Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2017

Quân Anh ở Sài Gòn và câu chuyện Lê Văn Tám


Quân Anh ở Sài Gòn và câu chuyện Lê Văn Tám
30 tháng 11 2017 - Ngày nay nhìn lại cuộc chiến không cân sức này, nhà báo Nguyễn Giang nói rằng việc tìm ra một Lê Văn Tám cụ thể chắc là khó nhưng số người trẻ ở Sài Gòn - Gia Định hy sinh chống Pháp với tinh thần quyết tử thì phải lên tới hàng trăm và đây là câu chuyện 'rất thật', không phải huyền thoại. 


Một tấm pano có hình ảnh Lê Văn Tám
Giai đoạn quân Anh vào Nam Việt Nam giải giáp quân Nhật sau Thế Chiến 2 đã xảy ra nhiều giao tranh ở Sài Gòn, và cũng là thời điểm báo chí Việt Nam nói là xảy ra sự kiện Lê Văn Tám. Một số nguồn ở Việt Nam nói sự kiện này được xảy ra vào khoảng 17-18/10/1945 khi Việt Minh tấn công quân Anh - Pháp.

Các nguồn nước ngoài và Việt Nam vẫn không đồng nhất được về sự kiện này, rằng đó là vụ cháy, nổ ở kho xăng hoặc kho đạn.

Nhà báo Nguyễn Giang của BBC tìm hiểu rằng sử gia David Marr trong cuốn 'Vietnam: State, War, and Revolution (1945-1946)', viết rằng đúng là có vụ phá được "các bể chứa dầu trong nhà máy xi măng Simon Pietri của Pháp".

Nhưng ông David Marr cũng ghi thêm về chuyện 'đuốc sống' qua nguyên văn tiếng Anh rằng "A boy was said to have soaked himself in petrol and become a human torch in order to burn down the oil tanks at the Simon Piétri cement plant", và nói đây là chuyện là do sử gia Việt Nam Trần Huy Liệu tạo ra.

Một số lời kể báo chí cách mạng Việt Nam về giai đoạn này thì nói đến "kho đạn của Pháp", một số khác nói về "trạm xăng của công ty Shell".

Nhưng theo sử liệu của Anh thì trận đánh sân bay Tân Sơn Nhứt xảy ra trong đợt tấn công đầu tiên của Việt Minh vào cuối tháng 9, chứ không phải 17-18 tháng 10.

Điều chắc chắn là giao tranh giảm đi trong tháng 11 và 12 và các nhóm kháng chiến đã bị đẩy ra ngoài Sài Gòn trong năm 1945.

Sang ngày 3/01/1946, 1000 du kích Việt Minh đã tấn công vào quân Anh ở Biên Hòa và ít nhất 100 người bị đạn súng máy bắn chết.

Trong toàn bộ chiến dịch Masterdom của 20 nghìn quân Anh -Ấn tại Nam Bộ, họ chỉ bị chết 40 người, nhưng phe kháng chiến người Việt chết 2500 người.

Ngày nay nhìn lại cuộc chiến không cân sức này, nhà báo Nguyễn Giang nói rằng việc tìm ra một Lê Văn Tám cụ thể chắc là khó nhưng số người trẻ ở Sài Gòn - Gia Định hy sinh chống Pháp với tinh thần quyết tử thì phải lên tới hàng trăm và đây là câu chuyện 'rất thật', không phải huyền thoại.
http://www.bbc.com/vietnamese/media-42187775

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét