Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

Singapore: Một mô hình cho Đông Dương?

Singapore: Một mô hình cho Đông Dương?
Lê Hữu Huy (*), 5/11/2017, (TBKTSG) - Đó là câu hỏi mà nhà nghiên cứu người Pháp Karine Delaye thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (IRSEA-CNRS) làm tựa đề cho chương 8 trong quyển sách nhiều tác giả mang tên Singapore: từ Temasek đến thế kỷ 21 - sáng tạo lại thành phố toàn cầu của Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Singapore năm 2010 (1).

Hình ảnh một con đường ở Singapore với 
xe kéo tay, xe bò, xe hơi và xe điện.
Theo tác giả Karine Delaye, người Pháp có mặt ở Đông Nam Á vào cuối thế kỷ 19, xem ra chậm chân hơn người Anh trong công cuộc thôn tính thuộc địa. Thật vậy, nếu như vị thương gia Stanford Raffles chính thức lấy Singapore làm thuộc địa cho người Anh vào ngày 6-2-1819 thì mãi đến năm 1887, thực dân Pháp mới bắt đầu thành lập Liên bang Đông Dương gồm Campuchia, Lào và Việt Nam.

Theo lẽ tự nhiên, người Pháp đã tìm cách học hỏi kinh nghiệm của các nhà thực dân đi trước trong khu vực châu Á. Singapore lúc đó đã trở thành thuộc địa phồn thịnh với vị trí cảng biển chiến lược và thu hút sự quan tâm của quan chức, thương nhân, chủ đồn điền và du khách người Pháp. Trong quyển sách Những kỷ niệm đồng quê. Những hải cảng phương Đông, khởi đầu cho việc chiếm đóng của người Pháp - tại Nam kỳ (2) xuất bản lần đầu tiên năm 1869, tác giả Auguste Benoist de la Grandière đã viết về Singapore trong cuộc thám hiểm Nam kỳ vào năm 1858 như sau: “Một bến cảng tự nhiên được bảo vệ vững chắc và tàu bè có thể neo đậu dễ dàng sau hải trình từ các bến cảng Ấn Độ và Trung Quốc. Những chiếc thuyền buồm to với hình thù kỳ lạ, những chiếc tàu của người Mã Lai, những tòa nhà có dáng vẻ châu Âu, tất cả đều chất đống ngổn ngang bừa bãi, hoạt động kinh doanh tự do dưới sự bảo hộ của lá cờ Anh”.

Thành phố hiện đại - quốc tế và vị thế cảng biển chiến lược

Theo miêu tả của nhiều tác giả Pháp, Singapore là một thành phố hấp dẫn và mang tính quốc tế nơi mà văn hóa phương Tây và phương Đông gặp gỡ và giao thoa với nhau. Ở đây có sự hiện diện của tầng lớp cu-li người Ấn và người Hoa cũng như người châu Âu giàu có và giao thông nhộn nhịp với xe kéo tay (Rickshaw), xe bò, xe hơi và cả xe điện hiện đại. Tác giả Auguste Haussman trong quyển Cuộc hành trình sang Trung Quốc, Nam kỳ, Ấn Độ và Mã Lai (3) xuất bản năm 1848 đã mô tả trang phục đầy màu sắc của người di dân sang Singapore lập nghiệp như người Hoa (Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông) và Ấn Độ (Tamil, Bengal)... Ông viết: “Không nơi nào khác có thể thấy được những trang phục đa dạng tuyệt vời như ở Singapore”.

Nhưng vị trí cảng biển chiến lược của Singapore mới là điều mà các quan chức cai trị người Pháp quan ngại vì tàu chiến có thể đi từ Singapore đến tất cả các nơi như Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á và quần đảo Mã Lai hay Thái Bình Dương và dĩ nhiên là Đông Dương. Nếu người Anh độc quyền chiếm giữ eo biển Malacca qua vị thế chiến lược ở Singapore thì xem như Đông Dương bị cắt đứt liên lạc với “mẫu quốc” trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Như vậy, Singapore không chỉ là một đầu cầu giao lưu thương mại và văn hóa mà còn có cảng nước sâu cùng với vị trí chiến lược về quân sự, cả về mặt phòng thủ lẫn phản công.

Thật ra, người Pháp đã lo lắng thái quá, Singapore chỉ là vị trí ưu tiên cho người Anh để xây dựng một kho vũ khí với tất cả trang bị cần thiết, và năm 1922, người Anh đã bắt đầu trữ rất nhiều kho dầu để sẵn sàng cung ứng cho lực lượng hạm đội Anh trong khu vực.

So sánh Singapore với Sài Gòn

Phần thú vị nhất của công trình nghiên cứu của nữ tác giả Karine Delaye dĩ nhiên là những so sánh Singapore với Sài Gòn trong thời kỳ cuối thế kỷ 19 và đây có thể là điều nhạy cảm cho những ai còn lưu luyến với ảo tưởng của một “Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông”. Singapore là điểm dừng chân cuối cùng trên hành trình từ châu Âu đến Sài Gòn, một cánh cổng vào châu Á của nước Pháp. Theo bà Karine Delaye, nhiều người Pháp đến Sài Gòn nhưng vẫn còn lưu giữ những ấn tượng tích cực khó phai về Singapore và đã có những so sánh về hai thành phố châu Á vào thời điểm đó.

Nếu như Singapore có những nét đặc trưng hấp dẫn như đã nói ở trên và giao thông tiện lợi biết bao nhiêu thì con sông Sài Gòn quanh co uốn khúc trở thành cản ngại tự nhiên và thực sự nguy hiểm cho giao thông đường thủy. Tàu bè qua lại trên sông Sài Gòn bị hạn chế về kích cỡ và phải trả phí cho hoa tiêu có kinh nghiệm. Bác sĩ Jean-Louis de Lannesan trước khi được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương (1891-1894) đã nêu lên những thế bất lợi này trong chuyến khảo sát của ông vào năm 1887 và kết luận rằng Sài Gòn không thể nào vượt qua Singapore. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng ở cảng Sài Gòn vào thời đó cũng kém xa Singapore...

Thế nhưng những so sánh của người Pháp về đời sống xã hội tại Sài Gòn với Singapore mới là điều đáng suy ngẫm. Theo quan sát của nhà báo Paul Bonnetain trong tập sách Viễn Đông(4), nếu như dân Sài Gòn có thói quen ngủ trưa từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều thì trong khoảng thời gian đó, bất chấp thời tiết nóng bức, các hoạt động kinh tế thương mại và sinh hoạt xã hội ở Singapore vẫn nhộn nhịp và sôi nổi. Tệ hơn nữa, các quan chức thực dân Pháp cũng chẳng mấy khi tham gia vào các hoạt động thương mại trong khi những giao dịch lớn chủ yếu là do người Anh, Đức và Hoa đảm trách.

Tranh luận về vị thế của Cảng Sài Gòn

Cũng tương tự như người Anh đối với bán đảo Mã Lai khi thiết lập tiền đồn khu vực tại Singapore, phát triển Sài Gòn là khởi đầu quyết định cho việc mở rộng thuộc địa của người Pháp ở châu Á. Do đó, những so sánh về hai thành phố này cũng là lẽ tự nhiên và người Pháp thực sự mong muốn áp dụng mô hình Singapore cho Sài Gòn. Năm 1859, khi chính thức nắm quyền cai quản Sài Gòn, các quan chức thực dân ở Nam kỳ và Sài Gòn đã bắt đầu tranh luận về các luật lệ và quy chế thương mại cần áp dụng. Đa số các thương nhân có bề dày kinh doanh trong khu vực đã đề nghị lấy Singapore như một ví dụ tham khảo.

Năm 1860, viên chức Lãnh sự Pháp ở Singapore đã giải thích rằng sự phồn thịnh ở đây “chủ yếu nhờ vào thương mại tự do và an ninh” và người kế nhiệm của ông này sau đó cũng kiến nghị Sài Gòn nên trở thành thương cảng tự do và miễn thuế. Cũng vào năm đó, chính quyền thực dân Nam kỳ quyết định áp dụng kinh nghiệm của người Anh ở Singapore với một cơ chế hải quan linh hoạt tạo điều kiện tốt cho thông thương tự do và tuyên bố Sài Gòn là một thương cảng tự do. Theo tác giả Karine Delaye, mục tiêu của người Pháp lúc đó không đơn thuần là bắt chước thành công của Singapore mà còn để biện minh cho những tiến bộ thực dân của người Pháp ở châu Á. Tuy nhiên, ý tưởng về thương cảng tự do Sài Gòn đã bị hủy bỏ năm 1887 do những quyền lợi thương mại mà nước Pháp mẫu quốc muốn nắm giữ bất chấp sự phản đối của thương nhân người Pháp.

Có thể áp dụng mô hình Singapore?

Theo một nghiên cứu về địa chính trị công bố năm 1987 của tác giả Philippe Régnier (5), có một sự liên tục về lịch sử về chức năng trung tâm thương mại của Singapore: cả về một đầu cầu thương mại cho thế giới (cho các hoạt động thực dân của người Anh trong quá khứ và cho các hoạt động quốc tế hiện nay) và trung tâm mang tính khu vực (cho thế giới của người Mã Lai trong quá khứ và khối ASEAN hiện nay). Chức năng trung tâm (centralité) của Singapore đã được khẳng định qua một quá trình lịch sử lâu dài từ thế kỷ thứ 14 khi hòn đảo này có tên là Temasek và sau đó có cái tên Singapura (Thành phố Sư tử).

Kể từ thế kỷ thứ 19, Singapore đã xuất hiện như một mô hình được bắt chước, chỉ trích và thậm chí thèm muốn. Theo tác giả Karine Delaye, thông qua việc suy nghĩ về cách sử dụng mô hình Singapore về mặt ý thức hệ và thực tiễn cho Đông Dương, bài viết của bà đã cho thấy những khác biệt về chính trị, địa lý, nhất là truyền thống và tư duy của người Anh và người Pháp. Trong lúc kinh nghiệm thuộc địa của người Anh đã chứng tỏ thành công thì các nhà cai trị thực dân người Pháp lại muốn có sự khác biệt và độc lập trong động thái của mình. Dù sao đi nữa, lời đáp cho câu hỏi liệu mô hình của người Anh có thể áp dụng cho Đông Dương vẫn mang tính thời sự và sẽ luôn được xem xét trong bối cảnh vươn lên của Việt Nam, một quốc gia thành công nhất trong Liên bang Đông Dương.

Tôi không rõ báo chí ta trích câu nói “Ước mơ Singapore một ngày nào đó sẽ được như Sài Gòn” của vị cha già lập quốc Lý Quang Diệu là từ đâu nhưng nếu có điều kiện tìm hiểu nhiều hơn về đảo quốc Sư tử, đặc biệt qua công trình khảo cứu của tác giả Karine Delaye, độc giả sẽ hiểu rằng câu nói trên, nếu có, cũng chỉ là những lời mang tính chất ngoại giao. Nhưng ước mơ Sài Gòn (Hà Nội hay Đà Nẵng) sẽ có nhiều thứ tương tự thậm chí tốt hơn Singapore là một thực tế day dứt với nhiều người Việt Nam. Những khác biệt về địa lý và nhất là những di sản về văn hóa, chính trị, xã hội của Singapore và Sài Gòn không ngăn cấm người Việt tìm hiểu và nghiên cứu về mô hình thành công của đảo quốc Sư tử để có thể áp dụng cho những thành phố lớn của Việt Nam trong bối cảnh và thời điểm phù hợp.

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

(1) “Singapore from Temasek to the 21st Century - Reinventing the Global City” - NUS Press 2010.

(2) “Souvenirs de Campagne. Les Ports de L’Extreme-Orient, Debuts de L’Occupation Francaise : En Cochinchine”.

(3) “Voyage en Chine, Cochichine, Inde et Malaisie”- Paris: Desessart & Olivier 1847.

(4) “L’’Extreme-Orient”, Maison Quantin 1887.

(5)“Singapore et son environnement regional”.

http://www.thesaigontimes.vn/166161/Singapore-Mot-mo-hinh-cho-Dong-Duong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét