Thứ Tư, 1 tháng 11, 2017

Đại biểu phê GDP tăng trái với logic

Chẳng ai tin vào số liệu của chính phủ VN, có chăng chỉ có các đại biểu quốc hội. Rất may là bây giờ họ cũng đã nhận thức được những con số bịp bợm này. Đây là một bước tiến vượt bậc về tri thức, văn hóa của các ĐBQH ở nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Còn hỏi khi nào họ biết làm việc vì nước vì dân thì chắc chưa ai có thể trả lời được.
Đại biểu phê GDP tăng trái với logic
Tư Hoàng, 31/10/2017, (TBKTSG Online) - "Cử tri cho rằng, nếu thống kê tốt, không có vấn đề gì thì tăng trưởng như thế là rất bất hợp lý, trái với logic thông thường", đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đã nêu vấn đề về tăng trưởng kinh tế tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng nay, 31-10.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm. Ảnh: TL
Ông Hàm nhận xét, thông thường kinh tế tăng trưởng cao vào quí 4 hàng năm, nhưng lai sụt giảm rất nhanh vào quí 1 năm sau. Chẳng hạn, tăng trưởng đạt 7,01% vào quí 4-2015 và 6,68% quí 4-2016. Tuy nhiên, mức tăng trưởng tương ứng tụt xuống 5,46% vào quí 1-2016 và 5,1% quí 1-2017.

Ông phân tích, quí 1 có dịp Tết nên sản xuất giảm, nhưng lại được bù đắp bởi tiêu dùng, nên có giảm sút cũng không thể quá lớn. Bên cạnh đó, chi đầu tư giảm nhưng các khoản khác vẫn phải chi trong quí 1 nên không thể làm tăng trưởng giảm quá nhanh. Mặt khác chi tiêu ngân sách chỉ tác động một phần đến tăng trưởng, và sản xuất cũng không thể đình trệ đột ngột trên diện rộng.

“Đề nghị Chính phủ làm rõ và có giải pháp khắc phục ngay, không để xảy ra tình trạng này trong quí 1-2018”, ông nói tại phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp.

Bên cạnh đó, ông Hàm cho rằng, nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp, phần lớn là tiền vay, nhưng phân bổ chi ngân sách còn dàn trải, sử dụng chưa hiệu quả

Theo đó, ngân sách dành 80.000 tỉ đồng cho các công trình quan trọng quốc gia nhưng 3 năm chưa bố trí, giải ngân được vốn.

Kỳ họp này Quốc hội dự kiến thông qua báo cáo khả thi dự án thu hồi đất cho sân bay Long Thành và chủ trương phát triển cao tốc đường bộ Bắc-Nam, nhưng Chính phủ không bố trí vốn trong kế hoạch vốn năm 2018, cũng không để dành phần vốn năm 2018 chờ Quốc hội phân bổ sau.

Ngoài ra, hai chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững sau 3 năm bố trí 37.650 tỉ đồng, tương đương 36% mức tối thiểu được phê duyệt trong 5 năm.

“Nhiều chính sách phát triển đồng bào dân tộc miền núi bố trí không đủ vốn hoặc không bố trí vốn… Với tốc độ bố trí như hiện nay, việc đạt mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế là khó đảm bảo”, ông Hàm nói.

Ông phân tích, ngân sách trung ương hạn hẹp, năm 2015-2016 đều hụt thu, khó khăn cho bố trí các công trình, dự án quan trọng. Tuy nhiên, ngân sách trung ương lại hỗ trợ chi đầu tư cho địa phương dàn trải, vượt quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, quy định không quá 30% mà dự toán năm 2018 bố trí 46,29%.

“Bội chi cao, nợ công sát trần, thu ngân sách dự báo không đạt kế hoạch trung hạn nhưng kỷ luật tài khóa chưa nghiêm. Chính phủ cần nhìn nhận nghiêm túc và có giải pháp khắc phục”, ông đề nghị.

Ông phân tích thêm, nợ công đến năm 2020 lên đến 4,2 triệu tỉ đồng, trả lãi chiếm 7-8% tổng chi ngân sách nhà nước, bình quân trả lãi hơn 100.000 tỉ đồng mỗi năm, bằng một nửa số vốn thu được từ bán doanh nghiệp nhà nước trong 5 năm.

Khả năng trả nợ khó khăn, ngân sách trung ương nhiều năm không thặng dư để trả nợ, phải vay đảo nợ làm quy mô nợ tăng nhanh, nợ chồng lên nợ. Đến năm 2020 vẫn không khắc phục được nguồn trả nợ, vẫn phải trả bằng nguồn vay mới lên đến 232.000 tỉ đồng.

Ông nói, nhiều năm tăng thu, tiết kiệm chi nhưng lại chưa ưu tiên tích lũy trả nợ. Tinh giản biên chế không đạt mục tiêu nên giảm chi bộ máy không hiệu quả. Trong năm 2015-2016, khối hành chính giảm được 0,83%, quá xa so với mục tiêu 10% đến 2021.

Vốn ODA đi vay nhưng Chính phủ chưa bố trí đủ dự toán, chưa sử dụng đầu tư nhưng vẫn phải trả lãi. Công trình kéo dài, chậm đưa vào sử dụng. Kế hoạch trung hạn bố trí 300.000 tỉ đồng đối ứng nhưng mới đáp ứng 70-80% cam két đã ký. Nếu tính cả các hợp đồng mới ký thêm thì số vốn này chỉ đáp ứng được 63-65%. Việc ký thêm hợp đồng vay mới vẫn đang diễn ra và chưa đánh giá tác động lên nợ công một cách thỏa đáng. Kỳ này họp này Chính phủ lại xin bổ sung quyết toán ODA hơn 14.000 tỉ đồng.

Chính phủ chưa minh bạch và báo cáo rõ với Quốc hội số tiền tích lũy tạm ứng trả nợ thay cho các dự án cho vay lại, các dự án Chính phủ bảo lãnh chậm trả và không trả được nợ, các dự án BT chậm trả vào ngân sách.

Ông đề nghị Chính phủ cần kịp thời cải cách chính sách thu, giảm biên chế, đẩy nhanh cơ chế tự chủ trong các lĩnh vực sự nghiệp, cân nhắc khoán chi không thường xuyên cho các đơn vị đã tự chủ được, ưu tiên tích lũy trả nợ, kiểm soát chặt chẽ ODA.

Lo ngại vốn FDI và giải ngân đầu tư công

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), lo ngại tác động của thu hút vốn FDI đang ngày càng lấn tới trong nền kinh tế. Khu vực này được cho là nguyên nhân giữ vững sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Ông cho rằng, vốn FDI mang lại nỗi lo âm ỉ của nhà quản lý, chuyên gia và nhà đầu tư trong nước.

“Đột ngột giảm rồi đột ngột tăng GDP của quốc gia chỉ vì sản phẩm của doanh nghiệp FDI thực sự là nỗi lo đáng ngại trên thực tế”, ông Nhân nói. Thống kê trong giai đoạn 2015-2017 cho thấy, cả nước có khoảng 50% số doanh nghiệp FDI kê khai lỗ. Trong đó có những doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm liền, nhưng điểm ngược đời là càng lỗ thì doanh nghiệp FDI càng mở rộng sản xuất.

Chưa hết, thống kê trong 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất ở Việt Nam năm 2015 cho thấy một nghịch lý là khối doanh nghiệp FDI có số lượng nhiều nhất, chiếm 46%, nhưng tỷ lệ góp vào tổng thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ chiếm 37% và có xu hướng giảm dần.

“Thử nhìn lại chính sách mà Nhà nước ưu đãi đặc thù cho FDI bao gồm cho phép chuyển lỗ, miễn đánh thuế ra nước ngoài, hoàn thuế cho lợi nhuận tái đầu tư. Chúng ta cứng nhắc, khắt khe với chính người nhà của mình, người luôn đồng cam cộng khổ và có nhiều đóng góp cho kinh tế”, đại biểu Phạm Trọng Nhân đánh giá.

Dẫn ra câu chuyện của Tập đoàn Viettel vỡ mộng vì bị Bộ Tài chính bác xin ưu đãi thuế như Samsung, hay Gốm sứ Minh Long không được hỗ trợ cho khoản đầu tư 500 tỉ đồng cho khoa học công nghệ do thiếu vài thủ tục hành chính, ông Nhân cho rằng, đây là ví dụ cho thấy việc doanh nghiệp Việt Nam gánh vác vai trò là động lực chính cho nền kinh tế còn khó khăn đến chừng nào.

Vừa bị thất thu thuế, công nghệ lạc hậu, cạn kiệt tài nguyên, nhân công rẻ, thiếu công bằng trong ưu đãi đầu tư và cuối cùng là hệ lụy từ môi trường. “Điều này có công bằng cho đất nước và người dân? Đã đến lúc phải suy xét trước khi quá muộn”, ông Nhân cảnh báo.

Đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) đề nghị cần chấn chỉnh kỷ cương trong đầu tư công vì người dân đang rất quan tâm đến vấn đề này. Vốn đầu tư phân bổ rất chậm, thời gian từ nay đến cuối năm còn 2 tháng, dễ tạo ra sức ép giải ngân để đạt mục tiêu về chi ngân sách. Phân cấp đầu tư, thủ tục đầu tư trong tổ chức thực hiện Luật Đầu tư công còn nhiều bất cập. Các văn bản pháp luật hiện hành đề ra nhiều biện pháp công khai, minh bạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đấu thầu qua mạng, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để xe qua trạm thu phí BOT là những việc cụ thể cần làm ngay.

http://www.thesaigontimes.vn/166122/Dai-bieu-phe-GDP-tang-trai-voi-logic.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét