Chuẩn bị cho hành trình từ Việt Nam đến Geneva
Phạm Lê Vương Các - Đến hẹn lại lên, Liên Hợp Quốc sẽ lôi từng quốc gia thành viên ra trước Hội Đồng Nhân Quyền LHQ (HRC) để tiến hành kiểm điểm định kỳ về thành tích nhân quyền, cứ 4,5 năm một lần. Cơ chế này được đặt một cái tên rất nhẹ nhàng là “Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát”, gọi tắt là UPR, mà thời gian gần đây UPR là một cái tên ngày càng quen thuộc với nhiều người.
Buổi tọa đàm “Thông tin về UPR và vai trò của xhds” diễn ra tại Hà Nội hôm 9/11/2017, thu hút khoảng 80 người tham dự. Nguồn: Phạm Lê Vương Các
Một tháng trước, một nhóm 3 nữ hoạt động nhân quyền VN đã sang Geneva tham gia vào phiên họp HRC để Báo cáo Giữa kỳ UPR chu kỳ 2 (không bắt buộc) về việc thực hiện 182 khuyến nghị cải thiện nhân quyền của chính quyền VN. Điều này cho thấy sự quyết tâm của các nhà hoạt động trong việc sử dụng UPR làm chiến lược vận động nhằm cải thiện tình trạng nhân quyền tại VN.Giờ đây, sự quyết tâm này được tiếp tục thể hiện khi các tổ chức xã hội dân sự (xhds) trong nước lại rục rịch chuẩn bị cho tiến trình UPR chu kỳ 3 của Việt Nam vào đầu năm 2019.
Vào sáng ngày 9/11/2017, Không gian Nhân quyền (Humanrights Space)- một mạng lưới của các nhà nghiên cứu và hoạt động nhân quyền đã tổ chức một buổi toạ đàm để cung cấp thông tin và kỹ năng cho các cá nhân và tổ chức xhds để chuẩn bị tham gia vào tiến trình kiểm điểm nhân quyền của VN.
Việc tham gia vào tiến trình UPR có hai hoạt động chính: thứ nhất là nộp báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện các cam kết nhân quyền của nhà nước cho HRC; và thứ hai là đến Geneva vận động bên lề trước phiên kiểm điểm, tham gia vào phiên họp kiểm điểm với tư cách quan sát viên, và sau đó có thể phát biểu bằng lời trước HRC trong phiên họp toàn thể báo cáo kết quả đầu ra UPR.
Theo dự kiến, chính phủ VN sẽ nộp Báo cáo Quốc gia về UPR cho chu kỳ 3 vào tháng 8/2018, và tiến hành phiên điều trần kiểm điểm vào tháng 2/2019, vì vậy các tổ chức xhds không phân biệt tư cách và vị thế đều có thể nộp báo cáo cung cấp thông tin về tình hình nhân quyền VN cho HRC trước thời hạn là tháng 6/2018. Nhưng để được tham dự vào phiên họp kiểm điểm ở Geneva, các tổ chức xhds VN cần có sự bảo trợ của một tổ chức NGO quốc tế có vị thế tham vấn cho Hội đồng Kinh tế-Xã hội LHQ (ECOSOC). Một số tổ chức có vị thế này có thể kể đến như Civicus, UN Wacht, Humanrights Wacht, ICJ, Freedom House, Ân xá Quốc tế v.v…
Với sự quan tâm lớn của cộng đồng từ UPR lần 2 vào năm 2014, dự báo UPR lần thứ 3 sắp tới của VN sẽ thật sự sôi động với sự tham gia rộng rãi của nhiều thành phần, mạng lưới các tổ chức xhds. Điều này đòi hỏi nhà nước VN cần quan tâm thiết lập cơ chế đối thoại và thực thi nghiêm chỉnh các cam kết về nhân quyền của mình khi đối diện với các tiếng nói phản biện độc lập ngày càng lớn hơn.
Tại buổi tọa đàm, các cử tọa cũng đã chia sẽ kinh nghiệm và thách thức của các tổ chức xhds khi tham gia vào tiến trình này. Tại UPR năm 2014 là lần đầu tiên các tổ chức xhds trong nước mới biết đến UPR, và tham gia vào cơ chế này theo kiểu… “vừa học vừa làm”. Nhưng qua buổi tọa đàm để chuẩn bị cho kỳ UPR sắp tới, cho thấy các tổ chức xhds VN đang đi theo tiến trình UPR một cách chuyên nghiệp và bài bản hơn. Dù vậy, họ cũng gặp không ít thách thức đến từ chính quyền khi nhân quyền vẫn còn là một chủ đề bị giới hạn và bị kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt đối với những nhóm đang vận động cho các quyền Dân sự và Chính trị.
UPR có thể gây ra các bất đồng, nhưng không thể phủ nhận nó chính là cơ chế cho tất cả mọi người-là nguồn sáng ở tương lai cho tất cả chúng ta. Điều này đòi hỏi các bên cần tăng cường đối thoại, thúc đẩy sự hiểu biết để cùng chia sẽ các giá trị chung về nhân quyền nhằm tạo ra hành động thống nhất trong việc cải thiện nhân quyền. Để làm được điều này trong bối cảnh hiện tại, đòi hỏi một nỗ lực bền bỉ, sự kiên trì và lòng dũng cảm đến từ các cá nhân và tổ chức hoạt động nhân quyền.
Phạm Lê Vương Các
FB Phạm Lê Vương Các
FB Phạm Lê Vương Các
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét