Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017

(1) Đoàn Đỗ (những tấm thiếp chúc tết của bác Hồ)

Trong bài "Thời nay “hạ cánh” có an toàn? Recycle Bin của TW là gì ?" mình có viết về bác Đoàn Đỗ, thư ký và phụ trách văn thư hàng chục năm của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng. Bác cũng tham gia phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa đàm phán hòa bình tại Geneva 1954, phụ trách công tác văn phòng. Xem trên mạng, mình thấy có bài này viết về bác, mình lưu lại như một minh chứng lịch sử hay kỷ niệm về bác liên quan đến đời mình. Năm nay bác đã 92 tuổi, là 1 trong 3 người còn sống trong 32 người của phái đoàn VN tham dự đàm phán Geneva. Đây là ảnh chụp mình và bác trong một chuyến công tác ở Paris cuối năm 1990.
Chủ Blog toithichdoc trong một lần tháp tùng bác 
Đoàn Đỗ đi công tác ở Paris 1990, chụp lại từ ảnh cũ.
NHỮNG TẤM THIẾP CHÚC TẾT CỦA BÁC HỒ

09 Tháng Mười 2009 Cù Thị Ban
Trong quá trình sưu tầm tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ tháng 5-2000 đến tháng 3-2007, Phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Tư liệu đã được các ông Trần Văn Vượng và ông Đoàn Đỗ (tức Đỗ Uông), tặng 7 tấm thiếp chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Đoàn Đỗ quê ở xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội. Ông đã công tác ở Phủ Chủ tịch thời kỳ ở Việt Bắc từ 1946 đến năm 1954. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Thủ đô Hà Nội, ông Đỗ được điều động từ Văn phòng Phủ Chủ tịch sang giúp việc cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng và làm bí thư Chi bộ của Văn phòng Thủ tướng từ năm 1954 đến năm 1973. Từ năm 1973 đến năm 1992 ông làm Phó Viện trưởng, quyền Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, sau đó thì nghỉ hưu. Hiện ông ở tại phòng 301 N3, ngõ 36, phố Vạn Bảo - quận Ba Đình - thành phố Hà Nội. Trong thời gian công tác tại Văn phòng Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở Khu Phủ Chủ tịch Hà Nội, ông Đoàn Đỗ được Chủ tịch Hồ Chí Minh cho một số thiếp chúc mừng năm mới, ông còn giữ được 4 chiếc và tặng lại cho Phòng Sưu tầm - Kiểm kê -Tư liệu vào tháng 3-2007.

Những tấm thiếp chúc mừng năm mới của ông Đoàn Đỗ tặng gồm:
- Một tấm thiếp chúc tết năm 1956:
Có chiều rộng 11cm, dài 14cm, màu vàng nhạt, bên trái in hoa hồng màu đỏ lá xanh, ở giữa in bài thơ chúc tết của Người:
“Thân ái mấy lời chúc Tết:
Toàn dân đoàn kết một lòng,
Miền Bắc thi đua xây dựng,
Miền Nam giữ vững thành đồng,
Quyết chí, bền gan phấn đấu
Hoà bình thống nhất thành công”.
1-1-1956
Hồ Chí Minh

- Một tấm thiếp chúc tết năm1957:
Thiếp có chiều rộng 9,8cm, dài 14,8cm, màu vàng nhạt, xung quanh trang trí hoa văn kiểu hoa leo, ở giữa in dòng chữ: “Chúc mừng năm mới”. Phía dưới in dòng chữ Hồ Chí Minh.

- Một thiếp chúc mừng năm 1958:
Thiếp có chiều rộng 10cm, chiều dài 14cm, màu hồng nhạt, ở giữa in dòng chữ: “Chúc mừng năm mới”. Phía dưới in dòng chữ Hồ Chí Minh.

- Một tấm thiếp chúc mừng năm mới nhưng không rõ năm nào vì thiếp không đề năm.
Thiếp có chiều rộng 6,2cm, chiều dài 9,5cm, màu hồng, mặt trước có chữ: “Kính mừng năm mới”. Mặt sau in ba hàng chữ Hán, có màu đỏ và đen, tạm dịch là: “Cung chúc”, “Tân hỷ”, “Cúc cung” nghĩa là: “Chúc mừng năm mới”.

Ông Trần Văn Vượng sinh năm 1924 tại thành phố Hải Phòng. Ông tham gia cách mạng từ năm 1941. Sau năm 1945 là cán bộ truyền bá quốc ngữ thành phố Hải Phòng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ông tham gia lớp học cơ yếu do Phủ Thủ tướng và Văn phòng Trung ương mở, sau đó làm việc tại Văn phòng Trung ương. Năm 1958 được cử sang làm việc tại Văn phòng Bác Hồ phụ trách công tác Văn thư - Hành chính, đánh máy các văn bản của Bác, trong đó có khối tài liệu viết tay của Bác được đánh máy lại cho rõ để gửi đăng báo Nhân dân. Sau ngày Bác mất, ông sang phục vụ ở Văn phòng Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Năm 1980 ông được cử sang làm việc tại Văn phòng Chủ tịch Hội đồng nhà nước. Ông nghỉ hưu năm 1990 tại quê hương Hải Phòng và đã mất năm 2006.

Tháng 5/2000 ông Trần Văn Vượng đã tặng Phòng Sưu tầm - Kiểm kê -Tư liệu 3 thiếp chúc mừng năm mới, trong đó có hai tấm thiếp năm 1967, một tấm thiếp năm 1969.

Những tấm thiếp ông Vượng tặng lại Phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Tư liệu có chiều rộng 10cm, dài 31,5cm và được gập đôi. Mặt trước in hình Quốc huy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mặt trong bên trái tờ thiếp in chữ “Chúc mừng năm mới muôn sự tốt lành”, phía dưới in ngày tháng và chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chữ Hán (tấm 1967), 2 tấm có chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Việt (một tấm năm 1967, một tấm năm 1969), bên phải in hai bông hồng đỏ, lá xanh. Thiếp có chữ ký viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chữ Hán bằng mực xanh Cửu Long. 

Từ năm 1942, cứ vào dịp năm mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường gửi thư, thơ chúc tết tới toàn thể nhân dân. Thơ và lời chúc tết của Người thể hiện được những tư tưởng, tình cảm sâu sắc. Thơ chúc tết của Bác Hồ được viết rất đơn giản, nhưng hàm súc đường lối cách mạng, bộc lộ sâu sắc lòng yêu nước, thương dân, tin dân, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng, tin vào tương lai của dân tộc. Cứ đến ngày cuối cùng của năm cũ ai nấy đều mong giao thừa đến, để được nghe thơ chúc tết của Bác Hồ.

Từ sau khi về ở và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch, Người có thiếp chúc mừng năm mới gửi đến nguyên thủ các nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đặc biệt các nước anh em gần gũi như: Liên Xô, Trung Quốc,… Riêng những tấm thiếp in bằng chữ Trung Quốc có chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chữ Hán thì được gửi tới các nguyên thủ quốc gia ở một số nước viết chữ tượng hình như Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản….

Theo lời kể của một số nhân chứng khác như ông Vũ Kỳ - nguyên thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Cù Văn Chước và ông Trần Văn Vượng - nguyên cán bộ Văn Phòng Phủ Chủ tịch, nhân dịp đầu năm mới, dù bận công việc đến đâu, Người vẫn giữ nếp đọc thơ, gửi thư và thiếp chúc tết đến đồng bào chiến sĩ cả nước và kiều bào nước ngoài. Người thường gửi thư và đọc thơ chúc tết qua đài phát thanh, còn những tấm thiếp in bằng chữ Hán được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới nguyên thủ quốc gia các nước anh em trên thế giới. 

Công việc này được chuẩn bị rất chu đáo. Thường sau khi kỷ niệm Quốc khánh ngày 2/9, Người nhắc ông Vũ Kỳ lo chuẩn bị thiếp chúc tết để đến tháng 12 đưa Người ký và gửi đi trước lễ Nô en. Thực hiện ý kiến của Người, ông Vũ Kỳ và ông Cù Văn Chước tìm một số mẫu hoa in trên thiếp. Việc chọn mẫu hoa in trên thiếp cũng được ông Vũ Kỳ và anh em trong Văn phòng chọn trước, thường lấy 3 mẫu hoa nhưng để khỏi làm Người mất thời gian các đồng chí chỉ đưa lên 2 mẫu để Người duyệt. 

Có lần nhân buổi họp Bộ Chính trị, Hồ Chủ tịch bảo ông Vũ Kỳ đưa việc chọn hoa in trên thiếp ra để hỏi ý kiến tập thể. Đa số chọn mẫu nào là Người duyệt mẫu đó. Để tiết kiệm thời gian của Người, vào tháng 12 hàng năm, trước bữa ăn sáng của Hồ Chủ tịch, các đồng chí phục vụ chuẩn bị để sẵn khoảng từ 10 đến 20 tấm thiếp trên bàn làm việc ở nhà tiếp cán bộ (BK1) rồi ông Cù Văn Chước hoặc ông Trần Văn Vượng lần lượt đặt từng chiếc để Người ký, ký được cái nào các ông lại nhấc ra ngoài để mực không bị nhoè. 

Trước khi gửi thiếp đi các nước, một số anh em trong Văn phòng Phủ Chủ tịch thường xin giữ lại một vài tấm để làm kỷ niệm. Ông Trần Văn Vượng và ông Đoàn Đỗ cũng là một trong số những người xin được thiếp, giữ lại và tặng cho cơ quan như đã nêu trên. Danh sách gửi thiếp bao giờ cũng được duyệt sẵn, cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch cứ theo danh sách đó gửi đi. Riêng thiếp gửi ra nước ngoài thì được đưa sang Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao để Bộ Ngoại giao gửi.

Cũng theo các nhân chứng, Hồ Chủ tịch cũng rất quan tâm tới việc gửi thiếp chúc mừng nên thường hỏi xem anh em đã gửi thiếp đi chưa. Khi các cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch báo cáo lại với Người là đã gửi, bao giờ Người cũng khen “Tốt”. Giấy in thiếp để gửi ở trong nước có màu hồng, còn gửi ra nước ngoài màu trắng vì in hoa dễ nổi và giấy này nhập từ Hồng Công qua cảng Hải Phòng (lúc đó Việt Nam còn chưa sản xuất được giấy loại tốt) và những tấm thiếp này đều được in tại Nhà máy in Tiến Bộ. Những tấm thiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được trân trọng gửi tới các Đại sứ quán, lãnh sự quán của các nước ở Việt Nam.

Tấm thiếp chúc tết như một món quà tinh thần đầu năm để thắt chặt thêm tình hữu nghị thân thiết giữa dân tộc Việt Nam và bè bạn quốc tế. Nhất là vào những năm 1956, 1957, 1958, 1966, 1967, 1969 dân tộc ta đang phải đương đầu với cuộc chiến tranh ác liệt do đế quốc Mỹ gây ra, thì việc mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước anh em trên thế giới là hết sức cần thiết, để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ quốc tế đối với cách mạng Việt Nam, nhằm thúc đẩy cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi. Như vậy những tấm thiếp chúc tết của Bác Hồ chứa đựng tình cảm, mong ước hoà bình của Người và của cả dân tộc Việt Nam, nó đóng góp rất lớn trong việc bắc nối những nhịp cầu đối ngoại giữa Việt Nam với thế giới.

Những tấm thiếp chúc tết này là hiện vật có ý nghĩa, cần được đưa vào bảo quản, được nghiên cứu để lập hồ sơ khoa học. Qua những tấm thiếp có thể thấy thêm những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày Người sống và làm việc ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và góp phần vào nghiên cứu đường lối đối ngoại của Người, của Việt Nam trong những năm 60 của thế kỷ XX.

http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/ArticleDetail.aspx?articleid=495&sitepageid=556#sthash.BXxrySZB.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét