GÓP Ý VÀO CÁC TÀI LIỆU CỦA CT2 ĐỂ TỔ CHỨC
HỘI NGHỊ NHÀ CHUNG CƯ - TÒA NHÀ N03T8
Kính thưa các cư
dân,
Tối 17/3/2017, đại diện Công ty cổ phần xây dựng
số 2 đồng thời là Chủ đầu tư tòa nhà N03T8 (dưới đây viết tắt là CT2) gửi một
loạt tài liệu cho các cư dân để lấy ý kiến tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần
đầu (HNNCC). Vì các mốc thời gian CT2 ấn định rất cấp bách và nội dung các tài
liệu rất sơ sài nên Tôi hoàn toàn không
đồng ý với các mốc thời gian và không đồng ý tổ chức Hội nghị nhà chung cư với các
tài liệu này.
Tôi đề xuất một số ý kiến sau để cư dân cho ý
kiến, trên cơ sở đó kiến nghị với CT2.
I. Ý KIẾN
CHUNG QUA CÁC TÀI LIỆU CỦA CT2
1) Thời gian
lấy ý kiến và tổ chức Hội nghị quá gấp
Đây là các văn bản cuối cùng để tổ chức Hội nghị
nên cần được nghiên cứu cẩn thận. Tuy nhiên, CT2 gửi cư dân và tối thứ 6
(17/3/2017), và yêu cầu cho ý kiến đến hết ngày thứ 4 (21/3/2017), tức là chỉ
trong vòng 5 ngày. Được biết nhiều cư dân không ở trong tòa nhà vào hai ngày
nghỉ cuối tuần; một số cư dân đi công tác xa... nên thời gian góp ý thực chất
chỉ còn 3 ngày, như vậy là quá gấp đối với những tài liệu quan trọng như vậy.
Đặc biệt, CT2 thông báo “trường hợp các chủ sở
hữu không có ý kiến đóng góp thì coi như đã đồng ý theo nội dung các dự thảo”. Tôi
không đồng ý với áp đặt này của CT2. Các tài liệu này chỉ là dự thảo, báo trước
để cư dân suy nghĩ và sẽ được thảo luận tại Hội nghị.
Vì đây những tài liệu quan trọng và là văn bản
cuối cùng nên đề nghi CT2 chụp toàn văn gửi cho tất cả các hộ gia đình để có
thể đọc và góp ý trực tiếp vào đó.
Tôi đề nghị thời gian lấy ý kiến ít nhất phải 10
ngày.
Sau đó, tổ chức Hội nghị nhà chung cư trù bị để
toàn thể cư dân thảo luận và thông qua các quy chế (ví dụ quy chế tổ chức
HNNCC, quy chế bầu ban quản trị...) để áp dụng trong hội nghị chính thức. Riêng
quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư được thông qua sơ bộ.
Tiếp đến, sẽ tổ chức Hội nghị chính thức để cư
dân góp ý thêm nếu cần và chính thức thông qua quy chế quản lý, sử dụng nhà
chung cư. Nhiệm vụ chính của Hội nghị chính thức là bầu Ban quản trị vì mất rất
nhiều thời gian.
2) Các tài
liệu không đủ
CT2 gửi cho cư dân 4 tài liệu gồm quy chế tổ
chức HNNCC, quy chế bầu ban quản trị, quy chế hoạt động của ban quản trị và quy
chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Các văn kiện này không đủ để tổ chức HNNCC.
Theo Thông tư số 02/2016 ngày 15/2/2016 của Bộ Xây dựng về Quy chế quản lý, sử
dụng nhà chung cư, Hội nghị nhà chung cư lần đầu cần thông qua các văn bản sau:
(1) Quy chế họp hội nghị nhà chung cư (bao gồm
họp lần đầu, họp thường niên và họp bất thường);
(2) Quy chế bầu Ban quản trị nhà chung cư, đề
xuất số lượng, danh sách thành viên Ban quản trị, Trưởng ban, Phó ban quản trị;
(3) Đề xuất mức giá dịch vụ quản lý vận hành nhà
chung cư,
(4) Kế hoạch bảo trì phần sở hữu chung của nhà
chung cư,
(5) Đề xuất đơn vị quản lý vận hành,
(6) Đề xuất mô hình hoạt động của Ban quản trị,
Hội nghị nhà chung cư quyết định mô hình hoạt động của Ban quản trị nhà chung
cư (theo mô hình Ban chủ nhiệm hoặc Hội đồng quản trị của hợp tác xã hoặc mô
hình Hội đồng quản trị của công ty cổ phần; khi đó sẽ quản lý, hoạt động theo
Luật Hợp tác xã hay Luật Doanh nghiệp).
(7) Quy chế hoạt động của Ban quản trị;
(8) Quy chế thu, chi và quản lý tài chính của
Ban quản trị;
(9) Danh mục các khoản kinh phí mà chủ sở hữu,
người sử dụng nhà chung cư phải đóng góp trong quá trình sử dụng nhà chung cư;
(10) Các nội dung khác có liên quan.
Ngoài ra, để tổ chức một Hội nghị quan trọng như
vậy, nhất thiết cần xây dựng một kịch bản Hội nghị để cư dân và Chủ đầu tư
thống nhất thực hiện, tránh để Hội nghị đổ vỡ hoặc kéo dài.
Đối chiếu với các quy định trên, các tài liệu
của CT2 gửi cư dân là chưa đủ để tổ chức HNNCC lần đầu.
3) Các tài
liệu quá sơ sài
Xem góp ý trong mục II ở dưới.
4) Về giấy ủy
quyền đại diện chủ sở hữu (tờ số 3 trong 4 tờ CT2 gửi các hộ))
CT2 quy định người được ủy quyền phải có quan hệ
là bố, mẹ, vợ, chồng hoặc con của người ủy quyền. Điều này trái với quy định của pháp luật.
Điều 12 Thông tư số 02/2016 ngày 15/2/2016 của
Bộ Xây dựng quy định tổ chức Hội nghị nhà chung cư như sau: Đối với nhà chung
cư có nhiều chủ sở hữu thì hội nghị nhà chung cư là hội nghị của đại
diện các chủ sở hữu căn hộ hoặc người đang sử dụng nếu chủ sở hữu không
tham dự (bao gồm cả trường hợp đã nhận bàn giao căn hộ hoặc diện tích khác
trong nhà chung cư nhưng chưa thanh toán hết tiền cho chủ đầu tư, trừ trường
hợp thuộc diện chấm dứt hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ).
Điều 3 Thông tư số 02/2016 ngày 15/2/2016 của Bộ
Xây dựng quy định:
Người sử dụng nhà chung cư là chủ sở hữu đang trực tiếp sử dụng nhà chung cư
hoặc tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử
dụng hợp pháp căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư thông qua hình thức
thuê, mượn, ở nhờ, được ủy quyền quản lý sử dụng hoặc sử dụng theo quyết định của
cơ quan có thẩm quyền.
Đại diện chủ sở hữu căn hộ hoặc diện tích khác
không phải căn hộ trong nhà chung cư là
người đại diện cho chủ sở hữu của mỗi căn hộ, mỗi phần diện tích khác
không phải là căn hộ trong nhà chung cư hoặc người sử dụng hợp pháp nếu chủ sở
hữu không sử dụng và có ủy quyền hợp pháp (sau đây gọi chung là đại diện chủ sở hữu
căn hộ).
Như vậy, theo quy định của pháp luật, chủ sở hữu có quyền cử bất cứ ai đại diện cho mình
để tham gia HNNCC.
II. Ý KIẾN CỤ
THỂ ĐỐI VỚI 4 TÀI LIỆU CỦA CT2
1) Quy chế
quản lý, sử dụng nhà chung cư
Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư là đạo
luật cơ bản để quản lý, sử dụng nhà chung cư, được toàn thể cư dân thông
qua và nghiêm túc thực hiện. Sau này sẽ phát cho mỗi căn hộ một bản (các
quy chế khác không cần phát, chỉ cần treo ở văn phòng Ban quản trị và đưa lên
trang web của tòa nhà). Do đó, theo kinh nghiệm của các chung cư khác, nên đưa
nhiều nội dung vào đây để cư dân có tài liệu tham khảo thường xuyên và thực hiện
tốt.
Dự thảo quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư của
CT2 chỉ gồm 4 trang với 8 điều nên rất sơ sài. Dự thảo quy chế này chỉ đề cập tới
hoạt động vào ra tòa nhà, một số hành vi bị nghiêm cấm, việc sửa chữa các hư hỏng
đối với phần sở hữu riêng và xử lý sự cố. Hàng loạt các vấn đề quan trọng khác
không được đặt ra; nếu căn cứ vào quy chế này, sẽ không thể quản lý, sử dụng
tòa nhà có hiệu quả.
a) Nhận xét về các quy định trong dự thảo của
CT2
(1) Văn bản quá sơ sài, quá chung chung nên rất
khó góp ý.
(2) Đây là bản nội quy để cư dân đọc và thực hiện,
họ không có thời gian đọc các văn bản khác, do đó cần quy định gì thì ghi thẳng
vào đây. Không nên sử dụng các cụm từ như: “thực hiện quy chế quản lý, sử dụng
nhà chung cư của Bộ xây dựng” (điều 1 và 4), “theo quy định của pháp luật” (điều
3, 7 và 8).
b) Các vấn đề cần bổ sung và quy định rõ:
(1) Giải thích các từ ngữ để thống nhất cách
hiểu và thực hiện.
(2) Các quy định chung gồm Trách nhiệm của Chủ
sở hữu; Trách nhiệm của Chủ đầu tư; Quyền và trách nhiệm của người sử dụng
không phải là chủ sở hữu nhà chung cư...
(3) Các quy định về Hội nghị nhà chung cư
(thường niên và bất thường). Các quy định trong văn bản có tính nguyên tắc, bao
gồm quyền hạn, thành phần tham dự và quyền biểu quyết, quy định đại diện các tầng
hoặc khu thương mại, nguyên tắc lấy ý kiến cư dân thay cho Hội nghị nhà chung cư...
Quy chế tổ chức HNNCC của CT2 chỉ là cụ thể hóa
cách tổ chức hội nghị mà không đề cập các nội dung trên.
(3) Các quy định về Ban quản trị nhà chung cư: Thành
lập và cơ chế hoạt động, Quyền và trách nhiệm của Ban quản trị, Bầu, bãi nhiệm,
từ chức và bầu lại thành viên Ban quản trị; Nhiệm kỳ, số lượng, thành phần Ban
quản trị; Quyền hạn và trách nhiệm của Trưởng ban quản trị; Họp Ban quản trị;
Biểu quyết thông qua các quyết định của Ban quản trị; Điều kiện trở thành thành
viên Ban quản trị; Miễn nhiệm thành viên Ban quản trị hoặc miễn nhiệm Ban quản
trị nhà chung cư;
(4) Quyền và nghĩa vụ của cư dân và các đối
tượng liên quan: Quy định sử dụng các công trình tiện ích chung; Cảnh quan, an
toàn sức khỏe và vệ sinh môi trường; Trật tự, an ninh và yên tĩnh chung; Sử
dụng căn hộ; Xử lý Hư hỏng; Thay đổi hoặc lắp đặt thêm; Thay đổi hoặc lắp đặt
thêm không cần xin phép; Thay đổi hoặc lắp đặt thêm cần xin phép; Sử dụng thang
máy;
(5) Tầng hầm, phí trông xe và phí quản lý, vận
hành: Sử dụng tầng hầm để xe; Phí trông xe cho năm 2017; Phí quản lý, vận hành
hàng tháng;
(6) Tổ chức thực hiện: Trách nhiệm chung của Chủ
sở hữu và Người sử dụng; Công khai hoạt động và Trách nhiệm giám sát của cư
dân; Giải quyết tranh chấp; Xử lý vi phạm; Điều khoản thi hành.
2) Quy chế tổ
chức HNNCC
a) Nhận xét về các quy định trong dự thảo của
CT2
Dự thảo Quy chế tổ chức HNNCC của CT2 rất sơ sài,
không tính đủ các trường hợp phát sinh và nhiều quy định không phù hợp với pháp
luật hiện hành. Các thành viên tham dự không phải là đại biểu như viết trong dự
thảo.
(1) Theo thông tư 02, cần phân biệt các loại
HNNCC, gồm hội nghị lần đầu, hội nghị thường niên. Mỗi loại Hội nghị có điều kiện
tiến hành, mục đích và thẩm quyền khác nhau. Do đó điều 4 trong dự thảo của CT2
không phù hợp với quy định trên.
(2) Theo quy định của pháp luật, thành phần mời
tại tất cả các HNNCC không có đại diện UBND quận. Thành phần quan trọng nhất là
cư dân - chủ sở hữu và người sử dụng hợp pháp – không được nêu trong dự thảo (điều
5).
(3) Đề nghị Thông báo mời họp phải được gửi tới
các thành phần tham dự trong thời gian ít nhất 02 tuần trước khi tiến hành hội
nghị bằng đường bưu điện, trao tay, thư điện tử hoặc các hình thức phù hợp
khác; thời gian quy định trong dự thảo quá ngắn.
(4) Quy định trong dự thảo (điều 5): họp lần đầu
nhưng kết quả không được công nhận thì họp tiếp lần 2, nếu vẫn không được thì họp
lần 3, lần 3 này vẫn họp bất kể số hộ tham dự: Điều này trái với quy định trong
thông tư 02 của Bộ Xây dựng. Thông tư quy định số lượng người tham dự tối thiểu
cụ thể cho từng trường hợp hội nghị và theo từng mục đích hội nghị.
(5) Quy định tại điều 5, điểm 3 hoàn toàn trái
pháp luật. Pháp luật quy định:
- Cách thức tiến hành hội nghị bất thường khác với
hội nghị lần đầu hay thường niên;
- Điều kiện về số lượng người tham dự hội nghị
tòa nhà chung cư bất thường tùy theo từng trường hợp song trong mọi trường hợp
đều phải có tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao tham dự,
hoặc phải có tối thiểu 75% số người đã có đơn đề nghị tổ chức họp hội nghị nhà
chung cư bất thường tham dự.
(6) Quy định tại điều 5 về lấy ý kiến bằng văn bản
hoàn toàn trái pháp luật. Như nêu ở trên, không thể có chuyện cứ quá bán là được.
Cũng không thể đưa vào văn bản này cụm từ: “trừ
khi pháp luật cấm...”.
(7) Đề nghị bỏ điều 6 về bầu Ban quản trị vì có
riêng 1 quy chế về vấn đề này.
Về điều kiện ứng cử hoặc đề cử vào Ban Quản trị,
không thể quy định chung chung như trong dự thảo, cần quy định rõ các tiêu chuẩn,
ví dụ:
1. Cá nhân thoả mãn những điều kiện sau được quyền ứng
cử hoặc đề cử làm thành viên Ban Quản trị:
a) Là chủ sở hữu hợp pháp phần sở hữu riêng trong nhà
chung cư và trực tiếp sống hoặc làm việc thường xuyên trong nhà chung cư;
b) Có sức khỏe và đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
c) Có quỹ thời gian, uy tín để tham gia công tác của
Ban quản trị;
d) Đối tượng ưu tiên là những người có kiến thức về
lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, cơ điện, nước, tài chính, pháp luật ; có
kinh nghiệm trong quản lý vận hành nhà chung cư; thường xuyên quan tâm và có
trách nhiệm với nhà chung cư.
2. Cá nhân trong những trường hợp sau không được quyền
ứng cử hoặc đề cử làm thành viên Ban Quản trị:
a) Cha, mẹ đẻ; cha, mẹ nuôi; vợ, chồng; con, con nuôi;
anh, chị, em ruột của thành viên khác trong Ban quản trị;
b) Đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị tòa án cấm hành nghề kinh
doanh;
c) Đã bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm sở hữu, các
tội phạm về quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích;
d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
(8) Quy định về tổ bầu cử quá đơn giản. Chức năng
nhiệm vụ không rõ ràng...
Đề nghị tổ bầu cử gồm 5 người, gồm tổ trưởng chỉ
đạo, điều hành chung, 4 thành viên phân ra 4 góc để đếm (khi giơ tay biểu quyết)
và kiểm phiếu được nhanh chóng.
Tổ gồm 3 đại diện cư dân, 1 đại diện chủ đầu tư
và 1 đại diện cho khối dịch vụ.
(9) Nguyên tắc kiểm phiếu trong dự thảo quá đơn
giản. Viết những người có tên trong danh sách bầu là “người ứng cử, đề cử” là
sai.
(10) Quy định điều 12 về sửa đổi quy chế này là
trái với pháp luật: Được sửa khi có trên 50% Ban quản trị tán thành + lấy ý kiến
cư dân là sau.
b) Các vấn đề cần bổ sung và quy định rõ: Đối tượng áp dụng,
Hội nghị nhà
chung cư, Hội nghị nhà chung cư thường niên, Hội nghị nhà chung cư bất thường, Hội nghị nhà
chung cư trù bị, Cách thức tiến hành Hội nghị chung cư, Đoàn chủ tịch Hội nghị, Ban thư ký Hội nghị, Ban
thẩm tra tư cách, Ban kiểm phiếu, Quyền biểu quyết, Điều kiện thông qua các văn
kiện, nhân sự ; Phiếu biểu quyết , Biên bản biểu quyết, Trách nhiệm của
Ban quản trị sau Hội nghị, Điều khoản thi hành.
3. Quy chế
bầu ban quản trị
a) Nhận xét về các quy định trong dự thảo của
CT2
(1) Đây là quy chế, cần ghi rõ thành điều 1,
điều 2... chứ không thể đánh dấu 1, 2... như trong dự thảo. Nội dung dự thảo lộn
xộn nên rất khó góp ý. Văn bản này cần làm lại.
(2) Quy định về điều kiện, tiêu chuẩn ứng cử thành
viên Ban quản trị chưa đủ, chưa tính đến các trường hợp cá nhân không được quyền ứng cử hoặc đề cử làm thành viên Ban Quản trị
như nêu ở trên.
Cần bỏ quy định ưu tiên Đảng viên Đảng CSVN, trong
tòa nhà, mọi cư dân đều bình đẳng về chính trị. Tương tự, cần bỏ ưu tiên tốt
nghiệp đại học chính quy.
(3) Tiêu đề cần ghi rõ cả trường hợp đề cử.
Trong dự thảo tiêu đề không nêu trường hợp này.
(4) Kết quả bầu cử: Điều 16 thông tư 02 quy định
“Mọi quyết định của hội nghị tòa nhà chung cư, cụm nhà chung cư được thông qua
theo nguyên tắc đa số bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu”. Do đó, cần quy định
rõ trong mọi trường hợp, người trúng cử phải được trên 50% số phiếu bầu.
b) Các vấn đề cần bổ sung và quy định rõ: Số lượng thành viên Ban QT, Nguyên tắc bầu cử, Hình
thức bầu cử, Hội nghị nhà chung cư trù bị, Cách thức tiến
hành Hội nghị bầu Ban quản trị, Nhiệm vụ của các bộ phận giúp việc tại Hội nghị, Điều
kiện ứng cử hoặc đề cử vào Ban Quản trị, Quyền và thủ tục ứng cử, Quyền và thủ
tục đề cử, Danh sách bầu cử, Quyền biểu quyết, Công khai danh sách bầu vào Ban
quản trị, Phiếu bầu, Ban kiểm phiếu, Thủ tục bầu các thành viên Ban quản trị, Thủ
tục bầu Trưởng và Phó trưởng Ban quản trị, Biên bản kết quả bầu Ban Quản trị
nhà chung cư, Điều khoản thi hành
4) Quy chế
hoạt động của ban quản trị
a) Nhận xét về các quy định trong dự thảo của
CT2
(1) Tương tự đối với các dự thảo khác, dự thảo này
thiếu nhiều điểm cần bổ sung. Nội dung dự thảo lộn xộn nên rất khó góp ý.
Đặc biệt, cũng như các văn bản trên, đây là quy
chế nên cần ghi rõ thành điều 1, điều 2... chứ không thể đánh dấu 1, 2... như
trong dự thảo. Văn bản này cần làm lại.
(2) Dự thảo quy định Ban quản trị hoạt động theo
mô hình Hội đồng quản trị Công ty cổ phần (CTCP), được quản lý theo luật Doanh
nghiệp. Tôi không tán thành theo mô hình này.
Về mặt nguyên tắc, việc thành lập CTCP dựa trên
lượng tiền, tài sản đóng góp của các thành viên (giá trị các căn hộ của cư dân
+ giá trị các phòng làm việc và các tài sản khác của CT2...). Ai đóng góp nhiều
sẽ là cổ đông lớn, được làm chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của CTCP. Thực tế
tại chung cư, mỗi cư dân thường chỉ mua 1 căn hộ nên chủ đầu tư rất dễ trở
thành chủ tịch HĐQT, do đó sẽ lũng đoạn ban quản trị tòa nhà. Thực tế nhiều BQT
theo mô hình này đã và đang lộng quyền, không minh bạch tài chính, tự ý quyết
định nhiều khoản chi tiêu gây bức xúc cho cư dân.
Mặt khác, công ty được thành lập với mục đích
thay mặt cư dân trong việc thuê các dịch vụ bảo vệ, vệ sinh, quản lý khu vực
chung,… với nguồn phí dịch vụ mà cư dân đóng hàng tháng. Nghĩa là, nếu chuyển
sang mô hình CTCP, cư dân sống tại chung cư không chỉ là cổ đông mà còn là
khách hàng của công ty 2. Nếu hoạt động vì lợi nhuận, công ty 2 sẽ tăng phí
dịch vụ và người chịu khoản tiền tăng này cũng chính là cư dân.
Cũng cần phải tính đến trường hợp công ty 2 làm
ăn thất bại, phá sản, kéo theo CTCP tòa nhà phá sản. Khi đó cư dân phải bán căn
hộ để thanh toán thực hiện nghĩa vụ cổ đông.
Theo mô hình Ban QT này, cư dân phải chịu nhiều
loại thuế, từ thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng đến thuế thu nhập doanh
nghiệp, gánh nặng sẽ đè lên đầu cổ đông.
(3) Tôi đề nghị quy định Ban quản trị hoạt
động theo mô hình Ban quản trị của Hợp tác xã được quản lý theo Luật Hợp
tác xã.
Mục tiêu thành lập, hoạt động của HTX không phải
là lợi nhuận như CTCP, mà là đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Theo Luật Hợp tác xã,
xã
viên có thể góp vốn hoặc góp công sức. Pháp luật hạn chế mức góp vốn tối
đa của mỗi xã viên ở mọi thời điểm không vượt quá 30% vốn điều
lệ. Như vậy, Nếu như thành viên công ty muốn được tham gia, quản lí, điều hành
công ty thì bắt buộc phải góp vốn thì hợp tác xã quy định về vấn đề góp vốn của
xã viên linh hoạt hơn. Trong trường hợp có người không có điều kiện góp vốn
nhưng lại mong muốn trở thành thành viên hợp tác xã, sẵn sàng góp sức, tán
thành Điều lệ hợp tác xã và được Đại hội xã viên chấp nhận thì Nghị định số
177/2004/NĐ-CP đã quy định hình thức góp sức cụ thể được quy định tại Điều 10
như sau: “ góp sức dưới các hình thức trực tiếp quản lí, trực tiếp tham gia lao
động sản xuất, tư vấn cung cấp kiến thức, kinh doanh và khoa học kĩ thuật cho hợp
tác xã tuỳ thuộc nhu cầu của hợp tác xã”.
Mọi xã viên
trong hợp tác xã đều có quyền biểu quyết, quyền tham gia bộ máy điều hành hợp
tác xã, không phụ thuộc mức vốn góp. Trong biểu quyết, mỗi xã viên có quyền biểu
quyết như nhau, thông qua nguyên tắc mỗi người một phiếu biểu quyết.
Các quy định về
hoạt động của CTCP rất phức tạp, ví dụ tổ chức đại hội cổ đông hay lấy ý kiến cổ
đông, họp Hội đồng quản trị, Ban giám đốc...
b) Các vấn đề cần bổ sung và quy định rõ: Mục đích yêu cầu,
Quyền và trách nhiệm của Ban quản trị, Đăng ký công nhận và nhiệm kỳ Ban quản
trị, Nguyên tắc hoạt động, Nhiệm vụ của Trưởng Ban Quản trị, Nhiệm vụ của Phó
trưởng Ban Quản trị (Phó ban quản trị), Nhiệm vụ của thành viên phụ trách kế hoạch
- tài chính, Nhiệm vụ của thành viên phụ trách an ninh, trật tự, vệ sinh, Nhiệm
vụ của thành viên phụ trách kỹ thuật, Họp Ban quản trị, Biểu quyết thông qua
các quyết định của Ban quản trị, Tiếp và giải quyết kiến nghị của cư dân, Quan
hệ giữa Ban quản trị với các đơn vị có liên quan, Công tác Quản lý hồ sơ tài liệu...
III. ĐỀ XUẤT CÁC
VĂN BẢN THAY THẾ
Vì
không tán thành các văn bản do CT2 chuẩn bị nên Tôi đã chuẩn bị các văn bản
thay thế. Các văn bản này được đưa lên trang web toithichdoc.blogspot.com . Để
xem chi tiết, xin mời đọc theo các đường dẫn sau:
http://toithichdoc.blogspot.com/2017/01/quy-che-bau-ban-quan-tri-nha-chung-cu.html
https://toithichdoc.blogspot.com/2017/01/quy-che-hoat-ong-va-thu-chi-tai-chinh.html
https://toithichdoc.blogspot.com/2017/01/quy-che-quan-ly-su-dung-quy-bao-tri-ncc.html
https://toithichdoc.blogspot.com/2017/01/phieu-uy-quyen-hop-hoi-nghi-ncc-n03t8.html
https://toithichdoc.blogspot.com/2017/01/oan-chu-tich-ban-thu-ky-hoi-nghi-ncc.html
https://toithichdoc.blogspot.com/2017/01/phieu-bau-thanh-vien-ban-quan-tri-ncc.html
https://toithichdoc.blogspot.com/2017/01/phieu-bau-truong-ban-quan-tri-ncc-n03t8.html
https://toithichdoc.blogspot.com/2017/01/kich-ban-hoi-nghi-tru-bi-va-hoi-nghi.html
Trên
đây là một số ý kiến về các tài liệu chuẩn bị HNNCC do CT2 chuẩn bị. Chúng rất
sơ sài, không tuân thủ quy định về các văn bản luật lệ, nội quy; nhiều điểm trái
với quy định của pháp luật, cần được thay thế bằng các văn bản khác thì mới có
thể quản lý, sử dụng nhà chung cư có hiệu quả.
Rất
mong các cư dân tham khảo để có ý kiến với Công ty 2.
Xin trân trọng cám ơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét