Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

Gian nan nghề nuôi tôm và mục tiêu của nhà nước

Gian nan nghề nuôi tôm và mục tiêu của nhà nước
Không thể phủ nhận rằng ngành tôm đã thay đổi cuộc sống của bà con xứ sông nước, cho họ một nguồn thu nhập cao hơn mà không phải bám vào đồng ruộng, cây lúa. Nhưng trước những thách thức liên hồi như vậy, liệu ngành tôm có thực sự đạt được mục tiêu đặt ra hay không, và liệu Nhà nước có hỗ trợ người dân để tiến tới mục tiêu đó hay không, có lẽ phải chờ câu trả lời từ tương lai.

Một nông dân tại đầm nuôi tôm ở Sóc Trăng vào ngày 4 tháng 7 năm 2010. 
Hôm 6/2 Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đề ra mục tiêu là đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam phải đạt 10 tỉ USD, tức là tăng hơn 3 lần với hiện tại và biến ngành tôm thành “ngành đầu não” trong nền nông nghiệp của Việt Nam. Mục tiêu mà ông Thủ Tướng đề ra liệu có khả thi trong điều kiện hiện tại của ngành tôm trong nước hay không?

Nông dân phải tự bơi

Nuôi tôm ở Việt Nam bây giờ gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là dịch bệnh, thứ hai là phần vốn người nuôi tôm như bọn anh phải bỏ ra rất nhiều chứ nhà nước không có trợ giá, không có giúp gì người nông dân cả. Cho nên buộc lòng bọn anh tự phải bơi trong biển lớn để sản xuất ra những con tôm mà bây giờ xu hướng sản xuất 100% tôm sạch, chứ không sản xuất được tôm có kháng sinh nữa. Đã là tôm sạch thì yêu cầu môi trường phải thật tốt. Trước đây mình nuôi bằng thuốc thì thực tế ra môi trường không cần tốt.

Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Tất Thắng ở Tiền Giang một người mà anh tự nhận “ăn với con tôm, ngủ với con tôm” đã nhiều năm nay. Anh Thắng sở hữu đến 4 nông trại nuôi tôm và mỗi lần thu hoạch khoảng 30 tấn. Anh cho chúng tôi biết nghề nuôi tôm trong năm 2016 gặp muôn vàn trở ngại, và đặc biệt là giá thành thức ăn cho tôm và các chế phẩm sinh học tăng đột ngột trong năm 2016, gây ra những bất ngờ, khó khăn cho bà con nông dân. Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2015 giá thức ăn cho tôm có vẻ như “án binh bất động” cả năm thì đến năm 2016 tăng lên từ 31.000 đến 33.000 đồng/kg, tức là tăng từ 500-1000 đồng/kg.

  Nuôi tôm ở Việt Nam bây giờ gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là dịch bệnh, thứ hai là phần vốn người nuôi tôm phải bỏ ra rất nhiều chứ nhà nước không có trợ giá, không có giúp gì nông dân cả.

- Anh Thắng, Tiền Giang
Những nỗi trăn trở của người nuôi tôm chưa dừng lại ở đây. Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông thôn, cho chúng tôi biết thêm:

Ngành tôm gặp một số khó khăn với con giống tôm tốt, số lượng lớn là chưa sẵn sàng. Thứ 2 là thức ăn cho tôm và môi trường, tốc độ quy hoạch đồng ruộng không theo kịp quy mô của tôm. Thế cho nên nguồn nước thải gây ô nhiễm lẫn nhau. Chưa kể đến trong quá trình chế biến, kinh doanh, một số doanh nghiệp không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Khó khăn liên tiếp khó khăn như vậy nhưng anh Thắng nói rằng năm nay nhà nước chưa thấy có sự đổi thay nào để những hộ nuôi tôm như anh được mừng. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh dự đoán: Năm nay chắc lại phải tự “bơi” thôi!

Nhiều tháng trời người dân lặn lội nuôi con tôm cho đủ lớn, những tưởng bà con có thể “thở phào nhẹ nhõm” thu hoạch thành quả, nhưng tới khi xuất khẩu họ lại phải đối mặt với những gian truân khác:

Thị trường cạnh tranh xuất khẩu tôm của Việt Nam cũng rất lớn. Bây giờ người ta sợ tôm bị nhiễm kháng sinh cho nên người ta sẽ phải làm xét nghiệm rất nhiều nên người ta cũng ngại mua. Cho nên khi nhà máy xuất khẩu tôm đi không được thì người nông dân sẽ phải chịu giảm giá tôm xuống rất nhiều. Trước đây một ký tôm khoảng trên 100 ngàn đồng loại 100 con nhưng có những lúc chỉ bán được 80 chục ngàn thôi.

Liệu có khả thi? 

Một trang trại nuôi tôm ở tỉnh Sóc Trăng chụp ngày 4 tháng 7 năm 2010. AFP photo
Theo nguồn tin mà chúng tôi ghi nhận được, tính từ đầu năm 2014 đến tháng 9/2015, gần 32.000 tấn thủy sản Việt Nam xuất khẩu đi các nước bị trả về vì có dư lượng chất kháng sinh vượt mức cho phép. Đây là một nhát cứa sâu cho người nông dân vì bao công chăm sóc, tiền giống, tiền thức ăn, tất cả như “đổ xuống sông, xuống biển”, hơn thế nữa Việt Nam phải chịu tai tiếng là nước sản xuất tôm bẩn, mà như anh Thắng nói đã mang tiếng rồi thì khi nuôi tôm sạch 100% người ta cũng không tin nữa.

Đáp lại câu hỏi của Lan Hương rằng liệu ngành tôm Việt Nam trong 10 năm nữa có đạt được mục tiêu 10 tỉ USD mà Thủ tướng đề ra hay không, tiến sĩ Đặng Kim Sơn nói rằng ông không thích cái cách Nhà nước đặt mục tiêu về cây nọ, con kia và không quan tâm đến việc người dân cần làm gì để đạt những mục tiêu ấy. Thay vào đó nên chú trọng đến biện pháp để cải thiện chất lượng ngành tôm của Việt Nam:

  Cái chính là có quyết tâm làm hay không và tổ chức thực hiện thế nào cho đúng, còn triển vọng của ngành tôm thì rất rõ ràng.

- Tiến sĩ Đặng Kim Sơn
Tôi nghĩ là cái quan trọng là thứ nhất phải đảm bảo giá trị gia tăng của con tôm lớn hơn. Tức là có thể sản lượng không nhiều nhưng giá bán có thể ổn định hơn. Rủi ro ít đi, đảm bảo cho môi trường vững bền hơn, đặ biệt là thu nhập cho bà con tăng lên là cái chỉ tiêu quan trọng hơn. Nếu chúng ta xử lý được những vấn đề mà chúng ta vướng mắc chẳng hạn như vấn đề về giống, thức ăn, bố trí xây dựng đồng ruộng, vấn đề đảm bảo thủy lợi, vấn đề đảm bảo môi trường thì chắc chắn ngành tôm sẽ phát triển tốt hơn vì thị trường tôm trên thế giới rất lớn. Cái chính là có quyết tâm làm hay không và tổ chức thực hiện thế nào cho đúng, còn triển vọng của ngành tôm thì rất rõ ràng.

Cần sự quan tâm của nhà nước

Cũng giống như Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, mặc dù ngành tôm bị vô vàn những khó khăn rình rập, nhưng anh Thắng vẫn lạc quan về khả năng những con tôm sẽ thay đổi cuộc sống người nông dân như anh. Anh nghĩ rằng mục tiêu Thủ tướng đề ra không phải quá cao xa, viển vông nhưng để đạt được con số ấy, Nhà nước cần thay đổi, quan tâm và tạo điều kiện phát triển công nghệ để bớt đi những gian nan nghề mang lại:

Trước đây mình làm theo dạng nông dân tức là mạnh ai ấy làm, rồi không quản lý được. Nhưng nếu Chính phủ, đất nước thay đổi, làm theo công nghệ mới và chuỗi sản phẩm mới thì chắc chắn sẽ đẩy mạnh được con tôm. Tuy nhiên, giữa việc nói và làm còn nhiều khoảng cách cần suy nghĩ nhiều. Mọi người đều ước ao là được làm như thế để sau này mình có được thương hiệu tôm sạch của Việt Nam để xuất ra thế giới. Có làm được hay không thực tế sẽ trả lời. Những người nuôi tôm bây giờ cũng đều được đào tạo. Trước đây 1 ha chỉ nuôi được 5 tấn tôm, nhưng bây giờ có thể được 7, 8 tấn. Trước đây lương tôm chết khoảng 70% thì giờ đây chỉ 50% thôi, mà cũng không cần dùng những chất cấm nữa.

  Nếu Chính phủ, đất nước thay đổi, làm theo công nghệ mới và chuỗi sản phẩm mới thì chắc chắn sẽ đẩy mạnh được con tôm.

- Tiến sĩ Đặng Kim Sơn
Úc, một trong những thị trường xuất khẩu tôm lớn của Việt Nam vào đầu năm nay cũng ban hành lệnh khẩn cấp tạm ngừng nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín từ các quốc gia Châu Á, có hiệu lực từ ngày 9 tháng Giêng và kéo dài trong 6 tháng để ngăn chặn dịch virus đốm trắng. Hôm 14/2 vừa qua, Hàn Quốc cũng ban hành quyết định tôm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc phải có chỉ định kiểm dịch.

Không thể phủ nhận rằng ngành tôm đã thay đổi cuộc sống của bà con xứ sông nước, cho họ một nguồn thu nhập cao hơn mà không phải bám vào đồng ruộng, cây lúa. Nhưng trước những thách thức liên hồi như vậy, liệu ngành tôm có thực sự đạt được mục tiêu đặt ra hay không, và liệu Nhà nước có hỗ trợ người dân để tiến tới mục tiêu đó hay không, có lẽ phải chờ câu trả lời từ tương lai.

RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét