Vay tiền và ‘cõng rắn cắn gà nhà’
Tháng 5/2017, chỉ nửa năm sau việc gạ gẫm cho tỉnh Quảng Ninh vay 300 triệu USD để làm cao tốc Vân Đồn - Móng Cái nhưng rốt cuộc đã bị tỉnh này từ chối sau khi bị dư luận phản ứng mạnh mẽ, Trung Quốc lại đang dụ dỗ một địa phương khác biên giới phía Bắc là chính quyền tỉnh Cao Bằng, cũng với món vay 300 triệu USD để làm đường cao tốc từ Đồng Đăng, Lạng Sơn đến cửa khẩu Trà Lĩnh, Cao Bằng.Một số dân oan tập trung tại nhà một người dân hôm 19/3 để ủng hộ lời kêu gọi biểu tình phản đối Formosa và chống hiểm hoạ Trung Quốc của LM Nguyễn Văn Lý. Hình minh họa.
Vẫn là 300 triệu đô la!
Không hề rút được bài học kinh nghiệm nào từ Quảng Ninh, chính quyền Cao Bằng vội vã đề xuất Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao các bộ tham mưu vay 300 triệu USD từ Trung Quốc. Cao Bằng còn “khôn lanh” đến mức “chỉ điểm” cho Thủ tướng rằng Bộ Giao thông Vận tải là địa chỉ cần đứng ra vay Trung Quốc.
Nhưng Bộ Giao thông Vận tải lại là cơ quan phải hứng chịu mũi dùi của dư luận xã hội khi quá nhiệt tình đề xuất Chính phủ vay 300 triệu USD cho tỉnh Quảng Ninh vào cuối năm ngoái. Vào lần này, hẳn đã “rút kinh nghiệm sâu sắc”, Bộ giao thông Vận tải đã phản hồi chính quyền Cao Bằng rằng bộ này không phải là đối tượng được vay lại, nên đề xuất Thủ tướng để UBND tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn đảm nhiệm việc vay.
Vậy thực chất của những món tiền cho vay mà Trung Quốc nhiệt tình gợi ý là gì?
Vào năm 2016, một chuyên gia phản biện độc lập là ông Lê Đăng Doanh đã lôi toạc thực chất nguồn gốc rất đặc biệt của số vay 300 triệu USD trên: số tiền này được lấy ra từ quỹ hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc, chứ không phải là hỗ trợ xuất nhập khẩu. Nghĩa là điều kiện đi kèm của khoản vay này là Việt Nam phải nhập khẩu hàng hoá của Trung Quốc.
Ông Lê Đăng Doanh giải thích: “Trung Quốc hiện nay đang thừa quá nhiều thép và xi măng. Năng suất hằng năm của Trung Quốc đối với mặt hàng thép là 1.200 triệu tấn, Trung Quốc chỉ dùng 600 triệu tấn, số dư còn lại đang tìm cách đẩy sang liên minh châu Âu, sang Mỹ cũng như các nước khác… và đang bị các nước chống đối kịch liệt. Cho nên, bây giờ Trung Quốc dùng miếng “mồi” 300 triệu USD này. Nếu Việt Nam nhận lời vay vốn thì Việt Nam phải nhập toàn bộ thép, xi măng, thiết kế thi công, công nhân lẫn giám sát của Trung Quốc”.
Không cần chính phủ bảo lãnh?
Lại có thêm một dấu hiệu khác rất đáng nghi ngờ. Tháng 3/2017, Jin LiQun - Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) - một định chế do Trung Quốc khởi xướng mới đây đã cùng đoàn công tác của AIIB đến làm việc với Bộ Tài chính Việt Nam với một hứa hẹn rất hấp dẫn: AIIB sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động đầu tư cho khu vực tư nhân cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng mà không cần bảo lãnh Chính phủ nhằm giảm áp lực nợ công.
Có thể cho rằng đây là lần đầu tiên mà AIIB, cũng như các ngân hàng Trung Quốc, đề nghị với phía Việt Nam về cơ chế cho vay “thoáng” đến như thế.
Trong khi đó, hầu hết các chủ nợ lớn nhất của Việt nam như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng phát triển Á châu đã “đóng cửa” đối với Việt Nam về các khoản vay lãi suất ưu đãi và thời gian ân hạn. Từ tháng 7/2017, Việt Nam sẽ phải vay với lãi suất thị trường gấp 3 lần mức lãi suất ưu đãi được vay trước đó, cùng thời gian ân hạn giảm đi một nửa. Nhưng điều kiện cần để doanh nghiệp Việt Nam được vay là phải có bảo lãnh của chính phủ.
Nhưng vì sao ngân hàng Trung Quốc dám cho Việt Nam vay “không cần chính phủ bảo lãnh”?
Sau một thời gian dài ồ ạt vay mượn quốc tế và trong nước, đến nay nợ công của Việt Nam đã lên đến 210% GDP, tương đương 431 tỷ USD - theo một phân tích mới nhất của Tiến sĩ Vũ Quang Việt. Trong tình cảnh thê thảm ấy, vào năm 2017 chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố chỉ bảo lãnh đúng 1 tỷ USD cho các doanh nghiệp, giảm hẳn so với mức bảo lãnh 1,5 tỷ USD vào năm 2016, 2,5 tỷ USD vào năm 2015 và hơn 6 tỷ USD vào năm 2014.
Những lý do trên đã khiến nhiều doanh nghiệp và chính quyền địa phương bắt đầu ngó ngàng sang “cửa Trung Quốc”…
Nhưng cho tới nay, đã có quá nhiều dẫn chứng rất cụ thể về hậu quả quá trầm trọng từ các dự án do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm.
“Đòn bẩy” của Trung Quốc là ở chỗ ban đầu doanh nghiệp nước này đưa ra thiết kế rất thấp tuy nhiên, sau khi thực hiện thì giá cứ bị “đẩy lên”, dần dần giá chào rẻ ban đầu sẽ trở nên “rất đắt”. Dự án đường cao tốc trên cao Cát Linh - Hà Đông là bài học nhãn tiền, khiến đội vốn lên 100%, kéo dài thời gian từ năm này qua năm khác.
Một trong những mánh khóe rất phổ cập của nhà thầu Trung Quốc là bỏ thầu với giá khá thấp, nhưng sau đó tống công nghệ lạc hậu vào dự án, đồng thời đòi tăng chi phí bổ sung trong quá trình thực hiện dự án… để bù đắp “thiệt hại”.
Cái bẫy “Một vành đai, một con đường”
Cho vay tín dụng lại luôn là một phương thức khống chế và từ đó dẫn đến thao túng kinh tế và cả chính trị của Trung Quốc đối với nhiều quốc gia.
Một phân tích của tác giả Brahma Chellaney trên trang Project Syndicate ngày 23/01/2017, do Tạp chí Nghiên cứu quốc tế dịch và đăng tải đã làm rõ: Thông qua sáng kiến “Một vành đai, một con đường” trị giá 1 nghìn tỷ USD, Trung Quốc đang hỗ trợ xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển nằm ở các vị trí chiến lược, thường là bằng cách cung cấp các khoản vay khổng lồ cho chính phủ các nước này. Từ đó, các nước ngày càng sa vào bẫy nợ khiến họ trở nên dễ bị chi phối trước ảnh hưởng của Trung Quốc.
Gánh nặng nợ nần đè lên vai các nước nhỏ càng lớn thì ảnh hưởng của Trung Quốc với các nước đó càng tăng. Sri Lanka là một trường hợp điển hình nhất. Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành nhà đầu tư và là chủ nợ hàng đầu của Sri Lanka, và là đối tác thương mại lớn thứ hai, qua đó có được ảnh hưởng ngoại giao lớn đối với nước này.
Còn nhiều ví dụ khác như Nepal, Venezuela, Lào, Campuchia… mà Trung Quốc đã từng bước khống chế được qua cơ chế cho vay mượn tín dụng.
Trung Quốc hiện đã sử dụng ảnh hưởng của mình để thúc đẩy Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan ngăn chặn một ASEAN đoàn kết chống lại việc Trung Quốc theo đuổi một cách hung hăng các yêu sách lãnh thổ trên Biển Đông.
Trung Quốc hiện đang đi thêm các bước để đảm bảo các nước này sẽ không thể thoát khỏi các món nợ của mình. Để đổi lấy việc điều chỉnh thời hạn trả nợ, Trung Quốc yêu cầu các nước giao cho mình hợp đồng xây dựng các dự án bổ sung, qua đó biến khủng hoảng nợ của họ kéo dài mãi. Tháng 10/2016, Trung Quốc đã xóa khoản nợ 90 triệu USD cho Campuchia chỉ nhằm giành thêm các hợp đồng lớn mới.
Một số nền kinh tế đang phát triển đang rất hối tiếc về quyết định nhận các khoản vay của Trung Quốc. Các cuộc biểu tình đã bùng phát do tình trạng thất nghiệp tràn lan, được cho là do việc bán phá giá hàng hóa Trung Quốc, giết chết ngành sản xuất trong nước. Các cuộc biểu tình càng trở nên trầm trọng hơn do việc Trung Quốc đưa lao động Trung Quốc đến làm việc tại các dự án của mình.
Các chính phủ mới ở một số nước, từ Nigeria đến Sri Lanka, đã đề nghị điều tra các nghi án hối lộ của Trung Quốc với các nhà lãnh đạo tiền nhiệm…
Kẻ nào “cõng rắn cắn gà nhà”?
Từ đầu năm 2016 đến nay, có những dấu hiệu đáng lo ngại là Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào các dự án ở Việt Nam để khống chế dự án để từ đó mở rộng thao túng kinh tế Việt Nam lẫn chiến thuật “lấn đất”.
Theo những số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ kế hoạch và Đầu tư), đến cuối tháng 4/2017, Trung Quốc tiếp tục là một trong 4 nhà đầu tư nước ngoài lớn của Việt Nam, đặc biệt số dự án góp mua và chờ mua doanh nghiệ Việt khi lên sàn của đối tác này đang tăng rất mạnh. Lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc đạt hơn 900 triệu USD, tăng hơn 530 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ tăng vốn đạt trên 140%.
Đối chiếu với cái bẫy “Một vành đai, một con đường” sẽ dễ dàng nhận ra Việt Nam không hề là ngoại lệ trong số nhiều nước đang phát triển phải chấp nhận các khoản vay của Trung Quốc. Không được các nhà đầu tư tổ chức quan tâm, Việt Nam và một số nước đã không tìm được nguồn vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Thế nên khi Trung Quốc xuất hiện, hứa hẹn các khoản đầu tư rộng lượng với tín dụng dễ dàng, các nước này đều nhận lời. Chỉ sau này thì mọi thứ mới trở nên rõ ràng hơn rằng mục đích thực sự của Trung Quốc chính là thâm nhập thương mại và gây ảnh hưởng chiến lược, nhưng khi đó thì mọi chuyện đã quá trễ, và các nước này bị dính vào một vòng luẩn quẩn với các món nợ từ Trung Quốc.
Trong quan hệ Việt - Trung, nếu lấy mốc từ năm 2001 theo một thống kê của Việt Nam, thì từ năm đó đến năm 2016, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc với quy mô không ngừng tăng qua các năm với tốc độ chóng mặt, từ 200 triệu đô la Mỹ năm 2001 lên gần 37 tỉ đô la Mỹ năm 2016, tức tăng đến 180 lần (chưa kể con số nhập siêu 20 tỷ USD từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch).
Trong suốt giai đoạn 2003-2013, Trung Quốc đã thống trị nhóm sản phẩm ở 4 trong 5 ngành chính là thủy điện, nhiệt điện, xi măng, bauxite, và sàng tuyển than tại Việt Nam. Hệ quả là mỗi năm, Việt Nam phải nai lưng nhập khẩu đến 10 tỉ đô la Mỹ cho nhóm sản phẩm máy và thiết bị đồng bộ, trong khi tỉ lệ nội địa hóa là cực kỳ thấp.
Nhiều dự án vốn đầu tư phải vay từ Trung Quốc, từ đó tạo ưu thế cho Trung Quốc đặt ra các điều kiện như phải mua thiết bị từ chính thị trường của họ. Thậm chí nếu phía Trung Quốc không “chủ động gợi ý” thì một số doanh nghiệp Việt Nam cũng quá hiểu là doanh nghiệp Trung Quốc có chế độ bao thư phong bì thuộc loại nặng nhất thế giới.
Chính phủ thời Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ Công thương thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là hai địa chỉ đặc biệt, trong số nhiều bộ ngành, chính quyền địa phương và doanh nghiệp, phải bị xem là “tội đồ” cho ý thức hệ “cõng rắn cắn gà nhà”.
Giờ đây Việt Nam không chỉ bị ảnh hưởng chính trị nặng nề từ “Thiên triều”, mà nền kinh tế đang lệ thuộc chặt chẽ vào Trung Quốc sẽ hết sức chật vật nếu muốn thoát khỏi vòng kiềm tỏa của người láng giềng khổng lồ tham lam, nhiều thủ đoạn ở phương Bắc.
Không còn cách nào khác, muốn chống ngoại xâm thì việc đầu tiên phải là chống nội xâm. Không thể thoát Trung nếu không giải quyết bài toán thanh loại những kẻ “cõng rắn cắn gà nhà”.
Ngay trước mắt, một tỉnh nghèo như Cao Bằng thì lấy đâu ra ngoại tệ để trả món vay 300 triệu USD? Hay sẽ cam tâm chấp nhận những điều kiện mang tính áp đặt của Trung Quốc, làm tiền đề cho những toan tính của Bắc Kinh tạo thế khống chế địa hình địa vật quân sự ở khu vực biên giới phía Bắc Việt Nam?
Phạm Chí Dũng
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét