Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2017

Nhân sinh nhật GS Hoàng Tụy, nhớ GS Nguyễn Văn Quỳ

Trong bài "CHÚC MỪNG GS HOÀNG TỤY 90 TUỔI", mình có nhắc tới GSTSKH Nguyễn Văn Quỳ, một người anh, người thày rất thân thiết và đáng kính trọng của mình. Mình thân với anh ngay khi anh chuyển từ Viện Khoa học tính toán và điều khiển về cơ quan mình. Lúc đó bác Hoàng Tụy là giám đốc, anh Quỳ làm phó giám đốc. Anh có chuyên môn giỏi, làm việc cực kỳ nghiêm túc và có trách nhiệm rất cao. Mục 44 trong bài này viết: "PGS.TSKH. NGUYỄN VĂN QUỲ, đại ca được anh em quen gọi KBU, tổ sư của mô hình kinh tế lượng VN. Anh đã sống, lao động quên mình, quên tuổi tác, quên sức khỏe, để rồi ra đi vẫn như một vị tướng trẻ". Chuyên ngành nghiên cứu khoa học của mình và anh Quỳ giống y như nhau. Đặc biệt, sau khi nghỉ hưu, anh Quỳ về làm việc ở trường đại học Thăng Long, thì bây giờ mình cũng đang đi theo vết chân anh. Đăng lại bài này để tưởng nhớ đến anh.
Nhân sinh nhật GS Hoàng Tụy, nhớ GSTSKH Nguyễn Văn Quỳ






Nguồn: http://cpd.vn/news/printpreview/tabid/84/newsid/2848/Default.aspx


 

Ảnh trên nhắc tới GSTS Nguyễn Thúc Loan. Tôi (Lại Trần Mai - Lê Việt Đức) đã đôi lần viết về bác. Đây là một đoạn được viết trên Hiệu Minh Blog:

Trong những năm 1983-1984, tôi thường xuyên tới Viện Khoa học tính toán và điều khiển chạy nhờ máy tính khi giải các mô hình toán kinh tế (phải trả tiền thuê máy theo giờ, chỗ anh Vũ Duy Mẫn và anh Ngô Trung Việt) và có hợp tác với một số nhà khoa học của Viện để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học... nên có nhiều kỷ niệm với Viện này. Hai hôm trước đọc được 2 bài về Viện Tin trên Blog Hiệu Minh, đã tính lưu lại để thỉnh thoảng nhớ lại thời đó, song bận việc khác nên chưa làm, nay mới có thời gian.

Hiệu Minh có nhắc lại chuyện GSTSKH Phan Đình Diệu và GSVS Nguyễn Văn Hiệu, tôi cũng muốn ghi lại một vài ấn tượng. GS Diệu thì tuyệt vời, anh em trẻ chúng tôi rất quý. Viện sĩ Hiệu thì thường được anh em gắn đôi với Giáo sư tiến sĩ khoa học Nguyễn Thúc Loan. Lúc đó bác Hiệu nổi tiếng nói nhiều, hứa nhiều nhưng làm chẳng được bao nhiêu; còn bác Loan thì lang thang khắp nơi, phát biểu vung mạng (có trường hợp bạn tôi làm luận án tiến sĩ Toán đã xong, trường tổ chức buổi bảo vệ thử để ít hôm sau làm thật; vô phúc thế nào bác Loan đi qua rẽ vào dự, phát biểu bác bỏ hết cả luận án, chẳng GS,TS nào của trường dám cãi bác, thế là bạn tôi phải làm lại từ đầu, không được làm nghiên cứu sinh bên khoa Toán nữa mà phải chuyển sang làm bên khoa Thống kê, 3-4 năm sau mới hoàn thành bản luận án hoàn toàn mới). Do đó mới có câu bác Hiệu nên nhường dấu nặng cho bác Loan để trở thành bác Hiêu (Hươu), còn bác Loan thêm dấu nặng để trở thành bác Loạn (Hiệu Minh cũng nhắc tới chuyện Hiêu này). Anh em trẻ đặc biệt chê bác Hiêu làm chính trị nhiều quá, nhất là lại chường mặt ra đọc dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12-1986) để Đại hội biểu quyết thông qua...
Năm 1993, trong một cuộc bầu bán “dân chủ đầy hài hước”, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu tuyên bố, các viện bầu thăm dò lãnh đạo, nhưng quyết định vẫn thuộc về ông ấy. Đúng là dân chủ giả cầy của ngài Viện sĩ.

Riêng đối với bác Loan, nhiều người không ưa bác song cá nhân tôi rất quý vì bác thật thà, tốt bụng, chan hòa với bọn trẻ chúng tôi. Bác hay rẽ vào phòng tôi, có gì ăn nấy, sau leo lên bàn làm việc của tôi ngủ rất ngon lành như đứa trẻ (tôi thì xếp 3 cái ghế thành hàng và nằm ngủ bên cạnh). 

Nghe nói trình độ bác rất siêu, tôi không làm trong lĩnh vực của bác (điều khiển học và thích nghi) nên tôi không rõ. Trên mạng hồ sơ khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (http://hskh.moet.gov.vn) đưa tin bác sinh năm 1940, năm 1969 đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, năm 1973 bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học (mới có 33 tuổi), đều tại Nga; đã hướng dẫn thành công 6 luận án Tiến sĩ và 6 luận văn Thạc sĩ, đã giảng dạy cho nhiều khoá sinh viên đại học và cao học của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội và ĐH Bách Khoa TPHCM, đã công bố 98 công trình bằng tiếng Nga, Anh, Đức, Việt trên các tạp chí trong và ngoài nước (chủ yếu là công bố ở nước ngoài; năm 1991 khi gặp bác ở Mockba, bác nói với tôi là đã công bố hơn 200 công trình ở nước ngoài - quá giỏi). 

Bác cũng viết khá nhiều sách bằng cả tiếng Việt và tiếng Nga. Khoảng năm 1986, khi bạn tôi (nay là GS.TS, Phó Hiệu trưởng một trường đại học lớn) gặp khó khăn sau 4 năm làm luận án Tiến sĩ trong lĩnh vực Toán mà không bảo vệ được, tôi đã đưa đến nhà riêng bác Loan ở khu tập thể Bách khoa để nhờ giúp. Bác bảo vứt hết cái cũ đi, bác sẽ hướng dẫn làm lại từ đầu, chỉ 6 tháng là bảo vệ xong luận án. Nhưng trong bối cảnh mâu thuẫn giữa các giáo viên, bọn tôi sợ, không dám nghe theo bác. Từ năm 1991 tới nay tôi không gặp lại bác, không biết bác giờ thế nào nhưng tôi vẫn rất nhớ tới bác, mong bác luôn luôn khỏe mạnh, an lành.

Tin mới được đọc 5.2.2012: Tôi vừa đọc phần bình luận về bài "Ngô Kiều Oanh – tiếng hót phận hồng nhan" trên Blog Hiệu Minh thì được 1 bạn đọc người nhà GSTS Nguyễn Thúc Loan cho biết ông đã mất cách đây 5 năm sau một tai biến (xem thêm về GSTS Loan ở cuối bài này). Thật vô cùng thương tiếc GS và xin thắp nén hương tưởng nhớ tới GS.

https://toithichdoc.blogspot.com/2012/01/vai-ky-niem-voi-vien-tin-hoc.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét