Nguyên bị bọn nịnh thần dèm pha nên bị Sở Vương loại ra và không cho gặp mặt. Ông thấy đời kẻ sĩ như thế này thì quá vô dụng, không còn làm được việc gì ích quốc lợi dân, nên tâm buồn ý loạn, không biết phải hành động như thế nào, bèn đến gặp quan Thái bốc Trịnh Thiềm Doản, chuyên về bói cỏ thi, mà vấn kế. Thiềm Doản phủi mu rùa và sửa lại cỏ thi cho ngay ngắn rồi hỏi :
- Ông muốn dạy tôi việc chi?
Khuất Nguyên ôn tồn đáp:
- Tôi có nên giữ mãi lòng trung hay nên đưa đón theo đời để kiếm miếng ăn? Tôi có nên tiếp tục giữ lòng chính trực hay trơn tru tròn trỉnh như mỡ như da để được như cây cột? Tôi có nên cứ ngang tàng như con thiên lý mã hay bắt chước con vịt nước theo sóng mà nhấp nhô? Trước tình thế này tôi có nên giữ phong thái của loài hoàng hộc hay tranh ăn với nhóm gà vịt?
Thiềm Doản đặt cỏ thi xuống rồi tạ rằng:
Ở đời, thước có khi ngắn mà tấc có khi lại dài, vật có chỗ không đủ và trí có chỗ không sáng. Số có chỗ đoán không tới và thần có chỗ cũng không thông. Vậy ông cứ theo lòng mà làm. Cỏ thi và mu rùa quả không biết được những việc ấy.
Nghe những lời ấy, Khuất Nguyên đã theo lòng mình mà làm, trở về vui thú điền viên, viết tập Ly Tao nêu cao chí khí mà để lại cho đời.
Ngày đầu năm, xin chúc độc giả một mùa Xuân vui vẽ nơi đất khách quê người.
Ngày 1.2.2018
Lữ Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét